Sài Gòn cũng giống Bangkok, Quảng Châu hay Hồng Kông. Là thiên đường dành cho những người khoái ăn vặt. Hà Nội cũng nhiều khu như thế nhưng người ta gọi là ăn quà. Chiều nay tui cùng bạn đi một vòng sơ sơ chơi nghen!
Quán ăn vặt ở Sài Gòn thì nhiều vô số kể, tui chỉ đề cập một số quán chứ nếu đi ăn hết chắc mất cả tháng. Mấy món này nên chuẩn bị khởi hành từ 15 giờ chiều, bởi lúc đấy có thể vừa ngủ xong một giấc trưa, hay bữa cơm trưa đã tiêu hóa sau mấy giờ làm việc. Người rảnh rỗi cũng đã thấy buồn miệng, muốn có món gì ăn chơi. Lại thêm, Sài Gòn có mấy quán vừa mở ra khoảng một giờ sau là hết hàng, muốn ăn phải canh giờ, nếu trễ một chút chẳng còn chi để ăn.
Quán bánh canh giò heo ở đường Nguyễn Phi Khanh là một quán như thế. Báo chí, khách ăn cho rằng đây là gánh bánh canh bán sướng nhất Sài Gòn, mỗi ngày chỉ cần bán 1 tiếng là hết sạch. Đúng là như vậy, gánh bắt đầu mở bán khoảng 3 giờ chiều, 45 phút sau là chuẩn bị hết giò chỉ còn bánh và sau đó là chấm dứt. Có người đặt tên là "bánh canh 1 giờ" hay "bánh canh 60 phút" vì quán không tên, không biển hiệu.
Ngày xưa gánh bán ở cầu sắt Đakao rồi dọn về đây cũng khá lâu rồi. Quán lúc nào cũng đông khách, người ngồi ăn tại chỗ, kẻ mua về nhộn nhịp. Bây giờ dù bán trong một căn nhà chật nhưng cũng đôi quang gánh đấy, cũng nồi bánh đấy, cũng thùng đựng giò heo đấy, cũng chồng bát, rổ hành, lọ tiêu y như là gánh hàng ở vỉa hè năm cũ. Khách vào, lên một bậc tam cấp, ngang qua nơi để nồi bánh đặt hàng rồi vào chọn một cái ghế nhựa để ngồi, kéo thêm cái nữa làm bàn bởi quán không có bàn, chỉ có chồng ghế nhựa.
Người bán toàn những người phụ nữ lớn tuổi, người múc bánh, kẻ cho giò, người rắc tiêu hành, người bưng cho khách, người nào miệng cũng liên tục trao đổi với nhau. Khách cứ thế ngồi đợi đến phiên mình. Ở đây chỉ có món bánh giống nhau, chỉ khác nhau ở miếng giò. Có giò nạc, giò gân, giò móng, giò gối, những phần của cái giò heo. Khách thích phần nào gọi phần đó cho mình. Luôn đi kèm tô bánh canh là chén nước mắm ngon có rắc tiêu, ớt để chấm.
Giò cầm bằng tay ăn mới đã, chấm chút nước mắm, ngoạm một miếng ngập răng, giò mềm, béo mà không ngán, vẫn còn độ giòn, độ dai của móng. Xong dùng muỗng múc một muỗng bánh canh, nước ngòn ngọt, beo béo, đậm vị. Cũng có khi bưng cái tô nhỏ mà húp, lùa mấy sợi bánh vào miệng, nước, cái vào một lần. Sợi bánh canh có đủ độ dai mềm, đậm đà với màu cam đặc trưng. Một chút cay của ớt, chút thơm của hành lá, nồng nàn mùi tiêu lẫn cái béo của thịt khiến cho miếng ăn trong miệng ngon thuần vị. Đã lắm.
Thòm thèm lại kêu thêm một tô nữa, tô trước giò gân, tô sau giò nạc. Lại làm tiếp chu kỳ. Trong khoảng chưa đầy một giờ, gần hai thùng lớn đã sắp cạn. Người đến trễ may ra còn được tô bánh không, chẳng còn giò cũng đành ăn cho đã cơn thèm. Hỏi sao không nấu nhiều nhiều và bán thêm vài tiếng nữa để thỏa mãn nhu cầu của khách. Bà cụ tóc trắng bảo bán thế cũng mệt rồi vì không có người. Buôn bán toàn người nhà phục vụ, đàn bà đứng bán, đàn ông giữ xe, mang bánh cho người mua về. Lý do đó cũng là một lẽ, nhưng có lẽ đây cũng là cách buôn bán của người Hoa. Chỉ bán vừa đủ, vừa đủ lời, vừa đủ sức mà còn gây thòm thèm cho khách ăn, đến không còn thì hôm sau cố đến sớm hơn chút vậy.
