jeudi 14 avril 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 48 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (12/04/2022)

 

1. Ngày hôm qua có một cái cầu đường sắt bé tí nhưng lại rất quan trọng trên tuyến đường sắt Belgorod đi ra mặt trận Ukraine.

Bình loạn : Cầu này nằm trên tuyến đường sắt Belgorod – Rostov nên việc nó bị phá hỏng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận chuyển nhân lực và kỹ thuật đến mặt trận Donbas. Phía Ukraine không thừa nhận có liên quan gì đến vụ phá hoại này.

Thống đốc Belgorod nói không có thiệt hại về người, nhưng cầu bị đánh sập ngay chỗ sát mố cầu làm cho việc sửa chữa trở nên khá rắc rối. Trong tương lai sẽ còn phải có nhiều vụ phá hoại khác chứ không chỉ dừng lại ở đây.

Trong vùng Lugandon bị tạm chiếm, quân Ukraine đã phá rất nhiều cầu đường sắt của hệ thống đường sắt Donbas, làm cho công binh Nga phải đi sửa chữa rất vất vả. Hạ tầng đường bộ yếu kém của khu vực Belgorod – Rostov và cả bên Donbas làm cho quân đội Nga phụ thuộc rất nhiều vào đường sắt để chuẩn bị hậu cần cho The battle of Donbas.

Người ta đánh giá vụ đốt kho dầu và hai lần phá kho đạn ở Belgorod đã làm cho quá trình chuẩn bị chiến dịch miền đông Ukraine của Nga chậm lại cả tháng trời.

2. Quá trình trao trả lại cho phía Nga các thi thể quân nhân chết trận đã bắt đầu.

Để không gây shock, phía Nga đã cố tình làm chậm trễ việc giao nhận và chia nhỏ các “shipment” chứ không chịu nhận ồ ạt. Ngược lại phía Ukraine thì tăng cường thông tin cho “toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Nga” bằng mọi phương tiện, từ phát thanh truyền hình đến các chia sẻ trên mạng và thậm chí là tin nhắn SMS truyền thống. Việc này đã có tác động không nhỏ đến tinh thần của lính Nga ngoài mặt trận.

3. Theo tin phía Ukraine nắm được, thì trong nội bộ sư đoàn xe tăng số 47 đã có sự phản đối, chống lệnh trước trận chiến sắp diễn ra.

Bình loạn : Nguyên nhân là do Bộ chỉ huy Nga nuốt lời hứa trong hai việc: (1) Có một khoản phụ cấp tương đương 2% số lương của những người lính này trong suốt thời gian phục vụ theo hợp đồng, được hứa sẽ chi trả sau khi họ tham gia “chiến dịch quân sự đặc biệt,” nhưng lúc này họ không được nhận. Chắc là chỉ huy Nga viện cớ “chiến dịch chưa kết thúc” chăng? Bây giờ mà trả tiền thì họ té hết chứ đùa à.

Và (2) về chế độ cựu chiến binh. Bình thường thì chế độ cựu chiến binh được áp dụng cho tất cả những quân nhân tham gia chiến đấu, nhưng trong cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” này người ta áp dụng chỉ với những người bị thương, được điều trị tại bệnh viện và có hồ sơ chính thức về thương tật. Nôm na là chỉ có thương binh mới được là cựu chiến binh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ bị cắt một khoản phụ cấp kha khá sau chiến tranh.

4. Hôm nay chúng ta nói chuyện lịch sử về chiến dịch Donbas của Liên Xô năm 1943.

Mùa hè năm 1943, quân Đức đã mở chiến dịch tấn công “Citadel” (Thành Trì) để tiêu diệt nhóm quân Liên Xô lớn đến hai phương diện quân ở chỗ lồi cung sông Kursk, nhưng không thành công. Kết quả là Đức bị thiệt hại nặng và phải rút phần lớn binh lực về Ukraine. Đến mùa thu thì Liên Xô đã có được trong tay thế chủ động chiến lược, về binh lực cũng đã trội hơn về tất cả các phương diện: nhân lực và kỹ thuật. Trên không, không quân Xô-viết đã làm chủ bầu trời.

