Sau nhiều lần đề
nghị chủ tọa phiên tòa Tòa án Nhân dân (TAND) Ninh Thuận xem xét lại vụ án vì
có nhiều tình tiết không đúng sự thật, nhưng không được chấp thuận, bị cáo Loan (27 tuổi) đã uống thuốc sâu tự tử ngay tại
tòa.
Gia đình bị cáo
thấy vậy khóc lóc và xin Hội đồng xét xử (HĐXX) cho mang bị cáo đi cấp cứu,
nhưng HĐXX kiên quyết không cho và buộc bị cáo phải ngồi tại tòa.
Do không được cứu
chữa kịp thời, 24 giờ sau, chị Loan tắt thở.
Nạn nhân chết oan
gây phẫn nộ dư luận.
Đồng chí Bùi Ngọc
Hòa, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Thuận gánh không ít búa rìu dư
luận. Và sau đó đồng chí được bổ nhiệm về làm Chánh án tòa phúc thẩm TAND Tối
cao tại TPHCM ! Rồi đồng chí về Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao.
Đó là một trong
17 người biểu quyết không chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân
Tối cao!
Sáng nay đồng chí
trả lời phỏng vấn hoành tráng luôn!
Tôi hiểu tấm lòng ông Hòa lắm !
TRƯƠNG CHÂU HỮUDANH 12.05.2020
Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Thành viên
Hội đồng thẩm phán nói gì?
(TTO 12/05/2020) Sau bản án giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải của Hội đồng
thẩm phán TAND tối cao, có hàng loạt ý kiến cho rằng bản án không công tâm,
khách quan, chủ tọa phiên tòa giữ cả 3 vai tố tụng trong vụ án, các thẩm phán
biểu quyết giơ tay thì không độc lập.
Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Bùi
Ngọc Hòa, thành viên Hội đồng thẩm phán (HĐTP). Ông Hòa cho rằng các thẩm phán
độc lập xét xử và xem xét kỹ hồ sơ vụ án nên đồng thuận đưa ra phán quyết chứ
không chịu bất kỳ áp lực nào...
Ảnh Nam Trân - Tuổi Trẻ |
Vi phạm tố tụng sao không hủy án?
*
Những vi phạm mấu chốt mà dư luận quan tâm là việc thu giữ vật chứng của cơ
quan điều tra, việc mua dao mua thớt để coi là hung khí gây án, từ việc đó có
dẫn đến quan điểm đánh giá của cơ quan điều tra. Vậy HĐTP đánh giá thế nào để
đi đến kết luận cuối cùng?
- Trong thực tế, không phải vụ án nào cũng thu giữ được vật chứng nhưng
căn cứ các tài liệu chứng cứ như bản ảnh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện
trường, kết luận giám định, lời khai người làm chứng, lời khai của bị cáo và
các tài liệu chứng cứ khác đã thu thập được để kết luận bị cáo có phạm tội hay
không.
Đối với vụ án Hồ Duy Hải, cơ quan điều tra đã căn cứ bản ảnh hiện
trường, lời khai của bị cáo, những người làm chứng và yêu cầu những người trông
thấy, phát hiện (con dao, thớt) mua vật đồng dạng để cho bị cáo nhận dạng và
thực nghiệm điều tra nhằm xác định lời khai của bị cáo có cơ sở hay không. Việc
này không vi phạm pháp luật.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xác định
con dao, cái thớt được mua này là vật chứng trong vụ án.
*
HĐTP cho rằng điều tra lại cũng không thay đổi bản chất vụ án nên không điều
tra lại, căn cứ vào đâu để xác định như vậy, thưa ông?
- Quá trình xét xử giám đốc thẩm, có ý kiến thành viên HĐTP đặt vấn đề
những thiếu sót, mâu thuẫn ở trong kháng nghị (như việc không thu giữ cái thớt,
cái ghế; việc chậm giám định nhóm máu) thì khi điều tra lại những thiếu sót này
có khắc phục được không?
Tại phiên xét xử, đại diện viện kiểm sát (VKS) cũng cho rằng một số vấn
đề sai sót không thể khắc phục được, tuy nhiên một số sai sót khác mà kháng
nghị đã đề cập khi điều tra lại vẫn có thể khắc phục được.
Ví dụ việc xác định thời gian di chuyển của bị cáo từ tiệm cầm đồ về Bưu
điện Cầu Voi, việc giám định thời gian chết của nạn nhân.
HĐTP đã nhận định mặc dù trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã
có một số thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng nhưng những thiếu sót, vi phạm này
không dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Ngoài ra, một số vấn đề kháng nghị nêu ra như có mâu thuẫn trong lời
khai của chính bị cáo, mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo với hiện trường vụ án
và các tài liệu chứng cứ khác, HĐTP nhận thấy trong quá trình điều tra các mâu
thuẫn này đã được điều tra làm rõ nên không cần thiết điều tra lại.
