Trước hết phải khẳng định “cuồng Trump” không được lợi lộc gì hết, dù là ở Mỹ hay ở Việt Nam.
Ở Mỹ, chính quyền Trump chỉ trả lại cho người Mỹ những thứ vốn là của họ, không chủ trương lấy của người này mang cho người kia. Còn những người Việt thích Trump, dù khuynh hướng chánh trị nào, cũng không được lợi lộc gì khi ông Trump thắng cử.
Họ có thể làm trong cơ quan nhà nước hay làm kinh doanh tự do, lao động trí óc hay lao động chân tay, đồng thuận với công cuộc đổi mới của đất nước này hay “bất đồng chính kiến” với chế độ, một số trong bọn họ block tôi hay bị tôi block, đều có một điểm chung : họ không và sẽ không bao giờ nhận đồng quà tấm bánh nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ chính quyền Trump hay bất kỳ chính quyền ngoại quốc nào.
Họ yêu thích Trump vì ông tạo niềm cảm hứng về sự hiện hữu của một chính quyền khiêm cung nhỏ gọn ít thuế má, không can thiệp vào đời sống riêng tư, tôn trọng sự hợp tác và giao dịch tự nguyện giữa cá nhân tự do trên thị trường, kiềm chế giấc mộng bá quyền của Trung Quốc và giữ hòa bình cho thế giới. Họ được những đồng bào hằn học với Trump dán nhãn là “cuồng Trump”.
Còn những người hằn học với Trump thì căn bản có rất nhiều lợi lộc nếu như Trump bị đánh đổ. Lợi lộc của họ rất đa dạng, tùy thuộc họ là ai. Xin dẫn ra một số :
Đối với các nhà kinh tế (trừ những nhà kinh tế ủng hộ thị trường tự do), do Trump đang làm hồi sinh cuộc cách mạng Reagan-Thatcher, tiếp tục phế bỏ các lý thuyết kinh tế theo trường phái Keynes (thị trường phải có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước) có thể dẫn đến nguy cơ biến họ và những người như họ trên toàn thế giới thành những kẻ vô dụng, nên việc hằn học với Trump là dễ hiểu.
Cần nhớ, khi Margaret Thatcher lên cầm quyền, bà đã gọi nhà nước phúc lợi Anh lúc đó là “Nhà nước vú em”. Bà tuyên bố : “Chúng ta không nên mong chờ nhà nước xuất hiện dưới cái vỏ của một bà tiên tốt bụng trong các lễ rửa tội, một người bạn ba hoa suốt mọi nẻo đường của cuộc sống, và một người khóc thuê vô danh trong các lễ tang”. Bà phế bỏ học thuyết kinh tế Keynes bằng cách hủy bỏ tất cả các văn bản tài chính của chính phủ liên quan đến học thuyết này, thay vào đó bằng tư tưởng của Hayek và chính sách cung tiền theo huynh hướng của nhà kinh tế tự do Milton Friedman của Mỹ.
Bị phản đối gay gắt ngay trong nội các của mình, nhưng Thatcher không nhượng bộ, bà nói : “Ồ, vâng, tôi biết, gần đây chúng ta đã được không dưới 365 nhà kinh tế học hàn lâm cho biết rằng những điều này là không thể, rằng hoạt động kinh doanh của nước Anh đang phải chịu số phận bi đát. Sự tin tưởng về tính chính xác trong dự đoán của họ khiến tôi phải nín thở. Nhưng do tôi đã lớn lên trong một cửa hàng kinh doanh, tôi đôi khi tự hỏi liệu họ có dám đặt cược bằng tiền của chính họ cho những dự đoán đó không”.
Bà làm cho nước Anh hồi sinh, nhưng là kẻ thù không đội trời chung của các kinh tế gia chính thống. Bởi vậy mà một “hậu duệ” của Keynes, nhà kinh tế đoạt giải Nobel người Mỹ Paul Krugman đã công kích Trump hằn học quyết liệt nhất trước và sau khi ông lên làm tổng thống. Đồ đệ của Keynes và Krugman ở Việt Nam và các đồ đệ của những đồ đệ này có quá nhiều.