Để tiến hành kế hoạch này, phía Liên Xô đã tổ chức thực chất là hai chiến dịch có quan hệ với nhau: chiến dịch chiếm trục Belgorod – Kharkiv (“Chiến dịch Nguyên soái Rumyantsev”) và chiến dịch tây nam chiếm Donbas “Chiến dịch Donbas.” Nhờ có “Chiến dịch Nguyên soái Rumyantsev” thì các lực lượng Hồng quân chiếm Donbas mới nhẹ gánh và có thể thu được kết quả vì Đức đã phải điều động những lực lượng xe tăng lớn về hướng Kharkiv, đặc biệt là quân đoàn xe tăng 57 lúc đó còn nguyên sức chiến đấu.

Trên vùng Donbas, Đức chỉ còn 540.000 quân đối diện với lực lượng Liên Xô khoảng 1.100.000 người. Liên Xô vượt trội mọi chỉ số về xe tăng và pháo tự hành, pháo binh và máy bay. Quan trọng nhất là Bộ chỉ huy Liên Xô nắm quyền chủ động chiến lược quyết định đánh chỗ nào, đánh thế nào còn Bộ chỉ huy Đức thì bị động, đặc biệt là khi trận đánh bắt đầu phía Đức thường xuyên phải xé nát các đơn vị lớn để bịt các lỗ thủng trên chiến tuyến do đối phương tạo ra.

So sánh giữa hai The battle of Donbas phiên bản 1943 và 2022 có một số điểm tương đồng:

– Thứ nhất, quyền chủ động tấn công nằm trong tay Hồng quân, bây giờ là quân Nga.

– Thứ hai, về tương quan hai bên của hai chiến dịch giống nhau, Nga đều vượt trội về lực lượng nhân sự và kỹ thuật.

– Thứ ba, hoàn cảnh diễn biến lặp lại khá thú vị: Thời điểm 1943, Hồng quân cũng tổ chức một mũi kép vừa vu hồi Kharkiv ở phía nam, vừa xuất phát một mũi tấn công theo trục Izyum – Barvenkovo (Barvenkovo là cửa ngõ của Slovyansk theo hướng tấn công này). Và hồi đó do những hoạt động không tích cực của Hồng quân trong mũi này, quân Đức ở khu vực Slovyansk – Kramatorsk vẫn còn nguyên sức chống cự. Hiện nay trong khu vực này có hoạt động của Tập đoàn quân bộ binh cơ giới 20 và các đơn vị độc lập của Tập đoàn quân xe tăng số 1.

Đến đây tui xin trích một đoạn trong Hồi ký “Sự nghiệp cả cuộc đời” của nguyên soái Liên Xô A. M. Vasilevsky:

“… Đêm 22 rạng ngày 23 tháng Tám, Khác-cốp đã được hoàn toàn giải phóng. Bây giờ, bộ đội của các Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên đang đe dọa cánh phía Nam tuyên phòng ngự của địch, uy hiếp mạnh các lực lượng địch ở Đôn-bát. Mặc dầu vậy, trong những ngày tiếp theo, cuộc tiến công của cánh trái Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và của toàn bộ Phương diện quân Thảo nguyên ở vùng Khác-cốp và ở phía Đông – Nam Khác-cốp vẫn phát triển vô cùng chậm chạp. Quân địch cố cứu vãn lực lượng của chúng ở Đôn-bát khỏi bị đánh vào sườn, đã chống cự hết sức kịch liệt, mặc dầu cũng đã bị những tổn thất nặng nề.

Những sự không may này của ta đã được Phương diện quân Nam bù đắp một phần, vì trong ngày giải phóng Khác-cốp, các đơn vị cơ giới của phương diện quân này đã tiến vào vùng Am-vrô-xi-ép-ca và đánh chiếm thành phố này. Ba ngày giao chiến ác liệt nữa trôi qua. Trong báo cáo gửi cho Tổng tư lệnh tối cao về tình hình ngày 26 tháng Tám, tôi nói rằng những cố gắng của tập đoàn quân 46 đánh từ phía Nam nhằm giúp tập đoàn quân 57 đập tan tuyến phòng ngự của địch, mặc dầu bộ đội hoạt động xuất sắc và đã điều thêm vào đây ba sư đoàn sung sức, đã không đạt được kết quả gì.”

Diễn biến của chiến dịch các bác có thể đọc trên Wiki.

