lundi 18 janvier 2021

Đố quý vị, lên TV Việt Nam bây giờ mà tìm được người Việt Nam


Quý vị hãy ngắm một số ngôi sao showbiz đang nổi của Việt Nam.

Đây là Minh Tú, một người mẫu.


Quý vị thấy gì không? Nếu đặt ảnh nhiều ngôi sao showbiz Việt Nam bên cạnh phụ nữ các nước phương Tây, có lẽ cũng không thấy nhiều khác biệt (dĩ nhiên, sau khi hóa trang). Tất nhiên, chỉ nên đặt ảnh chân dung thôi nhé. Vì về thân hình thì các cô gái Việt Nam không thể có được những đường cong chết người như gái Tây, dù cũng đã chỉnh sửa nhiều. 

Đến một lúc nào đó, tất cả các ngôi giới showbiz  nữ Việt Nam sẽ đều giống nhau hàng loạt. Họ cắt mắt và vẽ cho to ra, rõ ràng hai mí. Họ phun lông mày cho đậm và vếch cao. Họ sửa mũi thật thẳng. Họ bơm môi dày mọng. Họ trang điểm tông nâu y chang kiểu gái Tây da trắng đã từng thịnh hành.

Nam giới thì ngược lại. Cái mốt lan tràn từ nhiều chục năm nay chưa hết: họ thích giống trai Hàn. Phổ biến nhất là kiểu người có tập gym nhưng vẫn ôm ốm, xương xương, kem phấn skin care cho da thật mịn màng trắng bóc, tóc mượt dài dài và trời ơi mừng quá-hơn tuần nay ông trời cho Việt Nam được chút thời tiết 20 độ ở Sài Gòn và 10 độ Hà Nội, chính là dịp may để các anh quấn khăn, choàng áo măng tô bay bay trong gió chất như quả quất. Và giống hệt nhau-cũng như các quả quất trong một sàng quất.

Đây là Noo Phước Thịnh

 


Và Soobin Hoàng Sơn, những ca sĩ nhạc trẻ đang nổi:


Bên cạnh dòng chủ lưu mốt Hàn, có một dòng khác nhỏ hơn nhưng cũng đình đám. Đó là trở thành trai Trung Hoa. 

Mốt này tôi không rõ từ năm nào, nhưng hình như sau làn sóng truyện ngôn tình và phim đam mỹ Trung Quốc dâng cao ở Việt Nam thì nó kéo theo hàng loạt anh giai muốn thành “soái ca” trong truyện. 

Dường như rõ nét nhất, nó bắt đầu từ ca sĩ underground Hoa Vinh, người nổi tiếng vì cover các ca khúc với phong cách ngầu, bụi, bất cần nhưng lại cực kỳ đam mê. Như một hợp lưu ngẫu nhiên (à mà cũng chẳng phải ngẫu nhiên vì có mốt Trung Hoa mà), Hoa Vinh nổi lên sau cover ca khúc Ngắm hoa lệ rơi của nhạc sĩ Duy Cường. Buồn cười là những gì dính vào ca khúc này, nếu không nói rõ, chắc không ai nghĩ nó diễn ra tại Việt Nam, bởi những người Việt Nam.

Đầu tiên, nhạc của nó nghe rất Hoa dù là tác phẩm của một nhạc sĩ Việt trăm phần trăm tên là Duy Cường. Nó được hát đầu tiên bởi một ca sĩ Việt Nam cũng trăm phần trăm tên thật là Lê Văn Thuận, nhưng nghệ danh cũng đặc Hoa là Châu Khải Phong. Sau đó, nó vụt sáng lòa trên mạng khi được Lê Tiến Anh-một ngôi sao cover, với nghệ danh bưng nguyên từ Thủy Hử là “Hoa Vinh” hát lại.

Năm ngoái, một số ca sĩ trẻ ra MV copy y chang phong cách cổ trang Trung Hoa, không biết có đúng thực tế không nhưng lại đúng với ngôn tình Trung Hoa hiện đại. Nghĩa là trai thì để tóc dài bay bay hoặc cạo trọc, hoặc đầu đinh cao vút, ít nhất một hình xăm, áo choàng thêu rực rỡ lồng lộng, da trắng như tuyết, lông mày lưỡi kiếm như vẽ (à không, vẽ thật), kẻ mắt đen sẫm hẹp dài sắc như dao mổ, đôi môi đỏ như anh đào, khí chất lạnh lùng như ngâm trong thùng nước đá tám ngày. 

