jeudi 14 juillet 2022

Nguyễn Chương - Bóng tròn, nhựt trình, cải lương

Dân miền Nam nói chung, và đặc biệt là dân Sài Gòn hồi trước, có ba món bất ly thân: bóng tròn, nhựt trình, cải lương.

Sáng sáng nơi quán cà phê hẻm, cà phê lề đường, vừa uống ly xây chừng vừa đọc nhựt trình, mới đúng điệu.

Giấc tối, dắt gia đình đi coi hát cải lương.

Bữa nào có trận đấu bóng tròn ("túc cầu") là rủ nhau đi coi cho bằng được, kẹt lắm thì nghe tường thuật qua radio cho đỡ ghiền.

Có một điều đáng vỗ ngực hãnh diện, cả ba món (nêu trên) Sài Gòn đi tiên phong hoặc nhờ có Sài Gòn thì mới nổi đình nổi đám.


* Nhựt trình (báo chí) bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên là "Gia Định báo" ra đời năm 1865, sau đó mới đến lượt ngoài Bắc có báo quốc ngữ.

* Cải lương ươm mầm ở Mỹ Tho, ở Bạc Liêu, nhưng thảy đều phải gióng trống tại Sài Gòn cho xứng danh "đại ban". Từ đây cải lương lan ra cả nước: miền bắc, miền trung cũng đều lập gánh hát cải lương (trong khi chèo, tuồng thì không lan ra cả nước).


* Món bóng tròn (túc cầu) cũng khởi đầu từ Sài Gòn, với đội bóng đầu tiên của cả nước là đội "Gia Định Sport" vào năm 1907.

Đội tuyển túc cầu Việt Nam (trong giai đoạn 1954-1975, tham dự đấu trường khu vực Đông Nam Á lẫn đấu trường châu Á là đội tuyển của Miền Nam, ngoài miền Bắc không có mặt) giành Huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games (bấy giờ, gọi SEAP Games) vào năm 1959!

Rồi, năm 1962, đội tuyển túc cầu Việt Nam (do miền Nam đại diện) tiếp tục gây tiếng vang trên sân cỏ quốc tế khi giành ngôi vị "Đệ tứ anh hào" (hạng 4) tại Đại hội thể thao toàn châu Á (ASIAD), xếp trên cả Nhựt Bổn, Thái Lan, Nam Dương (Indonesia)...!

Hồi đó nhà thơ Đinh Hùng hào hứng viết như ri: "Đá bằng chân mà thiên hạ cúi đầu".

* Năm 2019 đội tuyển bóng đá Việt Nam giành Huy chương vàng tại SEA Games. Tôi nhớ, lúc đó trên nhiều báo VN giựt tít "Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam giành Huy chương vàng". Nhưng huấn luyện viên Park Hang Seo (Phác Hằng Tự) khi được phỏng vấn nói rõ: đây là huy chương vàng thứ nhì!

Coi, huấn luyện viên người Hàn mà biết rõ "lai lịch" môn bóng đá ở Việt Nam còn rành hơn nhiều phóng viên trong nước.

Thời may, tại TPHCM (tức Sài Gòn trước đây) cũng còn vài tờ tỏ ra có hiểu biết, trung thực như ông Park, đăng tin thiệt trúng. Đó là, sau 60 năm, kể từ năm 1959 (Huy chương vàng của đội tuyển túc cầu Việt Nam, do miền Nam đại diện), bóng đá Việt Nam mới tái lập thành tích.

* Cũng cái mửng thổi tận mây xanh, khi bóng đá Việt Nam xếp hạng 4 tại đấu trường ASIAD vào năm 2018, nhiều tờ báo giật tít "Lần đầu tiên hạng 4 tại Á vận hội".

Vỗ tay cho thành tích, ai ưng món bóng đá cũng khoái. Nhưng "nổ" sai lịch sử, coi không được chút nào. Bởi vì, nói cho đúng, mãi sau 56 năm kể từ khi túc cầu Việt Nam giành ngôi thứ 4 (năm 1962) thì bóng đá Việt mới nối gót đàn anh mà tái lập thành tích như rứa.

NGUYỄN CHƯƠNG 14.07.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.