(Zing 10/07/2021)Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, mô hình điều trị tháp 3 tầng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19 và giảm tải áp lực cho hệ thống y tế.
110.
Đó là số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại được Bộ Y tế công bố. Tỉ lệ tử vong tại Việt Nam đạt khoảng 0,4%. Nếu so sánh với hơn 4 triệu ca tử vong do mắc Covid-19 trên toàn thế giới, tỉ lệ là khoảng 2%.
Tuy nhiên, Việt Nam đang bước vào giai đoạn dịch Covid-19 rất phức tạp khi tính riêng từ ngày 27/4, số lượng ca mắc mới đã tăng thêm hơn 21.000 người chỉ sau 2 tháng.
Do đó, thách thức trong thời gian này đối với hệ thống y tế của Việt Nam sẽ lớn hơn bao giờ hết. Cùng với sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, Bộ Y tế cũng đã công bố một số trường hợp tử vong sau khi nhiễm nCoV dù còn trẻ, không có bệnh nền.
Trước thực tế này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng Việt Nam cần chú trọng vào việc sàng lọc bệnh nhân Covid-19, kiểm soát các yếu tố nguy cơ từ sớm nhằm hạn chế số ca nguy kịch, từ đó giảm tải cho hệ thống hồi sức tích cực, đảm bảo nguồn lực, tập trung giảm thiểu tỉ lệ tử vong do Covid-19.
Khó khăn trong hệ thống hồi sức tích cực
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Cấp nhận định hồi sức tích cực là chuyên ngành khó, đòi hỏi đào tạo kỹ lưỡng, công việc vất vả và thu nhập thấp. Do đó, việc thu hút bác sĩ công tác trong chuyên ngành này gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, dù được Bộ Y tế quan tâm trong nhiều năm qua, các trang thiết bị hồi sức tích cực như máy thở, máy lọc máu, ECMO (tim phổi nhân tạo)..., khá đắt đỏ, không sinh lợi nhuận nhiều nên trên thực tế, các bệnh viện, địa phương chưa ưu tiên đầu tư.
“Trừ 3 trung tâm ở 3 miền gồm Hà Nội, TP.HCM, Huế - Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn, năng lực về hồi sức tích cực ở Việt Nam còn khá hạn chế. Thực tế cũng cho thấy khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều địa phương đã cần sự tập trung hỗ trợ về hồi sức từ Trung ương và tỉnh bạn”, vị chuyên gia này nói.
Do đó, bác sĩ Cấp nhận định khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, không còn nhận được sự hỗ trợ như trước, một số địa phương có thể sẽ gặp khó khăn trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng.
Trước tình hình dịch có những diễn biến phức tạp, ông cho rằng yếu tố sàng lọc, phân tầng bệnh nhân sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, việc này cũng vấp phải không ít khó khăn.
Bác sĩ Cấp lý giải: “Các bệnh nhân khi mới mắc Covid-19 có thể biểu hiện triệu chứng hoặc không. Đa số bệnh nhân sau 7 ngày sẽ bước sang giai đoạn hồi phục. Dù vậy, vẫn có nhiều trường hợp ban đầu không có triệu chứng đáng kể nhưng sau khoảng 7-8 ngày lại diễn biến nặng, thậm chí tử vong”. Như vậy, chỉ sau ngày thứ 8 hoặc 9, các y bác sĩ mới có thể xác định được bệnh nhân nào không triệu chứng, diễn biến nhẹ và ai sẽ rơi vào tình trạng nặng để phân loại, sàng lọc.
Nhưng vấn đề chưa dừng lại ở đó. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân Covid-19 khởi phát bệnh mà không có bất cứ triệu chứng nào. Lúc này, các nhân viên y tế sẽ không thể xác định được đâu là ngày thứ 7-8 của bệnh.
“Chiến lược sàng lọc là cần coi những bệnh nhân vừa được phát hiện nhiễm virus trong tuần đầu tiên sẽ có nguy cơ diễn biến nặng, từ đó theo dõi sát và sàng lọc những dấu hiệu cụ thể, đồng thời đặc biệt chú trọng tại thời điểm ngày thứ 7-8. Sau đó, với những người không có dấu hiệu diễn biến xấu qua ngày thứ 8, chúng ta có thể coi họ là bệnh nhân diễn biến nhẹ, không cần điều trị thêm và đưa đi cách ly chờ hồi phục để giảm tải cho các bệnh viện”, bác sĩ Cấp cho hay.
