mardi 17 novembre 2020

Nguyễn Đình Bổn -Tạp âm đám ma !


Trong hẻm, gần phía đối diện có bà cụ vừa qua đời, tín đồ Phật giáo (hoặc có vẻ như vậy vì có tụng kinh, có đọc pháp danh).

Tui chuẩn bị tinh thần trong đêm nay và có thể vài đêm nữa để nghe những tạp âm được phát với công suất lớn. Sau khi các thầy tụng xong thì dàn tân cổ nhạc giao duyên sẽ lên tiếng.

Bạn sẽ nghe vài khúc đàn cò não nuột, tiếng trống ếch rời rạc, bỗng nhiên nó tắt và hòa tấu bài Lòng Mẹ vang lên, sau đó là Một Cõi Đi Về, Cát Bụi, Đồi Thông Hai Mộ. Đến Rừng Lá Thấp thì tôi tò mò, quái, nó liên quan gì đám ma? Nhẩm lại lời thì ra, à à... "hay hát cho người vừa nằm xuống chiều qua"! Đúng quá.

Đột ngột tắt. Rồi trống, chũm chọe, đờn cò... khi có người đến đốt nhang viếng. Vài phút sau một điệu nhạc tây quen thuộc nào đó mà tôi không nhớ tên...

Đó là đám ma trung bình, làm lớn hơn thì có nhạc sống, pédé (xin lỗi không có ý coi thường) ăn mặc thiếu vải, gào la cả đêm với loa kẹo kéo! (May quá, chỗ tui chắc không có vụ này).

Thật khó diễn giải cái văn hóa tạp âm này. Món chi cũng... chơi được. Tàu, ta, tây, Phật... trộn chung.

Không biết nó có phải văn hóa hay không, hay đó là một triết lý trộn lẫn của người Việt? Bỗng liên tưởng đến các con đường thành phố trong giờ cao điểm. Hàng ngàn chiếc xe đủ loại, đủ kích cỡ, đủ thương hiệu, 2 bánh, 4 bánh, 6 bánh đan nhau dập duyềnh mà vẫn cứ... lưu thông. Vậy mới tài.

Dân Tây sẽ không bao giờ hiểu nổi vì sao chúng ta di chuyển trên đường được, nhưng chúng ta, những người trong cuộc hiểu ngay quy luật của nó: trật tự trong hỗn loạn.

Chọn hết, không từ thứ gì, nhào nặn nó theo kiểu Việt và trưng bày nó theo cách Việt. Không có cái gì gọi là "thuần Việt" cả. Không hề có!

Và đó là cách chúng ta vượt qua để tồn tại, không bị thành quận huyện của Trung Quốc như các dân tộc khác trong khu vực.

NGUYỄNĐÌNH BỔN 17.11.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.