Hồi xưa tui cũng hay đọc sách báo nói về các thế lực ngầm chi phối bầu cử bên Mỹ. Có điều các sách này đa số là của " nhà xuất bản giải phóng" sau 75 dịch thuật, nên không tin cho lắm.
Đại khái là các tổ hợp sản xuất súng đạn thì ủng hộ và đem tiền tài trợ cho đảng Cộng Hòa, các công ty đa quốc gia thì tài trợ Dân Chủ. Và cuộc chiến giữa hai ứng cử viên là cuộc chiến của hai thế lực đó, người dân chỉ là con tốt trong bàn cờ. Đọc xong thì thấy khỏi bầu bán chi cho mệt như kiểu Việt Nam ta mà lại hay.
Vì thế ở Việt Nam đọc sách nhiều cũng...nguy hiểm. Khi chính phủ nắm độc quyền truyền thông có chọn lọc, chỉ vài chục năm là người dân thay đổi nhận thức, rất khó sửa chữa. Quả thật, người trong nước giờ an phận, ai làm gì mặc ai, để tui làm ăn là được.
Dân Úc hình như cũng vậy, bầu cử không ồn ào, bầu xong ai đắc cử cũng được. Cứ ông nào "ba phải" là tốt, đừng cực đoan là ok.
Ông dượng tui bên Mỹ thì "quậy" quá. Ổng muốn thay đổi cái nề nếp cũ đột ngột nên bị "phang" hoài là vậy, chớ tui thấy đôi khi ổng xuống "xề" (dịu giọng) là bà con thích chí lắm. Thấy kỳ tranh luận lần 2, ổng cũng tỏ vẻ nghiêm chỉnh được đó chứ. Nhưng nói gì thì nói, giới trẻ và những người hiền hòa là không ưa ổng.
Giới trẻ bây giờ đâu bị đòn roi như tui hồi đó. Tui nhớ bà già, tay bả xương xẩu, cứ đầu tui mà gõ khi tức giận, còn ông già có lần cầm tai tui giở chân hỏng..mặt đất. Sau này ra đời nghe người ta mắng mình, mình tỉnh bơ vì...quen rồi. Giới trẻ bây giờ khác xa, một lời xúc phạm là họ nhớ cả đời. Nếu ông dượng có thua kỳ này, tui vẫn hy vọng các con ổng sẽ tiếp tục và tránh được cái khuyết điểm của ông già.
Bây giờ bên Mỹ đang đếm phiếu lại. Cha nào nói câu này hay: bỏ phiếu không bằng kiểm phiếu. Lúc đi vận động, kiếm được ngàn phiếu đâu phải dễ, nói rã họng, hứa mệt xỉu, dụ ngọt...nhưng cái người kiểm nó chơi ăn gian thì cũng huề. Bởi vậy lúc kiểm là hai bên phải cùng kiểm thì mới công bằng. Tui thấy ông dượng đòi đếm lại là đúng. Bề gì cũng đại diện cho 70 triệu cử tri chớ đâu ít. Đếm lại mà vẫn thua thì cũng hả dạ. Đảng Dân Chủ kêu: ok đếm đi, thua còn tốn thêm tiền thì ráng chịu nghe. Vậy đi cho tâm phục, khẩu phục.
Cứ viết về chuyện bầu là tui lại nhớ ngày xưa khi còn ở Việt Nam, tui đã từng trong ban...kiểm phiếu ở xã. Chuyện này tui đã kể rồi nhưng nay sao nó hơi giống với chuyện lùm xùm kỳ này nên...kể lại, thêm chút muối ớt cho đậm đà hén.
Hình như khoảng năm 80 gì đó. Lúc đó tui là giáo viên một xã khá lớn nằm trên quốc lộ 20 thuộc huyện Định Quán. Bà con ở Saigon Việt Nam, lâu lâu đi Đà Lạt nghỉ mát đều đi ngang qua đây. Nếu thấy ba hòn đá bự chảng nằm chồng lên nhau là huyện của tui đó.
Ở Việt Nam, mỗi lần sắp bầu cử là chính quyền làm rùm beng, băng rôn treo khắp nơi. Ngày bầu cử cũng có đủ giám sát, thùng phiếu mở cho dân xem đang empty rồi đóng lại, dán giấy niêm phong đàng hoàng. Dân cũng phải có thẻ cử tri, nhận lá phiếu, đến bàn che kín lấy cái thước gạch tên ai mình... không thích rồi ra thùng phiếu bỏ vô. Phóng viên tỉnh xuống chụp hình để đăng báo tỉnh : "Người Dân Làm Chủ". Hình một bác nông dân giơ cao lá phiếu rồi bỏ vô thùng.
Những ứng cử viên do "mặt trận tổ quốc" chọn chớ dân không tự ý ra ứng cử được, nên gọi là "đảng cử", dân chỉ biết bầu thôi. Thường các chức vụ quan trọng trong xã như chủ tịch xã, phó, trưởng các ban ngành như công an, thông tin văn hóa... đều phải là dân cử mới dân chủ chớ.
Hồi đó trong miền Nam rất thiếu đảng viên, mà một số chức vụ quan trọng phải là đảng viên mới được. Cũng may huyện là vùng đất mới, vẫn còn rừng để khai khẩn nên đồng bào miền Bắc vào lập nghiệp rất đông. Trong đó cũng có người là đảng viên. Xã tui có ông Nguyễn Xuân Yên, quê ở Thái Bình, đưa cả gia đình vào đây lập nghiệp. Ông Yên rất dễ thương và trí thức, lo làm ăn là chính. Nhưng xã thiếu người nên cơ cấu ông vào chức chủ tịch xã và đưa ổng vào danh sách ứng cử viên. Năm đó có 13 người ra ứng cử, chọn...12 người. Như vậy là cử tri sẽ gạch tên một người.
Tối hôm đó cánh giáo viên và một số viên chức xổ phiếu ra đếm. Đếm cho có vị chớ 13 mà lấy 12 thì những người đã được cơ cấu khó mà rớt. Ấy vậy mà kiểm gần hết, khả năng ông Yên sẽ rớt. Hóa ra danh sách trên phiếu họ xếp tên ứng cử viên theo vần a b c. Ông Yên mang vần Y nên nằm cuối cùng. Gạch một người nên bà con ta ...lịch sự cứ gạch người cuối sổ. Tin này được báo về huyện. Huyện chỉ đạo làm sao cho... đậu. Làm sao? Thế là ôm thêm vài chồng phiếu trắng ở kho đưa cho tụi tui gạch trộn vô đếm tiếp. May quá ông Yên vừa đậu.
Mấy bữa nay bên Mỹ nghe đủ tin tức cũng giống như cái kiểu tụi tui làm ngày xưa. Tui bán tín bán nghi thôi, chứ biết gian lận kiểu này khó lắm ở một quốc gia như Mỹ. Đâu dễ mà làm công khai như vậy, nên việc khiếu nại của dượng theo hướng này khá là mong manh. Thêm các vụ lẻ tẻ như người chết có tên được bầu đôi khi do lỗi máy tính. Tui có bà chị dâu đi làm có khai nuôi mẹ già để được giảm thuế. Bả mất lâu rồi nhưng bà chị cứ khai còn sống để được bớt thuế. Chừng trên thị xã gởi quà chúc người cao niên trên...100 tuổi bà chị mới hết hồn, vội làm giấy... báo tử và ngưng claim thuế.
Tui đoán ổng phải có "chiêu" gì hay hơn nhưng bây giờ đành phải... chờ thôi. Vậy mới là phim hồi hộp.
JIMMYNGUYEN NGUYEN 11.11.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.