*
Quyết định kháng nghị của VKS bị HĐXX cho rằng không đúng quy định pháp luật,
vậy tại sao tòa vẫn mở phiên giám đốc thẩm để xem xét các nội dung kháng nghị?
- Theo quy định, tại phiên tòa giám đốc thẩm thì người kháng nghị có
quyền bổ sung, thay đổi, rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.
Trong vụ án này, tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện VKS giữ nguyên
kháng nghị. Do đó, HĐTP phải xem xét toàn bộ nội dung kháng nghị.
Chính vì vậy, những nội dung kháng nghị của VKS đã được các thành viên
HĐTP làm rõ, từ việc Hải có mặt ở hiện trường hay không, Hải có thực hiện hành
vi gây án hay không, đến những mâu thuẫn thể hiện trong hồ sơ, những vi phạm
của cơ quan tố tụng cũng như tính có căn cứ, thẩm quyền kháng nghị của viện
trưởng Viện KSND tối cao.
Sau khi thảo luận, các thành viên HĐTP đã thống nhất kháng nghị của VKS
không đúng pháp luật, không được quyền kháng nghị trong trường hợp này, vì vậy
HĐTP đã quyết định không chấp nhận kháng nghị này. Nghĩa là dù kháng nghị có
đúng thẩm quyền hay không thì vẫn phải mở phiên tòa giám đốc thẩm thì mới kết
luận được việc đó.
Ở góc độ pháp lý, sau khi có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình
của Hồ Duy Hải, căn cứ quyết định của Chủ tịch nước, Hội đồng thi hành án tử
hình tỉnh Long An mới ra quyết định thi hành án bản án này.
Sau khi có công văn của Văn phòng Chủ tịch nước về việc tạm dừng thi
hành án và yêu cầu chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét
lại toàn diện vụ án đó xem Hồ Duy Hải oan hay không oan, Hội đồng thi hành án
tỉnh Long An đã ra quyết định tạm dừng thi hành bản án đối với Hồ Duy Hải.
Như vậy, quyết định của Chủ tịch nước và quyết định thi hành án tử hình
của hội đồng thi hành án là hai quyết định trong thủ tục thi hành án hình sự.
Kháng nghị của VKS căn cứ công văn của Văn phòng Chủ tịch nước để ra
kháng nghị là không đúng. Bởi vì các quyết định tố tụng hình sự chỉ được thay
thế, hủy bỏ bằng một quyết định tố tụng hình sự khác của cấp có thẩm quyền.
Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước là văn bản hành chính. Hơn nữa
trong công văn nêu trên, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước là đề nghị VKS xem
xét quyết định theo thẩm quyền và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
*
Thưa ông, sau công văn của Văn phòng Chủ tịch nước, nếu VKS không kháng nghị
thì tòa xem xét lại vụ án oan hay không oan khi nào? Xem xét đánh giá ra sao?
Bằng cách nào?
- Sau khi Văn phòng Chủ tịch nước có công văn yêu cầu xem xét lại vụ án,
TAND tối cao đã thành lập đoàn công tác liên ngành gồm cả ngành kiểm sát và
công an xem xét để đánh giá lại toàn bộ hồ sơ vụ án.
Sau khi xem xét, kể cả gặp tử tù Hồ Duy Hải, đoàn công tác báo cáo không
có cơ sở để kháng nghị hủy án vì việc xét xử Hải là không oan, không sai.
Sau đó, TAND tối cao đã có báo cáo gửi Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ
Quốc hội rằng trong vụ án này Hồ Duy Hải không oan.
*
Một số nội dung trong kháng nghị đã được HĐXX kết luận có cơ sở, đó là những
sai sót của cơ quan điều tra. Vậy nội dung kháng nghị đúng thì sao lại bị quy
là trái pháp luật?
- Sai sót trong quá trình điều tra mà kháng nghị VKS nêu là những vi
phạm thủ tục tố tụng, nhưng như trên đã nêu, những sai sót này không làm thay
đổi bản chất vụ án, nên việc hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra
lại là không cần thiết. Còn kháng nghị của VKS trong trường hợp này là trái
pháp luật vì không đúng thẩm quyền.
*
Tại phiên xét xử, HĐTP công bố sau kháng nghị của VKS, Bộ Công an lập tổ công
tác xác minh xem xét lại hồ sơ vụ án. Kết quả này được HĐTP sử dụng làm tài
liệu trong phiên giám đốc thẩm, việc này thuộc quy định tố tụng nào?
