samedi 4 septembre 2021

Mạc Văn Trang - Tại sao Sài Gòn ?

 

Mấy bạn tôi ở Hà Nội gọi điện thăm hỏi và cứ lo lắng cho Sài Gòn. Rồi lại bảo tôi giải đáp cho những thắc mắc băn khoăn. Đại thể có mấy vấn đề.

1.Dân Sài Gòn có vẻ kém kỷ luật, tập trung đông, làm bùng phát mạnh covid ?

2. Sao tỉ lệ tử vong vì covid -19 ở Sài Gòn cao vậy?

3. Phong trào làm từ thiện ở Sài Gòn rầm rộ quá, nhưng có thực chất không?

4. Bây giờ chống covid ở Sài Gòn liệu có hy vọng cải thiện gì chưa?

                                                     ======

Tôi không có đủ dữ kiện để trả lời một cách khoa học, đầy đủ những câu hỏi trên. Chỉ xin viết vắn tắt, mong được các bạn chỉ dẫn, bổ sung thêm.

1. Nói rằng người dân Sài Gòn thiếu kỷ luật làm bùng phát dịch là không đúng.

Sài Gòn là đầu mối giao lưu lớn nhất cả nước, người tứ xứ qua lại tiếp xúc trong một thành phố hơn 10 triệu dân với mật độ dân cư dày đặc, khi đã có F0 trong cộng đồng thì khó kiểm soát lắm.

Sài Gòn có hàng triệu người dân lao động kiếm sống bằng thu nhập hàng ngày và hàng triệu người dân ngoại tỉnh ở Sài Gòn đang mất việc, không có thu nhập trong mấy tháng. Như vậy cuộc sống căng lắm.

Nên khi chính quyền tuyên bố thực hiện giãn cách nghiêm theo Chỉ thị 16 từ ngày 1/8 đến 15/8 thì dân ngoại tỉnh hoảng loạn chạy thục mạng về quê. Rồi chính quyền lại tuyên bố sẽ giãn cách triệt để từ 15/8…Thế là lại bùng phát đợt di tản thứ hai, nhưng lần này dân bị bắt quay trở lại hết. Rồi có lệnh từ 23/8 ai ở đâu ở yên đó, có lực lượng bộ đội đi chợ giùm, cung cấp nhu yếu phẩm đến 100% hộ gia đình…Dân không tin, ùa ra các siêu thị chen nhau vét hàng.

Hiện tượng hàng triệu người dân ngoại tỉnh vào Sài Gòn kiếm sống, rồi khi dịch bùng phát thì hoảng hốt ù té chạy lũ lượt về quê, có lẽ hiếm thấy trong chống dịch covid-19 diễn ra trên thế giới.

Rồi những chỗ tập trung đông người để xét nghiệm, để tiêm chủng, để khai báo giấy tờ…Tất cả những hiện tượng đó đều góp phần gây nên bùng phát F0. Sài Gòn có nhiều xóm “ổ chuột”, những con hẻm, những khu nhà trọ rất đông đúc, đó là môi trường dễ lây truyền virus.

Tất cả những hiện tượng nói trên đều tác động mạnh đến tâm lý xã hội và ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông, chứ không nên quy về ý thức kỷ luật của người dân.

2. Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu tính trên tổng số ca điều trị tại bệnh viện là 158.262 thì tỉ lệ tử vong là 5,8%. Nhưng nếu cộng thêm hơn 59.000 F0 đang điều trị tại nhà thì tỉ lệ này trong khoảng 4,2%. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tùy giai đoạn, có nơi tỉ lệ tử vong dao động trong khoảng 2,1- 4,4%. Vì vậy, tỉ lệ tử vong của TP HCM đang ở mức cao".

(Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam có 12.446 ca tử vong vì covid-19, trong đó TP HCM hơn 10.000 ca - chưa tìm ra con số chính xác!).

