Bức ảnh này vừa được chụp ở Đa Kao, quận 1. Chỉ một bức ảnh mà chứa đầy tình thương. Cho đi và nhận lại diễn ra trong một không gian chỉ một mét vuông.
Sáng nay, quán cơm nụ cười 1 ở quận 5 bị yêu cầu đóng cửa. Sáng nay, điểm phát cơm từ thiện ở gần nhà tôi cũng bị yêu cầu ngưng tụ tập.
Hôm qua, “mồng 1 Tết” theo kiểu nói đùa của chúng ta, một vị quan chức thành phố phát động phong trào thi đua giảm F0. Có vị còn nói: đây là trận chiến cuối cùng.
Tôi tự hỏi: thi đua vào lúc này có phải là cách nhanh nhất dẫn đến kết cục… thua đi? Trong thời điểm sinh tử lâm đầu của cả một thành phố, sao người ta không phát động phong trào cùng giúp người nghèo vượt khó? Cùng thi đua xem trong một ngày, địa phương nào trao được nhiều phần ăn hơn, nơi nào trao đi nhiều nghĩa tình hơn mà vẫn đảm bảo 5K và Chỉ thị 16? Đó là thứ thiết thực nhất mà ta có thể… thi đua được.
Các nhân viên hành pháp đang rơi vào một tình thế quá khó. Giữa cái lý (phải siết giãn cách để triệt để chống dịch) và cái tình (bao nhiêu người nghèo cần những bữa cơm để sống sót) cần phải có một hành lang giữa. Ở hành lang đó, những ngời đại diện cho chính quyền và những người có nguồn lực hỗ trợ cần nói chuyên với nhau.
Tôi tin là phải có một cách vẹn toàn nào đó để vừa ngăn đại dịch về lâu dài, vừa ngăn cái đói đang thúc bách người nghèo hàng ngày. Chẳng phải đấy là hai mục tiêu cần phải song hành sao, đâu có mâu thuẫn nào ở đây.
Hiện giờ, có rất nhiều người sẵn lòng giúp đỡ. Nhưng tình thương tự phát ồ ạt đó (ai cũng muốn lao ra dường, đi vào những khu phố, giúp được nhiều người nhất) có thể là trở ngại cho việc duy trì giãn cách xã hội. Thành phố có thể hỗ trợ để những người muốn cho tìm đến những người cần nhận không? Tôi tin một thời điểm đặc biệt cần một cơ chế đặc biệt.
Tôi không còn làm báo, không phải quan chức, chỉ là một người đang nhìn thấy quá nhiều tình thương xung quanh mình đang chật vật tìm đến nơi cần đến. Anh Tấn Lộc kể tôi nghe câu chuyện về một cô lễ tân ở một trường học quận Thủ Đức. Cô này nổi tiếng trong trường trong xóm là… xài tiền kỹ, không bao giờ mẻ một đồng nào, ăn uống tằn tiện, chả mấy khi mua sắm gì, lại đang nuôi con nhỏ. Vậy mà nghe tin nhóm anh Lộc chuẩn bị đi trao quà, chị bảo phải để chị góp sức. Nhà hết sạch tiền, ngân hàng đóng cửa, chị nói nhóm anh Lộc… cho mượn, sang tuần có tiền sẽ trả lại liền.
Hay chị lao công ở Bình Tân. Trước giãn cách chị đi giúp việc nhà. Con xe máy của chị cũ đến nỗi chạy chỉ nhanh hơn xe đạp một chút. Chiếc xe ấy đưa chị qua quận 1, quận Thủ Đức, quận 5, quận 7 để dọn nhà cho khách rồi vòng về Bình Tân vào cuối ngày. Giãn cách không cho người lạ vào chung cư, chị thất nghiệp. Vậy mà khi nhóm anh Lộc trao quà cho chị, chị nói chị còn tiền tiết kiệm và mì gói nhiều lắm, nên xin để dành cho người khác.
Bạn tình nguyện vừa đi, chị gọi với lại: “Cho chị góp 100.000 đồng”.
Tôi nhớ mới vài tháng trước, thỉnh thoảng ghé Starbucks Phan Xích Long mua cà phê, tôi hay bị các bạn nhân viên dụ mua phần ăn sáng kèm theo combo. Tôi ăn sáng rồi nhưng cũng mua, rồi mang cho bác bảo vệ phía trước. Bác nói ăn rồi và chỉ một bác bảo vệ khác bên kia đường, ở tiệm Givral: “Con mang cho cái chú bên kia kìa”.
Rồi tôi nhớ câu chuyện vừa đọc sáng nay, khi một đứa bé cầm tay chị tình nguyện của nhóm anh Đàm Hà Phú và nói: “Mấy cô chú đừng bỏ tụi con nhen”.
Các vị lãnh đạo có thể cùng thi đua để không một ai bị bỏ lại không? Đấy chả phải là bước đầu tiên trong hành trình phục sinh một thành phố từ đại dịch đó sao?
NGUYỄNTHANH BÌNH 10.07.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.