lundi 19 décembre 2022

Nguyễn Ngọc Chính - Hành trình gian truân của Chiếc Cúp Vàng

 

Những cầu thủ nổi tiếng thế giới như Franz Beckenbauer, Daniel Passarella, Dino Zoff, Diego Maradona, Lothar Matthaus, Dunga, Didier Deschamps, Cafu, Fabio Cannavaro, Iker Casillas, Philipp Lahm, Hugo Lloris… có điểm gì chung ngoài chuyện đá bóng?

Họ đã từng nâng cao chiếc cúp bóng đá vô địch thế giới giữa tiếng reo hò của các cổ động viên túc cầu trên sân vận động. Đó là niềm vinh dự của các đội tuyển quốc gia lên ngôi vô địch được FIFA tổ chức cứ 4 năm một lần, kể từ năm 1930 tại Uruguay, ngoại trừ hai năm 1942 và 1956 bị gián đoạn vì chiến tranh.

Hành trình để có được giây phút vinh quang đó phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí còn phải đổ máu trên sân cỏ! Đó là điều mà mọi người yêu thích bóng đá có thể thấy rõ… nhưng bản thân chiếc cúp cầu thủ cầm trên tay cũng trải qua một cuộc phiêu lưu đầy gian truân mà rất ít người hâm mộ túc cầu biết đến.


Từ năm 1930, chiếc Cúp Vàng đã được trao cho đội vô địch qua nhiều thời kỳ. Tên gọi ban đầu của cúp là Chiến Thắng (Victory), nhưng sau đó được đổi tên để tôn vinh cựu chủ tịch của FIFA Jules Rimet, vào năm 1946. Nó được làm từ vàng mạ bạc nguyên chất, cúp mang biểu tượng Thần Nike, nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp.

Theo đơn đặt hàng của FIFA, chiếc cúp này được chế tác năm 1928 do một người thợ kim hoàn ở Paris tên là Abel Lafleur đúc bằng vàng, cao 35 cm, nặng 1,8 kg với chân đế bằng đá hoa cương nặng chừng 4 kg, và trị giá tổng cộng khoảng 10.000 đô la.

Vào ngày 20/03/1966, bốn tháng trước khi khai mạc vòng chung kết World Cup 1966 tại Anh, chiếc cúp Jules Rimet đã bị lấy trộm trong một cuộc triển lãm tại Quảng trường Trung tâm Westminster.


Rất may cúp đã được tìm thấy chỉ 7 ngày sau đó, trong tình trạng gói trong một tờ báo chôn dưới chân bờ rào một khu vườn ở ngoại ô Upper Norwood, phía nam Luân Đôn. Điều hi hữu, một chú chó tên là Pickles đã phát hiện ra chiếc cúp vàng.

Chiếc Cúp Vàng được triển lãm tại Westminster Central Hall, Luân Đôn, cùng lúc với một cuộc triển lãm tem bưu chính. Vào giờ ăn trưa ngày Chủ Nhật, những tên trộm đã lẻn vào cửa sau và nhanh chóng lấy đi bức tượng vàng!

Trong khi cảnh sát còn đang điều tra vụ trộm thì một hôm David Corbett dẫn chó đi dạo. Con chó, có tên Pickles, đánh hơi thấy ở hàng rào có gì lạ. Thế là Corbett phát hiện bức tượng vàng chôn giấu ở đó.

Chính quyền địa phương cũng đã thông báo ai phát hiện sẽ được trọng thưởng. Thế là Corbett được thưởng 6.000 bảng Anh (tương đương gần 7.300 đô la), về phần chú chó Pickles được thưởng một năm cung cấp thức ăn miễn phí! Đáng tiếc một điều, chưa đầy một năm chú chó đã qua đời khi đuổi theo một con mèo!


Trong thế chiến thứ hai, chiếc cúp lại có những cuộc phiêu lưu lạ lùng nhưng cũng không kém phần gian truân. Cúp đã được di chuyển từ kho lưu trữ an toàn tại ngân hàng về nằm dưới gầm giường của Ottorino Barassi, chủ tịch liên đoàn bóng đá Ý. Lý do của cuộc “tị nạn” là để tránh quân đội Quốc Xã Đức dòm ngó và tịch thu trong thời chiến tranh. 

