jeudi 30 juin 2022

Bông Lau -Binh sĩ Ukraine rút khỏi Severodonetsk

 

Bị cô lập và đuổi khỏi G7 nên Vladimir Putin điên cuồng ấu trĩ bắn phá để gây sự chú ý. Giống hình ảnh một đứa trẻ trong cơn giận dỗi nên đập phá đồ đạc để gây áp lực với cha mẹ.

Ngày Chủ Nhật 26/06 Putin nã 40 hỏa tiễn tầm xa từ oanh tạc cơ T-22 bay ở không phận Belarus. Một chung cư 9 tầng ở Keiv bị trúng hỏa tiễn. Một người cha bị tử thương, con gái 7 tuổi bị thương.

Qua ngày thứ Hai 27/06 Putin nã thêm hỏa tiễn hành trình từ Biển Đen. Một khu thương xá ở thành phố Kremenchuk, Poltava có trên 1.000 người đang tấp nập mua bán bị trúng hỏa tiễn làm 18 người chết, 59 người bị thương. Con số thương vong này có thể gia tăng.

Thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức Olaf Scholz tuyên bố mối quan hệ bình thường với Liên Bang Nga như trước khi họ xâm lược Ukraine sẽ không bao giờ có nữa.

Tưởng cũng cần nhắc lại, Liên Bang Nga dưới thời Tổng Thống Boris Yeltsin được mời tham gia sinh hoạt với nhóm 7 quốc gia kỹ nghệ hàng đầu thế giới G7 vào năm 1994. Đến năm 1997 thì Tổng Thống (TT) Boris Yeltsin được TT Bill Clinton và Thủ Tướng Tony Blair mời trở thành hội viên chính thức của nhóm, và G7 trở thành G8. Trong thời gian quan hệ tốt lành ấy, nhiều người muốn mời Liên Bang Nga gia nhập khối NATO.

Nhưng Vladimir Putin lên cầm quyền năm 2012 và có ý đồ muốn xây dựng lại Liên Bang Xô Viết. Năm 2014 Putin xua quân xâm lăng bán đảo Crimea của Ukraine nên bị đá ra khỏi nhóm G7. TT Donald Trump đã từng có ý muốn mời Vladimir Putin trở lại Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 vào tháng 06 năm 2020, nhưng bị Thủ Tướng Anh và Canada phản đối nên thôi.

Với bản tính ấu trĩ thích khoe khoang hù dọa, thích chứng tỏ, và cũng có nhiều tự ti mặc cảm, cộng thêm bản chất độc tài tàn ác của gốc Cộng Sản (rất giống các trùm Cộng Sản Việt Nam), nên Vladimir Putin sẽ tiếp tục “cuộc hành quân đặc biệt đánh Đức Quốc Xã” ở Ukraine, cho dù bị thiệt hại nặng nề về quân sự, kinh tế và ngoại giao.

Về phía các quốc gia Tây phương cũng không hoàn hảo. Mặc dù tiềm năng kinh tế và quân sự mạnh hơn Liên Bang Nga rất nhiều, nhưng yếu điểm của các thể chế dân chủ là chánh sách thay đổi theo từng mùa bầu cử như chong chóng, và mỗi nhiệm kỳ của vị nguyên thủ quốc gia phản ảnh tình cảm nóng lạnh của người dân.

Hoa Kỳ là vốn soái ca của khối NATO. Nếu Hoa Kỳ muốn trừng phạt Vladimir Putin nặng nề thì NATO sẽ làm theo. Nhưng nếu TT Joe Biden hèn nhát lạnh cẳng sợ Putin nổi giận nên chỉ viện trợ nhỏ giọt cho Ukraine loại hỏa tiễn pháo binh hỏng bắn xa hơn 80 km. Các nước đồng minh khác như Anh dù muốn giúp Ukraine có đồ chơi mạnh bạo nhưng hỏng dám vượt qua mức ấn định của Hoa Kỳ.

Nếu một Tổng Thống của đảng Cộng Hòa có chân lý thực tiễn như Donald Trump lên cầm quyền năm 2024 với khuynh hướng co cụm rút về nhà trùm mền, “nước Mỹ trên hết”, và hỏng muốn sa lầy tốn kém tiền của cho những quốc gia bất hạnh khác, thì còn khuya Ukraine mới được viện trợ 50 tỉ đô la một năm như hiện nay.

Kiếm một Tổng Thống Mỹ ở thế kỷ 21 vừa có lý tưởng tự do vừa có lòng can đảm rất khó. Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng Hòa khuynh hướng diều hâu là người luôn luôn cổ võ phải viện trợ Ukraine càng nhiều càng tốt. Nhưng rất tiếc ông Thượng Nghị Sĩ này sẽ hỏng ra tranh cử. Ông ấy đã ra tranh cử một lần năm 2016 và bị ứng cử viên Donald Trump đánh bại trong cuộc bầu sơ bộ, với số phiếu cay đắng hẩm hiu là chỉ trên 1%. Giống như bà Phó Kamala Harris của đảng Dân Chủ.

