Đăng ngày:
Đại dịch đã làm nền kinh tế nhiều nước vốn rất lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch phải ngưng hoạt động, dẫn đến sụt giảm lượng khí phát thải đến 5,4% trong năm 2020. Nhưng năm 2021, lượng khí này lại tăng lên 4,9%, chỉ kém mức kỷ lục của năm 2019 có 1%, theo nghiên cứu của Global Carbon Project được công bố nhân hội nghị COP26.
Khí thải do dầu lửa tăng 4,4% trong năm 2021, chưa bằng kỷ lục trước Covid, tuy nhiên các tác giả báo cáo nhấn mạnh lĩnh vực giao thông vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nên tỉ lệ này sẽ còn tăng lên.
Đặc biệt Trung Quốc, nước phát thải đứng đầu thế giới kể từ 2007, có lượng khí thải tăng đến 31% trong năm 2021, do đã ra khỏi khủng hoảng trước những nước khác. Năm 2020, khí thải Trung Quốc tăng 1,4%, trong khi Hoa Kỳ, nước phát thải thứ nhì, giảm 10,6%, Liên Hiệp Châu Âu (thứ ba) giảm 10,9%.
Nhóm khoa học gia quốc tế xem xét « ngân sách » carbonic thế giới, có nghĩa là số lượng CO2 có thể phát thải để cho ra một kết quả nhất định. Dù có những lời hứa rằng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu Covid sẽ chú trọng đến sinh thái, nhưng kế hoạch này chủ yếu lại dùng năng lượng hóa thạch.
Kết quả là « ngân sách carbonic » để thế giới không vượt quá mục tiêu Hiệp định khí hậu Paris - chỉ tăng dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu có thể là 1,5°C - trở nên eo hẹp một cách nguy hiểm. Với nhịp độ của năm 2021, để có 50% cơ hội đạt +1,5°C, chỉ còn 8 năm phát thải, và nếu ở mức +2°C thì còn 32 năm.
AFP dẫn lời một trong các tác giả bản báo cáo cảnh báo là còn rất ít thời gian. Thực tế cho thấy các thảm họa khí hậu đang gia tăng, từ lụt lội, hạn hán cho đến cháy rừng, khiến người dân phải sơ tán hoặc có nguy cơ đói kém. Các tác giả kêu gọi các nước phải « hành động lập tức một cách hài hòa » để đối phó với biến đổi khí hậu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.