Ngày hôm qua tui đọc trên mạng có bác nào copy bài của Soha về, viết là “Tại sao Nga không thể tiêu diệt hệ thống phòng thủ Donbas” có một số điểm đáng lưu ý:

Bài báo viết:

– Từ Kharkiv đến Donbas chỉ có 100km nên quân Ukraine hoàn toàn có thể tiếp vận hậu cần được. Điều này không đúng, vì trên cả khu vực Izyum hiện có “Tập đoàn quân bộ binh cơ giới 20 và các đơn vị độc lập của Tập đoàn quân xe tăng số 1” như trên đây tui đã dẫn. Do đó con đường tiếp vận này không có khả năng sử dụng. Ukraine chỉ có thể sử dụng đường tiếp vận từ Kyiv xuống Dnipro.

– Ở Donbas tồn tại một hệ thống các chiến hào, boong-ke gỗ/đất và cả bê-tông dày đặc có chiều sâu đến 100km. Điều này cũng không đúng lắm. Hiện nay tuyến đầu phòng ngự của Ukraine đâu đó ngoài thị trấn Lysychansk còn cách Kramatorsk hơn 100km đường ô tô, do đó chiều sâu hệ thống phòng ngự nếu Ukraine xây dựng đủ cũng chỉ cỡ khoảng 60 – 70km thôi.

– Ở Donbas quân Ukraine tập trung và bổ sung thêm một binh lực đông đảo từ đầu cuộc chiến đến nay đạt cỡ 90.000 quân. Điều này có thể đúng và cũng có thể không đúng ít nhất về… con số. Thực tế thì Maria Zakharova từ tháng 12/2021 căn cứ trên thông tin của tình báo Nga nên tuyên bố ở Donbas, quân đội Ukraine tập trung 50% binh lực là 125.000 quân. Do tình hình chiến sự thậm chí số quân này từ sau ngày 24/2 còn bị rút bớt, đó là nguyên nhân dẫn đến việc quân Nga và li khai ép được quân Ukraine về phía tây.

Hiện nay quân Ukraine chỉ còn giữ được cỡ1/4 đến 1/3 diện tích cả hai tỉnh Donetsk và Luhansk, nhưng chiến tuyến vẫn còn dài cỡ từ 40 đến trên 50km từ Zhytlivka đến Lysychansk với chiều sâu ít nhất cũng phải 40 – 50 đến 60 – 70km tùy chỗ. Còn nếu Ukraine tổ chức được phòng tuyến suốt từ Lysychansk đến Komyshuvakha (địa danh thuộc Luhansk hiện vẫn do quân Ukraine kiểm soát) thì phòng tuyến phải dài đến trên 300km.

Quá trình điều động binh lực thì tui không cho rằng Ukraine cần tập trung thêm quân vào đây (Donbas) mà sẽ bố trí trong vùng đệm từ Dnipro đến địa giới hành chính hai tỉnh Donbas (cỡ 250km) nhiều lực lượng lớn quân chủ lực. Ở đây nếu tổ chức chuẩn bị được hệ thống phòng tuyến nữa thì nếu Nga tiến ra khỏi biên giới hành chính Donbas thì cũng sẽ lại sa vào một “câu chuyện bắc Kyiv” thứ hai.

Do đó quân số ước tính của Ukraine là khó chính xác, có thể là 90.000 như Soha đoán mà cũng có thể là không cần nhiều đến như thế, nhưng quá trình chuyển quân tui cho rằng không phải đưa vào, mà là rút bớt ra (từ 125.000 xuống 90.000 và thậm chí rút ra nhiều hơn.) Việc rút ra như vậy có khi còn hay hơn khi mà chắc chắn Nga sẽ tổ chức bắn phá kiểu tiền pháo hậu xung thì một trong những việc cần thiết là giảm mật độ quân phòng thủ.

– Vậy điểm khác biệt lớn nhất của hai phiên bản The battle of Donbasmật độ. Năm 1943 lực lượng Đức ở đây nhiều gấp 7 – 8 đến 10 lần quân Ukraine phòng thủ, do đó quân Nga cũng sẽ phải chuẩn bị quân số cỡ ít nhất 100.000 đến 180.000 quân.

– Điểm khác biệt thứ hai ở đây, là về yếu tố tinh thần: Năm 2022 bên rệu rã mất tinh thần là quân Nga, dù họ vẫn là bên nắm quyền chủ động tấn công.

