Thời chiến tranh Việt Nam, đám hippy phản chiến mắc dịch có một phương châm nghe rất thuyết phục đối với tụi chủ bại, là “mần tình chớ hỏng gây chiến” (make love not war).
Mấy ngày trước đang nghiên cứu một ống nhắm mới của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (TQLC), tình cờ tìm thấy một tấm hình một nữ quân nhân TQLC Mỹ đang tác xạ loại súng mới ống nhắm mới ở thế bắn nằm.
Thấy có dòng chữ nguệch ngoạc phai màu viết trên túi đựng nước uống đeo sau lưng cô ấy. Soi kỹ thì thấy câu “make war not love”, có nghĩa là “quánh lộn chớ hỏng mần tình”. Chắc chắn câu này là để châm chọc khinh miệt bọn hippy phản chiến hèn nhát, tối ngày chỉ hút xì ke và làm trò con heo lẫn lộn nhau.
Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ là một trong những binh chủng ưu tú, chỉ toàn quân nhân tình nguyện như các binh chủng Nhảy Dù, Biệt Động Quân Mỹ v.v... Tuy nhiên binh chủng TQLC thường có những quyết định riêng biệt về cách huấn luyện hay các loại súng ống rất khác với Lục Quân.
Ví dụ cô nữ quân nhân TQLC này đang tác xạ khẩu M27 là mã số của khẩu HK416 do hãng HK của Đức biến chế lại từ cây M4/M16. Lục Quân Mỹ thì vẫn còn xài khẩu M4 đã lỗi thời và sẽ thay thế loại mới hơn là cây XM5 do hãng SIG Sauer chế tạo. SIG Sauer cũng công ty gốc Đức như HK. Khẩu M27 và XM5 tuy mới và lợi hại hơn nhiều nhưng vẫn mang đậm bản sắc của khẩu M4, hay ba của nó là khẩu M16, hoặc ông bành tổ là AR15 kính mến.
Cả hai khẩu M27 (HK416) và XM5 đã giải quyết vấn nạn của dòng M16 là ống ga không còn phun hơi nóng và khói súng vào cơ bẩm làm kẹt đạn. Và thay thế bằng hệ thống piston nằm bên ngoài để đẩy cơ bẩm lùi lại phía sau như khẩu M14 hay khẩu AK.
Khẩu M4 đã vô cùng lợi hại hơn các loại AK vì nhẹ, trọng lượng cân bằng không nặng ở mũi súng, thay băng đạn rất mau, và rất chính xác. Do đó các đơn vị đặc nhiệm hay biệt kích trên thế giới rất thích xài M4 chớ hỏng ai dùng súng AK. Giờ đây khẩu M27 và XM5 tối tân và sát thủ hơn. Một khuyết điểm của M27 và XM5 là nặng nề hơn. Nhưng lính Mỹ càng ngày càng lệ thuộc vào cơ giới mà.
Quân Lực Pháp rất kiêu hãnh với khẩu FAMAS huyền thoại đã lập rất nhiều chiếc công trong quân sử của Pháp. Nhưng người Pháp tự tôn đã bỏ rơi khẩu FAMAS yêu dấu để thay thế bằng khẩu HK416 vốn là cháu chắt của dòng AR15 của Mỹ. Có không ít người Pháp kiêu hãnh đã phẫn nộ vì sự chọn lựa này. Nhưng sự chọn lựa đó dựa vào hiệu năng tác chiến hơn là tự ái dân tộc.
Trở lại cái ống nhắm gắn trên súng M27 của cô TQLC là Trijicon USMC SCO VCOG 1-8x28mm. Nặng 893 gram, nghĩa là rất nặng. Ống nhắm được chế tạo bằng nhôm cứng rất dầy và chịu đựng được kẹo đồng AK bắn trúng. Theo sự bảo đảm của nhà sản xuất thì ống nhắm này có thể chìm xuống nước có độ sâu 20 mét thì vẫn không hư.
Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ rất “cực đoan” và khác thường. Họ quan niệm rằng để đổi lại cái ống nhắm tốt mà nặng nề, thì người lính TQLC hỏng cần thiết phải mang nhiều kẹo để nã liên thanh vào chốn hư không, vì mỗi lần bóp cò phát một với ống nhắm thượng hạng, là một địch quân vỡ toan gáo dừa.
Có mấy thằng bạn đồng nghiệp là cựu lính TQLC và kẻ hèn than phiền với nó là sao binh chủng của mày lựa chi mấy đồ phụ tùng nặng nề gây khó khăn cho binh sỹ khi đi hành quân. Thì nó ngoan cố ngoan cường: “ống nhắm nặng thì phải tập thể thao thiệt nhiều để có sức khỏe vác nó”.
