Đăng ngày:
Không điện nước, những bất an khi mùa đông sắp đến với Ukraina
Le Figaro có bài phóng sự « Matxcơva tung ra đợt oanh kích ồ ạt nhắm vào cơ sở hạ tầng », còn La Croix nói về « Khủng hoảng của người dân Ukraina trước mùa đông ». Hôm qua, Matxcơva đã bắn khoảng 50 hỏa tiễn hành trình vào Ukraina, từ các phi cơ bay trên phía bắc biển Caspi và vùng Rostov của Nga, trong đó 44 bị Ukraina bắn hạ. Ở phía bắc Kiev, Nga nhắm đến đập thủy điện Vyshgorod, nhưng đập này không bị thiệt hại. Cúp điện diễn ra thường xuyên, 80 % cư dân không có nước dùng.
Một người dân Kiev cho biết đã sắp sẵn ba chiếc vali, một để chạy gấp vào métro, chiếc thứ hai dùng trong trường hợp bị buộc phải rời khỏi khu phố, và thứ ba nếu bị tấn công nguyên tử. Một người khác tức giận nói : « Không có nước, không điện, không lò sưởi, không ánh sáng, không có mạng điện thoại lẫn internet…Chúng tôi chẳng có gì cả ! Nga không thắng nổi quân đội chúng tôi nên tấn công vào thường dân ».
Về khía cạnh môi trường, nhà khoa học Mỹ Amory Lovins khi trả lời Le Monde đã cho rằng « Putin đã phá tan kỷ nguyên năng lượng hóa thạch ». Ông ta đã tạo ra tại châu Âu phong trào quy mô nhằm từ bỏ dầu khí Nga, hướng sang năng lượng tái tạo. Cho dù đã có từ trước, nhưng cuộc xâm lăng Ukraina đã đẩy nhanh xu hướng này.
Kherson, bước ngoặt cho cả đôi bên
Trên chiến trường, Le Figaro nhận định « Kherson là bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến ». Trong một cuộc phỏng vấn hôm 29/10, giám đốc tình báo quân đội Ukraina, Kyrylo Budanov nói rằng sẽ tái chiếm Kherson từ nay cho đến cuối tháng 11, dự báo đó là một trận đánh kéo dài và khó khăn.
Phát biểu từ vị tướng 36 tuổi này cho thấy vẫn không thể chủ quan trước quân Nga. Quân đội Ukraina đã chứng tỏ linh hoạt hơn, quyết tâm hơn, có nhiều thông tin và trang bị tốt hơn kẻ thù, đã làm nên được chiến công gây ấn tượng với công chúng, là niềm tự hào của người Ukraina. Nhưng Nga vẫn còn giữ 90 % lãnh thổ chiếm được từ ngày 24/02.
Thế nên trận Kherson rất quan trọng cho cả đôi bên, là bước ngoặt mang tính quyết định. Nếu giành lại được thủ phủ vùng đất do vị tướng nổi tiếng Potemkine lập ra năm 1778, Ukraina sẽ có được lợi thế cả về chiến thuật và tâm lý đối với quân xâm lăng.
Nếu Kherson bị tái chiếm, chế độ Putin khó đứng vững
Về chiến thuật, ai nắm giữ thành phố Kherson nằm cạnh sông Dniepr cũng nắm cả nguồn nước cho bán đảo Crimée. Nếu thua, các tướng lãnh Nga sẽ phải quên hẳn giấc mộng tiến đến Odessa, và Crimée sẽ thường xuyên bị đe dọa bởi các đợt tấn công của Ukraina.
Về mặt tâm lý, việc mất Kherson sẽ tác động lớn lên người Nga. Cho dù truyền thông bị kiểm soát, chủ nhân điện Kremlin rất khó nói rằng chỉ là rút lui chiến thuật. Putin đã trịnh trọng loan báo việc sáp nhập tỉnh này vào Liên bang Nga trong một buổi lễ hoành tráng trên quảng trường Đỏ.
Từ ngày 22/10, dân Kherson đã được sơ tán, thậm chí di cốt của tướng Potemkine cũng được bốc đi. Nga chuẩn bị một trận cận chiến ác liệt trên đường phố chăng ? Quân chiếm đóng đã được thay bằng những đội quân chuyên nghiệp. Matxcơva muốn làm chảy máu tối đa quân đội Ukraina, và giúp Vladimir Putin có thêm thời gian để huấn luyện 300.000 tân binh.
