(NNVN 19/01/2021) Sau nhiều năm, tôi mới gặp lại ngư dân Tu Thanh Sơn
với bước chân tập tễnh vì từng bị dính đạn ở gần đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng
Sa.
Anh
Sơn trông gầy yếu hơn và cho biết, vẫn phải đi lặn, vẫn quay lại Hoàng Sa mưu
sinh để lo cho gia đình. Anh cũng đặt câu hỏi về việc đi giữ đảo nhưng bị Trung
Quốc bắn bị thương thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ gì.
Thấp thỏm “bạn cũ”
Chiếc tàu cá của ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tiến vào gần cụm đảo Lưỡi Liềm ở quần đảo Hoàng Sa để thả ngư dân lặn. Một chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc màu trắng lượn lờ và tiến lại gần khiến các ngư dân phải luôn canh chừng và thuyền trưởng điện đàm với các tàu cá khác xem có yên ổn không.
Các
ngư dân đi bạn trên tàu của ông Mười Hoa (ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu)
nhìn chiếc tàu Trung Quốc và xem đó như con ngáo ộp. Còn ngư dân Tu Thanh Sơn,
người có bước chân hơi sẹo thì lại hồi ức về “người bạn cũ” đã đè anh và ngư
dân dưới làn đạn.
Ngư
dân Tu Thanh Sơn, sinh năm 1978, quê ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (huyện
Bình Sơn). Thanh niên địa phương thường nói về anh Sơn là một người chịu chơi,
dám rời thuyền đánh cá theo phương thức nhỏ lẻ ở địa phương để xuống đi biển
với đội tàu lớn. Anh Sơn cho biết, ở xã Bình Châu có những chiếc tàu chuyên ra
Cát Vàng (Hoàng Sa) đánh bắt cá, nghề này vừa đánh bắt thành công, làm ăn rất
bài bản, còn có tiếng là đi ra Hoàng Sa bám giữ đảo, bảo vệ chủ quyền.
Ngồi
nói chuyện với các bạn chài ở địa phương, cụm từ “ra Hoàng Sa bám giữ chủ quyền” đã khiến ngư dân có dáng người nhỏ
nhắn này trở nên nổi bật.
Từ
năm 2000, anh Sơn liên tục xuống xã Bình Châu và đi biển với các thuyền trưởng
nổi tiếng, trong đó có sói biển Tiêu Viết Là. Ông Là nổi tiếng vì giữa ban ngày
vẫn dám cho tàu chạy cắt ngang qua đảo Phú Lâm đầy súng đạn. Những hòn đảo mà
lính Trung Quốc cứ thấy tàu là rập rình cho tàu xông ra đuổi bắt vẫn không làm
ông Là lo ngại. Ban đầu, chàng ngư dân trẻ cũng thoáng chút bất an, nhưng mãi
thành quen. “Phiên nào cũng bị tàu Trung Quốc
rượt đuổi và dọa”, Tu Thanh Sơn cho biết.
Nhờ
những chuyến đi đảo Hoàng Sa, ngư dân Tu Thanh Sơn đã trở thành một ngư dân dày
dạn kinh nghiệm. Ngồi trên tàu cá và đi mãi đến vùng nước xanh thẳm vào những
ngày ra đảo, anh luôn ước ao có ngày sắm được chiếc tàu, trở thành thuyền
trưởng rồi rủ ngư dân địa phương mình đi Cát Vàng. Tại thôn Phước Thiện, phần
lớn các ngư dân chỉ đi đánh cá trên các tàu làm nghề lưới ru, lưới vây, tọa độ
cách đất liền chỉ chừng hơn 100 hải lý. Còn đến những vùng biển "nóng"
thì chỉ có số ít thanh niên dám tham gia.
Anh
Sơn cưới vợ, sinh con, đôi vai thêm gánh nặng, nên dù nghe tin các tàu cá đi
cùng đoàn thường bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm va, nhưng anh vẫn bình thản
và xem như cái nghiệp của người đi Cát Vàng. Trong phiên biển vào ngày
27/6/2007, khi chiếc tàu của ngư dân Tiêu Viết Là băng ngang qua đảo Phú Lâm
thì bị một ca nô chở lính Trung Quốc cùng với tàu tuần tra đuổi theo xả súng.
Ông Là kể lại “nó ra lệnh cho mình đứng,
mình không đứng; nó ép ca nô bắt mình dừng, mình không dừng, vẫn chạy, vậy là nó bắn như vãi đạn”.
Ngư
dân Tu Thanh Sơn hồi tưởng, “em chui
xuống hầm máy để núp, nhưng ai dè họ nhắm vô hầm máy bắn cho bể máy nên em bị
trúng đạn và lúc đó nghĩ chắc chết giữa biển, chắc bỏ vợ con”.
Chân sẹo trở lại
Năm
2011, tôi gặp vợ chồng ngư dân Tu Thanh Sơn sau 4 năm kể từ vụ bị tàu tuần tra
Trung Quốc xả súng bắn bị thương cùng với 5 ngư dân khác.