Mốt này trái ngược với  mốt trai Hàn da trắng, môi hồng, mặt thư sinh, lông mày nhạt, ánh mắt baby trong trẻo tỏa ra mùi chiếc chiếu mới và thường xuyên nhìn xuống đầy e ấp kể trên. Tuy nhiên, cả hai mốt đều được các fans Việt Nam- cả nam và nữ, say mê cuồng nhiệt.

Và nó là hình ảnh cụ thể của một nền giải trí lai tạp, đào tám ngày không ra bản sắc. 

Hãy nói về top 100 ca khúc hot nhất của thể loại nhạc trẻ, được Zing MP3 tự động xếp hạng dựa trên lượt nghe và lấy số liệu gần nhất trong 3 ngày liên tục và cập nhật liên tục. 

Quý vị hãy nghe thử 5 bài đầu tiên. Chúng đều giống hệt nhau ở hơi hướng nhạc ngôn tình Trung Quốc, một chút nỉ non, một chút ủy mị, một chút não nuột, một chút tha thiết kiểu teen. Và được các ca sĩ hát bằng cái giọng nghẹt mũi nhất có thể. 

Tên thì phải-dĩ nhiên rồi, phải là những ký tự gì đó, phổ biến nhất là tiếng Anh, sau đó là Hàn, nhưng nhất quyết không phải Việt. 

Phải là Jack, Soobin, Young Luuli,, Kimmese, DatKaa, K-ICM, H2K, Trunky, PhucXP, Freak D, Kim Jo Jo, ICD, Wowyn, Erik, Karik Isaac, Will, Jun, Link Lee, Mr Siro, Quiin, Chilly, Wean, Tinle, R.Tee, Masew, Xesi, Da LAB, Rhymastic, Tronie, JayKii, Sara, JSOL, CARA, Andiez, Rum, Orange, Lil’Knight, Suboy… Có ai nghĩ họ là người Việt, đang hoạt động hoàn toàn ở thị trường giải trí Việt Nam?

Đành rằng trong thời đại toàn cầu hóa, những người làm giải trí cũng nên có một cái tên dễ đọc với thị trường toàn cầu, nhưng hoàn toàn có thể đặt nó đằng sau tên Việt-nghệ danh Việt của mình. Ít nhất là để chứng tỏ nguồn gốc và bản sắc. Hơn hết, khi đã có thực tài để nổi tiếng, thì dù tên bạn có khó gọi, khó viết đến thế nào đi nữa, khán giả cũng vẫn sẽ lấy đó làm thú vị và xem đó là một điểm riêng độc đáo của người nghệ sĩ họ thích. Họ sẽ tìm mọi cách để gọi và viết đúng, hoặc tự đặt cho bạn một tên gọi nào đó phù hợp với cách gọi của họ. 

(Chứ quý vị có nghĩ Angelina Jolie khi bán sản phẩm ở Trung Quốc sẽ để tên thành Ấn Trà Liên, hay không?)

Mốt Tây bây giờ khiến người ta nhớ lại cách đây mười lăm, hai mươi năm, thời của những ban nhạc và nghệ sĩ giải trí học theo phong cách Trung Hoa. Ca sĩ Vân Quang Long mới qua đời là thành viên của ban nhạc 1088 thành lập năm 2000 khá nổi hồi đó. Nhóm có 5 ca sĩ được đặt nghệ danh rặt Trung Hoa: Nhật Tinh Anh, Ưng Hoàng Phúc, Vân Quang Long, Điền Thái Toàn, Nhất Thiên Bảo. Và, nói thì hơi buồn cho những ca sĩ nọ, nhưng thời ấy, họ nổi bằng nghệ danh lạ tai này nhiều hơn là do thực tài (chỉ 2 năm sau khi thành lập, do công ty không ký lại hợp đồng nên ban nhạc đã phải tan rã).

Thời trước. Trước 1975, các nhạc sĩ và nghệ sĩ của cả hai miền đều thể hiện rõ tài hoa, thẩm mỹ và phong cách âm nhạc của mình. Những cái tên thuần Việt – dù họ học tây học âu đủ cả, như Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Hoàng Giác, Hoàng Quý, La Hối, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương, Phạm Đình Chương, Phan Huỳnh Điểu, Diệp Minh Tuyền, Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu…  Tuy thái độ chính trị khác nhau, dòng nhạc khác nhau, nhưng ai cũng sắc nét và lập được chỗ đứng riêng trong nền âm nhạc Việt, không ai có thể lẫn với ai. Một giai đoạn sau, có những cái tên oanh liệt một thời như Lã Văn Cường, Y Moan, Lê Vĩnh Tiến, Dương Thụ, Trần Tiến, Nhã Phương, Bảo Yến, Cẩm Vân… nghe đến nhiều năm sau vẫn còn rung động.