Vì vậy có lẽ TT Ukraine Volodymyr Zelensky đánh hơi biết trước mùa bầu cử sắp tới ở Hoa Kỳ sẽ có thay đổi chánh sách về Ukraine, nên Zelensky đã trấn an bằng cách tuyên bố “Cuộc chiến sẽ chấm dứt vào mùa đông tới”. Ông lo sợ Hoa Kỳ và NATO thấm mệt vì tốn kém ngân sách quá nhiều, cho dù các chánh khách G7 nổ sẽ “chiến tới cùng với Ukraine”. Nếu cuộc chiến chấm dứt vào mùa đông tới thì Ukraine sẽ mất hẳn vùng kỹ nghệ nặng Donbas.


Sự kiện quân đội Ukraine rút khỏi thành phố Severodonetsk là vì không chịu nổi pháo binh của Nga, và cũng vì viện trợ đại pháo và hỏa tiễn tầm xa của Hoa Kỳ đến quá chậm và giới hạn.

Pháo binh Nga nã vào vị trí của Ukraine gấp 10 lần. Mỗi ngày quân Nga bắn khoảng 50 ngàn viên, còn Ukraine chỉ có khả năng phản pháo khoảng 5 hay 6 ngàn quả. Ukraine nói họ biết tọa độ của pháo binh Nga nhưng không đủ đạn để bắn tới đó. Hoa Kỳ viện trợ khoảng 200 ngàn quả 155 mm chỉ bằng cấp số 4 ngày của pháo binh Nga.

Khác với những chiến thắng ban đầu của Ukraine khi quân Nga bị sa lầy ở phía bắc Keiv, còn quân Ukraine khi ấy ẩn hiện lưu động nên không bị thiệt hại nhiều. Ở mặt trận Donbas thì hai bên đánh nhau bằng pháo binh và địa đạo như Thế Chiến Thứ Nhứt. Phe nào có nhiều pháo hơn thì phe đó thắng. Vị trí phòng thủ của quân Ukraine lại cố định nên dễ làm mồi cho pháo binh Nga.

Ở vùng Donbas, mỗi ngày có khoảng từ 100 đến 200 binh sĩ Ukraine tử trận và khoảng từ 500 đến 1.000 bị thương. Các phân tích gia quân sự Hoa Kỳ ước tính với mức thiệt hại nhân mạng như trên Ukraine không thể có đủ lính để chiến đấu lâu dài. Mặc dù tinh thần chiến đấu của binh sĩ Ukraine cao hơn lính Nga rất nhiều nhưng số người đào ngũ có phần gia tăng trong thời gian gần đây. Binh sĩ Ukraine gọi mặt trận Donbas là cối xay thịt.

Tương tự như trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Vào Mùa hè đỏ lửa khi được Hoa Kỳ viện trợ dồi dào, binh sĩ Nam Việt chiến đấu dũng cảm và tái chiếm nhiều thành phố trên khắp 3 mặt trận Bình Long, Tây Nguyên và Trị Thiên.

Tuy nhiên theo các tài liệu do các cố vấn Mỹ viết thì mức thiệt hại của binh sĩ VNCH trong Mùa hè đỏ lửa là khoảng 2.000 người tử trận mỗi tuần. Cho nên tuy tình thần lên cao nhưng hỏng còn lính để đánh giặc. Ở Quảng Trị chỉ lấy lại được Cổ Thành chớ không đủ lính để tiến xa hơn về phía bắc Đông Hà và Gio Linh. Hai phe Quốc – Cộng đều ê càng giậm chưn một chỗ.

Quân viện của Hoa Kỳ đến Ukraine rất chậm và giới hạn chớ không như nhiều người tưởng. Pháo binh của Ukraine của khối Đông Âu cũ xài loại 152 mm thì đã hết đạn. Đạn và pháo 152 mm thặng dư của các nước Đông Âu thì đã gởi cho Ukraine hết rồi. Do đó Ukraine muốn Hoa Kỳ viện trợ 1.000 khẩu pháo 155 mm nhưng chỉ nhận được khoảng 100 khẩu trong đợt viện trợ đầu tiên.

