VnExpress vừa gây xôn xao dư luận bởi bài viết "Chọn lựa nhân tài"của tiến sĩ (TS) Nguyễn Sỹ Dũng nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một chính trị gia phản biện nổi tiếng hiện nay.
TS Dũng viết:
"Về việc lựa chọn lãnh đạo, nếu các nước phương Tây lựa chọn nhân sự cao cấp theo cách tranh cử, thì Trung Quốc lựa chọn nhân sự cao cấp theo thành tích thực tế. Cứ ai giỏi nhất trong các xã thì được điều lên huyện; ai giỏi nhất trong các huyện được điều lên tỉnh; ai giỏi nhất trong các tỉnh được điều lên trung ương. "Giỏi nhất" ở đây được xác định bằng một số tiêu chí định lượng rất rõ ràng, mà quan trọng là việc đưa được kinh tế phát triển nhanh vượt bậc.
Người giỏi nhất được điều lên trung ương, nếu được cơ cấu, lại được điều về nơi khó khăn nhất để thử thách. Nếu người này tạo ra được chuyển biến vượt bậc cho nơi khó khăn đó, gần như chắc chắn sẽ trở thành lãnh đạo cấp cao. Đây cũng là lý do tại sao người ta thường biết trước ai sẽ là người đứng đầu đảng và nhà nước trong nhiệm kỳ tiếp theo."
Gã không bình luận gì về nhận định từ Hà Nội của TS Dũng về đường lối chọn nhân sự của Bắc Kinh. Gã chỉ chứng thực lời TS Dũng, đó là người dân Trung Quốc với mô hình này đã biết Tập Cận Bình, Dương Thiết Trì, Vương Nghị, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai...sẽ là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
TS Dũng viết tiếp:
"Nhiều nước phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về mô hình quản trị nhân lực công của Trung Quốc, và nhận ra những ưu thế rất lớn của mô hình này. Một số người cho rằng nếu tỉ lệ lựa chọn chính xác người tài theo mô hình bầu cử dân chủ của phương Tây chỉ đạt mức trên dưới 50%, thì tỉ lệ này theo mô hình của Trung Quốc có thể đạt đến mức 70%-75%."
Gã chỉ nhắc TS Dũng là, tiêu chí đầu tiên chọn người làm lãnh đạo Trung Quốc phải là đảng viên cộng sản và tuyệt đối trung thành với Cương lĩnh của đảng Cộng sản Trung Quốc. Còn tiêu chí chọn người tài làm lãnh đạo của các nước dân chủ là đặt tay lên Hiến pháp, thề trung thành với Hiến pháp.
Trung Quốc chỉ chọn người tài hơn kẻ khác trong số những người trung thành với đảng để làm lãnh đạo.
(Chọn người tài làm lãnh đạo khác với chọn người tài làm nghệ thuật, khoa học, kinh tế. Ở đây gã chỉ khoanh vùng chọn người tài làm lãnh đạo mà TS Dũng đề cập.)
Mà trung thành với đảng thì phải trung thành với tư tưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc là bành trướng bá quyền, là chà đạp các dân tộc nhỏ hơn, là o ép nhân quyền, độc tài, độc đảng.
Thật đáng sợ cho một đất nước đang trọng dụng người tài và mua chuộc người tài để làm mạnh mẽ thêm những mưu toan thống trị toàn cầu ấy !
Việt Nam chọn người tài theo mô hình nào đây? Điều này phụ thuộc đảng Cộng sản Việt Nam đặt lợi ích nào là trên hết mà thôi.
LƯUTRỌNG VĂN 03.01.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.