Xem trận đấu của Á Căn Đình với Hòa Lan thật tuyệt. Bóng tròn mang lại cho bà con bao nhiêu "cảm xúc" và dân bắt độ thì bao nhiêu... "cục tức".
Mấy bạn bắt đội xứ Nam Mỹ ,đã chuẩn bị bỏ tiền vào túi khi Á Căn Đình dẫn trước 2-0. Một tỉ số chắc ăn như bắp. Tui bắt xứ Hòa Lan nên... vô giường đi ngủ. Ấy vậy mà đang nửa tỉnh nửa mê thì thấy Á Căn Đình gỡ một trái rồi hai trái. Tỉnh ngủ luôn. Cuối cùng khi đá phạt luân lưu thì Á Căn Đình thắng, và sẽ vào bán kết gặp mấy chàng xứ Croatia, mà họ mới loại Ba Tây hai giờ trước đó. Năm nay dân độ yêu mến các đội xứ Nam Mỹ thua nhiều. Chia buồn với các bạn bắt kèo trên (thường chỉ bắt 90 phút hai hiệp chính).
Đội Á Căn Đình xứng đáng vào vòng trong nhờ bản lãnh, và cũng nhờ một Messi quá hay. Xứ sở này có một Maradona huyền thoại rồi lại thêm một Messi nữa. Toàn mấy anh lùn mà đi bóng hay quá cỡ. Đội muốn vô địch thế giới thì phải có cá nhân nổi bật. Chính cá nhân mới quyết định sự thắng bại trong khoảng khắc. Xây dựng đội tuyển mà không có cá nhân xuất sắc thì lúc nào cũng ở mức trung bình mà thôi.
Viết đến đây tui nhớ đến một cầu thủ hay mà xây dựng được cả một phong trào bóng tròn.
Ảnh tên Long. Một tiền đạo của đội bóng Tây Ninh thành lập sau 1975. Tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình nên phiêu bạt lên vùng tui ở, là vùng đất toàn những di dân lên phá rừng, chặt củi kiếm sống.
Vùng của tui còn ... rừng. Vô rừng đốn một khúc cây, "thồ" ra quốc lộ đứng xớ rớ chờ xe đò đi qua. Bán được khúc cây thì tối gia đình có gạo để ăn. Còn trồng bắp trồng lúa thì phải chờ cả năm mới thu hoạch. Hồi đó kiếm ăn như súc vật. Ngày nào biết ngày đó. Cầu thủ Long cũng tham gia đoàn quân xe thồ. Dĩ nhiên là du kích cũng rình bắt. Bị bắt là bị tịch thu xe (đạp) thồ. Là mất cần câu cơm.
Máu cầu thủ sẵn trong người nên khi rảnh rỗi, Long gom một số bạn bè lập đội banh. Chia phe đá đỡ buồn. Có điều ảnh đá hay quá, không ai đá lại. Lúc đó là năm 77,78 gì đó. Phong trào bóng tròn miền nam nhen nhúm trở lại nhờ các cầu thủ trước 75 gầy dựng. Các đội tên tuổi như Cảng Saigon hay Hải Quan nổi tiếng nhờ có các cựu cầu thủ đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa. Dân miền nam lúc này có chút bo bo trong bụng nên cũng ráng sức gầy dựng lại một phong trào thể thao mà mình yêu mến. Có gì đâu. Mua được một quả banh da. Bên mặc áo thun ba lỗ. Bên ... cởi trần, là có hai đội thi đấu không lộn vào đâu được.
Ủy ban xã thấy Long có "nghề", bèn giúp đỡ bằng cách "ngó lơ" khi Long đẩy khúc cây qua đường mòn nơi du kích hay... phục kích. Nhờ vậy Long đủ ăn, không phải độn mì hay bo bo như bao anh em khác. Các cơ bắp dần phục hồi. Ưu điểm của ảnh là có nước rút như xé gió và cú sút bén như dao. Muốn sút vào góc nào ở khung thành ảnh đều sút được.
Rồi may mắn lại có một anh tên Nghĩa. Là cựu cầu thủ của đội banh Quân Cụ của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Anh này lùn, chân vòng kiềng. Ảnh không biết sút vô cầu môn nhưng biết đi bóng qua vài cầu thủ và đưa banh cho Long làm bàn. Nghĩa cũng đưa gia đình lên đây sinh sống và gia nhập đội tuyển "đẩy cây". Khi có thêm Nghĩa "song kiếm hợp bích", đội bóng xã luôn thắng ở bất cứ trận đấu nào với các xã cùng huyện, cùng tỉnh.
Đội xã được bà con hùn tiền mua áo quần đồng phục. Được một đơn vị làm cầu đường ủi đất làm sân bóng. Và vì đá hay nên có thể ... bán vé. Lúc này đội banh mang danh là "đội xã" mà mấy đội tỉnh đụng vô vẫn bị thua như thường. Có một lần đội tuyển "Sở Vệ Sinh" (Saigon), được mời lên xã đấu giao hữu, vẫn bị thua đội xã. Tức chết được. Chính là nhờ có Long và Nghĩa. Nhìn Long thoát xuống như gió lốc, bỏ lại mấy hậu vệ sau lưng, đối mặt thủ môn và tung cú sút (hồi đó khung thành không có... lưới). Bà con reo mừng. Tạm quên đi bao cực khổ, đói kém của những năm ấy.
Đội banh dần nổi tiếng, sau đó mời được các đội bóng Saigon (cấp quận) lên thi đấu. Nhờ vậy mà dân xã mới có dịp nhìn thấy các cựu tuyển thủ vang bóng một thời như Tam Lang, Dương Văn Thà, Cù Sinh ... và nhiều cầu thủ khác nữa mà tui không nhớ tên. Tui chen lấn để đứng sát đường biên, có du kích giữ trật tự cầm roi quơ quơ vì bà con hay lấn vạch vôi.
Thấy cầu thủ vừa dẫn banh vừa lắc lắc, đôi chân nhá bên này nhá bên kia. Có cầu thủ mà hai bắp chuối chân bự chảng. Đứng gần giữa sân mà vẫn sút bóng thẳng vào khung thành nếu thủ môn không để ý. Và khi đứng xem thật gần, mình mới thấy họ là những nghệ sĩ. Uyển chuyển, hoa mỹ chớ không lấy thịt đè người. Mấy cầu thủ hay họ cũng biết cách "giữ giò". Chân họ nhá nhá khi lừa banh khiến hậu vệ không dám đốn sợ họ đạp phải. Thời đó đá một trận may ra được vài chai bia bồi dưỡng. Hư giò ai chịu.
Đội banh cũng như gánh hát, phải có một "ngôi sao" thì bà con mới bỏ tiền mua vé vào xem, và thật không uổng tiền. Nhờ có Long mà đám dân nghèo thời đấy mới được diện kiến nhiều ngôi sao bóng tròn thời xưa chơi bóng.
Sau này, đội Tây Ninh có kinh phí trả lương cho cầu thủ, Long được rút về. Anh từ giã vùng đất nghèo ấy, trở lại với đội tuyển. Phong trào bóng tròn xã tắt ngúm vì đội bóng mà không có ảnh, đá không ai xem vì... thua hoài. Sân cỏ đìu hiu, những con bò đủng đỉnh làm nơi kiếm ăn. Thế hệ trẻ sau đó không còn mê banh bóng nữa.
Một thời đã qua.
(Viết tặng các "cụ" nào sống ở xã Phú Túc hay Phú Cường huyện Định Quán, Đồng Nai. Những năm 77 - 80).
JIMMY NGUYEN NGUYEN 10.12.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.