Nhớ những lần gặp
khi ông đang phải đối diện với rất nhiều chỉ trích sau lễ tang tướng Trần Độ.
Đăm chiêu nhưng điềm tĩnh. Do lúc ấy chưa bàn giao xong chức Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội, ông buộc phải thi hành cái phận sự “thay thế những người giấu
mặt”. Đấy là một tai nạn chính trị, ông nhận lấy phần trách nhiệm của mình,
“nhân vô thập toàn”.
Làm chính trị
trong một thể chế đầy sự xét nét nhưng, ông Vũ Mão như tôi biết là một người
không giữ và không diễn. Ông sống hết mình kể
cả cho những đam mê văn nghệ rất có hại cho con đường công danh. Có lẽ thế mà
gương mặt ông cho tới tận cuối đời luôn luôn thanh thản.
Vai trò của ông
Vũ Mão chủ yếu ở hậu trường, công lao của ông, “trên” cũng ít ghi nhận mà công
chúng cũng không biết mấy.
Trong khóa VIII,
ông đã là Ủy viên Hội đồng Nhà nước (HĐNN), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH)
và HĐNN. Văn phòng, nơi ông lãnh đạo, là cơ quan chịu trách nhiệm chính soạn
thảo Hiến pháp 1992 (ông Nguyễn Đình Lộc, khi ấy là Phó Chủ nhiệm Văn phòng phụ
trách “tổ biên tập”). Hiến pháp 1992 là hiến pháp có ý nghĩa nhất trên thực tế,
thay thế mô hình đảng trực trị sang mô hình
đảng cầm quyền thông qua nhà nước.
Hiến pháp 1992 đã
thiết lập được cho Việt Nam một “nền cộng hòa trên
giấy” và những người như ông tìm cách để cho các thiết chế cộng hòa ấy không ngủ quên.
Không có nền cộng
hòa nào ngay lập tức trưởng thành. Hiến pháp 1992 thiết lập những cơ sở chính
trị để những ai có khát vọng đều có cơ hội tạo ra những chuyển động cho lịch sử.
Quốc hội, từ vai trò trang trí cho chế độ,
cũng đã đi những bước dài đến chỗ trở thành một diễn đàn, nơi các đại
biểu có thể bày tỏ khát khao quyền lực. Bản lĩnh của từng cá nhân lãnh đạo Quốc hội
đã đóng một vai trò quyết định. Ông Vũ Mão nằm trong số đó.
Không phải cải
cách chính trị nào cũng có thể được tiên liệu hết bằng văn bản. Những cuộc
“cách mạng hình thức” đôi khi lại đóng vai trò thực sự tiên phong.
Từ Khóa VII,
khi bầu không khí chính trị vẫn còn rất chuyên chính, và chức vụ chủ tịch Quốc hội cũng
không có nhiều quyền lực cả trên thực tế và lý
thuyết, ngày 24-6-1981, khi nắm quyền điều khiển kỳ họp thứ nhất
Quốc hội Khóa VII, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã mời các ủy
viên Bộ Chính trị, những người trong các nhiệm kỳ trước vẫn ngự trên các dãy ghế Chủ tịch Đoàn, rời
khỏi lễ đài. Quyền chủ trì các phiên họp Quốc hội từ hôm đó, được
trả lại cho Quốc hội.
Sự kiện ba mươi ba
đoàn đại biểu Quốc hội, đa số là các đoàn miền Nam, giới thiệu ông Võ Văn Kiệt ra tranh cử
chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà ông Vũ Mão đã góp phần “đẩy” thành một
cuộc “tranh cử” giữa ông Kiệt với ông Đỗ Mười (tháng 6-1988), dù không trở
thành một tiền lệ vẫn cho thấy các đại biểu đã không còn đến Hội
trường Ba Đình để chỉ giơ tay như trước.
Thế hệ những nhà
lãnh đạo như ông Vũ Mão không được trang bị các kiến thức đúng và đủ về nhà
nước ngay từ đầu. Nhưng những ai không đóng đinh đầu óc của mình vào cái gọi
là “chủ nghĩa Marx -Lenin” thì sẽ không quay lưng với cái mới. Ông Vũ Mão là
một người như thế. Những đóng góp làm thay đổi Quốc hội của ông thường bắt
đầu từ bản tính thích tìm tòi cái mới.
Năm 1989, ông
Mão quyết định đặ̆t hàng bên quân đội thiết kế
cho Quốc hội máy đếm khi biểu quyết. Chiếc máy đếm đầu tiên mà Quốc
hội Việt Nam sử dụng chỉ có hai nút, “đồng ý” và “không đồng ý”.
Nhưng sau chuyến thăm Nghị viện Đài Loan, “phát hiện” máy đếm của họ có
ba nút: “đồng ý”, “không đồng ý” và “không biểu quyết”. Ông Vũ Mão
quyết định áp dụng ở Việt Nam.
