1. Tin Kharkiv.
• Ngày hôm qua Nga đã dùng súng cối và các cỡ súng: trung liên, đại liên và vũ khí cá nhân bắn vào một vị trí của lính biên phòng Ukraine vùng Sumy. Các chiến sĩ biên phòng Ukraine đã phải nổ súng đáp trả và vụ gây hấn của Nga dừng sau đó ít lâu.
Bình loạn: Nếu các bác theo dõi trên những diễn đàn Nga thì cũng sẽ thấy được bàn tán xôn xao về khả năng các vùng của Nga bị tấn công, mà nhiều nhất là lo sợ cho Belgorod, sau đó có thể là Bryansk. Việc quân Ukraine đã tiến đến biên giới quốc gia với Nga ở nhiều điểm tỉnh Kharkiv, có thể đặt thành phố Belgorod vào tầm pháo.
Xung quanh các cuộc tấn công bằng pháo kích vào một số điểm dân cư tỉnh Belgorod từ tuần trước có nhiều đồn đoán. Chỗ thì cho rằng đó la tác phẩm của quân Ukraine bắn từ bên này biên giới, nhưng chỗ thì cho rằng đó là các đơn vị quân đội Nga bắn lẫn nhau. Nhưng người ta nghiêng về nhiều nhất: cho rằng đó là một âm mưu khiêu khích trong chính nội bộ nước Nga, mang tính chính trị xã hội nhiều hơn. Việc gây hoảng loạn trong dân chúng ở đây nếu dẫn tới chuyện sơ tán tự phát về phía đông cũng góp phần tác động lên tâm lý xã hội.
Nếu giả thuyết này là đúng, thì ngay cả vụ tấn công ít ý nghĩa về quân sự là vào một đồn biên phòng Ukraine, nếu phía Ukraine tổ chức phản kích sẽ càng có hiệu quả trong gây hỗn loạn xã hội. Tui luôn kiên trì với ý kiến cho rằng các vận động ngầm trong xã hội là những cơn sóng đáng kể trong thời gian qua và trong tương lai cũng sẽ có tác động mạnh mẽ hơn.
• Trong một cách nhìn khác, nếu quân Ukraine chiếm được các điểm dân cư phía đông bắc Kharkiv, cũng sẽ dẫn tới việc pháo binh của họ càng lại gần thành phố Belgorod hơn. Để ngăn chặn tiến trình này, quân Nga sẽ phải tích cực hoạt động phòng ngự, thậm chí tổ chức trinh sát chiến đấu ở vùng Sumy để đánh thăm dò khả năng lực lượng Ukraine ở đây đề phòng họ tổ chức thêm mũi tấn công nữa vào sau lưng quân của mình.
2. Khu vực Izyum.
• Ngày hôm qua hóa ra quân Nga cũng thu được kết quả: chiếm được điểm dân cư Dovhen'ke đổ nát sau mấy tuần chiến đấu đẫm máu.
Bình loạn: Điểm dân cư này cách Sulyhivka có 9 km, là nơi mà tiền quân của Nga vốn đã vươn tới từ đầu, nhưng sau đó dừng mãi ở chỗ này. Và sau đến mấy chục ngày, cuối cùng họ đã chiếm được Dovhen'ke mà được mô tả chính xác là “một đống gạch vụn.”
Chúng ta có thể thấy rõ ràng ý đồ của phía Ukraine: cầm chân quân Nga càng lâu càng tốt, tiêu hao càng nhiều càng tốt ở những hướng tấn công chính của họ, trong khi tìm cách triệt phá đường tiếp vận và thậm chí đánh chặn cả quân tiếp viện bổ sung. Sau khi đã cầm chân quân Nga đến mức chính điểm dân cư mình đang bảo vệ chỉ còn là đống đổ nát, thì họ rút về các tuyến phòng ngự đã chuẩn bị sẵn và chống cự tiếp. Đây chính là phương pháp trường kỳ kháng chiến rất đặc biệt của Ukraine trong cuộc chiến tranh này.
Những khó khăn của cánh quân Nga ở Tây Nam Izyum không nằm ngoài khó khăn chung của đại quân: không bổ sung được lực lượng tổn thất, quân bổ sung rất thấp kém về chất lượng huấn luyện và cả tinh thần chiến đấu.
