vendredi 5 novembre 2021

Trung Quốc khoác áo tư nhân để thâu tóm lãnh vực bán dẫn châu Âu


Đăng ngày:

 

Chỉ số chứng khoán CAC 40 của Pháp phá kỷ lục, khí hậu, vấn đề chẩn đoán vô sinh, đó là các chủ đề lớn trên báo chí Paris hôm nay. Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde giải thích "Trung Quốc tìm cách kiểm soát các công ty bán dẫn châu Âu như thế nào". Đang lẹt đẹt phía sau, Bắc Kinh âm thầm ẩn mình sau các công ty bình phong để thâu tóm công nghệ này, kể cả tại Pháp.

Mua được các công ty bán dẫn, Bắc Kinh cho xây nhà máy tại Hoa lục

Hôm 13/05, quỹ đầu tư Trung Quốc Wise Road Capital đề nghị mua lại công ty Pháp Unity Semiconductor (SC) SAS. Quỹ này có vẻ vô hại: được thành lập năm 2017 để đầu tư vào các công ty công nghệ nhất là bán dẫn, trên trang web cho biết là « tư nhân », khẳng định có « quyết định độc lập ». Thế nhưng theo cơ quan tình báo kinh tế Datenna, nhiều cổ đông có liên hệ chặt chẽ với Nhà nước Trung Quốc, và thực tế là công cụ của Bắc Kinh để nâng cao sức mạnh công nghệ.

UnitySC tuy ít được biết đến nhưng có tương lai rất sáng sủa. Nhờ trung tâm nghiên cứu ở « thung lũng Silicon mini » Grenoble, công nghệ của công ty rất cần thiết khi những con chip bán dẫn ngày càng được thu nhỏ. Theo South China Morning Post, nhiều trung tâm nghiên cứu, đơn vị sản xuất đã bị rơi vào tay Wise Road Capital và được chuyển giao cho Trung Quốc. Chỉ một tháng sau khi bị mua lại, United Test and Assembly Center (UTAC) của Singapore thông báo xây nhà máy tại Sơn Đông, công ty Đức Huba Control cũng cùng chung số phận, được đưa về Tứ Xuyên. Công ty liên doanh với Áo AMS thì xây nhà máy tại An Huy.

Với công nghệ số, chip điện tử là mặt hàng không thể thiếu trong kỹ nghệ thế giới, có mặt trong điện thoại thông minh, máy tính, xe hơi và cả hỏa tiễn đạn đạo. Một chiếc xe hơi cần từ 1.000 đến 1.400 con chip. Việc sản xuất tập trung vào một số ít nước, và Trung Quốc vốn chỉ làm được 15% số chip tiêu thụ, đang lệ thuộc vào Nhật Bản, Đài Loan. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 350 tỉ đô la chip bán dẫn, cao hơn cả dầu lửa. Dù chỉ 1% chip bán dẫn được sử dụng trong quân sự, Hoa Kỳ vẫn thận trọng hạn chế xuất sang Trung Quốc.


Lập 1.800 quỹ đầu tư để đứng đầu thế giới trong 10 công nghệ

Với kế hoạch Made in China 2025 tung ra năm 2015, Bắc Kinh tự ra hạn định 10 năm để đứng đầu thế giới trong mười công nghệ chủ chốt, và lập ra trên 1.800 quỹ đầu tư công về kỹ nghệ, sở hữu 390 tỉ euro, theo Viện Mercator. Tổng giám đốc Datenna nhấn mạnh, riêng về lãnh vực bán dẫn, Nhà nước Trung Quốc đều can dự trong mỗi thương vụ nhưng giấu mặt sau các quỹ tư nhân. Nhiều nước châu Âu không biết được vì thông tin nằm rải rác và bằng tiếng Hoa.

Ủy ban Đầu tư Nước ngoài ở Hoa Kỳ đã bác việc Wise Road Capital, thông qua hai chi nhánh ở quần đảo Caiman và bang Delaware, mua lại nhà sản xuất bán dẫn Magnachip của Hàn Quốc niêm yết tại Wall Street. Anh chặn việc bán Newport Wafer Fab cho chi nhánh ở Hà Lan của một công ty điện tử Trung Quốc. Tại Pháp, cả bộ Kinh tế lẫn UnitySC đều từ chối bình luận về khả năng Trung Quốc mua lại. Từ ngày 01/04/2020, việc nước ngoài mua các công ty bán dẫn phải được cơ quan chức năng xét duyệt, vì lý do an ninh quốc gia.

