Đăng ngày:
Bị đem con bỏ chợ, hàng trăm tấm « bia đỡ đạn » đã uổng mạng
Về cuộc chiến tranh ở Ukraina, trong bài « Sự phẫn nộ của những người lính bị động viên tại Nga », thông tín viên Le Figaro ở Matxcơva kể lại câu chuyện của 560 thanh niên vùng Voronej, đông nam nước Nga bị bắt lính. Họ bị đưa tới vùng Donbass, bỏ mặc dưới mưa đạn và nhiều người đã mất mạng.
Thân nhân của họ đòi hỏi thống đốc Voronej phải có câu trả lời. Người chị của một trong những tân bình này, nay ở Latvia, thuật lại cho kênh độc lập Dojd : « Các ông sếp nói : các anh là bia đỡ đạn, vì vậy người ta mới đưa đến đây ». Tiểu đoàn gồm 560 người đến Luhansk hôm 01/11 và lập tức bị đẩy ra mặt trận. « Cứ 30 người mới được phát một cái xẻng để đào chiến hào, những người chỉ huy nói rằng đi tìm thực phẩm rồi biến mất. Bốn mươi phút sau, các trận oanh kích bắt đầu, kéo dài ba ngày liền ».
Trang web Verstka cho rằng sự kiện xảy ra ở gần Makiivka thuộc Luhansk, và đã có « hàng trăm người chết », con số này không được xác nhận và không phân biệt giữa người thiệt mạng và mất tích. Thân nhân một tân binh khác cho biết cả tiểu đoàn chỉ có vỏn vẹn bốn quả lựu đạn để tự vệ. Khoảng 30 tân binh sống sót đã chạy đến làng Svetovo cách Makiivka chừng 30 cây số để gọi về cho gia đình, và trốn trong những căn nhà bỏ hoang. Bản tin của bộ Quốc phòng Nga từ 01-03/11 có nói đến trận đụng độ tại đây nhưng cho rằng lực lượng Ukraina đã bị đẩy lui.
Thân nhân tân binh đòi hỏi sự thật
Các gia đình phẫn nộ đã đến gặp thống đốc Alexandre Goussev, gọi cho người thân ở mặt trận trước mặt ông này để khẳng định sự thật. Quân đội hứa sẽ rút các tân binh này về « trong ba ngày ». Cuối tuần trước Vladimir Putin nói rằng đã huy động 318.000 người trong đó 49.000 đã đi chiến đấu, rằng giai đoạn động viên đã hoàn tất - cho dù một số người Nga vẫn tiếp tục nhận được « paviestka » (lệnh triệu tập). Bóng ma một đợt bắt quân dịch thứ hai trong mùa đông này vẫn đang đe dọa.
Trên mạng xã hội, các video tiếp tục cho thấy những tân binh than phiền thiếu huấn luyện, thức ăn và điều kiện sống tồi tệ - như ở Simferopol (Crimée) lính quân dịch phải ngủ trên các thùng gỗ hay không có quần áo ấm. Ở Kazan, mấy chục tân binh biểu tình vì được phát những khẩu súng rỉ sét từ thập niên 70. Tại Tchouvachie, khoảng 100 người lính đòi số tiền 195.000 rúp (3.250 euro) mà ông Putin đã hứa, khiến thống đốc phải tạm ứng một ít. Nhiều gia đình lo sợ vì không ít tân binh không nhận được thẻ bài đeo trên cổ để nhận diện trong trường hợp tử trận.
Nga muốn diệt Starlink, trợ thủ của Ukraina trên chiến địa
Cũng về Ukraina, Matxcơva luôn đe dọa bắn hạ các vệ tinh phương Tây cung cấp thông tin cho Kiev. Le Figaro đặt vấn đề « Liệu xung đột có thể lan đến trên không gian ? ». Từ đầu tháng Ba, bộ Quân lực Pháp đã cảnh báo về mối nguy có thể xảy ra ở cách Trái Đất mấy chục ngàn kilomet. Tướng Michel Friedling, chỉ huy lực lượng không gian Pháp cho biết luôn giám sát thường trực cùng với các đối tác và đồng minh về khu vực hãy còn là vùng xám.
