Đầu tiên là tuyển những em giỏi nhất của một tỉnh về đó. Rồi học cái gì? Học như học sinh ở các trường phổ thông bình thường!
Vì sao thế? Chương trình của trường chuyên và trường phổ thông bình thường là Một, tức vẫn 13 môn như nhau. Điểm khác duy nhất là, ở môn chuyên có thêm một số chuyên đề, gọi là phần “chuyên sâu”.
Đáng ra, để học sinh có thể học “chuyên sâu” đúng nghĩa là phải bằng cách giảm chương trình chung xuống và tập trung vào môn chuyên; thì ở đây người ta giữ nguyên và tăng tiết môn chuyên lên để “học thêm” một số “chuyên đề”. Và gọi đó là chuyên, là giáo dục toàn diện.
Thời gian học trường chuyên và trường thường là giống nhau (35 tuần/năm), vậy phần chuyên học vào lúc nào? Tăng số tiết trong một ngày lên. Đối với học sinh trường phổ thông bình thường, chương trình hiện tại đã là quá nặng nề, ngoài học trên lớp thì bài tập về nhà ngập đầu, đi học thêm tối mắt; vậy học sinh chuyên đối phó với chương trình của nó bằng cách nào?
Khổ đã đành, nhưng không phải chỉ có thế. Khi lực bất tòng tâm thì nạn dối trá sinh ra, nhất là dưới áp lực thành tích khủng khiếp của hệ thống trường chuyên này.
Trường chuyên gần như đồng nghĩa với thi học sinh giỏi, trường chuyên sinh ra và duy trì tới nay là vì cái lý do thực tế ấy. Để thi cho được giải thì tất nhiên không ai có thể học cùng một lúc cả mười mấy môn học như thế cả. Giải pháp là học một môn để đi thi học sinh giỏi thôi, điểm thầy cô và nhà trường sẽ lo. Sau khi thi xong, từ “chiến trường” trở về thì học sinh sẽ quàng chân lên cổ mà học mấy môn xét tuyển đại học, còn lại thì đã được bao cấp.
Thế là nó không những không chuyên (mấy tiết tăng thêm thì chuyên cái gì!) mà rốt cuộc phải “lách luật” để hoàn thành nghĩa vụ học sinh giỏi. Nó trở thành nơi kết tinh bệnh thành tích và nạn dối trá.
Những học sinh có tư chất từ cấp hai lên, sau ba năm học hành theo cái cung cách ấy thì rã rời, mất luôn cả thiên tư lẫn lòng đam mê. Thành quả mà các em nhận được cùng lắm là một tờ giấy chứng nhận “học sinh giỏi”.
Vậy thì trường chuyên sinh ra để làm gì?
THÁI HẠO 03.04.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.