Mùa xuân 2019, Liên hiệp Châu Âu đã loan báo cơ chế thanh lọc, các quốc gia thành viên phải thông tin về mọi đầu tư ngoại quốc trong công nghệ nhạy cảm. Nhưng Viện Thẩm kế châu Âu vẫn gặp khó khăn trong việc có được dữ liệu hoàn chỉnh cập nhật, và như vậy vẫn chưa có được cái nhìn chung về các hoạt động thâu tóm của Bắc Kinh.


Phái đoàn nghị sĩ châu Âu đến Đài Loan

Trong khi đó cũng theo Le Monde, một phái đoàn châu Âu lên đường thăm Đài Loan, đất nước đang thống trị về chip bán dẫn. Chuyến đi này tiếp theo « chuyến công du » vô tiền khoáng hậu tại Liên Hiệp Châu Âu của ngoại trưởng đảo quốc.

Phái đoàn thuộc Ủy ban đặc biệt của Nghị viện Châu Âu về bóp méo thông tin và can thiệp của nước ngoài vào các tiến trình dân chủ (INGE) xuất phát từ hôm qua 02/11 để thăm Đài Bắc ba ngày. Được nghị sĩ Pháp Raphaël Glucksmann dẫn đầu, nhóm bảy nghị sĩ sẽ gặp nhiều bộ trưởng và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ông Glucksmann nằm trong số mười nghị sĩ châu Âu bị Bắc Kinh « trừng phạt » vì ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ.

Hôm 28/10, Nghị viện Châu Âu đã thông qua với đa số phiếu một văn bản đòi hỏi tăng cường quan hệ giữa Liên hiệp Châu Âu (EU) với Đài Loan. Chủ yếu là nghiên cứu một thỏa thuận đầu tư song phương trước cuối năm – một dự án chưa bao giờ được cụ thể hóa. Nghị Viện cũng bày tỏ « hết sức quan ngại » về thái độ « hiếu chiến » của Bắc Kinh đối với Đài Bắc, kêu gọi « bảo vệ nền dân chủ Đài Loan ». Một số dự án khác đang được xem xét, trong đó có một phái đoàn quy mô hơn của Ủy ban Đối ngoại Nghị Viện.


Lần đầu một ngoại trưởng Đài Loan thăm châu Âu, Bắc Kinh tức tối

Vốn tương đối dè dặt, EU từ hai tuần qua đã cao giọng hơn về vấn đề Đài Loan. Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu Margrethe Vestager tố cáo áp lực và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại eo biển, có thể ảnh hưởng đến « an ninh và thịnh vượng » của châu Âu. EU lo ngại việc cung ứng chất bán dẫn của công ty Đài Loan TSMC, « thiết yếu cho việc phát triển kỹ nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số của Liên hiệp ». Bà Vestager kêu gọi « đối thoại », « chấm dứt các hành động đơn phương gây căng thẳng ».

Mới đây ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) đã thăm Cộng hòa Sec và Slovakia, tham gia (qua video) một hội nghị của các nghị sĩ chống Trung Quốc tại Roma bên lề thượng đỉnh G20. Bắc Kinh giận dữ tố cáo Thượng Viện Sec « khiêu khích ». Ông Ngô Chiêu Tiếp cũng thăm Bruxelles cuối tuần rồi, nhưng các định chế châu Âu ít đề cập và báo chí Hoa lục tránh nói đến. Đây là lần đầu tiên một ngoại trưởng Đài Loan thăm các nước châu Âu, một sự kiện vô cùng nhạy cảm. Ông Ngô cũng thăm Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 11 tháng Chín, nhưng chính quyền Biden không có tuyên bố chính thức nào, và ngoại trưởng Đài Loan được tiếp ở Maryland chứ không phải Washington.

