samedi 10 octobre 2020

Jimmy Nguyen Nguyen - Proud Mary

 


Cách đây mấy bữa được xem cái clip những người ở Westminster (Cali) đi biểu tình ủng hộ dượng. Trên một cái xe bán tải có ba anh... già. Một anh chơi đàn guitar, một anh bass và một gõ trống. Bà con bu quanh xe hát phụ họa. Mấy anh này hồi trẻ chắc có chơi nhạc.

Nói mấy ảnh già chớ tui cũng... ngang ngửa. Nhưng nhìn nét mặt họ dù da dẻ nhăn nheo, vẫn ánh mắt trẻ trung tinh nghịch. Họ còn lâu mới già, có thể cho đến lúc xuôi tay không còn có thể đàn hát được nữa. Dân chơi là vậy !

Dân chơi nhạc xưa chủ yếu là guitar, bass thì chút đỉnh, trống thì lai rai mấy điệu dễ dễ "chát bùm bùm ", kiếm thêm một guitar nữa để đệm hợp âm là lập thành ban nhạc. Organ là xa xỉ, khó mua nổi.

Tay đánh trống là khỏe nhất, đi đâu chỉ cần mang hai cái que. Dân chơi đàn phải kéo theo ampli dính với loa. Phải tới sớm chút cắm điện cho máy " nóng " mới chơi được. Những món này dành dụm dữ lắm mới sắm nổi nên vật bất ly thân, không bao giờ cho mượn.

Bầu sô thì mang hai cái micro, phải hiệu Shure ca sĩ mới chịu hát, một mixer dính với ampli và hai cái loa có chân. Micro và cái pê-đan đạp trống lúc nào cũng đeo theo mình, hở ra là... mất. Linh hồn của ban nhạc bao giờ cũng là cây guitar solo, mấy tay kia chỉ ăn theo nên chỉ cần một anh giỏi guitar là lập ban nhạc được liền.

Tui hồi đó cũng được tham gia, khều hợp âm vớ vẩn, đánh sai cũng chẳng ai biết vì vô nhạc rồi người ta nghe ca sĩ là chính, anh trống giữ nhịp vững là được, anh solo thì chờ ca sĩ có ngân nga là vuốt theo. Quan trọng ở điệp khúc. Lúc này ca sĩ nghỉ hát để uốn éo chút, anh solo phải cong mình lướt theo phím đàn.

Tui nhớ cái bài Proud Mary, tụi tui có tập chơi bài này. Vô bài phần tui là phải vuốt mấy cái hợp âm cho "ngọt" (tắng tăng, tắng tăng tăng tăng tằng tăng tằng..., ai đọc mà hiểu mới là dân chơi hồi đó) rồi mới quẹt. Bài này không dùng phím để đàn mà dùng nguyên bàn tay vừa búng vừa quẹt nên nó có cái " đau " của người chơi bắt đầu từ những ngón tay. Tụi tui hát sao cho giống chớ không hiểu lắm ý nghĩa của bài hát.

Sau này... già. Sống ở nước ngoài, phương tiện nghe nhìn thừa thãi, lại có karaoke nên dễ hiểu lời bài nhạc. Đại khái diễn tả một Mary rời bỏ chốn thành thị để về đồng quê vui chơi với thiên nhiên hoang dã và nhận ra ở đấy con người rất thật thà. Điệp khúc " rolling in the river " lập đi lập lại mà tui nghe gần hết đời người vẫn không chán.

Khi cái âm nhạc digital ra đời thì dân chơi như tụi tui xếp xó, đây là thời của dân keyboard. Một người là thành nguyên ban nhạc với đủ trống kèn, kiêm luôn đàn bầu hay sáo trúc. Ai mà thuê ban nhạc chi nữa. Một người phải rẻ hơn 4 người chớ, và bài nào họ cũng chơi được. Bộ nhớ bây giờ cả trăm ngàn bài, gõ cái tên rồi để tự động cũng xong luôn...

Viết cái vụ nhạc này cũng để nói lên một thí dụ rằng thời đại văn minh, người ta không cần nhiều người cho một công việc. Cũng có nghĩa là cũng không cần cái sự làm việc tập thể. Giống như một ban nhạc, dù chỉ 4 người nhưng phải có luật lệ, phải biết nhường nhịn nhau theo một hòa âm, nó rất khó và dễ...vỡ nếu ai đó không kềm hãm được cái tôi của mình.

Tui lại liên tưởng đến những người sống ở thành thị và ở thôn quê. Người ở thành thị có thể sống một mình và không cần biết người chung quanh, nhưng ở quê là không được, nhiều công việc bắt buộc phải có vài người làm cùng nhau. Từ đó cũng hình thành hai lối suy nghĩ mà khỏi nói bà con cũng hiểu: thinking và doing. Ở thành thì sống nội tâm hoặc nghiên cứu, suy tư. Ở đồng quê thì cái gì cũng phải bắt tay vào làm, mà cái tật đang làm mệt mệt, cha nào cứ đứng lải nhải là dễ ăn... đấm.

Khi tui viết bài này thì được biết có một đoàn người Việt, xuất phát từ Cali, lái xe về Washington DC (xa lắm). Trên đường ghé các tiểu bang khác và có thêm người nhập cuộc. Họ đi để vận động cho ứng cử viên T. Đây là điều tui thấy mấy kỳ bầu cử khác không có. Hẳn là ông T phải có sự hấp dẫn nào đó.

Tui biết những người tham gia không phải vì được cho tiền, mà họ phải bỏ tiền của mình trang trải cho chuyến đi. Nét mặt ai cũng hớn hở. Có người hỏi "Không sợ cô vi hả". Trả lời "Mỹ là vậy, thắng nó chớ không sợ nó". Hỏi ở đâu tới, làm nghề gì? Đa số họ ở vùng xa, dân lao động. Luật sư hay bác sĩ ít thấy vì những người này thường nổi tiếng, nếu xuất hiện là được ưu tiên phỏng vấn liền. Khi video live được post lên, tui cũng hay đọc các comment.

Có người chửi đoàn này... ngu, vì cái số lượng người Việt bầu cho T chiếm tỉ lệ rất thấp trên tổng số nên không thể thay đổi cán cân bầu cử. Giống như đem trứng chọi đá. Comment này... đúng với người biết thinking, nhưng với những người doing, họ chỉ thấy lẽ phải là họ làm. Hình như họ đang đông dần. Họ có nguy cơ cao chết vì dịch bệnh nhưng không sợ. Mỹ mà !

Nghe nhạc, tui chán cái keyboard đến cổ nhưng không có sự lựa chọn. Tui vẫn thích cái âm thanh thật dù không chỉnh chu như cái... giả. Đã đến lúc phải trở về với cái thật, tiếng sáo mục đồng, tiếng trống bằng da và giọng hát sâu trong cổ họng không cần effect. Nó đơn giản như cái suy nghĩ của người chân quê : xắn tay áo và làm, không để ý đến người trên bờ đang...lý luận.

Và tui yêu mến cái đoàn người đang tiến về Washington, phải chi mình ở Mỹ cũng dám vác cái guitar đi theo mấy ảnh mà nghêu ngao:

If you come down to the river,
Bet you gonna find some people who live.
You don't have to worry 'cause you have no money,
People on the river are happy to give.

Big wheel keep on turnin',
Proud mary keep on burnin',
Rollin', rollin', rollin' on the river.

(tắng tăng, tắng tăng, tắng tăng tăng tăng tằng tăng tằng...)

JIMMY NGUYEN NGUYEN 06.10.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.