Matxcơva nói về những vệ tinh nào ? Rõ ràng là mạng Starlink của tỉ phú Mỹ Elon Musk, nhờ đó mà Ukraina có được internet ngay cả trong các vùng bị oanh tạc. Ông Musk đã từng khoe Starlink là hệ thống liên lạc duy nhất hoạt động được tại tiền tuyến, và vào giữa tháng Mười tố cáo « Nga cố gắng tiêu diệt Starlink ».
Theo chuyên gia Paul Wohrer, không chỉ viễn thông, vệ tinh còn mang lại những lợi thế khác : cung cấp hệ thống định vị GPS và quan sát. Starlink giúp lực lượng Ukraina tính toán quỹ đạo của hỏa tiễn và định vị các mục tiêu. Tình báo Ukraina còn có liên lạc trực tiếp với các chuyên gia những công ty công nghệ không gian tư nhân của Mỹ như Maxar Technologies, Planet Labs, BlackSky ; những hình ảnh của họ giúp nhận ra bước tiến và thiết bị của địch quân, ngoài ra còn là bằng chứng cho những vụ giết hại thường dân của quân Nga.
Matxcơva có bắn hạ được các vệ tinh hay không ?
Các vệ tinh liên lạc thường ở khoảng cách 20.000 kilomet, tức là ngoài tầm bắn hỏa tiễn. Nhưng SpaceX đã đảo lộn trật tự, hệ thống vệ tinh được đặt ở quỹ đạo thấp 550 kilomet để thời gian truyền dữ liệu nhanh hơn.Nga có thể thực hiện lời đe dọa hay không ? Ngày 15/11/2021, Matxcơva đã dùng một hỏa tiễn đạn đạo từ mặt đất bắn vào một vệ tinh Liên Xô cũ có kích thước bằng chiếc xe hơi ở độ cao 500 kilomet. Ngoài Nga, chỉ có Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ có được công nghệ này.
Nhưng theo Paul Wohrer, hỏa tiễn chỉ có thể chạm đến một mục tiêu trong khi SpaceX có đến 2.300 vệ tinh đang hoạt động và con số này đang tăng lên, để dần đạt đến một « thiên hà » gồm mấy chục ngàn vệ tinh. Nga không thể nào phá hủy cả hệ thống này. Tuy nhiên trước nguy cơ các mảnh vỡ vệ tinh làm ô nhiễm không gian, Nga phải chịu trách nhiệm rất lớn.
Còn có những phương cách khác cho cuộc chiến trên vũ trụ : làm rối loạn hoạt động của vệ tinh như làm lệch quỹ đạo, gây nhiễu, dọ thám thay vì tiêu diệt. Hôm 24/02 trước cuộc xâm lăng, hàng ngàn người Pháp bị mất kết nối internet, vệ tinh Viasat bị tin tặc tấn công khiến một số vùng ở châu Âu và đặc biệt Ukraina mất sóng, Nga được cho là thủ phạm. Cùng lúc đó các tin tặc nhóm Anonymous nói rằng đã tấn công vào Roscosmos, cơ quan vũ trụ Nga để Matxcơva « mất kiểm soát các vệ tinh do thám » nhưng Nga bác bỏ, còn ông Musk cho biết phải bỏ ra nhiều tiền để chống lại những vụ tấn công kiểu này. Năm 2018, bộ trưởng Quân lực Pháp tố cáo một vệ tinh Nga tiến sát vệ tinh quân sự Pháp-Ý để nghe lén.
