Nhà nghiên cứu Derek Grossman trong bài viết mang
tựa đề « Đánh giá một số phương cách
đấu tranh của Việt Nam trên Biển Đông » đăng trên The Diplomat ngày 05/05/2020 đã đặt câu hỏi, Hà Nội có những phương
kế nào để chống lại Bắc Kinh ?
Chuyên gia Grossman nhận xét, thêm một lần nữa, Trung Quốc
lại gia tăng các hành động hung hăng đối với Việt Nam trên Biển Đông.
Bắt đầu vào ngày 03/04/2020, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã
đánh đắm một tàu đánh cá Việt Nam ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa. Mười ngày sau
đó, ngày 13/04, Trung Quốc lại triển khai chiếc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất
(Haiyang Dizhi) 8 từng gây náo động năm ngoái, được dùng để quấy nhiễu giàn
khoan quốc tế ở gần Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), nằm trong vùng đặc quyền kinh
tế (EEZ) của Việt Nam.
Đến ngày 18/04, Bắc Kinh loan báo thành lập « huyện đảo
Tây Sa và Nam Sa » để « quản lý » quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa. Theo đài CGTN của Trung Quốc, cái gọi là « huyện đảo Tây Sa » đặt
trụ sở tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (mà Bắc Kinh đã cưỡng chiếm từ
Việt Nam Cộng Hòa năm 1974). Còn « huyện đảo Nam Sa » đặt tại Đá Chữ
Thập ở quần đảo Trường Sa (bị Trung Quốc chiếm năm 1988).
Trước sự leo thang căng thẳng mới này, cứ mỗi lần Trung Quốc
lấn tới thì Việt Nam đều công khai phản đối. Tuy nhiên những tuyên bố này vẫn
không thể làm thay đổi các hành động hung hăng của Bắc Kinh. Như vậy tất nhiên
câu hỏi sẽ là : ngoài việc công khai bày tỏ sự bất bình, Việt Nam có thể
làm gì để kềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trong tương lai ?
« Vừa hợp tác vừa
đấu tranh »
Như tác giả đã từng đề cập, phương cách của Việt Nam trong
quan hệ quốc tế và đặc biệt đối với Trung Quốc, là « vừa hợp tác vừa đấu tranh ». Nói cách khác, Hà Nội luôn
tìm cách duy trì quan hệ song phương hữu nghị và hiệu quả với Bắc Kinh, dù đồng
thời cũng đẩy lùi Trung Quốc trên Biển Đông và trên các lãnh vực khác.
Việt Nam coi Trung Quốc là « đối tác chiến lược toàn
diện », cấp độ cao nhất mà Hà Nội chưa bao giờ dành cho các cường quốc đối
tác. Trong số ba « đối tác chiến lược toàn diện » của Việt Nam (Trung
Quốc, Ấn Độ, Nga), tức các đối tác tin cậy nhất, chỉ có Trung Quốc là được thêm
từ « hợp tác », tức « đối tác hợp tác chiến lược toàn
diện », nhấn mạnh ưu tiên đặc biệt của Hà Nội trong việc hợp tác với người
láng giềng khổng lồ phương bắc.
Tuy nhiên theo chuyên gia Derek Grossman, sau nhiều tháng
đối đầu tại Bãi Tư Chính khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 ngang nhiên xâm phạm vùng
đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rõ ràng là Hà Nội cần phải cân nhắc các phương
cách đấu tranh mới.
Không tham gia BRI,
kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
Ở cấp độ song phương, Hà Nội có khuynh hướng khoanh vùng lại
các phản ứng trước hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, không cho phép phá vỡ
những mặt khác trong quan hệ đôi bên. Ví dụ như từ ngày 21 đến 23 tháng Tư,
Việt Nam quyết định tiến hành cuộc tuần tra chung thường niên với tuần duyên
Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ.
Cho dù Hà Nội và Bắc Kinh hồi năm 2000 đã đạt được Hiệp định
Phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam không có nghĩa vụ tiếp tục các cuộc tuần tra chung
như vậy. Thay vào đó, có thể gởi một thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh, là các
lãnh vực khác trong quan hệ song phương có thể bị tác động tiêu cực, đặc biệt
trong lãnh vực nhạy cảm là chính sách hàng hải.
Một ví dụ khác, Hà Nội cũng có thể quyết định chấm dứt việc
tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI). Việt Nam vốn đã rất nghi ngại
trước dự án này, cả với các nước láng giềng Lào và Cam Bốt.
Có nhiều chọn lựa để gởi đi một thông điệp cho Trung Quốc.
Hiện tại, Hà Nội có thể thực hiện lời đe dọa đã đưa ra hồi tháng 11, là sẽ kiện
Trung Quốc lên tòa án quốc tế về các yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông,
như Philippines đã tiến hành năm 2013 và được Việt Nam ủng hộ năm 2014. Ông
Grossman cho biết đã nghe được các nguồn tin là Việt Nam hiện đang nghiêm túc
xem xét vấn đề này.