Đối với những trí thức trên các lĩnh vực khoa học, văn hóa và xã hội hưởng lợi từ các dự án do quốc tế tài trợ trực tiếp hoặc thông qua chính phủ Việt Nam, họ cũng rất ghét Trump. Tôi không phủ nhận một số hữu ích của các dự án này, nhưng sự hữu ích là quá ít so với các khoản tài trợ quốc tế khổng lồ, phần lớn nguồn tiền từ các tổ chức quốc tế đó là do Mỹ đóng góp.
Chính quyền Trump đang rút dần hoặc đang cắt giảm các khoản tài trợ phung phí kia, trong tương lai nếu Trump tiếp tục cầm quyền thì chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ chỉ tài trợ những khoản tiền cho những việc mà chính phủ Mỹ xác định rõ ràng là hữu ích. Các vị trí thức này và các học trò của các vị không căm ghét Trump mới là chuyện lạ.
"Cũng bởi cuồng Trump ngu quá lợn Cho nên thằng nớ dễ làm vua" (Trộm phép cụ Tản Đà)
Publiée par Võ Văn Tạo sur Vendredi 18 décembre 2020
Một bộ phận dựa vào trí tuệ và tài sản của chính mình đấu tranh để xác lập một cơ chế đầy đủ cho sự vận hành của thị trường tự do, cho tự do cá nhân và tự do hóa chính trị, những người này đáng được trân trọng, họ không nhận tài trợ từ nước ngoài, nên không hề ghét Trump.
Một bộ phận (khá đông) tập hợp lực lượng để bản thân có thể làm ông kèo bà cột nhằm kêu gọi quốc tế và Mỹ hậu thuẫn, những người này đã được hoặc rất muốn được các chính khách của Đảng Dân chủ Mỹ đỡ đầu và cung cấp tài chính. Chính sách của Trump là nước nào tự nước đó lo đi, Mỹ không dùng tiền thuế của dân Mỹ để dựng kèo dựng cột cho nước khác, bởi vậy họ mất một mối lợi lớn. Đừng ngạc nhiên khi họ hằn học với Trump suốt 4 năm qua và sự hằn học hiện đang dâng lên cao độ, vì họ đồ rằng Biden sẽ lên làm tổng thống nên phải “kiên cường” chống Trump để lấy lòng các quan thầy đảng Dân chủ Mỹ.
Đối với giới báo chí Việt, họ ghét Trump có thể là do tâm lý nhược tiểu ăn theo nói leo các Big Media của Mỹ, họ có các quan thầy Dân chủ ở Mỹ hay không thì tôi không dám nói bừa. Chắc viết một bài nói theo các Big Media ít tốn công hơn nhiều so với viết một bài tự mình tìm hiểu đối chiếu thông tin. Lười biếng thì đáng khinh chứ không đáng ghét.
Đối với đa số người Việt chúng ta, yêu ai hay ghét ai xuất phát từ tình cảm tự nhiên và quan điểm chánh trị. Nhiều người ghét Trump chỉ do sự nhào nặn của truyền thông chứ không phải xuất phát từ lợi lộc gì. Nhiều người “cuồng Trump” cũng chỉ vì chính quyền Trump có thái độ và hành động rõ ràng chặn đứng mộng bá quyền của Trung Quốc chứ không quan tâm đến chuyện khác. Sự yêu ghét đó là tự do, chẳng có gì đáng bình luận.
Phần lớn những người yêu thích Trump không chửi bới những người khác quan điểm với mình. Sở dĩ tôi phải nhắc đến những người hằn học với Trump vì lẽ ra ai thích ai ai ghét ai là chuyện của người ta, bọn họ lại quy kết những người yêu thích Trump là không có não, là vô học là thô lậu các thứ. Riêng việc mang cái nhãn “cuồng Trump” dán cho người khác cũng đủ lý do để vạch trần tâm địa của những người dán nhãn rồi.
HOÀNGHẢI VÂN 25.12.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.