Giờ mà nói về vị thủ tướng mới tại nhiệm 2 tháng thì chưa đủ dữ liệu. Thường thì báo chí Mỹ chỉ bàn về tân tổng thống Mỹ sau 100 ngày cầm quyền. 100 ngày đó có thể dự đoán nhiều điều cho một nhiệm kỳ 4 năm, nhưng cũng rất dễ lầm lẫn.
Ở Việt Nam, khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền được 200 ngày (100 ngày chưa đủ dữ liệu) tôi bắt chước báo Mỹ, làm một chuyên đề về 200 ngày của Dũng trên tờ Tuổi Trẻ của mình. Chuyên đề này sau đó được trao giải nhất báo chí TP HCM. Nói thật tình dù rất khiêm tốn, lúc ấy báo chí cả nước chưa ai có ý tưởng làm một chuyên đề như vậy về một đương kim thủ tướng của Việt Nam.
Oái ăm thay, cũng vì chuyên đề đó mà sau này, khi ông Dũng thất bại, tôi đã bị một số đồng nghiệp đá đểu vì...dự đoán sai.
Trong chuyên đề, tôi có phỏng vấn cựu viện trưởng Viện Kinh tế Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế có uy tín trong nước lúc bấy giờ - người hiểu rõ hệ thống chính trị cũng như hệ thống kinh tế nước nhà như trong lòng bàn tay.
Ông Doanh đã khen ông Dũng hết lời. Nào là nhạy bén, thông minh, lên bục không đọc diễn văn viết sẵn mà toàn nói vo. Kiên quyết chống tham nhũng với tuyên bố, nếu không dẹp được tham nhũng thì từ chức. Là một người có rất nhiều kinh nghiệm sau khi trải qua hàng loạt chức vụ lãnh đạo khác nhau từ công an đến ngân hàng nhà nước, vân vân...
Và không chỉ ông Doanh, dư luận lúc đó ai cũng ủng hộ và hết sức kỳ vọng vào ông Dũng. Tiếc là, ông Dũng chỉ đạo một bộ sậu tham mưu bốc đồng và thiếu tầm nhìn, đơn cử là việc nhanh chóng thay áo tập đoàn cho một loạt các tổng công ty kinh tế mà không chịu tìm hiểu nội lực của chúng ra sao...Chính vì vậy, hai nhiệm kỳ 10 năm của ông Dũng được kết luận đơn giản trong hai từ: thất bại.
Lẽ thường, khi có một người mới lên cầm đầu chính phủ, công luận thường coi giò coi cẳng rồi bàn tán để xem, có thể hy vọng hay thất vọng. Người ta đặt hy vọng nhiều hơn vì muốn thấy có sự thay đổi nơi chính phủ mới, nhất là tình trạng người cầm quyền cũ ở nước ta, sau một thời gian lên gân thấy được thì đi vào trạng thái trì trệ, ngủ mê. Năm 2006, giới trí thức đặt nhiều hy vọng vào ông Dũng, sau khi có lời giới thiệu đầy niềm tin mà ông cựu Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành cho người kế nhiệm mình.
Bây giờ, thử bàn về ông Chính xem sao.
Chưa thấy rõ nhưng có mấy điều đáng lưu ý.
Nếu chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị thủ tướng của ông Dũng là Nhật, thì với ông Chính là Indonesia. Cả hai ông không chọn Trung Quốc, và có lẽ cũng không có truyền thống bắt buộc thủ tướng mới của Việt Nam qua chầu Trung Quốc.
Ông Chính tuyên bố với ngành giáo dục: Phải học thật thi thật để tìm kiếm nhân tài thật. Tuyên bố này thật mạnh mẽ, đột phá vào khâu yếu nhất của chính phủ Việt Nam là giáo dục. Tuyên bố này phải trở thành quyết tâm hành động, nếu không, nó có nguy cơ trở thành đề tài đàm tiếu của công chúng là thủ tướng nói lấy được.
(Khi ông Phúc làm thủ tướng, ông đã không quan tâm đến vấn đề này nên vẫn để nguyên ông Nhạ làm hết nhiệm kỳ bộ trưởng. Nếu muốn gây dấu ấn lúc đó, ông Phúc phải thuyết phục Bộ Chính trị bứng ông Nhạ để chọn người khác tài giỏi hơn).
Tuyên bố mạnh mẽ thứ hai là tại TP HCM. Ông Chính bảo : Cần nói thật làm thật. Ý nghĩa của câu nói này khiến những người cầm quyền tại TP HCM choáng váng. Rồi ngay lập tức, ông đáp ứng đòi hỏi tăng thêm 5% mức thu được giữ lại cho địa phương này, từ 18% lên 23%, điều mà trong nhiệm kỳ của mình, thủ tướng Phúc đã không làm được. Rồi sau đó, râm ran tin điều chuyển ông chủ tịch đương kim TPHCM, người ta càng thấy có sự hợp lý trong cái chuyện khôi phục sự "làm thật" của chính phủ đối với thành phố này.
Giờ đến việc chống dịch, ông Chính tuyên bố chuyển hướng chống dịch covid bằng chiến lược vaccin. Điều mà ông Phúc chưa hề chỉ đạo thuộc cấp thực hiện. Trong việc chống dịch, ông Chính đã phá bỏ rào cản độc quyền mà Bộ Y tế tự đặt ra để hưởng lợi, việc này không biết ông Phúc có thấy hay không nhưng đã im lặng.
Có lẽ cái dở duy nhất mà ông Chính vấp phải trong hai tháng qua là quyết định quyên một phần tiền từ công chúng để chống dịch. Nếu là người cầm đầu chính phủ mạnh mẽ, ông cần dứt khoát trích ngay ngân sách 25 ngàn tỉ đồng để thực hiện chiến lược vaccin của ông.
Tôi đoan chắc, ngân sách nhà nước không thiếu số tiền đó. Nếu làm vậy, có lẽ hình ảnh ông Chính còn tốt hơn nữa.
Nhưng cầm quyền chính phủ không chỉ có chống dịch mà còn rất nhiều thứ hầm bà lằng khác. Nếu không phải là người kinh bang tế thế, rất dễ chết chìm trong cái mớ hỗn độn mà chính phủ trước, rồi trước nữa bày ra. Tân thủ tướng phải chứng tỏ cho công chúng thấy rằng mình là người biết dọn dẹp và biết...nấu ăn. Vì dân chúng rất cần món ngon trong thực đơn chính trị - kinh tế của mình sau khi đã nhấm quá nhiều món dở và chát chua.
Nói trước bước không qua. Chưa qua đêm 30 chưa thể nói gì về mùng một.
Nhưng chỉ cần ông Chính nhớ kỹ mấy từ mà ông nói trước các lãnh đạo TP HCM (để làm kim chỉ nam thực hiện suốt nhiệm kỳ của ông) là tốt lắm rồi: nói thật làm thật.
Công chúng đang cần một người đem luồng gió mới thổi vào đất nước, sau khi đã nhàm tai nghe nhiều tuyên bố phát ngôn sặc mùi chém gió. Họ cần một thủ tướng biết cách đưa đất nước tiến lên và khôi phục những giá trị mà đất nước này đã từng có và đáng lẽ phải có.
Họ không cần một tay hề chính trị mua vui cho khán giả. Một mình chú hề lật lọng Hoài Linh đã là quá đủ cho đất nước đầy nguy nan này!
NGỌCVINH 04.06.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.