Đánh giá về kết quả của quân Nga ngày hôm qua, đến được Dovhen'ke cũng là một thành công hoàn toàn có thể báo về Mátxcơva cho Putox vui được: mục tiêu tiếp cận đường ô tô M03 từ Izyum đi Slovyansk đã sắp được hoàn thành. Chỉ có thể tính toán phương án tiến đến Slovyansk khi làm chủ tuyến đường này.
3. Khu vực Donbas.
• Đọc bản tin thì khắp các hướng tấn công chính, Nga đều không thu được kết quả và đều thiệt hại nặng.
• Đã có rất nhiều căn cứ cho rằng những loại pháo binh viện trợ đã được triển khai trên hướng này và ngày càng được quân Ukraine sử dụng thành thạo.
Bình loạn: Quân đội Ukraine trong giai đoạn 1 “phase 1” của cuộc chiến tranh, hay The Battle of Kyiv chiến đấu với thương vong tối thiểu, thậm chí tui nhớ đến cả hai tuần vẫn chỉ hơn 100 chiến sĩ và sĩ quan bị chết. Nhưng chúng ta cũng dự đoán trước khi bước vào “phase 2” The Battle of Donbas chắc chắn thương vong của Ukraine sẽ cao lên vì nhiều yếu tố: mật độ quân tập trung cao hơn, tính đối xứng cao hơn, khả năng thi hành chiến tranh du kích còn nhưng không cao độ như trước, mật độ hỏa lực hỗ trợ của Nga cũng cao hơn trước nhiều.
Đó là lý do mà một bà nghị sĩ quốc hội Ukraine đã kêu gọi các nhà tài trợ tăng tốc độ vì thương vong của quân đội Ukraine hiện nay là cao hơn rất nhiều so với trước. Giai đoạn đệm – kìm hãm càng kéo dài, thì thương vong càng cao vì chúng ta đã chứng kiến, bất chấp các nguồn tin và các chuyên gia phân tích ra kết quả lý thuyết là Nga hết đạn pháo và tên lửa, nhưng họ vẫn kiên trì và liều lĩnh huy động dự trữ từ các hướng phòng thủ chiến lược khác về. Đến đây chúng ta cũng đã nhận ra quá rõ tính phi logic của cuộc chiến mà Putox đã châm ngòi: sẽ bắn đến quả đạn pháo cuối cùng cho đến khi nào quá trình phi quân sự hóa nước Nga hoàn thành.
Đâm ra chúng ta lại ngờ rằng đó cũng là âm mưu của “thế lực thù địch” nào đó muốn nhổ sạch nanh vuốt của con gấu Nga, biến nó thành gấu nhồi bông. Thật là thâm độc.
4. Dông dài về “cường quốc quân sự số 2 thế giới.”
Quay lại với chiến trường, chúng ta lại nhận ra một điều: mặc dù đã thu hẹp mục tiêu xuống còn bé tí so với số lượng các BTG của mình trên chiến trường Donbas, lực lượng Nga ở đây cho thấy họ đang bất lực. Mỗi ngày qua đi, lực lượng Nga sẽ chỉ có càng yếu đi chứ không thể mạnh lên – tại sao vậy? Muốn mạnh lên, thì ở hậu phương phải có cả một chiến dịch chuẩn bị chiến tranh: các trường quân sự tăng cường công tác đào tạo, các đơn vị quân lực tăng cường tuyển mộ và huấn luyện, công nghiệp quốc phòng tăng tốc đẩy sản lượng lên cao…
Cho đến nay, chúng ta chỉ thấy Nga bước chân vào cuộc chiến tranh này ở Ukraine mà hầu như không có bước chuẩn bị chiến trường, đặc biệt là khả năng khắc phục những tồn tại của hạ tầng giao thông, hoàn toàn ngoài tầm với của người Nga. Điều này cho thấy nước Nga còn lâu mới có thể được tính là một cường quốc, kể cả về mặt quân sự.