Đài Bắc cũng đã gởi một phái đoàn do bộ trưởng Kinh tế kiêm nhiệm phụ trách TSMC, ông Cung Minh Hâm (Kung Ming Hsin) dẫn đầu, thăm Cộng hòa Sec, Slovakia, Litva. Ông nói với trang Politico là cả ba nước đều mong được phát triển chất bán dẫn.


Các tập đoàn internet Mỹ lần lượt rời Hoa lục

Vẫn về công nghệ, Le Figaro Les Echos đều chú ý đến việc các tập đoàn internet của Mỹ như Fortnite, Yahoo !, Linkedln… lần lượt rời khỏi thị trường khổng lồ Trung Quốc. Đầu tháng 11, Fortnite tuyên bố bỏ cuộc, và Epic Games, nhà sản xuất trò chơi video có 350 triệu người sử dụng trên thế giới, cũng loan báo rút khỏi Hoa lục. Hôm qua đến lượt công cụ tìm kiếm Yahoo ! cho biết không còn cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc sau hai thập niên hiện diện, nêu lý do môi trường pháp lý và các quy định « ngày càng khó khăn ». Một tháng trước, mạng LinkedIn quyết định « một đi không trở lại ».

Các loan báo này trùng hợp với việc các quy định mới của Bắc Kinh bắt đầu có hiệu lực từ đầu tuần này, đòi hỏi các công ty ngoại quốc phải báo cáo với các cơ quan giám sát của Trung Quốc. Đặc biệt các thông tin cá nhân lưu trữ tại Hoa lục không thể được chuyển giao cho các nước có « tiêu chí thấp hơn » Trung Quốc, trước hết là Hoa Kỳ. Các tập đoàn kỹ thuật số muốn ở lại Hoa lục phải chặn các nội dung mà Bắc Kinh không thích. Linkedln năm nay đã bị chỉ trích dữ dội vì chặn tài khoản của nhiều nhà báo, giảng viên đại học, nhà đấu tranh nhân quyền. Trước đó từ 2009 Facebook, Twitter, Instagram, YouTube, Wikipédia đã bị « Vạn lý Hỏa thành » phong tỏa, còn Google sập cửa ra đi năm 2010.


Tình báo Mỹ : Đại dịch Covid có thể xuất xứ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Trên lãnh vực dịch tễ, Les Echos cho biết Washington nhận định khả năng con virus corona thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán là khả tín. Một báo cáo tổng hợp của năm cơ quan tình báo Mỹ được giải mật hôm thứ Sáu 29/10 kết luận con virus SARS-Cov-2 gây ra đại dịch Covid rất có thể đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Đặc biệt FBI ưu tiên cho khả năng tai nạn phòng thí nghiệm. Cho dù con virus được nuôi cấy thậm chí chuyển đổi trong phòng thí nghiệm P4, các cơ quan tình báo Mỹ không cho là với mục đích tạo ra vũ khí sinh học, và nhận định bí ẩn này chỉ có thể giải mã với sự hợp tác hoàn toàn của Bắc Kinh.

Dù giọng điệu báo cáo khá ôn hòa, Bắc Kinh vẫn giẫy nẫy tố cáo « trò đùa chính trị » khi nhắc đến Viện Virus học Vũ Hán (WIV), tuy các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên tháng 12/2019 được phát hiện chỉ cách đó vài con đường. Ban đầu Bắc Kinh khẳng định con virus là từ những con dơi bán ở ngôi chợ gần đó, nhưng đến tháng 4/2020 người ta biết rằng chợ này chưa bao giờ bán dơi. Chế độ Trung Quốc lại càng rơi vào thế thủ sau khi Quốc hội Mỹ thứ Tư tuần trước tiết lộ các thông tin gây bối rối về công việc của WIV. Viện Y tế Quốc gia (NIH) thông qua Eco Health Alliance (EHA) đã tài trợ mấy chục triệu đô la cho thí nghiệm « tăng cường chức năng » (GOF) con virus. Peter Daszak, chủ tịch EHA năm 2018 từng xin ngân sách của DARPA, cơ quan nghiên cứu của quân đội nhưng bị từ chối vì quá nguy hiểm.


