mercredi 2 février 2022

Putin chơi ván bài tẩy với phương Tây, nhưng dân Ukraina không sợ Nga


Đăng ngày:

 

Le Figaro hôm 31/01/2022 dành hai trang báo để nói về « Ván bài tẩy của Putin trước phương Tây ». Tờ báo dẫn nhận định của Wall Street Journal :  nắm quyền từ 1999, Vladimir Putin giờ đây đối mặt với rủi ro lớn nhất trong sự nghiệp, khi cố tìm lại hào quang đã đánh mất của Nga, xóa bỏ những gì ông ta cho là bất công trong quá khứ.

Nhiều nhà phân tích cố gắng tìm hiểu suy nghĩ của Putin, nhưng tính cách bất định của một tay chơi không để cho họ đoán được cú đòn sắp tới, như vụ sáp nhập Crimée năm 2014 và gởi quân sang Syria năm sau đó. Nhà chính trị học Gleb Pavlovsky nhận định, bất định và nhập nhằng là hai phương diện trong chiến lược của Putin ; còn nhà phân tích Andrei Kolesnikov cho rằng ngay cả Putin cũng không biết ý định sắp tới là gì. « Vladimir Putin được cho là một con người lý trí, nhưng đó là một con người của xúc cảm, những xúc cảm đen tối » ...

John Bolton, cựu cố vấn của ông Donald Trump từng nhiều lần tiếp xúc với tổng thống Nga, nhận xét Putin vừa đóng vai ngoại trưởng vừa như kiêm luôn bộ trưởng quốc phòng. Một số chuyên gia như Alexander Gabouev, thuộc trung tâm Carnegie ở Matxcơva nhấn mạnh đại dịch Covid do chỉ liên hệ từ xa, nên quyền lực tập trung vào Vladimir Putin, luôn trú ẩn trong nhà nghỉ tại Novo Ogarevo ở ngoại ô Matxcơva, bao quanh là một số các nhân vật trung thành. Putin là người duy nhất quyết định trong hồ sơ Ukraina.


Nga chọn chủ động tiến công

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng Ba, tháng Tư năm ngoái, khi Nga tập trung quân đội quanh Ukraina. Nhưng theo Dimitri Trenin, giám đốc trung tâm Carnegie, thực ra đã có từ hơn 20 năm qua với việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga. Khi Estonia gia nhập năm 2004, NATO chỉ cách Saint Petersbourg có hai giờ xe chạy. Hai thập niên qua, Putin quan sát các động thái của NATO : mở rộng liên minh, oanh tạc Belgrade… và cả sự thụ động của phương Tây trong cuộc chiến Gruzia năm 2008 hay vụ chiếm Crimée năm 2014.

Nhà phân tích Tatiana Stanovaya nhận thấy Putin đã quyết định chọn thế công thay vì thủ. Từ mùa hè 2018, Nga đã trình làng các loại vũ khí đạn đạo mới, trong đó có hỏa tiễn siêu thanh, và đến 17/12/2021 đưa ra tối hậu thư cho Mỹ và NATO với những điều kiện cực kỳ phi lý, và « nước anh em » Ukraina trong tầm ngắm. Dimitri Trenin đặt câu hỏi, vấn đề là Vladimir Putin chuẩn bị đáp trả như thế nào, khi chắc chắn sẽ bị từ chối.

Một số nhà quan sát dựa trên các phương tiện quân sự được triển khai, cho rằng Putin nhất định sẽ ra tay hành động, có thể sau Thế vận hội Bắc Kinh. Mọi phương án đều được nghiên cứu, từ tấn công ồ ạt vào Ukraina cho đến chiến tranh phức hợp. Số khác không tin Putin sẽ xâm lăng Ukraina, mà mục đích là nối lại đối thoại với Mỹ và củng cố vị thế trước cuộc bầu cử tổng thống 2024.


Putin đánh đòn gió hay sẽ đối đầu trực diện ?

Trong bài xã luận "Bậc thầy của những câu đố", Le Figaro nhận định không ai có thể biết được những gì trong đầu Vladimir Putin; nhưng nhiều người, trước hết là Joe Biden hay Emmanuel Macron cố hiểu được tham vọng, đoán được chiến lược và những động thái sắp tới của tổng thống Nga.

Ông chủ điện Kremlin chơi đòn gió để dò phản ứng phương Tây, hay đang chuẩn bị trực diện đối đầu qua việc tấn công Ukraina ? Ông ta muốn chiếm được vài mảnh đất hay thống trị toàn bộ đất nước bằng cách áp đặt một chế độ bù nhìn? Putin tính toán được và mất thế nào, từ một chiến dịch vũ trang nhằm phá hoại thế cân bằng chiến lược châu Âu sau khi Liên Xô sụp đổ?

