Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển |
Một trong những
nhạc sĩ viết hay nhất về mùa thu, tác giả của Thu, hát cho người đã đi về miền thu vĩnh hằng, trong một mùa trăng
đang tròn, sau một thời gian sống với căn bịnh ung thư, ở tuổi 72.
Nhận tin này khi
vừa qua nửa đêm, trăng khuya chờ rằm sáng hắt qua khung cửa, soạn bản nhạc mang
âm hưởng Nam Bộ của ông ra nghe, Đêm Gành
Hào nhớ điệu Hoài Lang mà nghe lòng minh mang quá.
Vũ Đức Sao Biển
viết không nhiều lắm so với các nhạc sĩ khác. Nhạc của ông, tôi chỉ thích đúng
3 bài, nhưng thích hoài từ khi được nghe lần đầu tiên, cho đến tận bây giờ.
Đó là: Thu, hát cho người, bài hát tôi được
nghe từ khi nó còn chưa được “phép” hát sau 1975, thông qua các băng đĩa cũ
thời Việt Nam Cộng Hòa. Hẳn nhiên là nghe lén, rón rén áp sát loa. Cho tới khi
nó được đường hoàng chánh thức thu băng, mà người tôi nghe đầu tiên là cô Lan
Ngọc, trong một cuốn băng cassette do Saigon Audio sản xuất và phát hành, với
bản phối có tempo khá nhanh, khá rộn ràng so với vẻ buồn man mác của bài tình
thơ mộng này, nhưng nghe vẫn mênh mang.
Hai bài còn lại
là Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào
nghe điệu Hoài Lang. Hai bài này thì hầu như dân miền Tây nào cũng biết ca
hoặc ít ra ngân nga thuộc làu mấy đoạn khi đang chèo xuồng, bên bến nước, lúc
nghỉ trưa mần ruộng, hay trong cuộc nhậu lâu tàn nào đó, Từ người hát đờn ca
tài tử, nghệ sĩ cải lương, hay bất cứ ca sĩ chuyên nghiệp nào của dòng nhạc trữ
tình quê hương đều phải biết, phải từng hát qua … Một sự thú vị của tôi với vị
nhạc sĩ gốc Quảng rặt miền Trung này khi lồng khuông nhạc lời ca những âm điệu
uyển chuyển Nam Bộ không thể Nam Bộ hơn!
Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng
Và :
Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi
Xin trích lại tâm sự của ông, về bài hát nổi tiếng, như chở dùm tôi cả một trời thơ nơi núi rừng xứ Quảng. Một thời.
Thuở ấy, tôi hai
mươi tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar
lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn
đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm.
Thuở ấy, tâm hồn
tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân
đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa
tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa,
nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết Thu, hát cho người.
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa.
Bản tình ca thuở
đôi mươi bắt đầu với hai câu hỏi tu từ như thế. Hỏi để mà hỏi với chính mình và
biết rằng không có câu trả lời. Cái tựa ca khúc là Thu, hát cho người thật ra
là hát cho chính mình, hát với mùa sim, tháp cổ, dòng sông.
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ.
Bài Hoàng hạc lâu của thi sĩ Thôi Hiệu có
câu “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”
(Hạc vàng bay một lần là không trở lại nữa). Tôi lấy ý thơ của người xưa để nói
đến bạn mình. Ca từ như một tiên tri định mệnh; chúng tôi chẳng bao giờ được
gặp lại nhau. Sao mà trùng lặp với câu thơ của Guillaume Apollinaire từng viết “nous ne nous verrons plus sur terre”
(Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa. Mộng trùng lai không có trên đời - Bùi
Giáng dịch).
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Hai câu này làm
lắm người thắc mắc. Năm 2007, nhà văn Sơn Nam từng “phê bình” tôi: “Mày nói dóc. Cây sim ngoài Quảng Nam của
mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó? Mà cái đồi sim thì trống
huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì?”. Nhiều người
cũng có thắc mắc tương tự như ông già Nam Bộ.
Thực ra, cây sim
già không nhỏ, đặc biệt là khi mọc trên đồi cát. Có cây cao vài ba mét, tỏa bóng
mát quanh năm. Và như tôi đã nói, thuở ấy lòng tôi trong sáng lắm cho nên tôi
cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới hai chữ “mần ăn” thông thường vốn thuộc phạm
trù hình nhi hạ!
Bài hát thoáng
một chút suy nghĩ rất Lão - Trang về số phận con người, tình yêu và sự xa biệt:
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi.
Nhạc hoài mong ta hát vì xa người.
Vẫn là những câu
hỏi tu từ không có lời đáp. Ngay khi viết xong, tôi đã hình dung được đây là
một bài tình ca hay của đời mình. Bài hát Thu,
hát cho người được đưa cho ca sĩ Hà Thanh, hai tuần sau được hát trên Đài
Phát thanh Sài Gòn bởi hai danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc; sau đó là Phượng Bằng,
Mai Hương, Quỳnh Dao, Kim Tước, Vân Quỳnh, Vân Hà, Ngọc Long... Bài hát nhanh
chóng trở nên nổi tiếng. Cho đến bây giờ đã là 43 năm, Thu, hát cho người đã được đặt tên cho rất nhiều chương trình âm
nhạc mùa thu hằng năm.
Thời đôi mươi,
tôi để lại cho cuộc sống và bạn yêu nhạc Thu,
hát cho người, Chiều mơ, Tiếng hát trên đồi Tăng Nhơn Phú. Thời năm mươi,
sáu mươi, tôi để lại Điệu buồn phương
Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang, Đường về, Mùa Xuân hát trên ngọn cây
tùng, Xuân ca vô tận. Điều lạ lùng là càng về già, âm nhạc của tôi càng vui
lên.
Với đời tôi, Thu, hát cho người là một dấu ấn đẹp,
thậm chí còn tạo nên những giai thoại, huyền thoại. Tôi thầm nghĩ 143 chữ trong
bản tình ca đó là những viên ngọc quý...
04/02/2011
LÊ MINH HẠ 06.05.2020 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.