- Sau khi có kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao, bộ trưởng Bộ
Công an thành lập tổ công tác độc lập nhằm thẩm định lại toàn bộ vụ án. Chúng
tôi cho rằng việc làm này thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Bộ Công
an.
Trước phiên giám đốc thẩm, HĐXX nhận được báo cáo kết quả thẩm định nên
đã mời đại diện Bộ Công an trình bày nội dung này. Chúng tôi cho rằng đây cũng
là một tài liệu để xem xét tính khách quan toàn diện trong quá trình điều tra,
truy tố của các cơ quan tố tụng đã thực hiện trước đó.
Trong Luật tố tụng không quy định trình tự này, nhưng đây là việc làm
thể hiện trách nhiệm rất cao của Bộ Công an và HĐTP sử dụng làm tài liệu tham
khảo.
*
Rõ ràng đây là vụ án rúng động dư luận, 12 năm chưa đi đến hồi kết, cho thấy
quá nhiều vấn đề mà quá trình điều tra chưa làm thuyết phục. Ông nghĩ sao khi
có ý kiến cho rằng việc buộc tội ngay cả khi chưa chứng minh được một cách
thuyết phục có thể không bỏ lọt tội phạm, tránh được bồi thường nhưng sẽ tạo
tiền lệ oan sai?
- Hội đồng giám đốc thẩm đã xem xét rất khách quan, toàn diện vụ án, kể
cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội. HĐTP nhận thấy trong quá trình điều tra, truy
tố, xét xử, bị cáo không bị ép cung, mớm cung, nhục hình và Hồ Duy Hải cũng
thừa nhận điều này.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện VKS cũng khẳng định không phát
hiện có dấu hiệu Hải bị ép cung, mớm cung, nhục hình. Chính vì vậy, HĐTP đánh
giá lời khai nhận tội của bị cáo là tự nguyện.
Hải khai mâu thuẫn về diễn biến hành vi phạm tội thể hiện bị cáo không
bị ép cung, mớm cung, vì nếu bị ép cung, mớm cung thì lời khai của bị cáo tương
đối giống nhau.
HĐTP đã căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nghe lời
trình bày của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng như
giải thích của các giám định viên, quan điểm của VKS tối cao tại phiên tòa.
Vì vậy, HĐTP kết luận tòa cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải về
hai tội "giết người" và "cướp tài sản" là không oan.
Quá trình điều tra mặc dù có thiếu sót, vi phạm như VKS nêu ra trong
kháng nghị nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Do đó không có căn cứ chấp
nhận kháng nghị đề nghị hủy án để điều tra lại.
Vụ án đã kéo dài 12 năm, mong mỏi của gia đình hai nạn nhân đòi hỏi công
lý phải được thực thi. Nếu công lý không được thực thi thì không còn pháp luật.
*
Nghĩa là HĐXX thấy rằng kết luận điều tra là thuyết phục, kết quả xét xử cũng
thuyết phục?
- Đúng vậy!
Chủ tọa "đóng 3 vai" có khách quan?
*
Có nhiều ý kiến lo ngại tính khách quan của quyết định giám đốc thẩm, khi Chánh
án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình thời điểm xảy ra vụ án là phó tổng cục trưởng
Tổng cục Cảnh sát, đến thời điểm ra quyết định không kháng nghị vụ án thì ông
Bình là viện trưởng Viện KSND tối cao và khi xét xử giám đốc thẩm ông lại ngồi
ghế chủ tọa. Một người đóng ba vai như thế thì có ra được quyết định khách quan
hay không, thưa ông?
- Theo điều 382 Bộ luật TTHS quy định khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội
đồng toàn thể thẩm phán TAND tối cao thì do chánh án TAND tối cao làm chủ tọa.
Còn theo điều 53, việc thay đổi thẩm phán, hội thẩm được quy định: Thẩm
phán, hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi đã tham gia
với tư cách là người bào chữa, người giám định, đã tham gia xét xử sơ thẩm,
phúc thẩm, hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là điều tra viên, cán bộ
điều tra, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án... Hoặc có căn cứ rõ ràng
khác cho rằng họ không thể vô tư khi làm nhiệm vụ.
Trong phần thủ tục phiên giám đốc thẩm, chủ tọa đã hỏi và được đại diện
VKS khẳng định việc triệu tập những người đến tham gia phiên tòa và thành phần
HĐXX là đúng quy định.
Bên cạnh đó đối chiếu các quy định tại điều 49, 53 thì chánh án TAND tối
cao không thuộc một trong các trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi.
Hơn nữa vai trò chánh án là chủ tọa phiên tòa, còn việc biểu quyết,
quyết định là của từng thành viên HĐTP có quan điểm độc lập, biểu quyết theo đa
số, không bị phụ thuộc.
