(Dorian Malovic, LaCroix 26/11/2021) Vụ mất tích suốt 18 ngày của ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) và sự tái xuất của cô do chính quyền tổ chức đã đưa ra ánh sáng phương pháp cổ điển của chế độ Bắc Kinh : tống khứ những « kẻ gây rắc rối » bằng cách làm cho họ bốc hơi. Là người nổi tiếng hay vô danh, hàng trăm người Hoa, Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ đã bị xóa khỏi ký ức trong những năm gần đây.
Bành Súy còn sống nhưng không hề được tự do. Hôm 02/11, khi tố cáo một quan chức rất cao cấp của đảng Cộng sản đã hãm hiếp mình, ngôi sao quần vợt Trung Quốc đã khởi động một tiến trình dữ dội tại Trung Quốc và trên thế giới.
Nếu người phụ nữ 35 tuổi không hình dung được việc đã trở thành trung tâm một xì-căng-đan toàn cầu, bộ máy tuyên truyền Trung Quốc cũng bị choáng ngợp trước sự phẫn nộ của quốc tế, từ sự tố cáo can đảm này. Với hậu quả vẫn chưa đoán định được cho cây vợt trẻ.
Làm biến mất những « kẻ gây rối », cách cổ điển của tư pháp Trung Quốc
Làm biến mất những « kẻ gây rối », nghệ sĩ, người nổi tiếng, chính khách, quan chức cao cấp là cách thức cổ điển trong chính sách đàn áp của đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ khi ra đời cách đây một thế kỷ. Các tổ chức nhân quyền tố cáo, còn các Nhà nước lên án lấy lệ.
Nhưng chế độ Bắc Kinh bác bỏ bằng cách lớn tiếng tuyên truyền, cáo buộc « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ». Xì-căng-đan Bành Súy chỉ là vụ mới nhất trong danh sách rất dài gồm những người đàn ông, đàn bà – người Hoa, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ – bị biến thành những bóng ma.
« Chế độ cộng sản hoạt động như băng đảng mafia »
« Đừng cho rằng trường hợp Bành Súy là cá biệt, đó chỉ là vụ mới nhất trong một loạt những vụ mất tích » - Benedict Rogers, nhà sáng lập tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch tố cáo. « Chế độ cộng sản hoạt động như một băng đảng mafia : bắt cóc, gieo kinh hoàng, hăm dọa ». Và nhắc nhở vụ ấn tượng nhất gần như đã bị rơi vào quên lãng : vụ Ban Thiền Lạt Ma, Gedhun Choekyi Nyima, ngày nay đã 32 tuổi.
Lúc mới 6 tuổi vào năm 1995, cậu bé được chỉ định làm hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma, chức sắc cao cấp thứ nhì của Phật giáo Tây Tạng. Ba hôm sau, cậu bị chế độ Bắc Kinh bắt cóc và từ đó đến nay vẫn chìm trong bí mật. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, chính quyền Trung Quốc năm ngoái chỉ đơn giản tuyên bố là Nyima « sống bình thường ở Bắc Kinh » và không muốn « người ngoại quốc can thiệp và cuộc sống của mình ».
Bành Súy không phải là trường hợp cá biệt
Những lời lẽ kiểu này được nghe một cách đáng ngạc nhiên trong tuyên bố qua cuộc họp trực tuyến giữa Bành Súy hôm Chủ nhật 21/11 với chủ tịch Ủy ban Thế vận Quốc tế (CIO) Thomas Bach : « Cô ấy bình an vô sự tại nhà ở Bắc Kinh (…), và muốn cuộc sống riêng tư được tôn trọng ». Những người nổi tiếng khác không thể lên tiếng trong thời gian mất tích-cầm tù. Giải Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), bị tống giam năm 2008, chưa bao giờ được liên lạc với bên ngoài trong thời gian tù tội, cho đến khi thở hơi cuối cùng tại bệnh viện năm 2017. Vợ ông, bà Lưu Hà, bị quản thúc tại gia, gần như bị cô lập hoàn toàn từ năm 2010, và chỉ được sang Đức vào năm 2018 với điều kiện phải câm lặng.
Nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Ai Weiwei), người đấu tranh cho tự do dân chủ bị bắt ở Bắc Kinh năm 2011 và bị biệt giam 81 ngày trong một nhà tù bí mật, không cho ngủ, tắm rửa và ăn uống rất tồi tệ. Tỉ phú Mã Vân (Jack Ma), là « mối đe dọa kinh tế » cho chế độ, bị câu lưu năm 2020 và bị quản thúc ba tháng, có thể là tại gia hay ở một trong vô số cơ sở của đảng nằm « đón tiếp » những người khiêu khích tên tuổi
Những nghệ sĩ nổi tiếng như Triệu Vy (Zhao Wei) năm 2021 hay Phạm Băng Băng (Fan Bingbing) năm 2018, bị cáo buộc « làm hư hỏng tinh thần lớp trẻ » và « trốn thuế », cũng bị cắt rời khỏi thế giới gần ba tháng.
Trương Cao Lệ sẽ không bị xét xử vì có tình nhân
Đối với một số người, « những người giàu và nổi tiếng », bị quản thúc có thể là dễ chịu tại Trung Quốc. Họ tỏ ra nhũn nhặn hay công khai xin lỗi trong một video chính thức được chiếu trên tất cả các phương tiện truyền thông. Đảng Cộng sản chứng tỏ với công chúng là không có ngoại lệ trong chống tham nhũng, nhưng cũng khoan hồng đối với những ai « ăn năn hối cải » - thật tình hay là không - đã thú nhận tội lỗi.
Đối với những người khác ít giàu và ít nổi tiếng hơn, họ bị trừng phạt thẳng tay. Nhà xuất bản sách Thụy Điển gốc Hồng Kông Quế Dân Hải (Gui Minhai), chuyên in những cuốn sách tiết lộ chuyện hậu trường chính trị Trung Quốc, năm 2015 bị bắt cóc tại nhà riêng ở Thái Lan. Ông được cho xuất hiện trở lại năm 2016 để « tự thú » trên truyền hình. Hai năm sau, vừa được thả, ông lại bị công an mặc thường phục bắt giữ và nay đang bị giam cầm đâu đó tại một tỉnh miền bắc Trung Quốc.
« Hơn ba năm đã trôi qua từ khi chồng tôi bị mất tích và tôi không nhận được tin tức gì » - hôm thứ Sáu 19/11 bà Grace Meng, vợ của cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) viết cho tổ chức cảnh sát quốc tế như trên. Khi ông Mạnh sang Trung Quốc năm 2018, chính quyền đã làm ông « bốc hơi », rồi sau đó kết án 13 năm tù trong phiên tòa năm 2020. Cho đến hôm nay, không có ai biết được ông đang ở đâu.
Bắt giam tùy tiện được chế độ Trung Quốc hợp pháp hóa
« Bắt nhốt một người tại một địa điểm bí mật tách rời với thế giới bên ngoài đã được hợp pháp hóa trong hệ thống tư pháp Trung Quốc » - Phelim Kine, cố vấn về châu Á của Human Rights Watch giải thích. Theo ông, đó chỉ là việc mở rộng « quản thúc tại gia » hiện nay và « soft arrest » (giam giữ sáu tháng trước khi ra tòa), đối với những nghi can « đe dọa an ninh quốc gia », « ủng hộ khủng bố », « nuôi dưỡng tham nhũng ».
Bành Súy có thể bị xếp vào diện thứ nhất vì khi tố cáo một trong những quan chức cao cấp nhất nước đã hãm hiếp mình, cô đã đe dọa an ninh và ổn định quốc gia. Vụ này còn lâu mới kết thúc, và cây vợt nổi tiếng vẫn đang nằm trong tay cơ quan tuyên truyền.
---------------
Diễn biến vụ Bành Súy
02/11. Vận động viên quần vợt Bành Súy đăng trên Vi Bác (Weibo) một bài viết tố cáo ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), nhân vật thứ 7 Trung Quốc, đã hãm hiếp cô. Chỉ 20 phút sau, bài viết bị kiểm duyệt xóa mất.
14-16/11. Bành Súy biến mất, giới quần vợt lên tiếng đòi Bắc Kinh đưa bằng chứng là cô vẫn còn sống.
17/11. Báo chí nhà nước đăng ảnh và một video trong đó Bành Súy xuất hiện với các bạn.
19/11. Hiệp hội quần vợt nữ đe dọa rút khỏi các cuộc tranh tài tennis tại Trung Quốc.
21/11. Chủ tịch Ủy ban Thế vận Quốc tế Thomas Bach nói chuyện qua video với Bành Súy, vẫn còn sống nhưng bị chính quyền kiểm soát.
Bài viết liên quan:
Đến lượt vợ cựu chủ tịch Interpol bị Trung Quốc âm mưu bắt cóc ?
Bảy « nhà truyền giáo » tư bản Trung Quốc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.