Trung Quốc kiên định zero Covid, cơn ác mộng cho người lao động nước ngoài

Trong khi đó Trung Quốc vẫn tự cô lập với chiến lược zero Covid, gây khó khăn cho những người ngoại quốc làm việc tại Hoa lục. Hiện nay ít nhất 6 triệu người đang bị cách ly, chủ yếu ở Lan Châu. Tại Thượng Hải, Disneyland hôm thứ Hai phải đóng cửa sau khi phát hiện một khách bị dương tính, khiến gần 34.000 khách phải xét nghiệm mới được rời khỏi khu giải trí. Ba ngày trước đó, một chuyến tàu đang hướng về Bắc Kinh bị chận đột ngột vì hai ca tiếp xúc trên tàu. Tất cả 211 hành khách bị xét nghiệm, tất cả đều âm tính nhưng… đều bị đưa đi cách ly !

Tình trạng Hoa lục đóng cửa là cơn ác mộng cho những người ngoại quốc làm việc tại đây. Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc trong báo cáo mới nhất cho biết khó thể tuyển dụng người mới, thậm chí không giữ được những người cũ đang làm việc tại chỗ. Về phía chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải, Ker Gibbs lo ngại nhân viên ngoại quốc tại Hoa lục sẽ lũ lượt về nước. Qua điều tra 338 doanh nghiệp thành viên, trên 70% gặp khó khăn trong việc giữ chân người giỏi việc.


Donald Trump vẫn quyền lực nhất đảng Cộng Hòa

Nhìn sang Hoa Kỳ, La Croix nhận thấy một năm sau khi thất cử, Donald Trump vẫn là nhân vật quyền lực nhất trong đảng Cộng Hòa. Cách đây một năm, tên ông Trump được thêm vào danh sách ít ỏi những ông chủ Nhà Trắng chỉ tại vị một nhiệm kỳ. Đóng vai người thua cuộc là điều khó thể chấp nhận đối với Donald Trump. Từ đó đến nay, ông sống tại Florida, vẫn thường xuyên chơi gôn, và liên lạc với người ủng hộ chủ yếu qua email do các tài khoản mạng xã hội đã bị cấm. Mới đây Donald Trump dự khán một trận bóng chày tại Atlanta bên cạnh một cầu thủ bóng đá nổi tiếng được cho là sẽ tranh cử chức thượng nghị sĩ Georgia, và xuất hiện qua video trong các cuộc mít-tinh ở Ohio và Virginia.

Ông Trump chuẩn bị « come-back » năm 2024 chăng? Ông chưa tiết lộ gì cả, và còn rất nhiều trở ngại trên con đường. Trong khi chờ đợi, cựu tổng thống tích cực duy trì dấu ấn trên đảng Cộng Hòa. Cách thức của ông là cổ vũ cho các ứng cử viên cùng chí hướng với mình chống lại những người ôn hòa ở các cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng, tiến đến bầu cử Quốc hội giữa kỳ tháng 11/2022. Tại Hoa Kỳ, các đảng không phải là những tổ chức tập quyền. Ứng cử viên không phải được Washington giới thiệu, mà bầu cử sơ bộ được mở rộng không chỉ cho đảng viên mà cả những cảm tình viên.

Những dân biểu đã bỏ phiếu truất phế ông Trump chịu áp lực vô cùng lớn. Và Donald Trump tả xung hữu đột, chủ yếu chống 10 đại biểu Cộng Hòa này, tận dụng ưu thế ông vẫn là chính khách được cử tri cánh hữu yêu thích nhất dù « lưu vong » đã được một năm. Theo thăm dò mới nhất, 77% cử tri Cộng Hòa muốn Donald Trump ra tranh cử năm 2024. François Vergniolle de Chantal, giáo sư trường đại học Paris nhận xét: « Thường thì khi một tổng thống thất cử sau nhiệm kỳ đầu, người kế tục sẽ xuất hiện, nhưng nay không phải như vậy ».

Trước các tấn công của Donald Trump, hai đại biểu Cộng Hòa ủng hộ impeachment đã bỏ cuộc, người cuối cùng là Adam Kinzinger, 43 tuổi, đại diện Wisconsin từ năm 2011. Lập tức ông Trump vui vẻ gởi mail « Xong 2 người rồi, còn lại 8 ! ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.