Đăng ngày:
Câu chuyện người di tản
Trước hết là câu chuyện về những người Afghanistan cố gắng di tản bằng mọi giá, được Le Monde kể lại. Zarghounah Haidari, 24 tuổi, làm việc tại một trung tâm văn hóa, từng bị đe dọa vì chống Taliban. Ba giờ sáng ngày 17/08 cùng với hai người em, cô chạy ra phi trường Kabul – lối thoát duy nhất. Khi đến nơi thì vẫn còn yên tĩnh, cô ra đến được phi đạo, nhưng bất ngờ lực lượng an ninh bắn hơi cay và đạn thật. Đám đông nhốn nháo bỏ chạy, có những người gục ngã, người ta dẫm đạp lên nhau, hai người đàn ông vũ trang bị lính Mỹ bắn chết.
Mahmoud Haidari, vô địch Afghanistan về taekwondo, cùng với vợ con chạy đến được sát bên máy bay và chờ đợi hai tiếng đồng hồ. Nhưng lực lượng Mỹ dựng lên một bức tường kim loại ngăn cách với đám đông. Phía sau bức tường này, số người Afghanistan đông lên từng phút một. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, từ 500 người đã vọt lên 10.000.
Cả hai nhân chứng trên quay về, họ không chính mắt trông thấy cảnh chiếc phi cơ quân sự Mỹ cất cánh với những người Afghanistan chạy theo, đeo bám trên thân máy bay. Nhưng sau khi được xem các video và hình ảnh đau lòng này, họ biết rằng, thế là hết !
Thống đốc ngân hàng tố cáo các thành viên chính phủ lẻn ra đi
Ajmal Ahmady, thống đốc ngân hàng quốc gia Afghanistan (DAB), thuật lại diễn biến trên Twitter, được Les Echos ghi lại. Vị thống đốc 43 tuổi cay đắng viết : « Thật đáng tởm khi các nhà lãnh đạo Afghanistan chẳng có một kế hoạch nào cả. Tôi thấy họ ra đi ở sân bay mà không báo cho ai biết. Tôi hỏi Phủ tổng thống có kế hoạch di tản hay không, nhưng chẳng ai trả lời ».
Ngân hàng trung ương cố gắng giữ giá đồng nội tệ, nhưng từ thứ Năm 12/08, Taliban tiến rất nhanh. Ông kể : « Tôi dự các cuộc họp như thường lệ. Ghazni thất thủ vào buổi sáng hôm đó, và khi tôi về đến nhà, Herat, Kandahar và Baghdis cũng đã mất ! ». Thứ Bảy 14/08, ông cố trấn an các ngân hàng thương mại và cơ sở hối đoái, nhưng không thể nào ngờ rằng ngay hôm sau Kabul sụp đổ.
Tối hôm đó, những người thân cho biết đa số thành viên chính phủ đã di tản, ông mua một chiếc vé dự phòng. Vẫn tiếp tục làm việc ngày Chủ nhật 15/08, thống đốc Ahmady nhận ra nhiều bộ trưởng và chính khách ở sân bay. Nhiều chuyến bay thương mại trong ngày bị hủy, và trong cảnh hỗn loạn chưa từng thấy với những tiếng súng nổ đây đó, ông được các cộng sự đẩy lên một chiếc máy bay quân sự. Nay đã rời khỏi Afghanistan, Ahmady được tin Taliban đang lùng kiếm ông.
Nguy cơ đối với người kẹt lại
Hơn 100 người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Pháp (phiên dịch, tài xế, đầu bếp…từ 2001 đến 2014) vẫn còn kẹt lại, đang sống trong sợ hãi. Cách đây hai tháng, đã có một cựu đầu bếp bị bắn chết trên đường về nhà. Đa số không ngủ được, chuẩn bị hành lý và hợp đồng làm việc cũ, chờ đợi những tín hiệu từ phía Pháp. Nhưng không dễ dàng đến được sân bay : Taliban tràn ngập đường phố Kabul, lập những chốt kiểm soát.
