Đăng ngày:
Những quyết định gây tranh cãi của các tổng thống mãn nhiệm
Năm 2021, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kéo dài với những bất thường, khủng hoảng, tranh chấp, rốt cuộc sẽ chấm dứt, nhưng chính quyền Trump vẫn còn đó. Đây là một trong những đặc thù của hệ thống Mỹ : trong giai đoạn chuyển tiếp hơn hai tháng, chính quyền mãn nhiệm vẫn có đầy đủ mọi quyền lực như trước bầu cử. Đã có những tổng thống một khi không còn bị những ràng buộc chính trị, đã có những quyết định gây tranh cãi vào khoảng thời gian này.
Chẳng hạn tổng thống Gerald Ford ân xá cho người tiền nhiệm Richard Nixon đã từ chức. Tổng thống Ronald Reagan khởi đầu đối thoại với Tổ chức Giải phóng Palestine, chủ đề cho đến lúc đó vẫn là cấm kỵ. Tổng thống George H.W.Bush can thiệp quân sự vào Somalie, hay Barack Obama để cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết tuyên bố các lãnh thổ Israel chiếm đóng là bất hợp pháp.
Trong nhiều tuần lễ tới, Donald Trump vẫn là tổng thống và tổng tư lệnh quân đội, có thể đưa ra những quyết định quan trọng về ngoại giao, cho tập trận hoặc tiến hành các chiến dịch bí mật. Trong nhiệm kỳ, ông Trump đã không ngần ngại sử dụng quyền lực vì mục đích tài chính, chính trị hay chỉ đơn giản là xóa bỏ các di sản của người tiền nhiệm (như rút khỏi hiệp định nguyên tử Iran và hiệp định khí hậu Paris).
Có thể đánh giá khác nhau về các sáng kiến ngoại giao mới đây của ông Trump - hoặc hoan nghênh thỏa thuận giữa Israel với Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrein, hoặc chỉ trích đã không quan tâm đến Palestine - nhưng rõ ràng có tính toán chính trị.
Trump sẽ cho tập trận Biển Đông, trừng phạt Trung Quốc, rút quân khỏi Afghanistan ?
Thất bại kỳ này, Donald Trump có thể không còn hứng thú nữa, và không có thì giờ cho các vấn đề quốc tế. Các cố vấn của ông Trump có thể sẽ khuyên ông tiếp tục đường hướng hiện nay để in đậm dấu ấn lên trật tự thế giới và gây khó khăn cho người kế nhiệm.
Trong số những sáng kiến có thể hình dung được : rút nhanh quân Mỹ đóng tại Đức, triệt thoái toàn bộ ở Afghanistan, đóng cửa đại sứ quán Mỹ ở Irak. Bên cạnh đó là trừng phạt Trung Quốc như áp đặt các sắc thuế mới, tiếp tục cho tập trận tại Biển Đông, cấm các đảng viên cộng sản Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Trump có thể tuyên bố lực lượng Houthi ở Yemen là tổ chức khủng bố, hoặc nhìn nhận chủ quyền thực tế của Israel tại các khu định cư ở Cisjordanie.
Kịch bản giả định nguy hiểm nhất liên quan đến Iran. Chính quyền Trump đã rút ra khỏi hiệp định nguyên tử và áp đặt một loạt trừng phạt, với ý định không che giấu là để các chính quyền sau không quay lại với thỏa thuận này. Lo ngại những nỗ lực của mình bị xóa sạch, ê-kíp của ông Trump có thể tìm cách thuyết phục ông cho phép tiến hành một chiến dịch - bí mật hoặc không - đánh vào một cơ sở nguyên tử của Iran, hoặc các đồng minh của Teheran, với lý do đây là thành lũy cuối cùng chống lại bước tiến của chế độ Iran. Một số quốc gia trong khu vực, lo ngại trước viễn cảnh chính quyền Biden và muốn tranh thủ những ngày còn lại của một chính quyền bị ám ảnh bởi hồ sơ Iran, có thể sẵn sàng ủng hộ.
Tác giả kết luận, kể từ ngày 21 tháng Giêng, Hoa Kỳ sẽ phải vất vả sửa chữa những gì đã bị tháo dỡ : tái xác định lại chủ trương đa phương trong đó Mỹ không thống trị, giúp các nước đang phát triển vượt qua thử thách kinh tế do đại dịch, vấn đề khí hậu, giảm áp lực kinh tế cho nhiều nước đã bị trừng phạt đơn phương, đưa nhân quyền làm trọng tâm của đối ngoại.