Vịt ở đây mềm, thơm và ngọt thịt. Mỡ vừa phải, thịt cũng không dày quá, luộc đúng lửa nên ngon. Quán cũng có lòng, huyết vịt. Nước chấm vừa miệng, gừng cay cay, nước mằn mặn, chua chua, ngọt ngọt rất phù hợp với món thịt vịt. Nhiều người không thích khẩu vị miền Nam ngòn ngọt sẽ không thích lắm với chén nước chấm này, nhưng sẽ không thể chê miếng thịt vịt ở đây. Người thích gặm xương cũng có thể gọi cho mình dĩa đầu, cổ cánh vịt. Đôi khi gặm xương cũng có cái thú riêng. Cũng có thể gọi dĩa gỏi vịt. Dĩa gỏi gồm bắp cải, hành tím, hành tây, cà rốt, rau thơm, hành phi. Tất cả trộn với nước chấm tạo thành một dĩa rau ăn kèm với thịt vịt không gây ngán.
Ngồi ăn ở ngoài sân, nhìn cánh tay thoăn thoắt chặt vịt của bà chủ phát hiện cũng là một nghệ thuật. Mỗi nhát chặt dứt khoát, miếng thịt nguyên không nát, xếp đều trên dĩa nhìn mới sướng mắt làm sao! Thịt ngon, bún cũng ngon, quán sạch sẽ lại có giá khá bình dân. Hèn chi khách đợi, khách chờ mà chẳng ai kêu ca một tiếng. Có điều nhiều người cho rằng ông chủ quán có vẻ hơi chảnh một tí.
Có một quán bán bánh đúc ở trong hẻm đường Phan Đăng Lưu cũng bị khách hàng đặt tên là quán bánh đúc chảnh. Thật ra nhiều khi cũng nên thông cảm cho thái độ của những chủ quán này. Khách đông, bán không ngơi tay nên đâu có thì giờ để giao lưu, nói chuyện hay lưu tâm đến khách. Đông khách quá nên phải chờ là đương nhiên, chờ hoài mà không đến lượt, lại chẳng ai đoái hoài nên khách bực, khách cho là chảnh kkk.
Quán chỉ là sân trước của một ngôi nhà nhỏ, không bàn, chỉ có ghế nhựa, khách cầm chén bánh bánh đúc mà ăn, chẳng có gì để đặt xuống. Nếu hên còn ghế trống, lấy ghế làm bàn. Đây là món ăn của người Bắc, ở ngoài ấy, nghèo thì bánh đúc ăn với tương, mấy khi được ăn với thịt. Bánh đúc quán này mang vị miền Nam, có thịt bằm, nấm mèo, rất nhiều hành phi, nước chan mằn mặn, ngòn ngọt ngập chén. Có vẻ khẩu vị giống món bánh giò chan nước chấm thịt bằm ở chợ Bàn Cờ.
Khách ngồi sát nhau, đợi đến lượt mình được ăn. Đi vào quán, chỉ cần bảo cho chén bánh đúc rồi ngồi chờ. Không nên nói nhiều hơn nữa. Đừng có đợi câu hỏi nào của chủ, họ im lặng làm, lặng lẽ mang đến cho bạn ai đến trước, nhận trước, đến sau ăn sau theo đúng thứ tự. Ăn xong đứng dậy, trả tiền và đi ra. Nếu xui gặp lúc có khách mua mang về chục túi, bạn sẽ ngồi đợi dài cổ. Đôi khi bạn cũng sẽ bị càu nhàu một chút khi đưa tiền có mệnh giá lớn để thối hay chờ lâu nhắc nhở. Nhưng cũng chỉ càu nhàu thôi chứ không phải bị quát mắng như cháo chửi, bún mắng ở Hà Nội.