Cuộc chiến của Putin trên hai mặt trận quân sự và chính trị
Trên bình diện địa chính trị, Le Figaro phân tích « Cuộc chiến trên hai mặt trận của Vladimir Putin », vừa quân sự vừa về ý thức hệ. Trên mặt trận quân sự, mọi chuyện chẳng ổn thỏa chút nào cho ông chủ điện Kremlin, vốn chưa bao giờ ra đến tiền tuyến. Trong tám tháng rưỡi chiến tranh, quân đội Nga tỏ ra kém cơ động hơn, ít sáng kiến, thiếu kỷ luật và trang bị kém so với đối thủ Ukraina. Nga cũng không có các đồng minh giúp huấn luyện, cung cấp thông tin tình báo và vũ khí tân tiến.
Thế nên quân chiếm đóng khó thể giữ được Kherson, thủ phủ duy nhất chiếm được từ ngày đầu. Nếu để lại một đội quân lính trẻ đồn trú ở Kherson sẽ có nguy cơ bị bao vây không thể tiếp tế nên phải đầu hàng. Có thể hình dung ra những hình ảnh quân Nga ra hàng cả đơn vị sẽ phục vụ cho tuyên truyền của Ukraina như thế nào. Cũng có thể Putin cho rút quân khỏi Kherson để cố thủ sau chướng ngại thiên nhiên là con sông Dniepr có chiều rộng hơn một kilomet. Mùa đông sẽ là lợi thế cho Nga để huấn luyện 300.000 lính bị động viên. Liệu Nga có trụ được đến 2023? Tất cả tùy thuộc vào khả năng quân đội Nga có hiện đại hóa được hay không.
Về ý thức hệ, Putin muốn đứng trên hàng đầu chống phương Tây. Ông ta nói rằng việc xâm lăng Ukraina hôm 24/02 là hành động « phòng vệ » để tránh một cuộc thảm sát người gốc Nga ly khai ở Donbass. Tổng thống Nga cáo buộc phương Tây vũ trang cho Ukraina là xúc tiến « các mục tiêu địa chính trị không liên quan đến lợi ích của người Ukraina ». Nhưng các nhà quan sát độc lập đặt câu hỏi « lợi ích nào của nhân dân Ukraina » mà quân đội Nga xúc tiến, khi hãm hiếp phụ nữ ở Bucha, khi san bằng những khu dân cư ở Mariupol, oanh tạc các siêu thị ở Krementchouk hay mạng lưới điện Kiev ?
Lúng túng trong vấn đề Ukraina, Putin bèn tự nâng lên một tầm cao mới : nền văn minh. Tại diễn đàn Valdai ngày 27/10, ông ta đả kích sự ngạo mạn « thuộc địa mới » của phương Tây, muốn áp đặt trật tự « con buôn » trên toàn thế giới, làm ngơ quyền theo đuổi « truyền thống » của các nước. Luận điệu này thành công với thế giới thứ ba, tác động lên quần chúng bảo thủ ở châu Mỹ và châu Âu vốn gắn bó với giá trị gia đình truyền thống, bất bình với phong trào « woke » (thức tỉnh) và sự độc tài của thiểu số. Nhưng một thành La Mã thứ ba của Putin chỉ khả tín nếu chế độ ông ta từ bỏ việc trộm cắp và sát nhân.
Trung Quốc : « Nhà giàu cũng khóc »
Trong khi đó ở châu Á, « nhà giàu Trung Quốc lánh nạn tại Singapore ». Đặc phái viên tờ báo thuật lại làn sóng chạy ra nước ngoài của giới tinh hoa ở Hoa lục, tránh « chủ nghĩa xã hội » ngày càng đỏ của « đồng chí » Tập Cận Bình.
Ngay sau khi ông Tập « đăng quang » lần thứ ba, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã lao dốc, những người giàu có nhất tìm cách ra ngoại quốc sinh sống, nhất là sang Singapore. Aric Lim, nhà kinh doanh địa ốc vui vẻ cho biết điện thoại của ông không ngừng reo, khách hàng Trung Quốc đông đảo hơn bao giờ hết, nhất là sau vụ phong tỏa Thượng Hải. Họ muốn ra đi bằng mọi giá. Đa số là giới tinh hoa ở các đại đô thị như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Trùng Khánh.