Paris đã điều hai phi cơ vận tải của Không quân, một C130 và một A400M đến Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, 45 người được di tản đầu tiên đã về đến Paris chiều qua. Theo thông tin của Libération, có ít nhất 400 người gồm công dân Pháp và nhân viên địa phương của ngoại giao đoàn đang bám trụ tại phi trường và đại sứ quán chờ được di tản, nhưng tình hình đang hỗn loạn.
Hoa Kỳ nói rằng sẵn sàng cấp 30.000 visa (80.000 cùng với gia đình), tuy nhiên đa số không đến kịp sân bay và nay có rất ít hy vọng được cứu. Theo Le Figaro, điều nghịch lý là chính Taliban ngăn cản người Afghanistan ra đi ồ ạt, vì thể diện. Và ngược với thời kỳ cầm quyền trước đây, lần này Taliban đã kiểm soát tất cả các biên giới trên bộ trước khi tiến chiếm các thành phố.
Chékéba Hachemi, phụ trách một tổ chức phi chính phủ chuyên trợ giúp phụ nữ và các bé gái Afghanistan, trên Libération báo động, theo những thông tin có được từ các vùng bị Taliban chiếm gần đây, đã có những thiếu nữ bị bắt, bị ép buộc lấy các chiến binh, bị sát hại…Khác với thời kỳ trước, nay có cả người nước ngoài như Pakistan, Syria, Libya, Tchetchenya…Cách đây ba hôm, có những bà mẹ hốt hoảng gọi cho bà, nói rằng con gái đã bị các chiến binh không nói cùng một ngôn ngữ bắt đi.
Châu Âu tìm cách tránh khủng hoảng nhập cư
Những con đường dầy đặc xe hơi, phi trường bị hàng ngàn người Afghanistan tràn ngập trong tuyệt vọng…Những hình ảnh từ Kabul khiến châu Âu, bị bất ngờ, mỗi nước cố gắng di tản các nhà ngoại giao, công dân nước mình và cả các cộng sự người Afghanistan.
Les Echos nhận xét, các nước đặt vấn đề nhân đạo lên trên muốn cho những người gặp nguy hiểm nhất tị nạn, còn những nước coi chính trị là hàng đầu thì muốn tránh lặp lại kịch bản năm 2015, với làn sóng người Syria tràn vào châu Âu.
La Croix cho biết từ đầu năm nay đã có 550.000 người Afghanistan sơ tán trong nước vì chiến sự. Taliban chiếm Kabul, số người tị nạn chắc chắn tăng lên. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) kêu gọi các nước ngưng trục xuất người Afghanistan, kể cả những người đã bị bác đơn. Đức, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan đã có quyết định nhân đạo này. Nhà nghiên cứu Pierre Berthelet dự báo Liên hiệp Châu Âu (EU) sẽ đề nghị trợ giúp tài chính cho những nước láng giềng của Afghanistan như Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ để chặn làn sóng người chạy sang châu Âu. Hiện giờ chỉ mới có Canada hứa nhận 20.000 gia đình.
Le Monde cho rằng « Châu Âu bị sập bẫy khi Mỹ triệt thoái » vội vã. Số phận vài trăm người Afghanistan làm việc cho phái đoàn châu Âu hiện vẫn còn nhập nhằng, vì EU không có cơ quan nhập cư để cấp chiếu khán, có thể EU sẽ thuyết phục các nước thành viên chia sẻ. Nhìn rộng hơn là thái độ trước chế độ Taliban - Afghanistan là quốc gia được hưởng viện trợ phát triển của EU nhiều nhất. Một nhà ngoại giao châu Âu hôm qua nhấn mạnh « không thể đổ một núi tiền của người đóng thuế châu Âu cho những kẻ thích chặt tay người khác ».