Cúp lại được chuyển đến Uruguay sau kỳ World Cup 1950 rồi lại qua Đức năm 1954. Theo tài liệu “Chiếc Cúp Rimet: câu chuyện khó tin” của Ý, chiếc cúp vẫn còn “lạc vào tầm ngắm của những tên trộm”.

Phóng viên ảnh Joe Coyle đã chụp được hình cúp trên đường sang Thụy Điển, có điều cúp lại cao hơn chiếc nguyên thủy tới 5 cm và bệ cũng trông khác cúp gốc. Tạp chí thể thao The Athletic đã thực hiện một cuộc điều tra qua những bức hình của Coyle và cũng thấy những điều đó có phần đúng.


Có thể vì một lý do nào đó, bệ của chiếc cúp đã bị thay đổi nhưng không thể khẳng định đây là một chiếc cúp “hoàn toàn mới”. Câu chuyện của Joe Coyle chắc chắn đã tạo cho chiếc cúp thêm phần bí ẩn.

Đội tuyển bóng đá quốc gia Brazil giành chức vô địch lần thứ ba vào năm 1970, và theo quy ước của FIFA, họ có quyền giữ cúp vĩnh viễn chứ không phải trao cho đội vô địch của các quốc gia khác.

Tháng 12/1983 Cúp Vàng được lưu giữ tại Văn phòng Ủy ban Túc cầu ở Rio de Janeiro, thủ đô Brazil vì quốc gia này đã 3 lần vô địch. Chiếc cúp đã bị một băng đảng vũ trang cướp đi, dù đã được để trong lồng kính chống đạn.  

Rất nhiều người tình nghi đã bị câu lưu nhưng Cúp Vàng đã không còn xuất hiện trước công chúng. Cũng vì lý do đó, chiếc cúp Jules Rimet phải được đặt làm lại cho World Cup.


Cha đẻ của chiếc cúp mới là người Ý, Silvio Gazzaniga, đã học về nghệ thuật tại Milan. Ông làm việc tại Công ty Bertoni, chuyên gia công mề đay và cúp cho quân đội. Silvio cũng đã từng cộng tác với Ủy ban Thế vận Rome năm 1960 cho nên việc thiết kế một chiếc cúp cho túc cầu cũng nằm trong tầm tay.

Giorgio, con trai Silvio, nói với các phóng viên: “Cha tôi chuyên sáng tác cúp cho thể thao đã 20 năm. Chiếc cúp Jules Rimet là một ý tưởng nghệ thuật nhưng ông còn muốn sẽ sáng tạo một chiếc cúp cho thế kỷ thứ 20…”

Silvio khởi đầu công trình bằng một mẫu bằng plastic và gửi đến hội đồng giám khảo của FIFA, trong đó có rất nhiều chi tiết rất tỷ mỷ. Quan trọng nhất là quả địa cầu có hình dạng như một trái banh vì đây là giải túc cầu thế giới. Phần dưới chân đế là hai người nâng quả địa cầu, đại diện cho hai đội bóng. Chiếc cúp mẫu này hiện vẫn còn được trưng bày tại viện bảo tàng ở Milan.

Chiếc Cúp Vàng đã trở thành một biểu tượng vô giá của môn túc cầu khiến cho nhiều kẻ tham lam tìm cách chiếm đoạt như đã nói ở phần trên. Cũng vì lý do đó, ngày càng có nhiều biện pháp an ninh để ngăn ngừa tội phạm.


Ngày 20/01/2002, Cúp Vàng đã một lần ghé Việt Nam trên đường đến Nhật Bản - Hàn quốc, hai quốc gia Châu Á đầu tiên đăng cai World Cup. Nhà tài trợ cho FIFA khi đó là Coca-Cola đã tổ chức một hoạt động tiếp thị với sự tham gia của báo chí.

Với một lực lượng bảo vệ dày đặc, tôi và một số ít phóng viên đã được ban tổ chức lễ đón cúp mời lên sân khấu chụp hình với chiếc cúp. Cảm giác khi đó thật “thiêng liêng”… vì tôi nghĩ “một người ngoại đạo túc cầu” như mình chẳng bao giờ có hân hạnh được ôm Cúp Vàng trong tay!

NGUYỄN NGỌC CHÍNH 19.12.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.