Bác sĩ Phúc Minh cho rằng bệnh nhân F0 từ nhà có dấu hiệu nặng mới chuyển đến “tầng” 1, rồi từ đó thấy nặng lại chuyển qua “tầng” 2, 3. Quá trình chuyển chậm khiến nhiều F0 chết…

Còn bác sĩ Quan Thế Dân cho biết cụ thể: …bệnh nhân F0 lúc mới chuyển đến chỉ thở oxy gọng kính 5 lít/phút, rồi sau mau chóng chuyển sang thở mặt nạ oxy 15 lít/ph, vẫn không đỡ, SpO2 thấp dưới 90, phải chuyển sang thở oxy dòng cao 60 lít/phút, oxy phun phè phè, vẫn không đỡ. Đành chuyển sang vũ khí cuối cùng đặt ống nội khí quản và thở máy…

Có lẽ thời gian đầu thiếu giường bệnh, thiếu bác sĩ, thiếu máy thở, thiếu oxy, quy trình lộn xộn nên tỉ lệ tử vong vì covid-19 ở Sài Gòn cao?

3. Như ở câu 1 đã nói, Sài Gòn có hàng triệu người quen “làm dzừa đủ xài”, tay nghỉ làm là “hàm nghỉ nhai”! Vậy mà nghỉ làm mấy tháng liền. Trong chiến tranh cũng chưa bao giờ phải mất thu nhập mấy tháng như thế! UBND thành phố báo cáo có hơn 4 triệu người cần cứu trợ.

Trước tình trạng như vậy mà cứu trợ của nhà nước thì chậm chạp, nhất là qua khai báo từ Tổ dân phố lên Phường, Quận… Rồi xét phân loại các “đối tượng”, đâu có đều khắp và kịp thời đến mọi người nghèo. Mà cứu trợ một, hai đợt đâu có đủ sống cho  cả gia đình trong mấy tháng?

Do vậy nếu không có dân cứu giúp nhau thì không hiểu sẽ ra sao. Một giáo sư nghiên cứu về văn hóa, nói Sài Gòn có hơn 60% doanh nhân làm từ thiện. Những bữa ăn không đồng, những túi hàng không đồng, những món tiền góp trực tiếp vào những địa chỉ từ thiện hay đưa ngay và luôn đến tay  người khốn khó nhiều lắm, không ai biết hết được.

Đặc biệt những tình nguyện viên là những Phật tử, những tu sĩ, những nam nữ thanh niên “không có của xin góp công”, họ xin được Giấy đem đồ cứu trợ đến các ngõ ngách, vào tận chỗ bệnh nhân nặng… Đó là chưa kể những nhóm thiện nguyện “Mai táng không đồng”, “ATM Oxy”, số phone gọi cấp cứu, gọi bác sĩ miễn phí…

Trong đợt cứu trợ này tôi chưa thấy ai bị dư luận phê phán lợi dụng cứu trợ.

4.  Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 31/8, Thành phố có hơn 59.000 ca F0 được cách ly tại nhà, là những người không có bệnh nền và không thuộc nhóm nguy cơ. Tỉ lệ chuyển tuyến của các F0 cách ly tại nhà từ 0,4 đến 0,5%.

Hiện Thành phố đang có 312 Trạm y tế phường, xã và 414 Trạm y tế lưu động để theo dõi, điều trị F0 cách ly tại nhà. Ngành y tế cũng đã cấp 64.000 túi thuốc chăm sóc F0 tại nhà.

Để kéo giảm số ca tử vong, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang nâng cao năng lực điều trị cho “tầng” 2 và 3, đồng thời vẫn đang mở thêm các trung tâm hồi sức tại các bệnh viện Trung ương, bệnh viện Bộ, ngành. Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, có thể trong tuần tới, số ca tử vong mới có hy vọng cải thiện và giảm… (1)

Thưa các bạn, mất mát của Sài Gòn là nỗi đau chung của đất nước, của mỗi người Việt Nam. Bây giờ chưa phải lúc truy xét xem lỗi từ đâu, tại ai…

Cấp thiết lúc này là giảm tử vong tới mức cao nhất và cứu đói - mà cứu đói nhanh, tốt nhất là phát tiền cho người nghèo. Rồi từng bước khôi phục lại cuộc sống bình thường. Những việc đó phải là nhà nước, chính quyền mới giải quyết được một cách căn cơ.

MẠC VĂN TRANG 03.09.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.