Taliban muốn trấn an
Le Figaro ghi nhận, vào ngày thứ hai của « tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan », Kabul vẫn đầy hoang mang. Những ông chủ mới đã chiếm được đất nước mà gần như không cần chiến đấu bắt đầu ngự trị. Những nhóm chiến binh râu quai nón được triển khai khắp các ngã tư, đeo súng đứng canh gần những chiếc jeep Humvee tịch thu của quân đội Afghanistan. Rất ít xe cộ qua lại, khách bộ hành hầu hết là đàn ông bước đi vội vã, họ không còn mặc quần áo kiểu phương Tây mà thay bằng trang phục truyền thống « salwar kameez ». Đài truyền hình quốc gia chiếu những chương trình Hồi giáo thu sẵn, đài tư nhân Tolo TV đã ngưng phát.
Ngoài những video kỳ lạ cho thấy quân Taliban vui chơi với các trò trẻ em tại một khu giải trí, lệnh ân xá được ban hành cho công chức. Trong cuộc họp báo đầu tiên, phát ngôn viên Taliban khẳng định « muốn hòa bình », « không muốn có kẻ thù bên trong lẫn bên ngoài », bảo đảm an ninh cho ngoại giao đoàn, phụ nữ được đi học và làm việc, cụ thể sẽ được xác định sau. Các bác sĩ, y tá được yêu cầu quay lại nhiệm sở. Những hình ảnh mà cách đây 20 năm khó thể tưởng tượng ra, nhưng vẫn gây nghi ngờ. Có những vụ bắt giữ, nhưng Taliban nói rằng đó là những kẻ trộm cắp, hôi của.
Việc thành lập chính phủ đang được thương lượng tại Qatar, với khả năng có sự hiện diện của một số viên chức chế độ cũ. Theo nhiều nhà phân tích, Taliban ý thức rằng sau 20 năm chiến tranh du kích, họ thiếu cán bộ quản lý để điều hành đất nước. Vẫn còn một số nhà lãnh đạo chính quyền cũ rút vào kháng chiến. Hôm qua phó tổng thống Amrullah Saleh lên tiếng khẳng định vẫn đang ở Afghanistan, là « tổng thống lâm thời chính danh » sau khi tổng thống Ashraf Ghani chạy trốn hôm Chủ nhật 15/08, và sẽ không bao giờ phản bội di sản của cố lãnh đạo Massoud – bị ám sát theo lệnh của Taliban hai ngày trước khi xảy ra các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín.
Mối lo khủng bố sẽ lan tràn trong khu vực
Theo Le Monde, tuy Taliban có được một số ủng hộ của Trung Quốc, Pakistan hay Iran, nhưng sự quay lại của phe Hồi giáo cực đoan cũng là mối đe dọa cho chính những nước này.
Kabul sụp đổ khiến người ta lo sợ một chế độ thần quyền cứng rắn kiểu Iran. Với bộ mặt tỏ ra đàng hoàng hơn trên trường quốc tế và được một số cường quốc trong khu vực như Trung Quốc chống lưng, chế độ Taliban có thể đón nhận quân khủng bố quốc tế, gợi hứng cho các phong trào Hồi giáo cực đoan khác lật đổ chính quyền. Taliban năm 2021 không còn là những người trẻ từ vùng quê không biết gì nhiều về thế giới. Họ đã triển khai một chiến lược quân sự phức tạp lâu dài, có thể là do Pakistan hà hơi. Họ biết cách phát biểu bằng tiếng Anh, mà theo một số cựu quân nhân Anh từng đóng tại Afghanistan, « trong hàng ngũ Taliban có một số người gốc Pakistan có bằng cấp của Oxford hoặc Cambridge ».
Thời kỳ 1996-2001, chỉ có ba nước Pakistan, Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất công nhận chính quyền Taliban. Lần này có thể một số nước trong khu vực có thể ưu ái hơn với những ông chủ mới của Kabul. Riêng Trung Quốc ngay từ thứ Hai 16/08 đã cho biết sẽ tôn trọng « chủ quyền của chính phủ Taliban », nối lại quan hệ chính trị, thương mại. Đổi lại, theo một nhà ngoại giao ở Kabul, « Taliban cam kết không bao giờ nêu ra vấn đề người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi bị Bắc Kinh đàn áp ».