Bác nào quen với những người có tuổi ở miền Nam Việt Nam ngày xưa có thể hỏi về trình độ thi công đường sá phục vụ chiến tranh của người Mỹ như thế nào. Tui không có tuổi gì để chứng kiến việc đó, nhưng nếu tìm kiếm bằng Google cũng sẽ thấy rất nhiều những phim tài liệu về việc họ tổ chức thi công đường sá ở Iraq, Afghanistan…
Trong khi đó Nga chỉ dựa trên hệ thống đường sắt có sẵn, nếu đường sắt bị đánh phá thì… khỏi đánh nhau. Mà ngoài đường sắt để vận tải, thì những đường nhánh, đường ngang… thì phải có đường bộ. Tất nhiên chúng ta không được chứng kiến công binh Nga đi sửa đường (chắc chắn là phải có) nhưng tui không tin là họ dám thi công những con đường dài tầm cỡ đủ cho những chiến dịch lớn.
Nôm na là ngoài không có lực lượng thì cũng chẳng đủ tiền. Trông thế thôi mà bây giờ tổ chức vận tải đá hộc và các cỡ cấp phối khác đến thực địa, rồi các loại máy công trình, bê tông át-sphan… một núi việc. Còn lâu Nga mới làm được, mà họ cũng chẳng thèm làm vì đang xác định “Chiến dịch quân sự đặc biệt” kia mà. Kệ, xe tăng sa lầy cho sa lầy, nhà trồng được lo gì.
Hóa ra cường quốc quân sự thứ hai thế giới bước chân vào cuộc chiến với Ukraine năm 2022 còn thua cả quân Mông Cổ thế kỷ 13. Một nước muốn thi hành chiến tranh với một nước khác, thì trước hết phải xây dựng một hệ thống đường sá chiến lược cho cả chiến trường chính lẫn hậu phương, mà quy mô của nó phụ thuộc vào tương quan lực lượng hai bên và quy mô của chiến dịch. Người Mông Cổ ngày xưa đi đến đâu là làm đường đến đó, song song với việc xây dựng hệ thống ngựa trạm để duy trì thông tin liên lạc. Nhờ đó, mà tin Thành Cát Tư Hãn chết đã được thông báo từ đầu này đến đầu kia của Đế quốc trải dài hàng vạn kilômét chỉ trong đâu có chục ngày gì đó.
Trong khi đó, huy động một lực lượng 200.000 quân mà chỉ có chưa đến 10.000 xe tải, sử dụng chính hệ thống đường sá của nước bị xâm lược và tiến công theo kiểu sa lầy đến đâu, bỏ xe đến đấy.
Tui nhớ có lần đi công tác ở Trung Quốc, được một sĩ quan cao cấp của họ đưa đi từ thành phố này sang thành phố kia, ông ta bảo: “Anh nhìn xem, hệ thống đường ô tô của chúng tôi đã phát triển như thế nào. Ngoài phục vụ phát triển kinh tế, nó còn là hệ thống đường chiến lược phục vụ chiến tranh. Tất cả các đường này đều được xếp hạng cấp chống bom, và quy hoạch đều được tính toán để điều quân từ các hướng tấn công – phòng thủ chiến lược không bị rối, không bị chồng chéo. Đường xe hỏa chuẩn cũ được tách rời khỏi hệ thống đường ô tô cao tốc, vẫn sẽ là xương sống của hệ thống giao thông quân sự chiến lược.”
Trong khi đó, nước Nga thân yêu của chúng ta thì sao? Bước chân vào chiến tranh mà coi thường mọi thứ, từ miếng cơm manh áo cho chiến sĩ còn không đâu vào đâu nói gì đến vận tải và đường sá. Thế nên các cháu dư luận viên ạ, các cháu cứ hô hào “tả, tả, tả khoai” cổ vũ Putox đi, nhưng kiến thức quân sự các cháu còn ếch ộp nhiều chỗ lắm. Không có đường sá, đừng có nói chuyện “tả khoai.”
