mardi 1 février 2022

Nguyễn Tuấn Khoa - Đón xuân này, nhớ xuân xưa


Thời còn nhỏ tôi ở Cư Xá Đô Thành. Khu này có nhiều người nổi tiếng cư ngụ như nhạc sĩ Văn Phụng, ông Lê Văn Khoa, ca sĩ Thanh Thúy, ông Hoàng Mai đóng kịch, ông Tòng Sơn thổi kèn, ông Tam Lang đá banh, cải lương thì có chị em Hoài Dung- Hoài Mỹ...

Giới học thức cao cũng nhiều, gia đình quân nhân cũng nhiều nhưng nhiều nhất vẫn là giới lao động. Do vậy ngày Tết ở Cư Xá Đô Thành là hình ảnh thu nhỏ của miền Nam VN ngày đó.

Đối với con nít ở xóm lao động, không có ngày nào trong năm vui bằng những ngày trước Tết Nguyên Đán.

Từ trước Tết một tuần, tiếng pháo nổ giòn khắp mọi nơi. Con nít thì đốt pháo chuột, choai choai thì chơi pháo trung, còn pháo đại là dành cho giới anh-chị. Khắp xóm là những tụ cờ bạc ăn thua nhỏ bằng tiền rất hấp dẫn: lô-tô, tài xỉu nhưng thu hút nhiều nhất là bầu-cua-cá-cọp. Năm nào anh tôi cũng vẽ bàn bầu cua rồi xuống đường “ăn thua đủ” với hàng xóm và năm nào cũng phát tài. Trong mấy ngày nghỉ Tết, các gia đình không cấm con cái đến với các trò chơi trên đường phố.

Đường phố vui đến mức thu hút cả những người tu hành trong chùa Phật Bửu Tự và chùa Tam Tông Miếu. Mấy ngày Tết Sư Thầy ở đây có vẻ hoan hỉ hơn ngày thường nên để mặc cho các đệ tử tự do. Mấy chú tiểu ở chùa Phật Bửu Tự được dịp len lén tìm hiểu cuộc đời xem có gì đổi mới sau một năm bị “cấm cung”. Mấy chú chơi bầu cua, chơi thua thì xin lại, chơi ăn thì “xi-non” lấy tiền mua mấy bản nhạc có hình Mai Lệ Huyền mặc hở hang rồi giấu trong… bụng.

Ban ngày mọi góc phố nhộn nhịp, càng về đêm trên phố người dần thưa thớt, tiếng chân bước vội cho kịp về nhà. Đây đó ở lề đường là những nhóm nhạc đường phố với guitar thùng hát nhạc bolero. Nhạc Xuân dù rất phong phú nhưng chỗ nào cũng hát: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương”. Vào lúc đó tôi thấy ai hát bài này cũng hay cả. Họ như hát thay cho những người thân ở xa chưa về đón Xuân cùng gia đình. Đó là giây phút trước giờ đón Giao Thừa.

Đối với người lớn, trong năm không có ngày nào thiêng liêng và trọng đại bằng đêm Giao Thừa! Mọi gia đình quây quần bên mâm cúng đặt trước sân hay hiên nhà. Ai cũng trầm lặng như đang nhớ lại những gì mình đã gặt hái được và những gì mình không gặp may trong suốt năm qua. Ở thời chiến chuyện mất mát đều xảy ra với hầu hết các gia đình. Trong lúc này, không ai nghĩ đến hận thù, chỉ có từ bi và hỉ xả. Đúng giờ thiêng, hết thảy mọi người đều dâng hương cầu nguyện cho hòa bình mau chóng đến với nước Việt buồn, để cho cảnh máu đổ thịt rơi của những người anh em không còn nữa.

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau

(Bùi Giáng)

Chữ miên trường mà ông Bùi Giáng dùng trong câu thơ trên tôi hiểu là một đoạn đường dài mà mọi người đã đi trong suốt một năm với buồn vui lẫn lộn.

Ngày mùng một Tết các con cháu ăn mặc chỉnh tề, ít lăng-xăng như ngày thường và có vẻ người lớn hơn. Chúng cùng cha mẹ lần lượt mừng tuổi ông bà để nhận được lì-xì. Sau những nghi lễ truyền thống này, con nít đổ ra ngoài đường để "nướng" tiền lì-xì vào trong các sòng bài mà dự đoán là thua nhiều hơn thắng. Vậy cũng vui!

Trong khi đó người lớn thì đi lễ chùa, nhà thờ hoặc đi chúc Tết những bậc trưởng thượng trong họ. Chỉ mới mùng Một thôi mà niềm vui đầy nhà. Con nít thì đếm thầm ngày vui đang cạn, còn người lớn thì biết cuộc vui còn kéo dài hết tháng Giêng thậm chí tới Tết năm sau nữa.

Năm mới tháng Giêng mùng Một Tết

Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân

(Nguyễn Bính)

Tết năm nay dân Sài Gòn vui trở lại sau hai cái Tết bị dịch Covid làm khổ. Với biến cố lịch sử này người Sài Gòn không dám mong ước gì nhiều, chỉ cầu nguyện: Gia đình và đất nước được hạnh phúc và bình an.

Tôi cũng cầu chúc cho các bạn được khỏe mạnh và bình an.

NGUYỄN TUẤN KHOA 31.01.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.