Trong giai đoạn này, Zelensky muốn rút ngắn thời gian để tiếp tục làn sóng chiến thắng, còn Putin ngược lại muốn kéo dài để mong châu Âu và Hoa Kỳ chán nản. Về phía Mỹ, không chỉ thủ lãnh Cộng Hòa ở Hạ viện không muốn phóng tay viện trợ, mà một nhóm dân biểu cực tả cũng viết thư đòi tổng thống Biden thương lượng hòa bình. Thua nặng trong giai đoạn đầu, Putin nay mong một cuộc xung đột đóng băng như Gruzia, nhưng một thất bại ở Kherson sẽ khiến chế độ của ông khó thể đứng vững.
Thân thiết với độc tài Bắc Kinh, Đức đi ngược chiều châu Âu
Chuyển sang mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc, Le Monde đặt vấn đề « Đức muốn gì đây ? ». Trong khi châu Âu tìm cách đứng ra xa Bắc Kinh, Berlin vẫn tính chuyện làm ăn như thường lệ. Ngày 04/11 tới, thủ tướng Olaf Scholz sẽ công du Bắc Kinh, được các lãnh đạo doanh nghiệp Đức tháp tùng. Vội vã đến thăm « Người cầm lái vĩ đại » mới ngay sau đại hội đảng thứ 20, vào lúc Hoa Kỳ muốn tách rời hai nền kinh tế và Liên hiệp Châu Âu giữ một khoảng cách với chế độ ngày càng tỏ ra độc tài, Đức dường như muốn đặt việc kinh doanh lên trên hết.
Trơ trẽn con buôn, ngây thơ một cách đáng ngạc nhiên, ích kỷ hay thiếu tầm nhìn địa chính trị ? Thật khó đoán, vì chính sách ngoại giao Đức vẫn không rõ ràng. Khi ngoại trưởng Annalena Baerbock kêu gọi « không nên lệ thuộc vào một quốc gia không chia sẻ những giá trị của chúng ta » để khỏi trở nên « dễ tổn thương trước những bắt bí về chính trị », không phạm cùng « sai lầm » với Nga, thủ tướng Đức chừng như vẫn cho rằng thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa đã quay lại.
Berlin lo sợ trước sự sụp đổ của hai trụ cột trong mô hình kinh tế Đức. Năng lượng giá rẻ từ Nga đã « bốc hơi » sau cuộc xâm lăng Ukraina, xuất khẩu sang Trung Quốc đang lung lay với sự chuyển hướng chính trị của Tập Cận Bình. Chủ trương thực dụng đã được thay thế bằng ý thức hệ, an ninh quốc gia và sự kiểm soát của đảng.
Do đang căng thẳng với phương Tây, Bắc Kinh muốn xây dựng một nền kinh tế vững chải về địa chính trị, ít lệ thuộc thị trường và đầu tư nước ngoài. Sự cứng rắn này đi kèm với quan hệ đối tác với Nga, mà nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan coi là « trục ý thức hệ mà mục tiêu chính là các nền dân chủ ». Chống lại Đài Loan độc lập nay đã được ghi vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho thấy khả năng xảy ra một cuộc xung đột lớn trong khu vực. Ông Scholz có thể hy vọng những gì trong bối cảnh đó ?
Cảng Hamburg, món quà « triều cống » Tập hoàng đế ?
Hiện nay xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc đã vượt 100 tỉ euro; doanh thu tại Hoa lục của BMW, Mercedes và Volkswagen chiếm 30-40 %. Duy trì kết quả này có cái giá của nó. Việc bán một phần cảng Hamburg cho tập đoàn quốc doanh Trung Quốc Cosco trước chuyến thăm chính thức phải chăng là món cống nạp cho Tập Cận Bình ? Georg Fahrion, thông tín viên tờ Spiegel tại Bắc Kinh mỉa mai : « Đó là vật phẩm triều cống của chư hầu như thời các hoàng đế Trung Hoa. Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc sẽ rất thích thú ».
Berlin đã sớm quên vụ Kuka, công ty robot tân tiến nhất của Đức bị bán cho Trung Quốc năm 2016 gây chấn động, giới chủ nước Đức bắt đầu ý thức được cần phải bảo vệ những viên ngọc công nghệ trước sự "phàm ăn" của Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Havard Business School nhấn mạnh : « Trung Quốc là bậc thầy trong nghệ thuật gây chia rẽ ». Mục đích là gây bất đồng trong châu Âu và rộng hơn là cả phương Tây. Chuyến thăm này giúp Bắc Kinh chứng tỏ với Hoa Kỳ là Trung Quốc vẫn có thể « mua sắm » ở cựu lục địa, và đồng minh châu Âu thiếu đoàn kết với Trung Quốc so với trước Nga. Trong cách nhìn này, ông Scholz đã tiếp tay cho trò chơi của Bắc Kinh. Philippe Le Corre cho rằng « Thái độ của Đức rất ích kỷ, thiển cận, không tính đến lợi ích của châu Âu mặc dù những nguy cơ đã hiển hiện ».
