mardi 23 novembre 2021

Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu lực vaccin Sinopharm ở Bahrain và ý nghĩa cho Việt Nam

 

Sự gia tăng số ca dương tính ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới đặt ra câu hỏi về hiệu nghiệm của vaccin. Kết quả nghiên cứu ở Bahrain cho chúng ta biết rằng vaccin Sinopharm có hiệu lực kém nhứt so với vaccin Pfizer, AstraZeneca (AZ) và Sputnik.

Mấy tuần nay, công chúng Việt Nam hỏi tại sao những người đã tiêm vaccin mà vẫn bị nhiễm, thậm chí tử vong. Tình trạng đã tiêm vaccin mà vẫn bị nhiễm thì không quá ngạc nhiên (vì điều này đã xảy ra trong nghiên cứu), nhưng đã tiêm 2 liều vaccin mà tử vong thì đúng là đáng ngạc nhiên.

Dữ liệu về 38 ca tử vong sau khi đã tiêm 2 liều vaccin cho thấy tuyệt đại đa số (37 ca) là tiêm "vaccin khác" (chữ của báo Tuổi Trẻ), chỉ có 1 ca tiêm vaccin Pfizer (nhưng bài báo cho biết ca này có nhiều bệnh nền). "Vaccin khác" ở đây thực ra là vaccin Moderna và Verocell của Sinopharm. Vaccin Moderna thì y như Pfizer. Do đó, "vaccin khác" ở đây phải được hiểu là vaccin Sinopharm?

Những con số quá "đẹp"

Nếu chỉ theo dõi tình hình covid ở bên Tàu thì có lẽ đa số chúng ta đều phải thán phục về hiệu lực của vaccin Tàu. Cho đến nay, con số ca nhiễm virus Vũ Hán ở bên Tàu chỉ 98.000 người (dân số hơn 1,4 tỉ). Thử so với Việt Nam với hơn 1 triệu ca nhiễm (dân số 96 triệu) hay Úc với 193.000 ca nhiễm (dân số 25 triệu), chúng ta sẽ kinh ngạc.

Nếu xem xét con số tử vong thì còn kinh ngạc hơn nữa. Các giới chức y tế Úc tính toán và so sánh cho thấy tỉ lệ tử vong covid ở Úc cao hơn tỉ lệ bên Tàu đến ... 62 lần! Úc là nước có chánh sách kiểm soát dịch ngặt nghèo nhứt trên thế giới, và hệ thống y tế và y khoa Úc có thể xem là trong những nước tốt nhứt thế giới. Ấy vậy mà Úc quá kém cỏi, để cho tỉ lệ tử vong covid cao gấp 62 lần so với Tàu!

Nhưng bình tâm mà suy nghĩ lại thì câu hỏi quan trọng là: có thể tin vào con số của Tàu? Nếu con số nhiễm và tử vong Tàu báo cáo là thật thì vaccin Tàu có hiệu lực quá tuyệt vời. Cho đến nay thì Tàu đã tiêm đủ 2 liều vaccin cho 1,07 tỉ dân, và họ chỉ dùng vaccin Tàu (Sinopharm, Sinovac). Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy Tàu công bố hiệu lực của vaccin ra sao.

Nghiên cứu từ Bahrain

Vài tuần trước, có một nghiên cứu ở Bahrain (Ả Rập) cung cấp cho chúng ta số liệu về hiệu lực giữa vaccin Sinopharm và vaccin Tây [1]. Trong thời gian 12/2020 đến 17/7/2021, Bahrain đã tiêm chủng nhiều loại vaccin cho công dân. Đa số dân được tiêm vaccin Sinoparm, nhưng một số lớn được tiêm vaccin Nga, Pfizer và AstraZeneca. Con số cụ thể như sau:

• Nhóm chưa tiêm vaccin: 245.876

• Sinopharm: 569.054 người

• Sputnik: 184.526

• Pfizer: 169.058

• AstraZeneca (AZ): 73.765

Đây là một 'thí nghiệm' tự nhiên rất thú vị, vì có nhóm chưa (hay không) tiêm vaccin, nên cho phép nhà nghiên cứu so sánh hiệu lực của các loại vaccin. Họ (nhóm nghiên cứu) theo dõi các cá nhân xem ai bị nhiễm, nhập viện, và tử vong. Họ dùng PCR để xét nghiệm chẩn đoán nhiễm virus, và dùng giải trình tự gen để xác định biến thể của virus. Nói chung là họ làm rất bài bản và đúng phương pháp.

Kết quả ra sao? Vì cách họ trình bày báo cáo rất phức tạp và khó theo dõi, nên tôi phải tóm tắt những dữ liệu chánh trong biểu đồ dưới đây để dễ hiểu hơn. Biểu đồ cho thấy tất cả 4 vaccin đều có hiệu quả giảm xác suất nhiễm, nhập viện, nhập ICU, và tử vong. Tuy nhiên, so sánh giữa các vaccin thì vaccin Sinopharm có hiệu lực thấp nhứt.

Trong bài báo, tác giả so sánh giữa Sinopharm và Pfizer. Dùng dữ liệu so sánh này, tôi tính được hiệu lực của 2 vaccin chống nhiễm virus:

• Vaccin Pfizer = 78%

• Vaccin Sinopharm = 46%

Hiệu lực của 2 vaccin chống tử vong:

• Vaccin Pfizer = 95%

• Vaccin Sinopharm = 63%

Trên đây là những số liệu thực tế từ cộng đồng. Những dữ liệu này cho thấy rõ ràng rằng vaccin Sinopharm, tuy có hiệu lực nhứt định, nhưng thấp hơn nhiều so với vaccin Pfizer, AZ và Sputnik. Dĩ nhiên, đây là dữ liệu từ nghiên cứu quan sát, và có thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhiễu khác mà nhóm nghiên cứu không kiểm soát được. Do đó, khó nói về nguyên nhân - hệ quả ở đây. Những con số này chỉ là 'tín hiệu' và cần phải xem xét với các nghiên cứu trước.

Tuy nhiên, hiệu lực thấp của vaccin Tàu không phải là điều gì mới, bởi vì xu hướng này đã được ghi nhận qua nhiều nghiên cứu trước đây. Chẳng hạn như một nghiên cứu từ Chilê cho thấy CoronaVac (một vaccin khác của Tàu) có hiệu lực giảm nhiễm virus chỉ 58%, so với 88% đối với vaccin Pfizer [2]. Một trong những lý do là vì 2 vaccin của Tàu (CoronaVac và Sinopharm) có độ miễn dịch suy giảm nhanh và hiệu lực cũng khá hạn chế ở người cao tuổi (trên 60); xem chi tiết ở đây [3].

Ý nghĩa của những dữ liệu này [về hiệu lực của vaccin Sinopharm] là gì đối với Việt Nam? Số lượng vaccin Sinopharm đã được tiêm chủng ở Việt Nam bây giờ có lẽ đã hơn 20 triệu. Nhưng chúng ta vẫn không biết hiệu lực của vaccin Sinopharm ra sao.

Do đó, nếu chấp nhận kết quả nghiên cứu ở Bahrain, thì có lẽ những người đã được tiêm 2 liều vaccin Sinopharm cần phải tiêm thêm 1 liều vaccin Pfizer hay AZ.

GSNGUYỄN VĂN TUẤN 19.11.2021

[1] Morbidity and mortality from COVID-19 post-vaccination break through infectionsin association with vaccines and the emergence of variants in Bahrain

[2] Chinese vaccines’ value clarified by real-world data as exports near 1 billion

[3] Số liệu mới về hiệu lực của CoronaVac và AstraZeneca

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.