lundi 13 décembre 2021

Nguyễn Thông - Văn hóa (4)

 

Chốt lại những ý ở các phần bài trước, rằng không phải cứ cái gì của phong kiến cũng là xấu, là phải bỏ và thay bằng cái mới. Có những giá trị đã được thử thách, chịu cuộc dâu bể và tồn tại mãi tới ngày nay.

Lễ chính là thứ giá trị ấy, thành thứ chuẩn mực đạo đức, lối sống, văn hóa, đã là con người thì phải có nó, không thể bỏ được.

Tuy nhiên, gìn giữ ngàn đời nhưng có thể phá trong phút chốc. Thể chế nhân danh cách mạng đã hủy hoại biết bao nhiêu điều tốt đẹp mà cha ông từng gìn giữ bảo vệ, cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó có lễ. Không ai phá lễ, hủy lễ “giỏi” bằng bộ máy cai trị.

Trên ngồi chẳng chính ngôi, nên bề tôi, kẻ dưới mới lăng loàn. Trên thì hống hách, cao ngạo, khinh rẻ người như rơm rác, dưới thì hèn hạ, rạp mình, mất tư cách, không ra thể thống gì. Chả bao giờ như thời nay, nên chính những kẻ vô lễ ấy đã đúc rút ra thứ lễ “tiến lên ta quyết tiến lên/tiến lên ta gọi cấp trên bằng thằng”. Quan lớn quan nhỏ đều mất lễ, bảo sao dân chúng không coi khinh xem thường. Vụ cái vòng hoa viếng nạn nhân tử vong do Covid-19 là biểu hiện “vô lễ” thiếu văn hóa rõ nhất.

Việc giáo sư thành viên Hội đồng lý luận trung ương Trần Ngọc Thêm đòi bớt khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, xét về cơ bản là đòi bỏ lễ, nhưng nếu gạn đục khơi trong thì cũng có phần chấp nhận được. Cái "được" nằm ở vấn đề ông Thêm đòi bỏ khẩu hiệu. Ít nhiều ông Thêm đã dám thách thức thứ trật tự an bài, đã bày tỏ thái độ phản kháng đối với sự áp đặt vốn được coi là không thể thay đổi của nhà cai trị.

Mở rộng hơn, không chỉ bỏ bệnh thích khẩu hiệu trong giáo dục-nhà trường, mà cần bỏ ngay, bỏ triệt để bệnh sính khẩu hiệu đã thành mạn tính trong cuộc sống này đã hơn 2/3 thế kỷ. Một căn bệnh hình thức, màu mè, rởm đời, ngứa mắt, không thực chất. Nó chả khác gì thứ u nhọt trên cơ thể đời sống xã hội. Bệnh nặng tới mức có lúc nó còn được tôn vinh thành sách lược, đường lối.

Tôi nhớ thời những năm 60 - 70 ở miền Bắc, đám học trò chúng tôi khi học môn lịch sử, trong những bài về thắng lợi này nọ, ở phần nguyên nhân, ngoài những sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, đường lối đúng đắn, lòng yêu nước của quân và dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, v.v.., còn có gạch đầu dòng nhấn mạnh việc có khẩu hiệu chính xác, kịp thời. Trên thế gian này, không ai mê cuồng khẩu hiệu bằng người cộng sản.

Tôi có người bạn, bậc đàn anh, anh Nguyễn Thế Khải, người từng đi khắp năm châu bốn biển, không nơi nào không đặt chân tới. Anh là chủ Công ty Du lịch Hoàn Mỹ nên đi nhiều. Sinh thời, anh (mới mất năm ngoái) có kể với tôi, phàn nàn rằng không có xứ nào mê muội khẩu hiệu rởm đời như xứ ta. Ở đất người ta, căng mắt ra tìm, bói cũng không ra khẩu hiệu. Mỹ, Canada, Úc, hoặc châu Âu đã đành, ngay cả châu Phi cũng cực hiếm khẩu hiệu. Khẩu hiệu đỏ chói lại càng hiếm. Nhưng họ vẫn phát triển, vẫn yên bình.

Về tới mình, vừa xuống máy bay là nhức mắt, chịu không nổi. Vừa rởm, màu mè làm xấu cảnh quan, vừa tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Nhiều con đường, khẩu hiệu và cờ quạt đỏ lòe trông như những cục tiết.

Hồi nhỏ tôi đi học, tuy chưa nhiều khẩu hiệu như bây giờ, nhưng trường lớp bị khẩu hiệu chiếm dụng cũng đã ghê. Người ta cứ thay hết câu này tới câu khác, thậm chí cùng lúc bày ra đủ thứ. Hình như họ nghĩ không có khẩu hiệu thì không giáo dục được, không dạy được học trò nên người. Nào là “Học, học nữa, học mãi” (lời dạy này của ông Sáu Lin phòng học nào cũng có, ngự ngay phía trên bảng đen). Rồi “Thi đua dạy tốt học tốt”, rồi “Vì lợi ích 10 năm trồng cây…”, rồi “5 điều Bác Hồ dạy”…

Chẳng nhẽ người ta nghĩ rằng chỉ cần khẩu hiệu là có thể đảm bảo được chất lượng của nền giáo dục. Bao nhiêu năm cứ thế trôi đi, tới khi giật mình nhận ra sự thực trường không ra trường, lớp chẳng ra lớp, thầy không ra thầy, trò chả ra trò, nát bét cả, mới vội vàng thay đổi, treo “Tiên học lễ, hậu học văn”. Và giờ lại đòi bỏ. Cứ quẩn quanh đèn cù không ra thể thống gì.

Phải triệt để thay đổi nền giáo dục hiện tại, đã từng tồn tại hơn nửa thế kỷ. Nói thẳng, nhà cai trị và những người cầm trịch giáo dục xã hội chủ nghĩa xứ này phải biết ngượng với những gì người Pháp, và cả chính quyền Sài Gòn trước 1975, đã làm được cho nền giáo dục nước nhà.

Cứ lúng túng mãi tự bện dây trói mình, rồi cũng chả đi đến đâu. Lễ hay văn đều cần dạy và học, bởi có thế mới tạo được con người đủ đức đủ tài. Chỉ không cần khẩu hiệu, không cần thứ vỏ rỗng tuếch. Mà không chỉ với khẩu hiệu giáo sư Thêm đề nghị bỏ, cứ bỏ tất, cuộc sống và xã hội không vì thế mà lụn bại.

Giờ đây, với con người, thứ thiếu nhất không phải là lễ hay văn, mà là dũng.

NGUYỄNTHÔNG 11.12.2021

Ảnh: Con thuyền giáo dục xứ này mà còn đòi bỏ lễ nữa thì sẽ đắm.

Nguyễn Thông - Văn hóa (3)

Nguyễn Thông - Văn hóa (2)

Nguyễn Thông - Văn hóa (1)

 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.