Theo Lianhe Zaobao, một tỉ phú ở Phúc Kiến đã mua luôn 20 căn hộ sang trọng với giá 60 triệu euro và đặt cọc thêm 10 căn, trả tiền mặt nhờ trung chuyển từ Indonesia, né giới hạn 50.000 đô la/năm. Chính quyền Singapore kín tiếng trước hiện tượng này để không làm phật ý Bắc Kinh, nhưng trong hậu trường thì xoa tay hài lòng.
Singapore hưởng lợi trước làn sóng người giàu chạy khỏi Hoa lục
Báo cáo của Henley & Partners ước tính trên 10.000 người Trung Quốc có thu nhập cao cố tìm cách định cư ở nước khác, một nguồn lợi 48 tỉ đô la. Singapore, Úc, New Zealand, Dubai được ưa chuộng nhất. Lo sợ cho gia tài tích tụ được trong thời kỳ cất cánh của « công xưởng thế giới » trước chính sách « thịnh vượng chung » (cộng đồng phú dụ) của hoàng đế đỏ, cộng thêm zero Covid, họ đành bỏ phiếu bằng đôi chân.
Hình ảnh ông Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi đại hội đảng là biểu tượng cho hồi kết của thời kỳ làm giàu dễ dàng. Hơn một triệu cán bộ đã bị kỷ luật. Nhà chính trị học Lôi Cường (Wu Qiang) giải thích, giới trung lưu lớp trên hiểu ra hơi muộn rằng đại hội 20 khởi đầu cho một mô hình toàn trị mới, họ sợ rằng không thể để lại gia tài cho con cái cũng như cho con đi du học.
Đại đa số trong 1,4 tỉ dân Hoa lục không có được may mắn này, hộ chiếu hiện chỉ được cấp nhỏ giọt (2 % so với năm 2019) và muốn ra đi phải có lý do thiết yếu. Việc kiểm soát luồng vốn sẽ khắt khe hơn, và những đại gia thường di chuyển bằng Ferrari nay phải chạy đua với thời gian để có thể ra khỏi Hoa lục.
Bầu cử Mỹ : Cuộc chiến khủng long và hoàng hôn dân chủ
Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ hôm nay chiếm trang nhất hầu hết báo Pháp. Với Le Monde là « hai nước Mỹ mặt đối mặt », Libération chạy tựa « Trận đấu lượt về của dân chủ ». Tương tự, Le Figaro đăng ảnh cựu và đương kim tổng thống Mỹ đang quay lưng lại với nhau, với dòng tít lớn « Trump-Biden, trận đấu lượt về ». Đối với Libération, tuy chỉ là một cuộc bầu cử giữa kỳ nhưng gần như là một cuộc nội chiến. Les Echos gọi đây là buổi « hoàng hôn dân chủ ». Thường thì ở Hoa Kỳ người ta mừng « Election Day », nhưng lễ hội hôm nay rõ ràng buồn tẻ, người Mỹ chia thành hai phe không thể đối thoại với nhau.
Trong bài xã luận « Cuộc chiến khủng long », Le Figaro nhận định Joe Biden sẽ yếu đi sau kỳ bầu cử này. Từ gần một thế kỷ qua, hầu như tất cả tổng thống đương nhiệm đều thua trong « Midterms », nhất là khi kinh tế có dấu hiệu sa sút và tỉ lệ tín nhiệm vào khoảng 40 %. Tất cả những ngôi sao xấu đều chiếu mệnh để tổng thống Mỹ thứ 46 bị mất đa số ở Hạ viện và có thể ở Thượng viện. Thất bại này sẽ làm hai năm tới của nhiệm kỳ bị tê liệt. Donald Trump đang chuẩn bị mừng một chiến thắng cá nhân, có thể khuyến khích ông ra tranh cử năm 2024 ; ngược lại phe Dân Chủ cố gắng ngăn Joe Biden, đã ở tuổi 80, không tái cử. Theo tờ báo, Cộng Hòa cũng nên làm như vậy, lập trình cho sự biến mất của những con khủng long.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.