Trại heo lớn nhất thế giới ở Trung Quốc : Cao ốc 26 tầng
Trong lãnh vực nông nghiệp, Le Figaro và Le Monde cùng chú ý đến « trại nuôi heo lớn nhất thế giới », « heo được nuôi trong những tòa nhà chọc trời » tại Trung Quốc. Ở Ngạc Châu (Ezhou) thuộc tỉnh Hồ Bắc, hai khối nhà bê-tông cao 26 tầng sừng sững mọc lên từ đầu tháng Mười, cư dân là 650.000 con heo đủ mọi lứa tuổi.
« Khách sạn » này không chỉ ấn tượng về kích thước mà cả về công nghệ. Từ việc tắm rửa, cho ăn đến hạ thịt đều được tự động hóa, trung tâm điều khiển hiện đại đặt ở tầng hầm. Những chú heo được tự do di chuyển trong hành lang, tòa nhà có 6 thang máy trọng tải lên đến 40 tấn. Hệ thống điều hòa bảo đảm cùng một nhiệt độ suốt năm, mỗi ngày các robot theo dõi tình trạng sức khỏe đàn heo, nước thải được xử lý tại chỗ.
Trên 580 triệu euro được đầu tư cho trại heo khổng lồ này. Quốc gia 1,4 tỉ dân là nước tiêu thụ thịt heo nhiều nhất thế giới, bình quân 52 ký /người/năm, hy vọng gầy dựng lại đàn heo sau bốn năm bị dịch sốt châu Phi và dịch hạch heo. Lạm phát toàn cầu và chiến tranh Ukraina khiến giá đậu nành, bắp, những thức ăn chính cho heo, tăng vọt, trong khi Trung Quốc phải nhập khẩu những nguyên liệu này đến 80 %. Với chủ trương tự cung tự cấp, chính quyền Trung Quốc khuyến khích « chăn nuôi đại trà ».
Le Figaro lưu ý là trại heo lớn nhất thế giới này nằm cách Vũ Hán chỉ vài cây số - thành phố nổi tiếng thế giới vì là nơi xuất phát đại dịch Covid. Le Monde dẫn lời Agathe Gignoux của Compassion In World Farming France, một hiệp hội đấu tranh cho việc cải thiện điều kiện chăn nuôi, cảnh báo : « Chăn nuôi đại quy mô gia súc, vốn có hệ di truyền yếu, sẽ tạo nguy cơ lớn cho việc truyền nhiễm bệnh ».
Hầm mộ Paris : Gần 200 người thích cảm giác mạnh đêm Halloween bị phạt vạ
Hôm nay là lễ Toussaint (Lễ Các Thánh Nam Nữ), chỉ có Le Figaro xuất bản và Le Monde ra từ chiều hôm qua, các báo khác đều nghỉ lễ. Trong dịp này và tiếp theo là Lễ Các Đẳng Linh Hồn, báo chí Pháp có nhiều bài viết xung quanh việc tưởng nhớ người đã khuất. Le Figaro cho biết phân nửa số người Pháp vẫn luôn đến nghĩa trang thăm mộ những người thân đã qua đời trong kỳ nghỉ lễ này, một truyền thống không hề phai nhạt.
Trùng hợp với lễ hội Halloween, các báo cũng bàn luận về « cơn ác mộng », « thảm kịch chen lấn » ở khu Itaewon, thủ đô Seoul, Hàn Quốc làm 156 người thiệt mạng. Riêng tại Paris, cảnh sát đã phải vất vả tuần tra trong khu hầm mộ (Catacombes) đêm 31 rạng sáng 01/11. Có 199 người đã bị phạt vạ vì những khu hầm mộ chính thức mới được xuống thăm, vào ban ngày và phải trả phí, những nơi khác nguy hiểm lại không có sóng điện thoại, bị cấm vào. Những người phiêu lưu thích cảm giác mạnh vào đêm Halloween đã phải trả tiền phạt có khi lên đến 1.500 euro.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.