Nhưng cũng phải công nhận các chị bán hàng ở quán này mặt lạnh lẽo như điệp viên không không thấy. Quán đã bán hơn 40 năm nay, dù cách buôn bán không giống ai thế nhưng lúc nào cũng đông khách. Có lẽ vì món bánh đúc ở đây nóng mềm, không đặc, không nhão, nhân ngon, nước chấm ngon tạo thành món ăn dù là dân dã nhưng hấp dẫn giữa chiều. Quán cũng còn có món bánh cam, ngon lắm nhưng rất khó mua vì chiên xong đem ra đến đâu hết liền đến đấy, hên mua được vài cái. Bánh giòn, nhưn đậu xanh mịn. Ăn béo mà ngọt nên khách chờ xuất hiện là mua ngay.
Mì Quảng cũng là món ăn có lý khi sau trưa, bụng đang có cảm giác trông trống. Ở Sài Gòn có chuỗi mì Quảng Mỹ Sơn. Thật ra cái món này giờ đây lai nhiều lắm rồi, có đỏ con mắt cũng không tìm được tô mì Quảng nguyên rin thuở nào. Có hai thứ chính yếu làm nên tô mì Quảng là dầu phụng với hạt nén. Nhưng giờ thì chẳng thấy tô mì nào ở cái đất này có hai thứ đó. Lại thêm nước dùng của mì Quảng là nước kho chứ không phải nước lèo lỏng bỏng như mì Quảng bây giờ. Hỏng hết! Phở, bún bò Huế và mì Quảng lưu lạc vào Nam đã bay mất màu của xa xưa rồi.
Cho nên giờ muốn ăn mì Quảng đúng vị phải phải về xứ Quảng, mà vào vùng quê kia, nhờ mấy bà già nấu cho mà ăn mới đúng là mì Quảng. Ngay mấy quán ở Đà Nẵng cũng bán trật lất. Chú ý là đừng bao giờ vào quán bán phở, bún bò, mì Quảng, hủ tiếu cũng một chỗ mà ăn, ở các quán ấy không có món nào đúng như tên gọi cả vì chung một nồi nước lèo cho các món, ăn chẳng phân biệt món nào ra món nào!
Chuỗi quán mì Quảng Mỹ Sơn dù sao cũng còn chút hương vị và sắc màu của tô mì Quảng, dù cũng đã phôi pha ít nhiều. Cũng có mì Quảng gà, mì Quảng tôm, mì Quảng lòng, mì Quảng thập cẩm đặc biệt. Cũng ngon. Ăn để nhớ về chứ chưa có đã miệng. Nước chan cũng không đậm đà đúng chất, có lẽ để chiều thị hiếu của người dùng trong Nam. Họ đòi mì Quảng mà nước ngập tràn như phở.
Trong hẻm Kỳ Đồng cũng có quán Hàn Phố bán nhiều món ăn xứ Quảng trong đó có món mì Quảng. Nước đậm đà hơn một chút, ớt xanh cũng đúng là ớt Quảng nhưng cũng có cảm giác chưa phải mì Quảng. Thiếu cái béo của dầu phụng, thiếu mùi hơi hăng của củ nén, thiếu nước màu sóng sánh trong tô mì khiến cho người biết rành về món ăn này tiếc nhớ. Ở quán này cũng có thể chọn thêm món cá nục hấp quấn bánh tráng hay dĩa lòng xào nghệ, mấy món đặc sản của Quảng Nam. Giá cả vừa túi tiền, món ăn cũng được, chủ quán niềm nở, vui vẻ. Thế là tốt rồi!
Ai thích mì Tàu, chạy đến xe mì Cao Vân. Cũng bắt đầu bán từ 15 giờ. Đây là xe mì lâu năm ở Sài Gòn, chắc cũng hơn 60 niên. Vẫn chiếc xe mì có tranh kiếng vẽ xanh đỏ của một thời. Cũng hương vị đấy tồn tại qua mấy đời cháu con. Cọng mì nhỏ, mềm mà không nát, ăn cạn tô sợi mì vẫn thế, đó là ưu điểm đầu tiên. Xá xíu đậm đà, thịt ngọt thơm. Hủ tiếu cũng ngon. Món khoái khẩu ở đây là xí quách. Kêu tô mì khô với tô xí quách là đủ. Phục vụ nhanh, giá vừa phải, ăn ngon. Chờ chi nữa mà không ghé ăn thử một lần. Nhớ là quán nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật nha. Về xe mì này, tui đã có viết một bài dài rồi nên không kể lể nhiều ở đây thêm nữa.
