Từ đợt nới rộng giãn cách tới giờ, hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe đi vòng vòng mấy chợ tự phát, chợ vỉa hè ở nhiều quận. Đi mà cám cảnh...
**
Trước ngày 29/6, ra chợ tự phát là thấy miết những cuộc “rượt đuổi” giữa dân phòng, công an khu vực và dân nghèo bán rong. Xe công an tới đâu, dân chạy tán loạn tới đó, đồ rơi vung vãi. Có người bán đứng khóc ròng giữa chợ.
Ở khu chợ Nghĩa Phát (Q. Tân Bình), một chị (có đeo khẩu trang và cả tấm nhựa chắn giọt bắn đầy đủ) bị dân phòng giật khay tép mòng quăng lên xe. Chị cố giằng lại nhưng không được nên đành buông tay. Xe đi nhưng chị vẫn đứng đó, mắt đỏ hoe. Bất lực.
**
Sau ngày 29/6 những cuộc “bố ráp” ít hơn vì lưới kẽm gai đã được giăng từ đầu hẻm chợ, hạn chế tối đa xe cộ và người ra vào. Và họ, những người buôn gánh bán bưng vẫn tiếp tục...bám trụ. Cũng vẫn những gương mặt ấy, mỗi ngày họ lại tiếp tục mang thúng rau, mẹt thịt ra chợ để chờ đợi một sự may mắn nào đó.
“Xui thì bị hốt đồ thôi. Bán được nhiêu hay nhiêu. Chứ giờ không bán, cả nhà lấy gì ăn?”. Thấy tôi chụp hình, một anh bán cá khu chợ Thị Nghè (Q. Bình Thạnh) nói: “Ông quay mấy ông dân phòng kìa. Làm rát vậy dân sống sao nổi”.
**
Sáng nay ngày 7/7, chợ Cũ (Q.1) vắng hoe vì cũng bị cách ly. Nơi góc chợ chỉ còn bà Phạm Thị Kim, 78 tuổi, ngồi lụi cụi với rổ ớt, 5 ngàn /vốc (ảnh). Bà Kim thuê nhà sống chung với con trai ở quốc lộ 13 (gần cân Nhơn Hòa). Xe buýt hôm nay không có nên phải đi xe ôm, lên về hết 120 ngàn, trong khi từ sáng sớm đến giờ mới lời được...45 ngàn.
Bà nói giọng rầu rầu: “Mấy chú dân phòng thấy tui già, tội nghiệp nên ‘làm lơ’ không đuổi. Tui có đứa con trai làm bảo vệ, mà bị dịch nên thất nghiệp. Tiền thuê nhà 2 triệu/tháng, giờ tui mà không đi bán lấy gì trả ”.
Nhìn dáng ngồi rúm ró của bà, nhìn mớ ớt héo queo còn sót lại trong rổ, nghĩ tới tin đồn “phong thành” ngày mai, không biết rồi bà và hàng vạn bà con buôn gánh bán bưng ở các chợ tự phát, chợ vỉa hè sẽ ra sao?
**
Chính quyền quyết định phong tỏa, dẹp chợ...ắt hẳn có lý do. Nếu muốn, hãy cứ việc “ra quân”, “chiến dịch”, “thần tốc”, “truy lùng”, “tiêu diệt” để dập dịch... nhưng xin đừng quên trách nhiệm với những nhu cầu sống cơ bản của người dân, nhất là dân nghèo. Khi ra quyết định đóng cửa hàng loạt như vậy, liệu chính quyền đã hỗ trợ cho người dân đủ sống chưa?
NHỮNG SỐ LIỆU ĐÁNG LƯU Ý
Theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 7/7, số ca nhiễm covid ở Việt Nam là 19.934 người, số người chết là 97. Tỉ lệ tử vong là 0,49%. Tức là kể từ lúc dịch bùng phát đến nay, trung bình một tháng có 5 người chết vì covid.
Trong khi đó, số tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 là 3192 người, trung bình một tháng là 532 người, gấp hơn...100 lần.
Covid có thật sự đáng sợ đến mức chúng ta phải đánh đổi tất cả như vậy không?
**
Trong 5 khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO có điều: Không gian thông thoáng. Chợ tự phát ở ngoài trời, hầu như tất cả người bán lẫn người mua đều đeo khẩu trang, thời gian tiếp xúc mua bán rất ngắn...Trong khi chợ truyền thống, siêu thị lại trong không gian hẹp hơn, kín hơn, thời gian người mua bán lưu trú trong không gian này phải 10 phút trở lên.
Nguy cơ lây nhiễm ở chợ truyền thống, siêu thị cao hơn. Vậy tại sao dẹp chợ tự phát, chợ vỉa hè?
**
Năm ngoái Chính phủ duyệt 62.000 tỉ hỗ trợ, và đến cuối tháng 5/2021 mới đưa cho dân được hơn...13.000 tỉ (khoảng 22%). Năm nay, Chính phủ phê duyệt 26.000 tỉ hỗ trợ với khẳng định “sẽ không có chuyện lên tivi mà nhận”.
Theo thông tin mới nhất từ Thanh Niên, cuối tháng 7 người dân sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ. Lao động tự do sẽ được hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày theo số ngày thực tế tạm dừng hoạt động.
Còn gói 62.000 tỉ năm ngoái chưa giải ngân xong thì không nghe thông tin khi nào nhận tiếp. Bà con ráng chờ!
NGUYỄNTẬP 06.07.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.