Ukraine muốn có khoảng 80 xe giàn phóng hỏa tiễn tầm xa loại M142 hay M270 nhưng chỉ nhận được khoảng 10 chiếc. Hoa Kỳ gởi 4 chiếc M142 và sẽ gởi tiếp 4 chiếc khác. Anh gởi đợt đầu 2 chiếc M270 và sẽ gởi tiếp như Hoa Kỳ. Cả hai loại M142 và M270 đều bắn loại hỏa tiễn biến cải M30A1 có tầm xa tối đa là 84 km.

Theo các chuyên gia quân sự thì loại xe thiết giáp giàn phóng M270 thì rất tiện dụng cho Ukraine. Vì tuy cồng kềnh nặng nề chạy chậm hơn xe bánh cao su M142, nhưng M270 có thể di chuyển trên địa thế băng đồng được vì chạy bằng dây xích. M270 là xe tăng nên xạ thủ được bảo vệ nhiều hơn. Loại này có thể bắn 12 hỏa tiễn một lần trong khi M142 chỉ bắn được 6 quả. M270 được cải tiến trang bị ra đa và hệ thống khai hỏa bằng điện toán.

Quân Ukraine rút khỏi thành phố Severodonetsk cũng không dễ, vì trước đó quân Nga đã đánh sập hết 3 cây cầu bắc qua sông Siversky Donets để cắt đường tiếp tế cho quân trú phòng. Có khoảng 500 thường dân cũng bị kẹt lại ở thành phố đổ nát này.

Theo các nguồn tin là khi rút lui quân Ukraine bị pháo binh Nga và không kích dùng bom chùm gây thương vong thêm một số binh sĩ. Khi rút khỏi Severodonetsk, quân Ukraine tái phối trí chiếm các cao điểm để bảo vệ thành phố duy nhứt còn lại của miền Donbas là Lysychansk.

Mối lo của giới quân sự phương Tây là quân Nga sẽ đánh bọc phía hướng tây sau lưng quân Ukraine ở Lysychansk để cắt đứt tiếp tế, bao vây và tiêu diệt quân trú phòng như họ đã làm ở Mariupol. Hơn bao giờ hết Ukraine cần pháo binh và hỏa tiễn tầm xa M270 và M142 điều động tới khu vực này cấp tốc, để bắn giải tỏa các vị trí của pháo binh Nga bố trí chung quanh Severodonetsk và Lysychansk.


Vladimir Putin sẽ kéo dài cuộc chiến cho tới khi nào Tây phương thấm mệt mà bỏ cuộc. Liên Bang Nga theo thể chế độc tài đâu có bầu cử tự do đâu mà Putin lo sợ bị mất phiếu và mất ngai vàng. Nhà độc tài có thể dùng phương châm của đàn em kính mến là “đánh cho đến người Nga cuối cùng”.

Lính Nga bị tử trận nhiều nên cần phải bổ sung cấp thời. Những binh sĩ đang tại ngũ và chưa hết hợp đồng ký với quân đội thì tìm cách rời quân đội trước khi hợp đồng hết hạn. Lính Nga đồn với nhau là sĩ quan Nga ở Ukraine bỏ mặc lính lo lấy thân, và lính thì thiếu thốn không được tiếp tế đầy đủ. Nhiều người không muốn chiến đấu vì họ thấy rõ mục đích phi nghĩa của cuộc chiến này.

Nhà độc tài Putin không muốn ban hành lịnh tổng động viên vì làm vậy chẳng khác gì thú nhận là “cuộc hành quân đặc biệt” bị trật đường rầy và thiệt hại nặng. Theo tờ Washington Post thì Vladimir Putin gia tăng lương bổng của lính Nga lên tới 3.500 đến 4.000 đô la một tháng. Nếu tác chiến thì thêm 55 đô la một ngày. Đó là chưa kể các phụ cấp khác cho quân nhân. Tiền lời mua nhà cửa rất thấp ở Nga. Đây là số tiền hấp dẫn vì lương trung bình của một công dân Nga là 600 đô la một tháng. Hỏng biết Liên Bang Nga có thu nhận bò đỏ hong ta. Lương bò đỏ trong nước chắc hỏng nhiều lắm nè.

Chính quyền Ukraine trả lương cho binh sĩ họ khoảng 3.000 đô la môt tháng. Ít hơn binh sĩ Nga. Các chiến binh trong Quân Đoàn Quốc Tế Lê Dương lãnh lương bình đẳng như binh sĩ Ukraine. Nên nhớ các chiến binh quốc tế này đa số đến từ các nước Tây Âu, mà họ có công ăn việc làm với lương bổng tối thiểu gấp đôi gấp ba lần. Họ đến chiến đấu vì lý tưởng tự do. Nếu vì tiền thì họ đã qua hàng ngũ Liên Bang Nga rồi. Vả lại 3.000 đô la ở Hoa Kỳ chỉ đủ để đi chơi hỏng quá một tuần.

BÔNG LAU 28.06.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.