À! Có bạn nhắc món bột chiên, thì đi Đạt Thành chơi một dĩa hai trứng cho nó đã cái mồm háu ăn. Đây là món ăn của người Hoa nhưng cũng đã Việt hóa nhiều. Trước đây ở dãy phố này có nhiều tiệm nhưng giờ chỉ còn Đạt Thành tồn tại, và trong hẻm có thêm Vạn Thành. Lúc trước chỉ thuần túy bán món bột chiên, sau này thêm bánh hẹ, nui, bánh khoai môn chiên..cũng toàn là món bình dân của người Hoa Chợ Lớn. Có nhiều món ăn của người Hoa Chợ Lớn người ta không tìm thấy ở các cộng đồng người Hoa khác như Singapore, Hồng Kông, Macao hay cả ở bên Tàu.
Bột chiên ở Đạt Thành na ná bánh củ cải chiên, nhưng khác là có nước tương loãng cộng với sợi đu đủ. Ở Singapore bột chiên mềm được nêm sẵn ăn với sa tế, vị cũng khác với bột chiên Việt Nam. Bột chiên ở Đạt Thành giòn ngoài, mềm trong. Bột trộn với trứng nhìn vào đã thấy bụng cồn cào rồi. Chan nước tương vào dĩa, bỏ thêm sợi đu đủ, dùng muỗng xắn một miếng bột lẫn trứng, thêm miếng ớt đưa cay. Giòn giòn mà lại đi với mềm mềm của bột, cộng hưởng với nước tương ngòn ngọt, mùi sa tế cay cay, chút chua của đu đủ xanh, chút bùi béo của trứng với dầu. Tất cả trộn lại làm thành cái ngon của món bột chiên.
Cũng phải có lời khen người Hoa. Chỉ có chút bột không nhưn nhị gì mà làm thành một món ăn nhiều người thích. Nếu muốn, bạn có thể gọi thêm mấy món ăn chơi như bò bía, gỏi cuốn, gỏi bò, bánh hẹ chiên...Bò bía ở đây khá ngon có xà lách, củ sắn, tôm khô, lạp xưởng. Nhờ củ sắn lúc nào cũng nóng nên cuốn bò bía ăn sướng miệng hơn là ăn nguội. Món bột chiên giờ gắn bó với ẩm thực Việt và là món ăn vặt nhiều người ưa thích.
Nhắc món bò bía lại nhớ quán gỏi cuốn Lê Văn Sỹ, chỉ là quán bán bên lề đường mà lúc nào khách cũng đông từ lúc dọn ra cho đến khi dọn về. Nhiều hôm chưa ra, khách đã chen nhau ở cửa nhà đứng đợi. Gỏi cuốn ở đây cũng chỉ gồm tai heo luộc, bì, tôm, thịt heo, bún và rau. Nhưng nước chấm đủ loại, tương có, nước mắm có, mắm nêm cũng có luôn. Ai hảo gì thì cứ chọn. Giá mềm, 6.000 đồng một cuốn khá lớn. Không biết sau dịch có lên giá không? Quán vỉa hè nên khách mua về là chính.
Đối diện phía bên kia đường chỗ đình Ông Súng, chiều chiều cũng có tủ bán bì cuốn cũng ngon, khách cũng khá đông. Cũng xà lách, lạp xưởng, tôm khô như mọi quán nhưng cũng nhờ đồ chấm pha ngon nên khách ưa chuộng. Cũng có gỏi cuốn nữa. Thích gì ăn nấy.
Nói đền món gỏi đừng quên gỏi bò khô ở công viên Lê Văn Tám. Đây là món gỏi mà dân ăn vặt Sài Gòn không ai là không biết. Họ còn bảo nhau, bà dì Sáu chủ xe gỏi này nhờ món gỏi mà nuôi con đi du học tự túc ở bên Mỹ. Chiếc bàn kê ở trước một khách sạn đường Hai Bà Trưng, đối diện với công viên. Khách mua mang đi, khách ngồi ăn tại chỗ bên vỉa hè công viên. Chủ quán bảo đã bán món này gần 50 năm từ lúc bà phụ bán với người dì, sau đó tiếp tục cho đến nay. Quán bắt đầu bán từ 13 giờ đến 21 giờ. Gần chục người phục vụ cứ phải làm liên tục không nghỉ cho đến khi dọn hàng.
