Có hai bài hát - có thể coi như vậy - ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời tôi.
Khoảng năm 2005, khi nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh mất, Trung tâm Asia có ra album về các bài hát của nhạc sĩ. Lúc đó, báo An ninh Thế giới của công an ra sức bôi nhọ, chống phá album này, và dành cho ca nhạc sĩ Nhật Trường những lời lẽ cay độc.
Tôi đã cố công tìm kiếm và nghe tuyển tập Nhật Trường-Trần Thiện Thanh. Hóa ra nhiều bài hát mình quen, thuộc lời là sáng tác của vị nhạc sĩ tài hoa này. Và trong khi lùng tìm, tôi vô tình nghe được bài hát "Chuyến đò vĩ tuyến" của nhạc sĩ Lam Phương, do ca sĩ Hoàng Oanh hát.
Đây là bài hát tôi nghe mà có cảm giác gai lạnh sau lưng, vì hòa âm phối khí và vì giọng ca của Hoàng Oanh. Tìm hiểu thêm, hóa ra bài hát này cũng dạng bị đảng- nhà nước cấm.
Tôi bật dậy để lắng tai nghe và người đổ mồ hôi ròng ròng mặc dù giữa trời lạnh ngày Tết. Tỉnh hẳn rượu và tỉnh cả những cơn mê tình ái, tỉnh những u uất đớn đau về cuộc tình thời sinh viên. Quyết rẽ hướng cuộc đời sang nẻo khác.
Chuyến đò vĩ tuyến có thể nói là một phần trong số các căn nguyên đẩy vị cha già theo ngả "phản động", nghe tìm đọc và tìm hiểu nguyên nhân các bài hát bị cấm. Vỡ ra nhiều điều.
Nghe mấy "nghệ sĩ" miền Bắc ca vọng cổ cũng chối như nghe mấy ca sĩ người Nam bưng bô hát "nhạc đỏ". Cải lương phải ở giữa cái nôi của nó - miền Tây sông nước, phải giữa các chầu nhậu dân dã, nơi các nghệ nhân bắt đầu thấm hơi men cất lên nghe mới đã.
Mới chỉ may mắn được tham dự được nghe hai lần cải lương giữa cái nôi, hát trong vườn hoặc hiên nhà, nơi các nghệ nhân nhừa nhựa cất lên tiếng ca trong tiếng đàn kìm, đàn cò.
Năm nay dịch bệnh, kinh tế khó khăn, không thể vào Nam, không đi Sài Gòn được, đành nghe vài câu vọng cổ cho đỡ nhớ các... chầu nhậu và mọi người trong đó vậy.
BÙIVĂN THUẬN 06.12.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.