Về khó khăn lớn nhất ở thời điểm hiện tại, vị chuyên gia này đánh giá nhiều bác sĩ còn nhầm lẫn, cho rằng bệnh nhân Covid-19 khi nhập viện không có hoặc xuất hiện triệu chứng nhẹ là nguy cơ thấp, từ đó xếp họ vào khu vực không được theo dõi sát, dẫn đến phát hiện diễn biến nặng muộn.
Khó khăn thứ hai, để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng, các bác sĩ phải xét nghiệm đánh giá về đông máu, miễn dịch, đồng thời nắm được cách phiên giải phù hợp kết quả xét nghiệm này. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là một căn bệnh mới, nhiều cơ sở y tế chưa từng thực hiện các xét nghiệm này dẫn đến việc bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm trong việc nhận định, phiên giải. Lúc này, bệnh nhân khi có biểu hiện lâm sàng nặng như khó thở, sốc mới được phát hiện khiến việc điều trị giảm hiệu quả.
Thứ ba, theo bác sĩ Cấp, một số trường hợp hoàn toàn không có biểu hiện khó thở dù bị tổn thương phổi nặng, suy hô hấp. Tình trạng này còn được gọi là “thiếu oxy yên lặng”. “Bác sĩ điều trị những bệnh nhân này nếu không có kinh nghiệm và chưa đảm bảo đủ thiết bị đo độ bão hòa oxy máu có thể sẽ bỏ sót, dẫn đến tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong”, ông khẳng định.
Sàng lọc tốt để giảm tỉ lệ tử vong
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng chúng ta cần điều chỉnh công tác tổ chức hợp lý thời gian tới, cụ thể là xếp các bệnh nhân Covid-19 trong tuần đầu tiên sau khi phát hiện nhiễm virus vào nhóm nguy cơ diễn biến nặng, từ đó theo dõi sát dấu hiệu của họ.
“Bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn này, đặc biệt là ngày thứ 7-8, chúng ta phát hiện được dấu hiệu nguy cơ, cần chuyển bệnh nhân sang khu vực điều trị sớm theo cơ chế bệnh sinh. Việc này sẽ giúp các nhân viên y tế ngăn ngừa xu hướng diễn biến nặng, thậm chí hồi sức kịp thời khi tình trạng bệnh xấu hơn”, ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, với những trường hợp sau hơn một tuần không có dấu hiệu bất thường trên cả lâm sàng và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ có thể chuyển họ sang khu cách ly, chờ hồi phục.
Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ từng áp dụng mô hình điều trị "tháp 3 tầng" tại những vùng dịch trước đây như Hải Dương, Bắc Ninh (tưởng tượng hệ thống điều trị như một tòa tháp 3 tầng).
Bệnh nhân Covid-19 mới phát hiện sẽ được đưa vào tầng 2 (khu vực theo dõi và sàng lọc). Sau khoảng 7-8 ngày không có biểu hiện bất thường, các bệnh nhân sẽ được chuyển xuống tầng 1 (nơi cách ly chờ ra viện). Trường hợp được phát hiện có xu hướng diễn biến nặng sẽ ngay lập tức được chuyển lên tầng 3 (khu vực điều trị và hồi sức tích cực).
Theo bác sĩ Cấp, trong tất cả đợt dịch xảy ra trước đây, ngành y tế Việt Nam đều kiểm soát F0 ngay từ đầu, qua đó khống chế được số ca diễn biến nặng, tránh gây quá tải hệ thống hồi sức. Chúng ta cũng chưa từng để xảy ra tình trạng thiếu máy thở, oxy hay nhân viên y tế kiệt sức, không thể chăm sóc bệnh nhân. Nhờ vậy, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam khá thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới.
"Tuy nhiên, đợt dịch lần này xảy ra trên diện rộng, số bệnh nhân lớn hơn, từ đó đòi hỏi hệ thống điều trị phải nỗ lực nhiều hơn để giữ được thành quả”, vị chuyên gia này nhận định.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.