Một dĩa gồm đu đủ bào sợi, bánh phồng tôm, thịt bò khô đều là do người nhà làm cả. Để đu đủ được giòn, thịt bò đậm vị, nước chấm có vị riêng thì cũng phải có bí quyết. Nước chấm và tương ớt ở đây ngon. Khô bò cũng rất ngon, khô mà không cứng, vẫn còn độ ngọt của thịt dù được ướp với nhiều gia vị. Quan trọng nhất để có dĩa gỏi khô bì ngon là nước chấm, đậm đà, có đủ vị chua, cay mặn, ngọt quyện vào với nhau, thấm vào từng sợi đu đủ nên tất cả hòa lẫn nhau tạo thành miếng ngon khó quên. Quán không chỉ có người Việt đến mua, cũng không thiếu khách Tây khoái món này. Quán cũng vô bịch sẵn, khách dừng xe bên đường, nói bao nhiêu gói là có người mang đến bấy nhiêu. Nhanh, lẹ và tiện lợi. Nếu thích ăn cay nhớ xin thêm tương ớt, dù có thể hơi bị khó chịu một chút.
Ở bên hẻm Nguyễn Văn Thủ cũng có một cụ già bán món này. Tùy theo thói quen mà khen ngon dở nhưng thực ra cũng xem xem nhau. Thích đâu chọn đó.
Góc Cao Thắng, Điện Biên Phủ chiều chiều có xe xôi, bánh mì Tám Cẩu. Địa điểm này ngày xưa nổi tiếng, giờ nhiều quán xá nên khách cũng đã giảm. Có tờ báo viết rằng xe xôi Tám Cẩu là "nhân chứng" của những tháng năm thăng trầm ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ qua. Chiếc xe xôi mặn này thuộc hàng xưa nhất ở Sài Gòn cùng bí quyết gia truyền hơn 60 năm.
Xôi là món ăn quen thuộc của người Việt, đủ loại xôi, nhưng xôi Tám Cẩu có hương vị riêng nên nhiều người nhớ mãi. Xe đã truyền qua hai đời nhưng nồi xôi vẫn thơm mỗi chiều, với món thịt độc đáo trong cách chế biến của người Hoa. Nếp được chọn lựa kỹ với cách nấu khéo đã làm nên nồi xôi thơm ngát, rồi gói bằng lá chuối xanh ngắt đượm hồn quê. Tám Cẩu là xôi mặn, ăn cùng pa tê, chà bông, trứng cút... với hành phi, mỡ hành. Mỗi thứ trộn lẫn vào nhau tạo thành món xôi đặc biệt ăn một lần khó quên.
Đặc biệt ở xôi Tám Cẩu là thịt heo luộc. Đó là thịt ba rọi cùng thịt nách, có mỡ có thịt mới ngon. Tẩm ướp gia vị gia truyền từ người bố, cô chủ hôm nay tiếp nối cách làm cho miếng thịt trở thành độc đáo. Tỏi giã nhuyễn xoa đều miếng thịt, do vậy khi luộc, thịt có màu đỏ hồng, béo mỡ mà không ớn, thịt đậm đà rất vừa miệng. Xôi thơm dẻo, thêm chút pa tê, hành phi vàng giòn, những lát thịt heo thơm dậy mùi, thêm chút nước tương. Nhìn là muốn ăn ngay. Sau này không chỉ có xôi mà còn thêm món bánh mì. Thịt heo đấy mà ăn với bánh mì cũng ngon còn hơn jambon với xúc xích.
Từ chỗ xôi Tám Cẩu đi về Cao Thắng gặp ngã ba Võ Văn Tần, ta lại đến một quán ăn có món gà ác hầm thuốc Bắc rất phê. Đó là quán Đại Dương, nổi tiếng Gà Ác Tiềm Thuốc Bắc, Súp Bong Bóng Cá Ngon ở Quận 3.
Gà ác là loại có giá trị dinh dưỡng và dược tính cao. Không chỉ là món ăn ngon, gà ác còn có tác dụng chữa các chứng bệnh mệt mỏi, đau lưng, suy nhược cơ thể, mất ngủ chóng mặt. Nhất là khi nó được nấu với một số vị thuốc Bắc. Thịt gà ác có tính bình, vị ngọt, có công dụng tuyệt vời trong việc chữa bệnh, có thể dùng để trị chứng đái tháo đường, hư nhược, khí hư, chán ăn, ra mồ hôi trộm… (theo y học cổ truyền). Thịt gà ác có chứa rất nhiều protid và có nhiều loại acid amin (lên đến 18 loại), các nguyên tố vi lượng như Mn, Fe, Ca… và các loại viatmin A, B, E… Bấy nhiêu thôi cũng đủ để biết thịt gà ác mang lại công dụng tốt cỡ nào.
