Lịch sử sẽ đánh giá ông Trump công bằng và tích cực hơn vì những việc ông đã làm. Thậm chí đối với việc ông đối phó với đại dịch Covid 19, việc mà nhiều người chỉ trích ông nhiều nhất, đặc biệt trong giai đoạn bầu cử nước rút này.
Tôi là một người liên tục chỉ trích ông Trump và các lãnh đạo phương Tây trong việc không thận trọng và lắng nghe khoa học đủ. Ở nơi mình đang sống, tôi cũng đã vận động để mọi người ký tên thư của các nhà khoa học yêu cầu Thủ tướng Boris Johnson của Anh phải công bố mô hình dự đoán bệnh, và góp phần (rất nhỏ) vào việc nước Anh từ bỏ suy nghĩ herd immunity ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát vào tháng 3.
Tuy nhiên ngoài các lãnh đạo, tôi nghĩ giới khoa học cũng nhận phần lớn trách nhiệm trong đại dịch lần này. Xin ghi lại các quan sát từ Châu Âu.
Như tôi đã từng mô tả, vào tháng 2, thậm chí sang phần lớn tháng 3, bệnh nhân với đầy đủ các triệu chứng của Covid 19 vẫn không được bác sĩ khuyến cáo gì liên quan đến Covid 19. Người bệnh vẫn đi vào nhà thuốc, không ai đeo khẩu trang, người dân và kể cả bác sĩ vẫn nói về Covid như nó là một bệnh ở đâu rất xa xôi.
Khi bệnh đã lan truyền khắp nước Anh rồi mà vẫn chỉ test trong giới hạn những người từ Vũ Hán về lại Anh, và lại thông báo trên BBC suốt mấy tuần là chỉ có người từ Vũ Hán về bị bệnh! Nói thì có thể mọi người thấy hơi quá, nhưng phải nói là hậu quả tai hại của dịch bệnh này cũng một phần lớn từ sự chủ quan và thiếu chuẩn bị của người dân, các bác sĩ và cả giới nghiên cứu y khoa, phòng chống dịch bệnh.
Khó có thể quy hoàn toàn trách nhiệm cho Chính phủ Thủ tướng Johnson. Nếu có thể thì đảng Lao động đối lập đã có cách làm cho ông ấy ra đi rồi.
Công bằng mà nói thì không thể mong chờ Thủ tướng Anh phản ứng hơn rất nhiều nếu giới khoa học chỉ khuyến cáo, trong khi người dân và hệ thống vẫn coi như không có gì xảy ra như bên trên. Điều này cho thấy phần nào quyết định đóng cửa với China của ông Trump bên Mỹ ngay từ khi có những tin tức đầu tiên của dịch bệnh không phải là điều có thể xem nhẹ.
Đúng là phải hợp tác với khoa học, nhưng từ kết quả khoa học đến phản ứng chính sách của người làm chính trị là một quá trình dài ; và người lãnh đạo cần tham khảo tâm lý, phản ứng của người dân, tình hình kinh tế.
Lắng nghe khoa học chắc không ai có thể bằng Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, một nhà kỹ trị trẻ tiên phong trong các đề tài áp dụng khoa học và công nghệ vào nước Pháp. Tuy nhiên thực tế đáng buồn là số người bệnh và mất ở Pháp vì Covid cũng rất cao. Căn bệnh Covid này và cách lan truyền quái ác của nó đã đặt không chỉ lãnh đạo, người dân, mà cả giới khoa học vào thế bất ngờ chưa bao giờ có.
Gần đây hơn, báo The Guardian cũng đăng bài rằng có thể việc các bác sĩ và nhà khoa học tập trung chỉ khuyên người dân rửa tay đã góp phần làm tăng dịch bệnh. Việc phát tán virus là trong không khí nhiều hơn, chứ không phải trong chạm tay vào mắt mũi.
Viết những điều này không phải để mọi người hoài nghi về khoa học, tôi vẫn khuyên mọi người mang khẩu trang và tôn trọng những khuyến cáo khoa học được công nhận. Nhưng cần phải nhận thấy rằng khoa học là một quá trình học, đúc kết và rút kinh nghiệm liên tục. Quá trình đó cần thời gian, mà Covid đã diễn biến quá nhanh, đặt cả người dân, lãnh đạo và giới khoa học vào vị trí bất ngờ vô tiền khoáng hậu.
Tôi tôn trọng lựa chọn của các nhà/tạp chí khoa học đã chọn phía không ủng hộ ông Trump. Nhưng cũng cần ra khỏi sự dễ dãi của việc quy hết trách nhiệm của đại dịch lịch sử này cho một vài người.
Trách nhiệm của mọi người rồi cũng sẽ dần rõ với thời gian. Giới khoa học cũng nên thẳng thắn nhìn nhận phần của mình.
TSLÊ TRUNG TĨNH 23.10.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.