Sáng kiến này lúc
đầu bị ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng thư ký Quốc hội và Hội đồng Nhà nước (một
cấp trung gian theo Hiến pháp 1980) phản đối; vì theo ông “đã là đảng viên
thì phải rõ ràng chính kiến”. Ông Vũ Mão và người giúp việc, ông Nguyễn Sỹ
Dũng, đã khéo léo để Quốc hội có cái cái nút thứ ba, “không biểu quyết”,
này.
Phải quan sát
cách làm việc của Quốc hội trước đó mới thấy hết ý nghĩa của những thay đổi
tưởng như chỉ “cấu thành hình thức”. Trước năm 1989, khi Quốc hộîi “quyết định những vấn đề lớn của đất nước”,
chủ tịch đoàn kỳ họp chỉ cần hỏi “ai đồng ý giơ tay?” là lập
tức cả hội trường giơ tay; rồi chủ tịch đoàn lại hỏi “ai không đồng
ý giơ tay?”
là có thể tuyên bố “một trăm phần trăm” ngay. Khi, không phải là những
cánh tay nữa mà là những con số tăng, giảm, ngập ngừng trên bảng điện, "3
nút" đó không chỉ tạo thêm kịch tính cho hoạt động Quốc hội, mà còn
nhắc nhở đại biểu trách nhiệm hơn với dân chúng.
Thời ông Vũ Mão
làm Chủ nhiệm Văn phòng, nhà báo chúng tôi còn được ở trong 37 Hùng Vương hoặc
số 8 Chu Văn An. Đi xe đại biểu ăn suất ăn đại biểu; uống “bia nhà kính” với từ
Tổng bí thư Đỗ Mười cho đến những đại biểu chỉ là giáo viên tỉnh nhỏ. Lúc đó,
lượng nhà báo tìm đến Hội trường Ba Đình chưa đông như bây giờ nhưng lý do
chính vẫn là, ông Vũ Mão đánh giá rất đúng sức mạnh của truyền thông trong việc
nâng cao vai trò Quốc hội.
Nếu không có ông
Vũ Mão thì năm 1998, truyền hình chưa thể bắt đầu tường thuật trực tiếp các
phiên chất vấn. Ở thời điểm ấy, đó là một
sáng kiến chính trị táo bạo. Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của ông
Vũ Mão nhưng quyết định phải báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị. Bộ Chính
trị chấp nhận nhưng Ban Cán sự Đảng của Chính phủ và nhiều
thế lực chính trị khác vẫn tìm cách chống. Cận ngày chất vấn, việc truyền
hình trực tiếp hay không vẫn còn ý kiến đôi co. Tuy nhiên, ông Vũ Mão
vẫn triển khai kế hoạch với Đài Truyền hình Trung ương.
Quốc hội dưới
thời ông Vũ Mão trở thành cơ quan nhà nước đầu tiên sử dụng máy tính ở Việt
Nam. Đặc biệt, bằng việc lắp đặt phần mềm ghi tốc ký biên bản, ghi chép
và lưu trữ từng lời phát biểu trên hội trường, các đại biểu đã ý thức
được trách nhiệm của mình hơn với dân, với lịch sử.
Rất nhiều người
lính của ông Vũ Mão về sau nắm giữ những vị trí rất then chốt trong Quốc hội.
Họ chịu ảnh hưởng không ít từ ông, họ biết từng đóng góp của ông, người đứng sau rất nhiều đổi mới. Họ cũng biết rất
rõ, những người nhận được nhiều lợi ích chính trị nhất sau các đổi mới có sự
đóng góp của ông đó, thường không phải là ông.
Ông Vũ Mão vào
Trung ương chính thức từ 1982, khi ông Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An… mới là ủy
viên dự khuyết; khi những Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh… chỉ vừa le lói trong
các nền chính trị địa phương. Những nhân vật đó đều lần lượt đi qua, giữ vị trị
bên trên ông. Về thâm niên họ đều thua ông, về tài năng thì không có nhiều phần
cho ông tâm phục. Tôi ít khi thấy ông Vũ Mão hành xử như vai trò cấp dưới. Ông
thi hành phận sự bằng sự tôn trọng tổ chức nhưng vẫn giữ sự ngạo nghễ của một
người có bản lĩnh và tư cách. Có lẽ vì thế mà ông giữ kỷ lục 5 khóa Trung ương
nhưng chỉ dẫm chân ở những chức vụ lơ lửng đó.
Cho dù công chúng
không biết hết, chế độ không ghi nhận hết…, tôi nghĩ, ông biết những việc mà
mình đã làm. Trong thể chế chính trị này, những nỗ lực để dân có được tiếng nói
hơn là điều vô cùng ý nghĩa.
Cái quan định
luận. Ông đã nghe khá đủ những lời chỉ trích mình. Ông không được nghe những
điều đánh giá công trạng mà mọi người đang dành cho mình. Nhưng, tôi nghĩ là
ông ra đi nhẹ nhàng và yên nghỉ.
HUY ĐỨC
02.06.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.