Gà được tiềm trong một cái thố gốm có nắp. Khi dọn ra bàn, mở nắp sẽ có mùi thơm rất đặc biệt. Đó là mùi của thuốc Bắc, mùi của thịt gà hầm. Thịt gà mềm, chấm chút muối tiêu, nhai đến đâu ngấm đến đó. Nếu có răng khỏe, nhai luôn xương để bổ sung calci. Ở đây cũng còn có mấy món nên ăn, đó là món Mì vịt tiềm, Hủ tiếu xào, Canh củ sen đậu phộng đuôi heo, Óc tiềm thuốc Bắc, Cơm gà xối mỡ, Gà tiềm sâm, Súp bong bóng cá cua óc heo. Tất cả được chế biến và có hương vị của người Hoa.
Những món ăn ở đây vừa ngon vừa bổ có lợi cho sức khoẻ, giá cũng phải chăng. Mấy chục năm lân la ở quán, tui thành bạn của một ông trong quán, không biết là chủ, là bếp trưởng hay quản lý, mỗi lần đến gặp ông, chào hỏi nhau như những người bạn, dễ thương lắm. Ông này người gầy, da trắng, mắt và cặp lông mày rậm, xếch lên như nhân vật kiếm khách trong mấy truyện của Tàu.
Ở Bình Thạnh còn có hai quán của người Hoa bán mì cũng khá ngon và đông khách. Đó là Lương Ký mì gia và Mì Vịt Tiềm Hữu Ký. Cũng không dám phê quán nào ngon hơn vì cũng tùy khẩu vị mỗi người. Ngày trước Hải Ký mì gia ở đối diện Bệnh viện Nguyễn Trãi cũng ngon lắm. Sau này không biết có phải đổi chủ hay sao mà chất lượng giảm rõ, khách cũng thưa thớt dần.
Nói đến món ăn của người Hoa mà thiếu món hủ tiếu sa tế nai là một thiếu sót. Đây là một món ăn khá cầu kỳ được chế biến theo công thức gia truyền với hơn 30 loại gia vị riêng biệt. Nước lèo nóng sốt, sóng sánh mang đến vị béo thơm từ cốt dừa hòa quyện đầy đủ cay the, bùi bùi của sa tế, đậu phộng, hành, sả, tỏi... sợi hủ tiếu to với những miếng thịt nai mềm dai tạo thành một tô hủ tiếu ngon và lạ. Trước đây khoảng 60 năm, ở vỉa hè đường Triệu Quang Phục trước chùa Ông có xe hủ tiếu sa tế rất ngon do một người Hoa về từ Singapore. Ông mất, người con có khuôn mặt giống ông như tạc tiếp nối bán một thời gian rồi đi đâu mất. Sau này muốn ăn phải chạy vô quận 6, xa quá nên lười.
Một hôm phát hiện ở đường Vạn Kiếp có một quán hủ tiếu nhỏ có bán món này, ăn thử thấy cũng khá ngon. Do vậy sau này khi muốn ăn hủ tiếu sa tế là rú xe đến đây. Quán bán từ 5 giờ chiều. Thịt mềm, nước lèo đúng vị, thơm, ngon, sền sệt. Thêm ớt sa tế vào là chuẩn luôn. Một lần ở Quảng Châu, đi ăn với mấy người bạn, thấy trong menu cũng có hình giống món này, hỏi phục vụ cũng bảo là hủ tiếu sa tế nhưng ăn vào không đúng mùi vị của món hủ tiếu sa tế đã từng ăn, dù cũng rất ngon. Có người bảo hủ tiếu sa tế là món ăn chế biến của người Hoa ở Singapore và Malaysia thôi, bên Tàu không có món đấy.
Không quen ăn hủ tiếu sa tế nai, ta cùng nhau về Lý Chính Thắng ăn hủ tiếu bò viên. Ở Nguyễn Thiện Thuật cũng có xe bò viên ngon. Nhưng thôi, ghé Lý Chính Thắng cho gần. Món bò viên là món ăn phổ biến ở Sài Gòn, nhưng ít quán ăn vừa miệng. Đa số người bán bò viên là người Quảng Đông. Cách làm cũng như người Việt làm giò lụa. Thịt phải xay khi còn nóng vừa mới mổ xong. Do vậy phải thức sớm mới có thịt nóng, về xay mới có được bò viên ngon và dai vừa ý. Công đoạn làm tốn thời gian nên các quán bò viên chỉ bán buổi chiều. Sáng mới mở mắt mà ăn bò viên là bò viên bỏ tủ lạnh từ hôm trước rồi. Bò viên là phải ăn với tương đen, tương ớt đỏ pha thêm chút sa tế.