– Điểm khác biệt thứ ba, là tính chất của xung đột: Năm 1943 là chiến tranh đối xứng -chiến tranh quy ước, bây giờ là chiến tranh phi đối xứng. Dù cũng bảo vệ hệ thống công sự phòng thủ nhưng xuất phát từ mật độ lực lượng hai bên thấp hơn, Ukraine vẫn sẽ đưa về chiến thuật phi đối xứng, nghĩa là để cho xe tăng của Nga tràn qua rồi diệt bằng các vũ khí chống tăng cá nhân hiện có.

Hiện nay đối diện với lực lượng Ukraine phòng thủ, Nga sẽ cố gắng tập trung được khoảng 60 BTG (Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn) như vậy quân số sẽ đạt 12.000 tay súng, 600 xe tăng và hơn 1000 các phương tiện bọc thép khác. Với cách tấn công lý thuyết của Nga thì cứ 2 km2 chính diện mặt trận người ta cần ít nhất 5.000 quả đạn pháo các loại.

Như vậy để chuyển làn bắn suốt một chiều sâu 10 km trên độ rộng 1km chính diện mặt trận để đảm bảo cho xe tăng và bộ binh tấn công thuận lợi, mỗi mũi như thế cần 25.000 quả đạn, còn nếu muốn đi xa hơn thì còn phải bắn nhiều hơn nữa. Nga sẽ phải tổ chức 3 mũi tấn công, trong đó có 2 mũi đánh theo vòng cung hợp vây quân Ukraine phòng thủ ở đâu đó chỗ biên giới hành chính của Donbas. Quân Ukraine sẽ phải sẵn sàng để tổ chức những mũi phản kích từ sâu trong vùng đệm từ Dnipro đến điểm hợp vây này của Nga, nếu không thì quân Ukraine ở bên trong có thể bị vây mà tiêu diệt thật.

Tất nhiên để phát triển chiến quả đó, Nga không thể chỉ dựa trên 60 BTG, mà còn phải có một thê đội 2 nữa ít nhất 20 đến 30 BTG, nếu không thì chính những đơn vị xe tăng đi đầu sẽ hết hơi, dừng lại và lại thành cua nướng.

Ngoài ra mũi phối hợp từ Izyum tấn công vào sau lưng Slovyansk và Kramatorsk cũng phải được tiến hành và phía Ukraine cũng sẽ phải quan tâm nhiều đến mũi này.

Đến đây chúng ta có thể hình dung được phía Nga sẽ phải tổ chức một lượng công việc khổng lồ như thế nào, trong khi điều mà chúng ta đã từng nghi ngờ là vẫn có cái trò phá hoại quá trình chuẩn bị cho chiến dịch, mà vụ phá cầu đường sắt trên đây là một ví dụ.

Cũng có những nguồn tin cho biết Nga nhiều khả năng phải đi “vay nóng” đạn pháo của Belarus hay Kazakhstan chứ việc sản xuất hiện nay là không kịp. Bản tin của Bộ tổng tham mưu Ukraine về vấn đề đào tạo sĩ quan sơ cấp (cấp trung đội) của Nga đang được đẩy nhanh cho ra trường sớm cũng sẽ nổi lên thành một vấn đề nghiêm trọng khi những học viên thiếu kinh nghiệm đó được tung vào cuộc chiến.

Đến hôm qua xem video clip từ phía Nga tung ra, các đoàn xe kìn kìn chạy ở tỉnh Rostov (Nga) sang Donbas, đã thấy bùn lầy ngập nửa bánh xe trên các con đường rồi. Nếu dự báo thời tiết đúng, thì may ra tuần cuối của tháng Tư 2022 mưa mới tạnh để tấn công. Sáng hôm nay Bộ tổng tham mưu Ukraine báo cáo, ngày hôm qua Nga đã bắt đầu bắn phá ngoại vi các thành phố và thị trấn Lysychansk, Popasna, Severodonetsk, Rubizhne, Kreminna và Komyshuvakha.

Thời điểm tấn công thuận lợi phải dời sang tháng Năm 2022, nhìn chung là duyệt binh 090/5 sẽ không kịp mà nên chuyển sang “Ngày nước Nga 12/06.” Còn nếu cố duyệt binh 09/05 thì các đơn vị duyệt binh xong sẽ đi thẳng ra mặt trận như ngày 07/11/1941.

PHÚC LAI 13.04.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.