Vị Sa hoàng cai trị từ 23 năm qua muốn đóng vai trò lịch sử: sửa chữa « thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20 » đã khiến 25 triệu người Nga xa rời mẫu quốc, đưa Nga lại trở thành đại cường ngang hàng với Hoa Kỳ và Trung Quốc, với khu vực ảnh hưởng là những nước chư hầu chỉ có chủ quyền giới hạn, chấm dứt sự thống trị của phương Tây. Putin mơ một hiệp ước Vacxava mới - Liên minh duy nhất chỉ xâm lăng các nước thành viên!

Ẩn số nằm ở phương tiện ông ta sẵn sàng huy động. Có thể Putin nghĩ rằng đây là cơ hội ra tay khi Hoa Kỳ đang chia rẽ và không muốn can thiệp ở nước ngoài. Sự thô bạo của ông đẩy các láng giềng vào vòng tay châu Âu. Một chiếc hố lớn được đào sâu thêm, giữa lợi ích của chế độ và quyền lợi nước Nga – vốn là dấu ấn của nhà độc tài. Tự bao giờ các chế độ toàn trị có sự chọn lựa hợp lý? 


Người dân Ukraina không sợ Nga

Trong khi đó đặc phái viên La Croix tại Kiev ghi nhận, người dân Ukraina tỏ ra không nao núng trước họa xâm lăng. Chính quyền nước này còn cảnh báo Washington, tạo ra tâm lý hoảng loạn sẽ nguy hại đến nền kinh tế.

Khó thể coi Kiev là một thành phố đang nín thở chờ đợi chiến tranh nổ ra. Đô trưởng Vitali Klitschko, cựu vô địch quyền Anh hôm 28/01 loan báo hệ thống métro bao la sẽ là nơi trú bom nếu Nga tấn công – một vai trò đã dự trù từ thời xô-viết. Tuy nhiên tàu điện ngầm vẫn hoạt động như thường lệ, trong một thủ đô tiếp tục sống một cách bình thường. Không có những đường phố vắng người, không tăng cường hiện diện quân đội, không giới nghiêm. Một phụ nữ đã chạy khỏi Crimée khi Nga chiếm, khẳng định « Không sợ ! »

Một thiếu nữ Ukraina cho biết tình hình khá kỳ lạ : không ai thực sự tin là Nga sẽ khởi động chiến tranh, nhưng mọi người đều chuẩn bị hành lý và tìm hiểu về các địa điểm di tản. Cô theo học một khóa huấn luyện cách sống sót, do lực lượng nữ vệ binh Ukraina phụ trách. Một trong những người tổ chức cho biết chỉ có 200 chỗ nhưng có đến 1.000 phụ nữ đăng ký, con số chưa từng thấy !


« Ukraina không phải là Titanic ! »

Washington và các nước phương Tây hồi hộp theo dõi việc Nga rầm rộ đưa quân và khí tài đến biên giới Ukraina. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 27/01 cảnh báo đồng nhiệm Volodymyr Zelensky rằng Matxcơva có thể động binh trong tháng Hai, thủ tướng Anh Boris Johnson hai ngày sau đó đề nghị NATO triển khai quân đội, chiến hạm và chiến đấu cơ quy mô tại châu Âu. Từ vài tuần qua, quân Nga còn được huy động tại Belarus, chỉ cách Kiev có 100 kilomet.

Chính quyền Ukraina không vui khi trở thành trung tâm chú ý của thế giới. Tổng thống Zelensky bực bội trước việc vô số phóng viên ngoại quốc đổ xô đến, và khi Mỹ loan báo di tản thân nhân ngoại giao đoàn, ông thẳng thừng nói : « Thuyền trưởng là người cuối cùng rời con tàu, và Ukraina không phải là Titanic ». Khi Reuters dẫn một nguồn tin Mỹ cho biết quân Nga ở biên giới bắt đầu nhận được những bịch máu, bộ Quốc phòng Ukraina lập tức đính chính.

Trong lúc phương Tây chú trọng quan sát số lượng xe tăng, xe quân sự, thiết bị của Nga được các đoàn xe lửa vận chuyển đến biên giới, các nhà lãnh đạo Ukraina lo rằng tình hình sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Một người bán hàng ở chợ kể ra với La Croix, những mối quan tâm chính hiện nay : giá xăng, giá khí đốt, đồng hryvnia sụt giá. Dân Ukraina không sợ Nga, nỗi lo của họ nằm ở chỗ khác.