Quán hủ tiếu bò viên trên đường Lý Chính Thắng đã hoạt động gần 50 năm. Đổi nhiều địa chỉ nhưng cũng quanh quẩn ở khu này. Bò viên ăn được với nhiều cách. Ăn không cũng được, ăn với hủ tiếu, với mì cũng ngon. Giờ người ta còn ăn với phở, với bún. Nhưng ngon và đúng nhất là ăn với hủ tiếu, mì. Bò viên ở đây thơm thịt, hơi dai, không trộn bột, chất thịt vẫn còn ngọt. Nước lèo cũng vừa ăn, quán cũng sạch sẽ và giá cũng bình dân. Là một địa chỉ nên tìm đến khi thèm ăn hủ tiếu mì bò viên.
Dĩa bánh ở đây gồm bốn cuốn bánh được xếp gọn gàng trên dĩa nhỏ, kèm theo phần rau giá và chút hành phi ở phía trên. Chả lụa với chả quế thì được dọn riêng. Quán có món bánh đậu khá ngon. Nước mắm đựng trong bình để trên bàn với ớt, chén. Ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nhân bánh làm từ củ sắn, thịt heo bằm, ngày trước có mộc nhĩ, nấm hương nhưng hình như giờ không thấy hay bằm nhuyễn quá mắt nhìn không rõ?
Nhà văn Vũ Bằng trong quyển “Món ngon Hà Nội” viết về bánh cuốn thế này: "Có khi đương cầm đũa, ta muốn bỏ ngay ra để lấy ngón tay nhón từng chiếc bánh đưa lên cho khẽ chạm lấy môi ta như kiểu một cái hôn yêu trong buổi trao duyên thứ nhất". Nghe thú vị quá đi chứ!. Bánh cuốn nơi đây giờ hình như ít ngon hơn xưa. Hay vì ta bôn ba khắp chốn, lưỡi đã không còn mùi vị. Hay là chủ nhân của quán đã thay đổi quy trình, bớt, thêm nguyên liệu nên miếng bánh cuốn chẳng còn như xưa nữa? Cũng có thể tuổi càng lớn, miếng ăn chẳng còn ngon như ký ức? Nhưng chắc một điều là nước chấm càng ngày càng nhạt, càng chua, không còn cái mùi, cái vị cũ nữa rồi. Tây Hồ cũng có bánh cam ngon nhưng nguội quá vì để sẵn trong hộp trên bàn. Bánh cam ăn nóng mới ngon.
Bánh cuốn là của người Bắc mang vào. Trong Nam có bánh ướt. Ngày trước có bánh ướt của ông người Hoa chải đầu láng bóng như kép hát bán ở trước rạp xi nê Minh Châu, ngon tuyệt cú mèo. Giờ còn đó phía bên kia đường nhưng chẳng còn ngon. Bây giờ muốn ăn món này phải chạy lên ngã tư Bảy Hiền đến quán Bánh ướt Bảy Hiền. Quán bắt đầu mở cửa đầu giờ chiều, lúc nào cũng đông khách. So thời giá, quán có giá cao hơn nhiều quán bánh khác, nhưng ngon.
Dĩa bánh ướt ở đây đầy đặn với bánh ướt, chả lụa, nem chua, rau giá và đặc biệt là món bánh tôm giòn rụm. Bánh ướt mềm và mỏng, được tráng từ gạo ngon, ăn thơm và mượt như lụa. Món bánh tôm có đậu xanh nguyên vỏ chiên đến đâu bán đến đó nên rất giòn, con tôm nhỏ mà thịt ngọt. Nước chấm ở đây cũng rất hợp với món bánh ướt, không mặn, vừa ngọt và chắc có nêm nếm bột ngọt, bột nêm. Quán có chè đậu xanh và đặc biệt là nước cốc, là lạ mà nhiều sinh tố C, uống mát sau khi ăn dĩa bánh cuốn nhiều ớt.
