Thứ nhất, phiên
tòa này là do Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao làm Hội đồng
xét xử.
Theo quy định tại
khoản 5 Điều 382 Bộ Luật TTHS thì trường hợp này được áp dụng đối với bản án có
tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của phiên
tòa giám đốc thẩm bằng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm
bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết
thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án được quy định tại khoản 4 điều
này.
Nhưng nếu tôi
không nhầm thì không có phiên giám đốc thẩm nào được mở theo khoản 4, cho nên
chỉ có thể nói đây là bản án “có tính chất phức tạp”.
Nhưng theo quy
định tại điểm c, khoản 1 Điều 53 BLTTHS, thì thẩm phán phải từ chối tham gia
xét xử hoặc bị thay đổi nếu : “Đã tham
gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách
là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên,
Thư ký Tòa án”.
Còn nhớ, ngày
24.10.2011, ông Nguyễn Hòa Bình lúc đó là Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã có
quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án này. Như vậy là ông Nguyễn Hòa
Bình đã tham gia vào quá trình tố tụng của vụ án, nên theo luật thì ông không được tham gia vào Hội đồng xét xử của phiên tòa
giám đốc thẩm này.
Xin nói thêm, quy
định tại khoản 1 Điều 53 là nhằm loại bỏ những người có khả năng đưa ra các
quyết định không khách quan. Trường hợp này tuy Viện trưởng VKSND tối cao không
nằm trong 6 chức danh liệt kê ở trên, nhưng Viện trưởng dù có chức vụ cao song
về tính chất cũng không khác gì một Kiểm sát viên cao cấp tham gia tố tụng vụ
án này trước đó.
Nếu như các vị
chẻ chanh về câu chữ, thì khoản 3 Điều 49 bộ luật này cũng ghi rõ trường hợp “có căn cứ rõ ràng họ có thể không vô tư
trong khi làm nhiệm vụ” thì “phải từ
chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Một người từng
quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm vụ án thì có vô tư khi xem xét kháng
nghị của người khác hay không ? Chắc chắn là không vô tư. Bởi vậy, dù là theo
điều 53 hay là điều 49 thì ông Nguyễn Hòa Bình tham gia Hội đồng xét xử cũng
phạm luật.
Thứ hai, 17 vị
thẩm phán ra phán quyết khẳng định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối
cao là trái pháp luật (nguyên văn là
"không đúng pháp luật"). Việc đánh phủ đầu này tôi đã nói ở stt
trước. Tôi cũng mò mãi trong Bộ luật TTHS nhưng hổng tìm đâu ra Viện KSNDTC làm
trái ở chỗ nào.
Luật chỉ quy định
khi bản án đã có hiệu lực pháp luật (có hiệu lực pháp luật ở đây còn bao gồm
quyết định bác đơn xin tha chết của Chủ tịch nước), nếu người bị kết án hay tổ
chức, cá nhân trình bày về việc vi phạm pháp luật trong bản án, nếu xem xét đủ
cơ cở thì Viện trưởng Viện KSNDTC hoặc Chánh án TANDTC có quyền ra kháng nghị
giám đốc thẩm.
Điều 379 Bộ luật
TTHS còn quy định : “Việc kháng nghị theo
hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm
kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (khoản 1). Việc kháng nghị
theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả
trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ (khoản 2)”.
Luật pháp không
phải là không khoan dung, nó đã mở ra nhiều cơ hội cho người thực thi tránh oan
sai, nhưng 17 vị thẩm phán không những phớt lờ khả năng oan sai mà còn triệt
buộc đẩy các đồng chí của mình bên Viện Kiểm sát vào “cửa tử”. Tôi thách 17 vị
thẩm phán vị nào chỉ ra được kháng nghị của Viện trưởng Viện KSNDTC vi phạm
điều luật nào. Nếu như không chỉ được Viện sai luật ở chỗ nào thì chính phán
quyết (về việc Viện làm sai luật) của các vị là sai luật.
Thứ ba, khi đã
thừa nhận các cơ quan tiến hành tố tụng có sai sót (thực ra là vi phạm nghiêm
trọng) và khăng khăng bản án là đúng người đúng tội thì tại sao 17 vị thẩm phán
hổng chịu để điều tra lại một cách nghiêm cẩn
để loại trừ những sai sót đó làm cho bản án được toàn dân tâm phục khẩu phục.
Nếu các vị tin rằng Hồ Duy Hải phạm tội thì các vị sợ gì việc điều tra lại sẽ
cho ra kết quả khác đi ? Thiệt vàng thì các vị sợ chi lửa chớ !
Nhân đây cũng xin
lưu ý lại một lần nữa, là những người phản đối bản án sơ thẩm và phúc thẩm cũng
như phản đối quyết định của 17 vị thẩm phán, hầu hết không ai khẳng định Hồ Duy
Hải vô tội cũng như không thấy bằng chứng để khẳng định anh ta có tội. Người ta
chỉ muốn tòa đưa ra đủ bằng chứng phạm tội để tránh oan sai và tránh để lọt
người lọt tội.
Tạm viết thêm vài
dòng như thế đã. Câu chuyện “dù có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ
án” mà 17 vị đồng thanh giơ tay sẽ còn được đưa lên thớt dài dài, chúng ta khó
có thể đứng ngoài cuộc thị phi. 17 vị luôn miệng nói lời khai phù hợp... lời
khai phù hợp... (nhiều vị không nói nhưng giơ tay biểu quyết coi như nói, hehe).
HOÀNG HẢI VÂN11.05.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.