Còn bây giờ, ca khúc nở như rau muống, bốn mùa đều có. MV thì đầu tư tiền tỉ, cô gái chàng trai nào cũng xinh đẹp hơn hoa,  nhưng đa số nhòa nhạt, nội dung rỗng tuếch, phong cách thì không bắt chước người này cũng bắt chước người khác. Trong nhạc trẻ, trừ một vài cái tên hiếm hoi nổi bật về sự độc đáo và thông minh như Trúc Nhân, Lê Đức Hùng (cũng có một nghệ danh tây là Mew Amazing), Lê Cát Trọng Lý, Phạm Toàn Thắng, Đen Vâu…. thì gần như trống trải, hoặc lúc nổi lúc chìm, chưa ấn định được phong cách.

Phim Việt Nam thì xin lỗi, lâu rồi, tôi không xem. Chỉ nhìn các diễn viên mặc com lê, váy dạ hội, diện giày cao gót trong phòng khách, ngủ vẫn không quên tám ngàn lớp son phấn trên mặt và lông mi giả cong vút đẫm mascara, thì đủ hiểu sự “chân thật” và “phản ảnh thực tế cuộc sống” của nó ở chỗ nào. Những tên phim “bom tấn” phòng vé hầu như là mua kịch bản thành công của phim nước ngoài về dựng lại. Vũ Ngọc Đãng từng là một cái tên độc đáo và tài năng, nhưng lâu quá rồi không thể hiện được mặt này nữa. Có lẽ chỉ còn đi xem phim của những nhà làm phim độc lập còn mới tinh với thị trường, hay một số ít phim tài liệu là còn chút ít hy vọng vào nền nghệ thuật này ở Việt Nam. 

Dường như nền giải trí Việt Nam chưa mọc đủ chân để có thể đứng độc lập, có gương mặt riêng. Nó luôn luôn lúc lắc chao đảo giữa các con sóng mạnh mẽ của Mỹ, Nhật, Hàn, Trung xung quanh, chạy theo công nghệ biểu diễn của họ, âm nhạc của họ, điện ảnh của họ, thời trang của họ, ngoại hình của họ, thậm chí đến cái tên của họ. 

Thế giới ngày càng phẳng, đúng vậy. Nhưng nó phẳng về biên giới vật lý và các thành quả khoa học, các giá trị phổ quát. Nó làm phẳng các con đường để nhân loại khám phá nhau dễ hơn. Trong thế giới đó, để không bị nhạt nhòa, người ta càng phải làm giàu và giữ chắc bản sắc riêng biệt, độc đáo của mình, mới có thể tạo được thu hút. 

Xin có vài lời với giới giải trí Việt Nam: Khi vẫn đang sống còn bằng tình cảm của khán giả người Việt, nghe và nói tiếng Việt, xin đừng làm lố, đừng cố tô màu Tây lên màu áo lụa nâu của mình. Thời đại internet này, khán giả ngồi bất cứ đâu cũng có thể xem được các ca sĩ Tây thuần chủng hát, diễn và phô bày phong cách tây thực thụ (chứ không phải giả Tây, học vớt, sao chép). Khán giả Tây thì sẽ thích những người biểu diễn có phong cách độc đáo của riêng cá nhân người ấy, hoặc ít nhất, mang đến phong vị riêng biệt không lẫn lộn của nền văn hóa mà nghệ sĩ ấy ngụp lặn, của đất nước, dân tộc người nghệ sĩ sinh sống và thể hiện. Xin tìm ra và giữ được bản sắc của người Việt, ít nhất từ cái tên.

NGÔN TÌNH (Bài đã đăng trên RFA ngày 17.01.2021)

https://dantri.com.vn/giai-tri/bat-mi-nghe-danh-nua-tay-nua-ta-cua-sao-viet-20190723114438657.htm 

https://zingnews.vn/nhung-ca-si-viet-thay-doi-nghe-danh-post1155566.html 

https://cuoi.tuoitre.vn/giai-tri/bat-ngo-voi-loat-nghe-danh-va-ten-that-cua-sao-viet-khong-lien-quan-den-nhau-2020082260315917.html 

https://www.yan.vn/giat-minh-ten-that-dang-sau-nghe-danh-keu-nhu-chuong-cua-sao-viet-122512.html 

https://doanhnhansaigon.vn/doi-song-van-hoa/nhom-nhac-tre-viet-loay-hoay-tim-ban-sac-1085324.html 

http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202007/nhung-guong-mat-tre-tai-nang-cua-nhac-viet-3012171/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.