mercredi 24 novembre 2021

Trần Phi Tuấn - Thích ứng trong sợ hãi

 

Đã hơn một tháng Việt Nam chuyển sang giai đoạn “thích ứng”, nhưng có vẻ như nỗi sợ hãi về các ca nhiễm vẫn chưa thể biến mất.

Sài Gòn hiện có hơn 77.000 ca nhiễm, trong đó hơn 56.000 ca ở nhà tự điều trị, gần 14.000 ca phải vào viện, và số còn lại cách ly ở các cơ sở tập trung. Điểm giới hạn mà hệ thống y tế của thành phố có thể chịu đựng cùng một lúc: 120.000 ca.

Cách ứng phó đã thích ứng hơn: ai nhiễm thì tự điều trị ở nhà, có tư vấn và giám sát của các bác sĩ, thuộc cấp độ trạm y tế của các phường xã.

Nhẹ thì không sao, tập tành chút, ăn uống nghỉ ngơi chút rồi khỏi. Có triệu chứng chút thì sẽ được phát thuốc, gọi là gói C. Nặng nữa, sẽ được phát thuốc gói B, và cho nhập viện.

Nhập viện thì sao? Các bệnh viện ở TP.HCM được chia thành 3 tầng điều trị: Dã chiến thu dung cho các trường hợp nhẹ, gọi là tầng 1, điều trị cho tầng 2 những người triệu chứng nặng hơn và cuối cùng là tầng 3, nơi các bệnh viện hồi sức chuyên sâu như Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, Nhiệt Đới…

Các ca nhiễm đang tăng gây ra lo ngại, vì tỉ lệ thuận với điều đó là các ca nhập viện của 3 tầng, cứ cho là theo quy luật 80/20, sẽ ngày càng tăng. Gánh nặng của ngành y tế vì thế cũng đang trĩu theo.

Trĩu như thế nào? Để trả lời, bạn cần biết chi phí điều trị trực tiếp cho một bệnh nhân là bao nhiêu.

Con số cụ thể sẽ tùy vào bệnh nặng hay nhẹ, thời gian điều trị lâu hay mau.

Lấy ví dụ, một người nhiễm không triệu chứng, ở nhà có thể uống bia, nấu ăn như bình thường, thì coi như không tốn kém mấy.

Những người vào bệnh viện cũng tùy, chừng 10 ngày đôi tuần chỉ theo dõi, uống ít thuốc sẽ chỉ tốn vài ba triệu.

Nhưng khi người bệnh khó thở, trở nặng, thì chi phí điều trị sẽ tăng lên. Nhẹ thì dùng máy trợ thở, nặng thì thở bằng máy thở.

Thở máy có nhiều loại: qua mặt nạ, dòng cao HFNC, thở không xâm lấn, thở xâm lấn…

Bệnh nhân thở máy không xâm lấn có chi phí điều trị khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu đồng một ngày. Thở máy có xâm lấn chi phí đắt hơn, từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/ngày một người.

Đắt nhất là chuyện dùng ECMO, tức là can thiệp tim-phổi nhân tạo cho các ca nặng. Các chi phí cho những bệnh nhân này rẻ cũng mỗi ngày tiêu 20 triệu, đắt hơn thì 30 triệu đồng mỗi ca. Ai vào đây thì ít nhất cũng 15 ngày, dài thì chưa biết…

Như vậy, khi đọc một bản tin của Bộ Y tế phát hành vào buổi chiều, điều cần quan tâm không phải là con số bao nhiêu ca nhiễm hôm đó, mà quan trọng hơn là tỉ lệ tử vong.

Nếu theo dõi sẽ thấy tỉ lệ này trong những ngày qua đang tăng lên. Tử vong phần lớn rơi vào những người chưa tiêm vaccin, hay chỉ mới tiêm một mũi, có bệnh nền, người lớn tuổi (50 trở lên)… Nhìn vào con số điều trị ở các tầng có thể dự báo được con số sắp tới.

Các chi phí khác mà nền kinh tế cũng như xã hội phải gánh chịu thì không thể tính toán được.

Trong hơn 1,1 triệu ca nhiễm, gần một nửa trong đó là ở TP.HCM. Trong hơn 24.000 người chết, hơn 2/3 trong đó ở TP.HCM. Cho nên cũng dễ hiểu dân thành phố này bị kỳ thị khi sang các vùng khác.

TRẦNPHI TUẤN 24.11.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.