Tuy nhiên hồi 2019 tướng Scott Miller, chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan đã tuyên bố trong số « những dấu vết của sự hiện diện Al Qaida trên lãnh thổ Afghanistan do Taliban kiểm soát » có ba nhóm thánh chiến Trung Á là Katba Imam Al Bukhari, Islamic Jihad Union và Turkistan Islamic Party, chủ yếu gồm các chiến binh Uzbekistan và Duy Ngô Nhĩ.
Đại sứ Mỹ tại Kabul cho rằng Iran đùa với lửa khi hỗ trợ quân sự cho các nhóm Taliban tại tỉnh Helmand ở miền nam. Ngoài ra, Iran theo Hồi giáo Shia, không an tâm trước sự xuất hiện của một Nhà nước Hồi giáo Sunni. Đồng minh Pakistan cũng có thể bị gậy ông đập lưng ông, mặc dù khi Taliban nắm quyền sẽ không phải lo ngại trước kẻ thù muôn thuở là Ấn Độ ở khu vực biên giới. Đó vì phe cùng tên Taliban ở Pakistan cũng là người Pachtoune, năm 2007 từng tiến hành thánh chiến chống lại quân đội Pakistan. Một số nước Trung Á như Uzbekistan cũng phải cảnh giác vì trong hàng ngũ Taliban có nhiều thành viên Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (MOI), có thời gian từng liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Sau Afghanistan, Trung Quốc nếu xâm lăng Đài Loan sẽ lãnh đòn sấm sét của Mỹ
Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, ông Jean-Louis Bourlanges, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Pháp nhận định về thất bại của một lực lượng chính trị quân sự được xây dựng trong 20 năm qua với nhiều tỉ đô la của Mỹ, trước vài chục ngàn quân không chính quy. Sự sụp đổ lại càng gây choáng khi diễn ra chỉ trong vài ngày, chính Joe Biden mới tháng trước còn khẳng định « hoàn toàn không có khả năng Taliban chiếm toàn bộ Afghanistan ». Thế giới tự do dân chủ dù có ưu thế vẫn không thể đưa ra được các giải pháp chính trị và quân sự thích ứng với tình hình.
Theo ông Bourlanges, trước hết là sai lầm của cựu tổng thống Donald Trump với thỏa thuận Doha. Phía Mỹ thực hiện tất cả những gì đã hứa, như thả 5.000 chiến binh và những người này sau đó lập tức lại tham gia lực lượng Taliban, ngược lại các nhượng bộ của phe Hồi giáo chỉ được tiến hành với điều kiện Mỹ rút quân. Tuy nhiên vấn đề căn bản là việc triệt thoái khỏi Afghanistan không chỉ ông Biden và Trump muốn, mà cả Obama trước đó.
Hồi hương các chàng trai sau những chuyến phiêu lưu quân sự tốn kém trong 60 năm qua là ý hướng của dư luận Mỹ, trong khi Hoa Kỳ đang phải đối phó với một cuộc chiến tranh lạnh mới, lần này là với Trung Quốc. Việc bỏ rơi Afghanistan cho thấy nghịch lý giữa tham vọng và sự mệt mỏi của Washington, như với Việt Nam trước đây. Người Mỹ mang lại cảm giác dường như họ chiến đấu vì lợi ích của mình thay vì các giá trị.
Bắc Kinh sẽ không bỏ lỡ cơ hội chế nhạo Mỹ là « cọp giấy ». Các quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương vốn đang bị giằng co giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ lại càng nghi ngại Washington. Nhưng trước mắt, Trung Quốc sẽ phải thận trọng hơn nếu muốn xâm lăng Đài Loan, vì phản ứng của một Hoa Kỳ bị lăng nhục sau sự kiện Afghanistan sẽ hết sức thô bạo.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.