vendredi 24 juin 2022

Trần Trung Đạo - Mộ yêu nước, mộ thực dân

 

Năm ngoái một người bạn Facebook hỏi nhưng không nhớ là ai nên góp ý chung ở đây. Câu hỏi là tại sao có Tây Ban Nha trong Liên Quân Pháp-Y Pha Nho đánh Việt Nam rồi bỗng dưng biến mất khỏi chiến tranh thuộc địa?

Trước 1975,  chúng ta học về giai đoạn thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm Việt Nam có mặt của Tây Ban Nha và được gọi là liên quân Pháp-Y Pha Nho.

Tây Ban Nha không có ý định chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Lúc đó Tây Ban Nha đã có thuộc địa ở Á Châu là Philippines. Ý định chiếm Việt Nam làm thuộc địa là của Pháp. Nhiều thế kỷ trước đó Tây Ban Nha đã có những dòng tu truyền đạo tại Việt Nam và Cambodia. Vào thời điểm 1850, cả Pháp lẫn Tây Ban Nha đều có các nhà truyền đạo bị triều đình nhà Nguyễn bắt giữ.

Mùa hè 1857, Giám Mục Tây Ban Nha là Jose Sanjurjo Diaz bị bắt và bị kết án tử hình. Trong tuyệt vọng, Tổng Lãnh Sự Tây Ban Nha tại Macao là Nicasio Moral yêu cầu Pháp giúp để bảo vệ mạng sống của Giám Mục Diaz.  Lá thư đến trễ, Giám mục Jose Sanjurjo Diaz đã bị tử hình ngày 20 tháng 7, 1857.

Pháp và Tây Ban Nha đều giận và có ý định trừng phạt Việt Nam về tội giết các nhà truyền giáo nên khi Pháp mời Tây Ban Nha tham gia chiến dịch đánh Đà Nẵng Tây Ban Nha nhận lời. Hải quân Tây Ban Nha gồm hai chiến hạm Jorge Juan và Elcano do Đại Tá Oscariz chỉ huy với 500 quân gồm phần lớn là người Philippines.

Chỉ huy quân đội Việt Nam để bảo vệ Đà Nẵng là Tổng thống Quân Vụ Nguyễn Tri Phương vừa được điều từ Nam ra. Vì phương tiện chiến tranh chênh lệch quá xa, danh tướng Nguyễn Tri Phương chủ trương đánh tiêu hao lực lượng địch thay vì  đương đầu trực tiếp với hỏa lực của Pháp và Tây Ban Nha. 

Trận Đà Nẵng là một chiến thắng của Việt Nam dù phải chống lại một quân đội hai nước, đúng ra là ba nếu tính cả Philippines, với võ khí vượt trội. Riêng hải quân Pháp có 12 tàu chiến và Tây Ban Nha có 2 tàu chiến. Số lượng tàu chiến khác nhau vài chiếc phát xuất từ nguồn trích dẫn. Chiến lược của Nguyễn Tri Phương chứng tỏ có tác dụng. Sau 6 tháng bị phục kích và bịnh tật, liên quân Pháp và Tây Ban Nha để lại một số đơn vị,  chuyển hướng mục tiêu vào tấn công Gia Định.

Ngày 16 tháng 2, 1859, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Gia Định. Quân Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của tướng Charles-Gabriel-Felicite Martin des Pallires.  Tháng 2, 1861, Phó Đô Đốc Pháp Leonard Charner từ Thượng Hải đến Sài Gòn để tiếp tục kế hoạch đánh chiếm Việt Nam.  (Filipino Involvement in the French-Spanish Campaign in Indochina 1858 – 1862)

Vào thời điểm này quân Tây Ban Nha dưới quyền Đô Đốc Bernardo Ruiz de Lanzarote rút lui theo lời yêu cầu của Pháp.  Các đơn vị người Philippines, thuộc địa của Tây Ban Nha, rút khỏi Sài Gòn năm 1862.  Tướng Carlos Palanca Gutiérrez sau này lên chức Thống Chế ghi lại các chi tiết củas cuộc chiến xâm lược Việt Nam của Pháp và Tây Ban Nha trong giai đoạn từ 1857 đến 1862 trong tác phẩm: “La Reseña histórica de la Expedición de Cochinchina” (The Historical Review of the Cochinchina Expedition).

Danh tướng Việt Nam bảo vệ thành Gia Định cũng là Nguyễn Tri Phương. Trong trận này ông bị thương. Sau đó được điều ra bảo vệ miền Bắc và bị trọng thương khi bảo vệ thành Hà Nội. Vị tướng lãnh thao lược nhất của các triều đình nhà Nguyễn đã “nhịn đói chịu đau mà chết” ngày 20 tháng 12, năm 1873 (nhằm ngày 1 tháng 11 Âm Lịch), thọ 73 tuổi.


Hôm kia đọc trên Facebook của một người bạn và thấy hình ảnh ngôi mộ của danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Nhìn ngôi mộ cổ đầy cỏ dại như đã bỏ hoang từ lâu lắm mà không khỏi đau lòng. Dĩ nhiên không cần phải xây dựng theo cách khoe khoang các cổng làng ở Việt Nam hiện nay nhưng ít nhất một việc mà ai cũng làm được là giữ gìn sạch sẽ, trang nghiêm.

Nhìn ngôi mộ của danh tướng suốt đời hy sinh cho dân tộc Nguyễn Tri Phương và khu mộ của Trần Đại Quang, người có nhận thức sẽ hiểu ra Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi chế độ thực dân vẫn còn tồn tại, chỉ đổi màu.

TRẦN TRUNG ĐẠO 21.06.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.