Ân xá, tấn công tin học…
Tương tự, nhật báo kinh tế Les Echos nói về « Những gì ông Trump vẫn có quyền làm ». Cho đến phút chót, tổng thống mãn nhiệm vẫn có thể ban hành những sắc lệnh.
Cho đến nay, tổng thống Donald Trump đã ban hành 192 sắc lệnh, nhiều hơn nhiệm kỳ đầu của Barack Obama và George W. Bush. Động thái này có thể tạo ảnh hưởng cho tương lai, nhưng tổng thống kế nhiệm vẫn có thể hủy bỏ.
Vào cuối nhiệm kỳ, Bill Clinton đã quyết định giảm mức arsenic cho phép trong nước uống. Người kế nhiệm là George W.Bush định hủy, nhưng rốt cuộc phải bỏ ý định vì không muốn mang tiếng là một tổng thống muốn cho arsenic vào nước uống. Đa số các sắc lệnh phải có những quy định cụ thể để sửa đổi, cần có thời gian và đôi khi rơi vào quên lãng. Trong số 78 sắc lệnh về môi trường của Donald Trump, chỉ 30 có hiệu lực.
Tổng thống Trump cũng có thể ân xá cho một số tù nhân hoặc thậm chí cộng sự. Vài tuần lễ trước khi Donald Trump nhậm chức, ông Obama đã sử dụng quyền này để giảm hoặc hủy án đến 153 lần, đạt kỷ lục về số lượng ân xá của một tổng thống đương nhiệm. Và trước khi ông Trump nắm quyền ba ngày, Obama đã gây ngạc nhiên khi thay đổi án tù cho Chelsea Manning, người tiết lộ WikiLeaks.
Trên lý thuyết, Hiến pháp Mỹ cho phép Donald Trump tự ân xá cho mình, nhưng xưa nay chưa có tổng thống nào kể cả Nixon làm điều này. Theo Les Echos, ông Trump có thể dùng cách từ chức một ngày trước hạn định, Mike Pence sẽ trở thành tổng thống và trong 24 giờ có quyền ân xá cho ông trước khi bị mất quyền đặc miễn. Như vậy Donald Trump khỏi phải hiện diện trong buổi lễ tuyên thệ của Joe Biden.
Cuối cùng, Donald Trump vẫn là tổng tư lệnh quân đội cho đến phút chót. Tuy không thể tiến hành chiến tranh vì phải được Quốc hội cho phép, nhưng ông Trump trên lý thuyết vẫn có thể cho tiến hành những chiến dịch đặc biệt hoặc tấn công tin học.
Chiến thắng của dân túy, hay thất bại của nỗ lực giảm bất bình đẳng xã hội ?
Giáo sư kinh tế Julia Cagé trên Le Monde kêu gọi về phía Pháp cần phải rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Mỹ cho kỳ bầu cử tổng thống Pháp lần tới.
Một lần nữa mọi người đều nhầm lẫn. Bốn năm sau chiến thắng của ông Donald Trump, những tháng gần đây tại Pháp chỉ đọc được những lời khẳng định dân Mỹ sẽ không lặp lại sai lầm lần thứ hai. Đã đành rốt cuộc Joe Biden vượt hẳn, nhưng mọi sự vẫn chưa ngã ngũ ở Florida, Pennsylvania, Michigan. Và nếu Biden chiến thắng, thì làn sóng xanh đã không diễn ra.
Theo tác giả, thay vì mỉa mai rằng cử tri bầu cho ông Trump có học vấn thấp, nên đối mặt với trung tâm của vấn đề : vì sao giới da trắng bình dân bỏ rơi đảng Dân Chủ ? Đành rằng 75% người có bằng tiến sĩ bầu cho Hillary Clinton, nhưng số tiến sĩ chỉ là một thiểu số trong dân chúng.
Dân Chủ trở thành đảng của người giàu và có bằng cấp
Từ những năm 1990 và 2000, Dân Chủ đã trở thành đảng của những người có bằng cấp, trong khi cho đến những năm 1980 vẫn tập hợp được tầng lớp bình dân. Và năm 2016, lần đầu tiên Dân Chủ vượt Cộng Hòa trong số 10% cử tri thu nhập cao nhất.
Kỳ bầu cử 2020, Joe Biden thu được 486 triệu đô la tại các thành phố mà cư dân có thu nhập trên 100.000 đô la/năm, còn Donald Trump chỉ quyên được 167 triệu đô la. Biden không có chính sách rõ ràng, nên khó lôi kéo được cử tri bình dân sau nhiều năm họ bị bỏ rơi.