Nghe anh bạn ca ngợi em Trijicon 1-8x28mm nên cũng xuôi tai, vì cũng đã xài nhiều năm loại tương tự nhưng nhỏ và nhẹ hơn là Trijicon VCOG 1-6x24mm, nên rất thích. Cho nên đi tìm mua cái ống nhắm mới của TQLC, phải có cái gì đặc biệt họ mới chọn lựa chớ. Khi cầm trên tay cái ống nhắm, cảm nghĩ đầu tiên là nếu súng hết đạn thì tháo ống nhắm khỏi súng làm cái búa đánh xáp lá cà. Nện cái ống nhắm nặng gần một ký lô zô gáo dừa địch quân là nó móp gáo liền.
Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ hỏng những có ống nhắm mới, súng mới, mà còn có máy hồng ngoại tuyến mới để nhìn đêm. Tất cả lính Mỹ của mọi binh chủng đều được trang bị máy hồng ngoại tuyến để bắn đêm. Phương châm của họ là “Chúng tôi sở hữu màn đêm”.
Năm 2019 TQLC chê các máy nhìn đêm PVS-14 và PVS-15 cổ lổ sĩ. PVS-14 trị giá 3000 đô la và PVS-15 là 10000 đô. TQLC ký hợp đồng 250 triệu đô la để mua 14 ngàn “ống dòm nhìn đêm của tiểu đội” (Squad Binocular Night Vision Goggle) hay SBNVG. Mỗi ống dòm nhìn đêm này trị giá khoảng 17 ngàn đô la.
Sự khác biệt của SBNVG với cái đồ chơi cổ điển PVS-14 và PVS-15 là ngoài chức năng hồng ngoại tuyến thấy cảnh vật lồ lộ màu xanh bằng phẳng hơi thiếu chiều sâu. SBNVG có chiều sâu hơn và thêm bộ phận phát hiện vật thể tỏa nhiệt (thermal imaging).
Sự kết hợp giữa hai chức năng đã giúp người lính có thể nhìn xuyên qua sương mù, khói bụi v.v... Hoặc khi đột kích vào hang động tối om thì máy hồng ngoại tuyến thường chưa chắc nhận diện ra địch quân nếu hắn ngụy trang và nằm im. Với máy mới này thì dù địch có núp trong lùm cây thì vẫn thấy tỏa “hào quang” hình dáng một thằng đang núp lùm, xạ thủ có thể rót một trái phóng lựu vào nơi “lạy ông tui ở bụi này”. Bùm, hết núp lùm nè.
Lính Mỹ là tình nguyện quân. Tinh thần tác chiến cao độ. “Quánh lộn chớ hỏng mần tình” – Make war not love. Lính Mỹ đôi lần bị bắt buộc phải thua trận vì các chánh khách tham quyền, dùng chính sách rút quân để hốt phiếu hầu ôm ghế Tổng Thống, và cũng một phần bị đám hippy phản chiến đâm sau lưng chiến sĩ.
Năm 1973 lính Mỹ rút khỏi miền Nam để thực thi cái gọi là “Hòa Bình Trong Danh Dự” của Tổng Thống Nixon, và điều ấy đã cho ông ta thắng vẻ vang ở nhiệm kỳ hai. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, hai năm sau cộng sản Bắc Việt mới chiếm được miền Nam. Trong hai năm sau cùng của cuộc chiến, Việt Cộng đâu có đánh nhau với lính Mỹ, mà họ chỉ đánh với lính miền Nam khi ấy đã bị bỏ rơi và gần hết đạn.
Ngày xưa có thảm bom B-52 biến rừng núi ruộng đồng thành mặt trăng. Nói hỏng sợ bom B-52 là nói dóc. Ngày nay thay đổi rất nhiều. Không cần rải thảm bom nữa. Máy bay chỉ thả một hay hai trái bom rồi bay đi. Các trái bom đó xuyên hầm và nổ chính xác trong vòng vài mét. Súng cá nhân của lính Mỹ ngày hôm nay cây nào cũng có ống nhắm mắc tiền, họ không cần thiết phải bắn xối xả cả ngày như thời chiến tranh Việt Nam.
Hình ảnh các loại đồ chơi mới cho thấy kỹ nghệ chiến tranh luôn luôn tìm cách cải thiện phương tiện chiến đấu của người lính Mỹ. Cứ trung bình năm hay mười năm là thay thế các trang cụ mới tốt hơn hiệu năng hơn.
Cái mà nước Mỹ thiếu trong lịch sử cận đại là một vị nguyên thủ biết khơi dậy lý tưởng tự do của người dân, vốn là truyền thống có từ thời lập quốc. Khi mà dân chúng Mỹ được lãnh đạo động viên để hiểu vấn đề thì quân đội không bị các chánh khách trói tay, và vị nguyên thủ không cần mị dân bằng các hứa hẹn rút quân để kiếm phiếu. Đúng là "Cái đầu lấn cấn đi không quá gốc cây".
BÔNG LAU 31.10.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.