Một nước bước chân vào chiến tranh như thế thì hỏi thắng làm sao được. Người ta đi đánh nhau mà lo từng con ốc con vít, từng cái cút nước mà còn thua bỏ mẹ trước nhân dân Việt Nam anh hùng nữa là. Hôm trước đọc ở đâu, là sĩ quan tham mưu Nga tham chiến trên chiến trường Ukraine hiện nay còn sử dụng bản đồ giấy tham mưu in từ những năm 1980 của thế kỷ trước…
Trong một diễn biến khác, ở St. Petersburg, văn phòng đăng ký và nhập ngũ của quận đội Nevsky đã yêu cầu một công ty tư nhân cung cấp một chiếc Gazel (xe 16 chỗ kiểu Ford Transit trông rất mọi, tui đã kể một lần) bằng một tờ lệnh có chữ ký của Chính ủy quân sự quận Nevsky. Tờ lệnh nằng nặc yêu cầu công ty có nghĩa vụ cung cấp phương tiện di chuyển cùng cả người lái xe (không thuộc diện nhập ngũ). Công ty cũng được yêu cầu cung cấp đầy đủ nhiên liệu cho chiếc xe.
Từ tháng trước chúng ta đã nói chuyện tất cả các loại xe cộ của các bộ chỉ huy quân sự địa phương trên toàn nước Nga bị huy động ra mặt trận rồi nhé.
5. Về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Chúng ta cần phải làm rõ với nhau rằng, do quy chế của Khối Minh ước, việc ngăn cản hai nước này gia nhập khối ngoài việc đồng thuận trong khối, chỉ có vấn đề của nội bộ chính nước đang xin gia nhập mà không có phụ thuộc vào bất cứ thế lực nào khác ngoài khối. Nói thẳng ra là Putox có muốn nói gì thì cũng không thể ngăn cản được, và nếu có làm gì thì chỉ tổ… thúc đẩy nhanh quá trình gia nhập của họ mà thôi.
Các tin tức bổ sung cũng cho thấy, do vị thế của hai nước và thái độ của hầu hết các thành viên cũ, con cừu đen Thổ Nhĩ Kỳ tuy có mấy lời nhảm nhí nhưng chắc là rồi cũng thôi, chứ không căng lên với nhau làm gì. Việc hai nước này vào khối có khi lại là xúc tác giúp Thổ diệt trừ cái gọi là “chứa chấp khủng bố” dễ hơn, chứ không phải là gây khó khăn hơn. Trong một diễn biến khác, vì Edorgan gọi “Stockholm là hang ổ của khủng bố” làm người Kurd ở thủ đô Thụy Điển biểu tình. Muốn yên thì im, còn muốn không yên thì bây giờ cũng là cớ để khởi động cái gì đó đấy ông Edorgan ạ.
Việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, sẽ “giúp” cho Nga trong tương lai sẽ “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” hơn nhiều nếu còn muốn đi ra được Bắc Băng Dương một cách bình thường. Nếu cứ ông ổng cái mồm như trước, thì khả năng hết đường ra biển ở hướng này là rất rất cao. Làm ơn nhốt ngay Lavrov và Medvedev vào đâu thì nhốt cho tôi nhờ ông Putox nhé.
Tự nhiên lại nhớ ra có thời (2015) ngồi kỳ cạch chém đến một loạt đến 4, 5 bài về “Cường quốc đại dương” trong đó có những nghiên cứu sơ sơ về Nga và khẳng định Nga đến mùa quýt sang năm cũng không thể trở thành cường quốc đại dương được.
Ấy, trong câu chuyện này có điều rất đáng nói: Putox phát biểu việc hai nước này gia nhập NATO không ảnh hưởng đến an ninh của Nga. Về câu đối đáp: “vậy Ukraine gia nhập thì ảnh hưởng hả?” nhiều bác nói rồi, tui xin không bàn nữa. Ở đây là một tín hiệu, mà nó cùng với việc Ukraine đưa được một số thương binh từ Azovstal ra ngoài, tui cho là tích cực:
Putox không điên!
Chính xác hơn, lão ta rất tỉnh. Đồng thời tui cũng ngờ rằng bệnh ung thư của lão ta vẫn chỉ là tuyến giáp chứ không phải máu mủng gì đâu. Xem lại bộ dạng của lão hôm duyệt binh, trông như giả vờ ốm – tất nhiên mấy tháng chiến tranh đau đầu cũng làm anh giai già sọm đi, nhưng hoàn toàn không đến nỗi sắp chết đến nơi.