Cuộc mặc cả quy mô thế giới để san sẻ khí hóa lỏng cho châu Âu

Trên lãnh vực năng lượng, Le Monde nhận xét châu Âu biết rằng cần khẩn cấp tìm cách giảm lệ thuộc vào khí đốt Nga, sau khi đe dọa sẽ trừng phạt Matxcơva nặng nề nếu xâm lăng Ukraina. Hoa Kỳ cho biết sẵn sàng giúp đỡ đồng minh.

Nhà Trắng và Bruxelles tích cực bàn bạc để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Hoa Kỳ là nước sản xuất khí hóa lỏng (GNL) quan trọng. Nhiên liệu này được chở đến bằng tàu biển rồi chuyển lại thành dạng khí, dễ dàng thay thể cho khí đốt thiên nhiên được vận chuyển bằng đường ống, thiếu đi tính linh hoạt. Trong ba tuần qua, đã có 70 đến 80 chuyến tàu GNL được Mỹ đưa sang châu Âu.

Những nhà sản xuất khác như các nước vùng Vịnh, Ai Cập, Algérie cũng được đề nghị chuyển một phần sang cho châu Âu. Nhưng đa số sản lượng GNL đều đã có hợp đồng bán, và như vậy các khách hàng như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cần phải tạm ngưng nhận một số chuyến hàng. Một cuộc mặc cả quy mô giữa nhiều chính phủ trên thế giới sẽ còn tiếp diễn trong những ngày tới, trước hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Châu Âu về an ninh năng lượng ngày 07/02. Song song đó, Liên hiệp Châu Âu (EU) còn có thể trông cậy vào Na Uy, nhà cung cấp khí đốt thứ nhì sau Nga và Azerbaijian, cũng như sử dụng đến nguồn khí dự trữ.


Matxcơva cũng cần thu nhập từ dầu khí

Ít ai tin rằng Matxcơva sẽ ngưng cung cấp lâu dài, vì cần thu nhập từ khí đốt nhất là hiện nay giá đang cao. Một cố vấn châu Âu nhấn mạnh ngay trong thời chiến tranh lạnh, Nga vẫn bán khí đốt cho châu Âu. Sau vụ Matxcơva ngưng trung chuyển khí đốt qua ngả Ukraina năm 2009 làm ảnh hưởng 15 nước thành viên, EU đã đối phó bằng cách biến các đường ống dẫn lưu thông hai chiều, đa dạng hóa nguồn cung, tăng khả năng kết nối giữa các nước và chuyển đối khí hóa lỏng.

Tuy nhiên Đức có kế hoạch ngưng sử dụng nguyên tử lực, tiêu thụ điện toàn cầu tăng, mỏ khí Groningue của Hà Lan sắp đóng do động đất; là những lý do khiến EU chỉ sản xuất được 9% lượng khí đốt tiêu thụ, so với 24% năm 2015. Hiện 40% khí đốt nhập khẩu vào EU là của Nga và trong 10 năm tới châu Âu vẫn tiếp tục lệ thuộc - riêng Slovakia và Áo nhập toàn bộ từ Nga. Le Monde cho rằng đường ống Nord Stream 2 có thể là phương tiện để EU gây áp lực lên Nga.


Bầu cử tổng thống Pháp : Cánh tả vẫn rối rắm

Bên cạnh tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraina, kết quả bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống của đảng Xã Hội Pháp là chủ đề chính thứ hai của báo chí Pháp hôm nay 31/01/2022. Nnhật báo Libération nhận định « Taubira dẫn đầu, cánh tả trong tình trạng nhập nhằng ». Viễn cảnh các ứng cử viên tổng thống đoàn kết với nhau ngày càng xa dần.

Như dự kiến, bà Christiane Taubira tối qua đã về đầu, gây khó khăn thêm cho đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo. Tuy cuộc bầu cử vẫn gây tranh cãi, nhưng số gần 400.000 người tham gia bỏ phiếu không phải là nhỏ. Bà Taubira được giới trẻ ủng hộ, nhưng còn phải làm những người lớn tuổi hơn quên đi việc bà từ chối kêu gọi dân Guyane chích ngừa khi dịch Covid đang hoành hành tại lãnh thổ hải ngoại Pháp. Và chương trình hành động, phương tiện, sự ủng hộ… ra sao ? Hãy còn rất ít thời gian để bà thuyết phục được cử tri cánh tả. Taubira cố gắng tập hợp đội ngũ, nhưng trong tất cả các khuôn mặt đang chạy đua vào Elysée, không một ai muốn đứng sau lưng bà.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.