Đối với vụ án này, các thẩm phán đã được giao nghiên cứu hồ sơ trước 4
tháng và chánh án TAND tối cao đã quán triệt đây là vụ án được dư luận quan tâm
nên phải nghiên cứu hồ sơ một cách toàn diện cả chứng cứ gỡ tội và buộc tội để
có quan điểm hoàn toàn độc lập khi xét xử.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng không thể nghi ngờ tính khách quan
trong quyết định của hội đồng, kể cả vai trò của chủ tọa phiên tòa.
*
Chánh án TAND tối cao thời điểm làm viện trưởng Viện KSND tối cao đã có quyết
định không kháng nghị nhưng bây giờ ngồi ghế chủ tọa phiên giám đốc thẩm thì có
được coi là vô tư khách quan?
- Có vô tư, khách quan hay không thì phải nói theo quy định pháp luật,
nghĩa là phải có căn cứ rõ ràng.
Giai đoạn ông Nguyễn Hòa Bình làm viện trưởng Viện KSND tối cao có quyết
định không kháng nghị là thực hiện nghĩa vụ theo quy định pháp luật, nên không
thể nói đó là sự không vô tư khách quan. Quyết định không kháng nghị này là của
Viện KSND tối cao chứ không phải của cá nhân ông Bình.
*
Trong quá trình xét xử, HĐTP lấy biểu quyết các thành viên 4 nội dung quan
trọng với hình thức giơ tay. Chánh án đang ngồi ghế chủ tọa thì có ảnh hưởng
đến biểu quyết của các thành viên? Có ý kiến đặt ra nếu chánh án giơ tay thì
các thành viên có đưa ra quan điểm khác?
- Theo quy định, sau khi nghe đại diện VKS trình bày quan điểm, các
thành viên HĐTP thể hiện quan điểm và thảo luận.
Sau khi thảo luận thì biểu quyết những nội dung mà VKS kháng nghị. Như
vậy việc biểu quyết của các thành viên hội đồng là độc lập, mỗi thành viên thể
hiện quan điểm và biểu quyết bằng hình thức giơ tay.
Đó là quan điểm độc lập của từng thành viên, không phụ thuộc vào cơ chế
hành chính giữa cấp trên và cấp dưới. Việc biểu quyết này có thể đồng ý kháng
nghị hoặc không đồng ý kháng nghị. Và trong thực tế có một số vụ án xét xử giám
đốc thẩm có thành viên biểu quyết khác quan điểm của chánh án.
Cho nên nói rằng vì phụ thuộc cấp trên cấp dưới mà các thành viên miễn
cưỡng giơ tay biểu quyết theo chánh án là suy diễn không có căn cứ.
Phải nói thêm rằng, các thành viên HĐTP độc lập và chỉ tuân theo pháp
luật.
*
Thời gian qua có nhiều vụ án oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén,
vụ án "vườn điều". Những vụ án này quá trình điều tra, kết quả điều
tra cho thấy lời khai nhận tội phù hợp với chứng cứ cơ quan điều tra thu thập
và họ bị kết án. Tuy nhiên đến khi hung thủ thực sự ra đầu thú thì họ mới được
minh oan. Từ những vụ án như vậy, với diễn biến vụ Hồ Duy Hải thì HĐXX cần cẩn
trọng hơn, thưa ông?
- Trong quá trình điều tra xét xử đúng là có những vụ án oan như vậy.
Những vụ án này mặc dù bị cáo có lời khai nhận tội nhưng quá trình điều tra,
truy tố, xét xử có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dẫn đến sai
lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có những chứng cứ gỡ tội chưa
được xem xét toàn diện dẫn đến kết án oan.
Còn trong trường hợp này HĐTP đã xem xét một cách toàn diện, đánh giá
tổng hợp tất cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Chúng tôi cho rằng đã đủ cơ sở kết
luận rằng bị cáo không oan.
*
Có sai sót, vi phạm tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án. Liệu cách nhìn
nhận đánh giá như thế này có là tiền lệ cho việc xét xử các vụ án từ nay về
sau?
- Cái quan trọng là đánh giá sai sót vi phạm tố tụng đó có làm thay đổi
bản chất vụ án hay không. Nếu sai sót đó mà làm thay đổi hoặc dẫn đến sai lầm
nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì chúng tôi cho rằng đó là vi phạm
nghiêm trọng tố tụng, phải hủy điều tra lại. Đó là luật quy định, chứ không
phải những sai sót nào, vi phạm nào cũng dẫn đến phải hủy toàn bộ bản án để
điều tra xét xử lại.
Chúng tôi nhắc lại thiếu sót đó, sai sót đó phải dẫn đến sai lầm nghiêm
trọng trong việc giải quyết vụ án thì mới phải hủy điều tra lại.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.