Chị
Nguyễn Thị Quý, sinh năm 1980, vợ của anh Sơn ngồi lặng lẽ với ánh mắt trân
trân, vẻ bất lực. Chị càng sụt sùi khi mọi người kéo ống quần để xem vết sẹo do
đạn bắn găm vào bắp chân của chồng mình. Đứa con trên tay chị khóc ngặt, một
đứa khác thì đòi đi mua bánh… khiến khung cảnh gia đình thêm ảm đạm. Lần đó,
anh Sơn có chút niềm vui, đón nhận món quà (40 triệu đồng) của bạn đọc một tờ
báo tặng cho ngư dân bị Trung Quốc bắn.
Anh
Sơn và người vợ của mình luôn nhắc về chuyện “vầy thì biết bao giờ đi biển lại được”. Và tôi cũng nghi ngại,
chắc chắn anh không thể trở về với cuộc sống bình thường, vì đôi chân khập
khiễng, khi mang vác vật nặng thì chân khụy xuống.
Anh
kể “nhiều lúc nhìn vợ con thấy thương,
nhưng cũng không giúp gì được nhiều, nhưng em còn may mắn hơn bạn Hoàng Văn
Hưng, nhà ở xóm 1”. Hoàng Văn Hưng mà anh Sơn nhắc, đó là 1 trong 6 ngư dân
bị Trung Quốc bắn gây thương tích nặng nhất, vết đạn xé cả cánh tay và để lại
một vết sẹo như nhát cắt của mảnh bom pháo. Anh đã đi điều trị khắp nơi, từ Hà
Nội, tới Đà Nẵng. Ngày anh được Trung Quốc trao trả về bằng đường bộ, từ Lạng
Sơn về Hà Nội để tìm cách điều trị nhưng không thuyên giảm, trở thành ngư dân
tật nguyền.
Bẵng
đi rất lâu, năm 2017, anh Sơn nhắn tin cho biết “ngày mai em trở lại Hoàng Sa, đi chuyến đầu tiên”. Tôi ngạc nhiên, khi gặp lại thì càng ái ngại
khi thấy sức khỏe của anh không khá lên nhiều, chân vẫn tập tễnh và khuôn mặt
gầy gò. Nhưng sau đó anh trở lại biển thật. Không đi được tất cả các phiên
biển, nhưng anh kể lại niềm vui khi bước lên tàu, ra Hoàng Sa giữ đảo cho Việt
Nam.
“Ra đó có gặp lại mấy ông bạn cũ?” – nghe tôi hỏi, anh cười và cũng nhắc lại câu quen
thuộc “phiên nào nó cũng rượt, ép, tính
ra hơn trước đây nhiều”.
Ngư
dân chuyên đi đánh cá ở Hoàng Sa giờ đã quen với hình ảnh một ngư dân có bước
chân tập tễnh. Ông Tiêu Viết Là, thuyền trưởng từng chở anh Sơn ra Hoàng Sa
trong chuyến đại nạn đó giờ đã nghỉ biển, người con trai là Tiêu Viết Linh và
Tiêu Viết Vấn đóng 2 chiếc tàu mới để tiếp tục ra khơi.
Anh
Sơn cho biết, cũng không quay lại tàu của cha con ông Là, vì chuyện cũ vẫn còn
ám ảnh chưa hết. Đối với anh, mỗi khi ra Hoàng Sa và nghe tiếng hụ của tàu tuần
tra, trong ký ức anh lại nhớ đến giây phút ông thuyền trưởng chở 6 ngư dân đẫm
máu và cho tàu lao thẳng vào đảo Phú Lâm. Vì nếu chạy ngược về Việt Nam thì các
ngư dân sẽ chết.
Bước
chân tập tễnh xuống biển, ngư dân Tu Thanh Sơn phải gắng gượng cái nhói đau mỗi
khi trái gió, trở trời. Mỗi khi từ Hoàng Sa trở về thì anh mang theo những món
đặc sản mà chỉ ở vùng biển Hoàng Sa mới có để đãi bạn chài. Anh tâm sự, “đi lại
khó khăn, nhưng vẫn cố gắng làm như anh em bạn; khi về địa phương thì cũng phải
giao lưu với anh em, mặc dù sức khỏe thì cũng không tốt lắm, nhưng cuộc sống
thì vẫn phải theo hoài”.
Ngồi
kể chuyện Hoàng Sa, kể về những cơn đau nhói từ thắt lưng và nơi từng bị ghim
những vết đạn nóng bỏng, anh Sơn cho biết “em
là ngư dân ra Hoàng Sa giữ biển, cùng với các ngư dân khác đã bị bắn, bị
thương, nhưng không rõ Nhà nước có chính sách hỗ trợ như thế nào, đối với những
người ngày đêm ra Hoàng Sa bám giữ chủ quyền?”.
LÊ VĂN CHƯƠNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.