Tôi đọc báo cáo Nieman về việc báo chí cần đưa tin về Trump như một lãnh đạo độc tài với sự quan tâm đặc biệt, vì tôi cũng đang viết về chủ đề truyền thông và ông Trump.
Có nhiều điều tôi thấy thú vị, nhất là danh sách các tiêu chí của một nhà độc tài ngôn luận, thật ra là lấy từ quyền How Democracies die cũng của Harvard.
Tuy nhiên điều lớn nhất tôi không chia sẻ, đó là dầu ông Trump tick gần hết các tiêu chí (theo báo cáo) của một người có khuynh hướng độc tài trong các phát biểu của mình. Báo cáo đã không chỉ ra rằng trong suốt gần 4 năm cầm quyền, ông Trump đã không có sự thiết lập hệ thống của mình đủ để thực thi sự độc tài, hay có thể gây nên thảm họa.
Rõ ràng là ông Trump không tạo nên một Gestapo hay cơ quan tuyên truyền nào của riêng ông ấy. Ông ấy là người tối giản tổ chức, nói nôm na là cut cost, đến tối đa để thực hiện các việc mình đã hứa.
Nội các thân thuộc của ông ấy là gia đình và một vài người bạn, không thích ai thì ông ấy đuổi ngay lập tức. Và tuyển người nhanh hơn phần lớn chúng ta tuyển nhân viên. Còn rất rất xa mới nói đến việc ông ấy có thể thành lập một tổ chức, hệ thống phát xít.
Không chỉ những người Dân chủ, cả những người Cộng hòa (bằng mặt nhưng không bằng lòng), FBI, CIA, khoa học gia, chiêm tinh gia cũng đã, đang và sẽ chống ông Trump. Họ soi ông ấy từng giờ, nghe lén để có cuộc nói chuyện tai tiếng giữa ông ấy và Ukraina (và tôi thật sự bất bình ông Trump về chuyện này) để suýt nữa là lật đổ ông ấy. Các thể chế, các check and balance của Mỹ đang làm việc rất rất mạnh, giới hạn quyền lực ông Trump nhất khi có thể.
Vậy thì quyền lực ông Trump đến từ đâu? Nói thẳng ra từ khi bắt đầu và đến bây giờ, ông Trump chỉ có một kênh truyền thông duy nhất là Twitter. Một điều cần lưu ý nữa là dưới bất cứ tweet nào của ông Trump cũng có nhiều tweet được share, like hàng trăm nghìn lần, chửi (thật sự là vậy) ông ấy không ra cái gì.
Ông Trump có làm cái việc đơn giản cả nhân loại đang làm là xóa các tweet chửi mình hay dùng quyền mình bịt miệng ai? Sau một tweet bình thường nào đó của ông Trump, một tweet trả lời trách cha mẹ ông ấy tại sao sinh ra một người con khuyết tật như ổng. Tweet khác lại nổi lên nói không nên trách cha mẹ ông Trump, như vậy không nên, mà nên trách ông bà nội ông ấy thì đúng hơn.
Và sau đó là hàng trăm nghìn like những tweet như vậy, nhiều và lan tỏa hơn hẳn tweet của ông Trump. Sách vở chỉ trích ông Trump thì thôi rồi, bán đầy một tủ kính ở Waterstones.
Do đó dầu không đồng ý với cách phát ngôn của ông Trump, tôi nghĩ còn xa đến độ nói ông ấy đang bịt miệng người dân. Và ở một góc nhìn khác, các nhà báo cần phải tự xem lại mình. Nội việc nói hãy bắt đầu viết về ông Trump như một nhà độc tài cũng thật khôi hài.
Từ 4 năm nay 90% báo chí đài làm gì ngoài việc đó, mà hôm nay mới nói phải bắt đầu? Và họ đã làm điều đó với sự kém sáng tạo và thiếu thuyết phục nhất có thể. Một người anti-Trump nhất cũng có thể thấy cách làm đó là không hiệu quả. Như một người quan sát bình thường, ta có thể thấy nếu 90% bề hội đồng một người, thì vấn đề chắc không phải của chỉ một người đó, mà của 90% kia nữa?
Vì sao khi Obama với sự ủng hộ của giới trẻ (trong đó có tôi) thì báo chí hân hoan, còn Trump thì nói là dân túy và lo ngại? Có một khoảng cách nào giữa 90% báo chí đó và người dân? 90% đó cũng cần phải thay đổi rất rất nhiều và cần kết nối lại với người dân hơn.
Ông Trump là một người phá vỡ hệ thống (disrupter) thật sự. Một Uber làm đau lòng người lái taxi, một Facebook/Twitter làm đau lòng các phương thức truyền thông cũ. Cũng tương tự, nạn nhân của ông Trump là các cơ chế đã có sẳn, từ hệ thống, định chế, đảng phái, đến báo đài (mà Nieman Report là một tiếng kêu đau).
Thậm chí ông Trump còn phá vỡ cái còn lớn hơn nhiều, đó là những giá trị mặc định đúng (và cũng có nhiều cái ta tưởng là đúng, chỉ có tương lai mới trả lời được). Nhưng người được lợi là ai?
TS LÊ TRUNG TĨNH 18.10.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.