Một bằng chứng nữa là hôm qua trên Guardian xuất hiện bài báo về “Đại tá Putox” khi lão ta can thiệp việc chỉ huy đến tận cấp lữ đoàn. Đây cũng là đề tài thú vị, bây giờ thì chính thức y như Hitler rồi nhé: cách chức tướng lĩnh, không còn tin ai, bây giờ tự mình chỉ huy từ boong-ke dựa trên các tin tức bố láo.
Những chuyện này cũng đồng thời loại bỏ lập tức những ý kiến cho rằng Putox điên khùng, rồ dại… là những điều chỉ dành cho những người phát biểu không cần suy tính. Chúng ta cần khẳng định Putox rất khôn ngoan và lọc lõi theo hướng mafia kiểu “quái quỷ” nhưng theo dạng bất chấp các quy tắc thông thường.
Tất nhiên, tình thế hiện tại là thực sự bế tắc: nước Nga không thể tiếp tục chiến tranh (thậm chí biết thóp chuyện này, tướng tình báo Ukraine còn “đòn vọt” là Putin bị lật đổ vào tháng Tám và chiến tranh sẽ kết thúc vào cuối năm – nghe đã thấy kinh, kéo dài như thế thì tất cả đều chết cụ hết ngay từ trong tâm lý, kể cả chúng ta luôn!), dù là sự kéo dài theo hướng có kết quả rõ rệt hay cố đấm ăn xôi kiếm kết quả con con, đều bất khả thi.
Khổ cái họ lại vướng cái chuyện phải có cái gì để công bố cho quốc dân đồng bào, nếu không thì bao nhiêu máu xương của cỡ 110.000 lính Nga thương vong coi như vô nghĩa. Thế mới có cái trò tưởng như dở hơi nhưng lại quen quen của Macron đi “xui đểu” Zelensky “đổi đất lấy thể diện” cho Putox.
Việc Putox tuyên bố “Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO không phải mối đe dọa với Nga” cần được đặt vào trong một bối cảnh hoàn chỉnh nhiều yếu tố:
Putox phát biểu trực tiếp, không để cho mấy cái loa Lavrov, Medvedev huyên thuyên. Bây giờ không phải là lúc gây căng thẳng không cần thiết. Về đối ngoại, Nga đã bắt đầu thấm đủ các đòn và cảm thấy quá cần phải rút chân ra khỏi vũng bùn chiến tranh, nên tốt nhất là lựa lời mà nói. Về đối nội, chắc chắn sức ép của bọn đối lập, tài phiệt không thân cận… càng ngày càng mạnh nhất là trong nhu cầu phải cố gắng thiết lập lại quan hệ tử tế với phương Tây, nên mỗi lời nói bây giờ đều phải rón rén cả.
Phát biểu này cũng như một sự xuống nước, dù sau đó Putox vẫn cố vớt vát: “nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tới những vùng lãnh thổ này chắc chắn sẽ kích động phản ứng của Mátxcơva.” (Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể gồm các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.) Anh giai nói mơ hồ, sau chữa thoải mái: thế nào là hạ tầng quân sự, và kích động những phản ứng gì của Mátxcơva, “quan ngại” cũng là phản ứng.
Đối với Putox bây giờ hay nhất là giả vờ ung thư giai đoạn giữa, rồi giao quyền cho anh nào ú ớ, Naryskin cũng được, rồi cho quân đội rút về sau 24/02 trong khi đó vẫn giữ chắc công an quân đội phòng đảo chính. Anh nào thay, phải nói chuyện được với phương Tây về các vấn đề liên quan đến bỏ các lệnh trừng phạt. Về các chiến quả để đồng bào Nga yên tâm thì đầy: bắn cháy 3.000 xe tăng Ukraine, xóa sổ không quân và hải quân nước này…
• Trong một diễn biến khác, ông Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Romuald Sheremetyev tuyên bố rằng Kaliningrad thuộc Nga nên được phi quân sự hóa và đổi tên.
Đây là một động thái đáp trả lời đe dọa hôm trước do phó chủ tịch Duma quốc gia Nga, Oleg Morozov đã nói rằng Ba Lan có thể bị xếp vào hàng các nước sẽ bị “phi hạt nhân hóa” sau Ukraine.
Còn chúng ta thì cho rằng, nếu Putox không kịp rút chân được khỏi chiến tranh, thì cả nước Nga sẽ được “phi quân sự hóa.”
PHÚC LAI 17.05.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.