Từ chợ Bà Hoa, chạy về chợ Trần Hữu Trang ăn canh bún, bún riêu xứ Bắc. Ở đây có quán canh bún Mẹ Tôi đông khách tìm đến. Từ một quang gánh nhỏ thuở sơ khai ở chợ Trần Hữu Trang, sau 35 năm quán canh bún Mẹ Tôi đã trở thành một địa chỉ cho những người yêu món ăn quê mùa, dân dã. Quán nằm dọc đường rầy xe lửa với con đường hẹp. Nước lèo ở quán có vị thanh, đúng chất Bắc. Đồng thời, phần thịt cua được xay từ cua đồng nguyên chất nên nước ngọt tự nhiên chứ không ngọt nhờ bột nêm hay bột ngọt. Ở đây còn có rau nhút luộc, đúng loại rau ăn với canh bún. Cạnh rau chút còn có hẹ và rau muống. Ai muốn ăn rau gì cứ chọn. Riêu cua ở đây ngon nên khách thường gọi thêm chén riêu riêng.
Còn nếu muốn ăn bún riêu ốc thì chạy về Kỳ Đồng, vào quán bún riêu ốc Thanh Hải. Đây là món ăn Bắc nhưng cũng đã lai Nam. Người ta thường bảo nhạt như nước ốc, nhưng qua sự khéo léo nêm nếm, nước lèo cua trong vắt, ngọt thanh với gạch cua, huyết, đậu hủ, kẹp với rổ bún, rổ rau xanh, có sức hút với kẻ sành ăn lang thang. Tô bún riêu ở đây chỉ có riêu, ốc với cà chua, không có huyết heo, chả và đậu hủ. Nhưng nước lèo đậm vị cua, có giấm bỗng, có thêm những miếng ốc dai dai, sần sật khi nhai cũng rất thú vị. Ngoài bún riêu ốc, ở đây còn có các món như ốc bươu, ốc gạo hấp lá chanh, ốc nhồi thịt hấp lá chanh... tha hồ mà ăn.
Thôi! Loanh quanh thế cũng đã nhiều, chạy về Nguyễn Văn Đậu kiếm chén chè mè đen, đậu phụng ngọt ngọt ăn chơi để khép lại mấy món ăn vặt. Đó là quán chè tên Lượm đã bán ở khu này được 40 năm. Thời gian trôi biết bao dâu bể, xe chè này vẫn còn đó với nhiều thương nhớ bởi vị ngọt thanh và bùi bùi của món chè mè đen, đậu phụng của chàng trai kế thừa gánh chè của mẹ.
Chè mè đen hay còn gọi là "chí mà phù" là một món ăn đặc trưng của người Hoa. Mè đen với đậu phộng sau khi mua về đem đi rửa sạch, phơi cho ráo nước rồi rang thơm và xay nhuyễn riêng từng loại. Mè đen rang thơm sau đó xay nhuyễn với nước lọc rồi đem nấu khoảng 3 phút, phải khuấy liền tay, sau đó cho đường, nước cốt dừa, bột năng vào, tiếp tục khuấy đều tay cho đến khi chè có màu đen đậm và tỏa mùi thơm. Để hoàn thành hai món chè này, ngoài nguyên liệu chính là mè đen và đậu phộng, cần có nước cốt dừa, đường phèn, bột năng và lá dứa.
Chè đậu phộng được người Hoa gọi là "phá xáng", có vị ngọt bùi và beo béo của đậu phụng. Ăn như bơ đậu phụng nhưng loãng và ngọt. Nếu chè mè đen có vị ngọt thanh thì chè đậu phộng lại có vị ngọt bùi, béo béo của đậu. Ăn hỗn hợp hai món chung một chén sẽ có được cảm giác cả hai loại mè và đậu.
Mặc dù xe chè không có tên, nhưng nhiều khách quen mê món chè và khoái anh chủ nên đặt tên là chè Lượm, tên ở nhà của chàng chủ xe chè.
ĂN TỐI
Thế là xong chuyện ăn vặt, giờ tính chuyện ăn tối. Người ta thường bảo: Hãy ăn sáng như một vị vua, ăn trưa như hoàng đế và ăn tối như một kẻ ăn mày. Tui không nghĩ thế, có thể ăn tối nhẹ nhàng hơn một chút nhưng cũng nên chọn món ngon mà ăn chứ, tội gì ăn như hành khất nhỉ!
(Mai viết tiếp nha, mỏi tay rồi)
ĐỖ DUY NGỌC 12.10.2021
Đỗ Duy Ngọc - Ăn mà không chơi sau cơn đại dịch (1)
Đỗ Duy Ngọc - Ăn mà không chơi sau cơn đại dịch (2)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.