Vì sao phải mở to mắt nhìn về Hoa Kỳ ? Vì nhiều người nghèo tại Pháp vẫn đang bỏ phiếu cho cực hữu và số này sẽ còn tăng lên. Và với đại dịch, bất bình đẳng càng gia tăng : giai cấp trung lưu bị tổn thương, giới trẻ bi quan về tương lai. Giáo sư Cagé viết : « Tôi đọc thấy từ khắp nơi rằng dân túy lại thắng ở Mỹ, nhưng hãy nhận lấy trách nhiệm tập thể ». Không phải là dân túy, mà những gì chúng ta đang chứng kiến là thất bại của lời hứa một nền dân chủ có khả năng giảm được những bất công xã hội và kinh tế. Hãy rút ra bài học Mỹ, nếu không chính là Pháp mai đây sẽ là trung tâm chú ý đáng buồn của thời sự quốc tế.
Vaccin Covid với người Pháp
Trên lãnh vực y tế, Le Figaro chạy tựa « Vaccin chống Covid : Một hy vọng nhưng vẫn còn những câu hỏi » : Tác dụng phụ, việc sản xuất, tồn trữ ở âm 70°C…
Trong bài xã luận mang tựa đề « Cuộc chiến của lòng tin », tờ báo nhận định sau khi vui mừng trước thông tin vaccin của Pfizer-BioNTech hiệu quả đến 90%, câu hỏi đầu tiên người ta nghĩ đến là chừng nào sẽ có được vũ khí quý giá này. Trước cuối năm nay, vào mùa xuân tới, hay ít nhất là mùa hè sang năm ? Tất nhiên là càng sớm càng tốt. Tuy nhiên không thể đốt cháy giai đoạn vì thử nghiệm lâm sàng trên 40.000 người tình nguyện chưa kết thúc, và còn những vấn đề khác chưa có câu trả lời như thời gian miễn nhiễm, việc bảo vệ những người dễ tổn thương nhất…Có bao nhiêu là yếu tố phải biết được để có chiến dịch tiêm chủng hiệu quả.
Điều kiện thứ hai là lòng tin về việc không có tác dụng phụ, vì miễn dịch cộng đồng chỉ có thể thành công khi đa số dân chúng chịu tiêm chủng. Đây là điều kiện khó thể đạt được tại Pháp. Một cuộc điều tra ở 15 nước cho thấy dân Pháp đứng đầu về tâm lý nghi ngại, chỉ có 46% người Pháp cho biết muốn được tiêm ngừa Covid. Cũng như chiến dịch tiêm chủng H1N1 thất bại trước đây, chính phủ Pháp đối mặt với thách thức lớn là thuyết phục cho được người dân về sự quan trọng của tiêm chủng, mà không phải bắt buộc họ.
Cam Bốt : Hồ bị lấp và bê-tông hóa cho dự án địa ốc
Nhìn sang châu Á, Le Figaro có bài phóng sự nói về nạn đô thị hóa tại thủ đô Phnom Penh của Cam Bốt. Từ 10 năm qua, hai hồ lớn còn lại ngày càng thu hẹp, dành chỗ cho những công trình xây dựng, bất chấp sinh kế người dân và ảnh hưởng đến môi trường.
Hơn 1.000 gia đình sống bằng nghề đánh cá hoặc trồng cây thủy sinh ở hồ lo lắng trong tương lai không biết lấy gì để mưu sinh. Hồ Choeung Ek đang bị bồi lấp đến trên 90% để nhường chỗ cho dự án ING City. Theo phiên bản mới nhất, chiếc hồ rộng 1.200 hecta sẽ trở thành một con kênh chưa đầy 100 hecta. Những căn hộ mới xây được dành cho khách hàng nước ngoài, người dân trung lưu Cam Bốt cũng không thể với tới. Khoảng 1,2 triệu dân có nguy cơ bị lụt lội trong tương lai.
Cách đây hơn chục năm, hồ Boeung Kak ở trung tâm đã bị nhượng cho một đại gia địa ốc thân Hun Sen. Hồ lớn còn lại Boeung Tamok ở phía bắc thủ đô nay cũng bị xâm chiếm tương tự, nhiều quan chức là sở hữu chủ của những lô đất mới.
Nếu trước đây người dân còn biểu tình chống việc lấp hồ Boeung Kak, thì nay không ai còn có thể can đảm đứng lên. Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, vào đầu tháng Chín, ba nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi thông báo trên Facebook sẽ tuần hành ôn hòa để phản đối, nhưng chỉ vài giờ sau khi đăng, cả ba đã bị bắt tạm giam với cáo buộc « xúi giục nổi dậy », có nguy cơ lãnh án đến hai năm tù.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.