samedi 10 juillet 2021

Nguyễn Tập - Quyền được sống !

 

Ngày 10/7, từ trước 5 giờ sáng, nhân viên quán cơm Nụ Cười 1 (số 596 Trần Hưng Đạo B, P.14, Q.5) đã hào hứng nấu cơm, làm thịt kho tiêu thiệt ngon chuẩn bị cho bà con nghèo.

Nhưng 6 giờ 30, đại diện Phường gọi điện đề nghị quán không được mở bán vì vi phạm Chỉ thị 16. (Nói cho công bằng, từ trước đến giờ P.14, Q.5 cũng ủng hộ quán cơm, nhưng “lần này căng quá, tụi tôi không thể để quán hoạt động được”).

Sau đó, Phường có đề nghị mua lại các suất cơm rồi sẽ mang đi giao cho bà con nghèo. Nhưng, vấn đề là bà con nghèo sống rải rác, không tập trung một chỗ như khu cách ly. Liệu Phường huy động bao nhiêu nhân lực để đưa hơn 500 suất cơm đến “đúng người cần”, và có thể làm việc đó mỗi ngày?

**

Hôm nay rất nhiều bà con đến quán Nụ Cười 1 chờ cơm như những ngày vừa qua. Dưới nắng gắt, họ kiên nhẫn đứng theo vạch phấn để giữ khoảng cách, ai cũng đeo khẩu trang đầy đủ. Khi quán thông báo phải nghỉ bán, họ không muốn tin, vẫn nấn ná đứng lại chờ. Không đành lòng nhìn, quán đành phải kéo cửa, nhưng họ vẫn đứng ngoài nói vọng vào năn nỉ: “Tụi tui đâu có chen lấn, đâu có xúm lại đâu. Cho tụi tui mua cơm đi!”...

Từ ngày Sài Gòn áp dụng Chỉ thị 16, hầu hết các điểm làm từ thiện, tương trợ cho người nghèo đều phải dừng lại hoặc “lui vào hoạt động bí mật”. Một số chỗ như đánh du kích, chỉ mở cửa he hé để tình nguyện viên có đến thì gọi để lấy mang đi, gặp ai ở ngoài đường thì tặng.

Từ bao giờ mà việc thiện nguyện bị cho là không chính đáng và phải lén lút như vậy?

**

Đối với hoạt động từ thiện, hỗ trợ  người nghèo, Phó chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức cho biết “Thành phố vẫn cho phép hoạt động này tiếp tục nhưng phải bảo đảm yêu cầu tổ chức ngăn nắp, trật tự và quan trọng nhất là không tụ tập quá 2 người ngoài khu vực công cộng”.

Một điểm tặng cơm từ thiện làm thế nào để không quá 2 người, có ai trả lời được không?

Cạnh đó, việc xếp hàng giữ khoảng cách để nhận cơm khác gì với xếp hàng mua thực phẩm tại siêu thị (hoạt động được chính quyền cho phép)? Chưa kể, siêu thị là môi trường kín, nguy cơ lây lan còn dễ hơn gấp bội so với quán cơm từ thiện (hoạt động ngoài trời).

Tại sao người có tiền xếp hàng mua thực phẩm ở siêu thị trong những ngày này được coi là “lý do chính đáng được ra đường” trong khi người nghèo cùng kiệt xếp hàng trật tự chờ những phần cơm từ thiện thì bị coi là nguy cơ lây lan dịch bệnh?

**

Trong tình hình phong tỏa căng thẳng, nhân lực hạn chế, khó có thể đòi hỏi chính quyền chu toàn được mọi việc. Vì vậy hơn ai hết, chính lúc này, chính quyền phải tạo hành lang thông thoáng để người dân có thể phụ một tay. Điểm, quán từ thiện lo việc nấu nướng, thực phẩm, chính quyền lo việc giữ trật tự, giúp người nghèo tuân thủ 5K một cách nghiêm túc.

Theo Sở Lao động Thương binh & Xã hội, TPHCM có khoảng 230.000 lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian thành phố giãn cách xã hội  (con số thực tế lớn hơn nhiều). Trong đợt phong tỏa,  những đối tượng “vừa ráo mồ hôi đã hết tiền” như ve chai, vé số, thợ hồ, xe ôm... mất thu nhập hoàn toàn. Không có tiền tích lũy, gói hỗ trợ thì chưa biết khi nào nhận được.

An sinh của họ ở đâu trong Chỉ thị 16?

TIN MỚI NHẬN:

Bà Trương Minh Kiều, Quyền chủ tịch Q.5, vừa cho chúng tôi hay, Quận đã yêu cầu Phường 14 (nơi Quán Nụ Cười 1 tọa lạc) lập danh sách các hoàn cảnh khó khăn tại những khu đang bị cách ly trong phường. Thứ Hai tuần tới, Quán Nụ Cười 1 sẽ nấu lại. Phường sẽ cử người cùng tình nguyện viên của quán mang cơm đến các khu cách ly để gởi cho bà con.

Những người nghèo ngoài khu cách ly (số này mới nhiều và bi đát hơn) muốn có cơm sẽ giải quyết thế nào vẫn còn là câu hỏi. Nhưng dù sao, đây cũng là một tín hiệu vui từ chính quyền.

Hy vọng sắp tới, các điểm, quán từ thiện sẽ được “cởi trói” để bà con nghèo được nhờ.

NGUYỄNTẬP 10.07.2021

(Những chữ màu đỏ trong bài là do tác giả nhấn mạnh - TM)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.