Ngoài ra Hà Nội có thể quyết định không còn kiểm duyệt báo
chí viết về các hành động hung hăng của Bắc Kinh để thúc đẩy tình cảm chống
Trung Quốc vốn đã rất cao trong nước, có thể đe dọa đến các lợi ích thương mại
của Trung Quốc tại Việt Nam.
Hạ cấp quan hệ, không
sợ đối đầu quân sự
Hà Nội cũng có thể hạ cấp mối quan hệ đối tác với Trung Quốc
xuống còn « đối tác chiến lược toàn diện », để cho thấy quan hệ song phương bị ảnh hưởng vì
các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trên lãnh vực quân sự, Việt Nam có thể hành động như
Indonesia, gia tăng mạnh mẽ tiềm năng xung đột vũ trang để buộc Trung Quốc phải
lùi bước trong trong cuộc khủng hoảng lần tới.
Trong một cuộc đối đầu ngắn từ cuối tháng 12 đến đầu tháng
Giêng tại vùng biển quanh quần đảo Natuna, Indonesia đã đáp trả việc các tàu
hải cảnh và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Indonesia bằng
cách điều chiến hạm và chiến đấu cơ đến khu vực này. Sau đó các tàu hải cảnh
Trung Quốc đã rút đi.
Việt Nam cũng có thể trả đũa tương tự, với việc triển khai
các chiến hạm lớp Gepard, tàu ngầm lớp Kilo và chiến đấu cơ đa năng Su-30MMK để
chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền, mặc dù có thể khiến nguy cơ xung đột lớn
hơn, và như vậy cần phải thận trọng điều chỉnh.
Trong mức độ răn đe thấp nhất, Việt Nam có thể điều lực
lượng tuần duyên và dân quân biển mới được thành lập thường xuyên tuần tra
quanh các thực thể tranh chấp, tương tự như cách mà Bắc Kinh vẫn làm từ nhiều
năm qua. Tuy nhiên, phương thức này có thể gây tốn kém rất nhiều trong khi nguồn
lực thì eo hẹp.
Tận dụng vị trí ở
ASEAN và Liên Hiệp Quốc
Ở cấp độ đa phương, Hà Nội cũng có những biện pháp khả thi
để đẩy mạnh đấu tranh. Năm nay, Việt Nam vừa là chủ tịch luân phiên ASEAN, vừa
là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Mặc dù vấn đề phối hợp đối phó với đại dịch virus corona về
cơ bản đã chiếm mất chương trình của ASEAN năm 2020, Hà Nội vẫn có thể tìm cách
thúc đẩy các nước thành viên tiến đến hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử mang tính
ràng buộc, có lợi cho an ninh của Việt Nam. Có những tin đồn là Hà Nội có thể
đang vận động kéo dài nhiệm kỳ chủ tịch đến năm 2021, để có thêm thời gian gây
ảnh hưởng trong vấn đề quan trọng này.
Trong khi đó tại Hội đồng Bảo an, Hà Nội đã ra công hàm phản
đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Việt Nam có thể cố gắng
làm cho vấn đề Biển Đông mang tầm vóc quốc tế quan trọng hơn, thông qua Hội đồng
Bảo an trong tương lai.
Tăng cường quan hệ với
Quad và các nước bị Bắc Kinh hà hiếp trên Biển Đông
Việt Nam cũng có thể tìm cách tiếp tục tăng cường quan hệ
đối tác an ninh với các cường quốc – có thể kể Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ, và
cả Anh, Pháp – hỗ trợ Hà Nội ngăn chặn sự hung hăng ngày càng tăng của Trung
Quốc trong khu vực. Mặc dù khó có khả năng Việt Nam tham gia « bộ
tứ » (Quad) gồm Úc, Ấn, Nhật, Mỹ trong các cuộc tập trận hoặc tuần tra
chung nhằm chứng tỏ quyết tâm đoàn kết đối phó với Trung Quốc tại khu vực Ấn
Độ-Thái Bình Dương, Hà Nội có thể là đối tác đối thoại về vấn đề Trung Quốc.
Dù sao đi nữa, Việt Nam đã là thành phần của « Quad
Plus », cùng với New Zealand và Hàn Quốc trong việc hợp tác chống dịch
virus corona. Ngoài ra, Hà Nội có thể dựa vào sự hỗ trợ của các nước ASEAN có
cùng quan điểm. Trong những tháng gần đây, Philippines, Malaysia và Indonesia
tỏ ra phẫn nộ trước thái độ ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Ba quốc
gia này có thể tiến hành tập trận hoặc tuần tra chung, ý tưởng này đã được nêu
ra một cách không chính thức tại Philippines.
Cuối cùng, Sách Trắng quốc phòng mới nhất của Việt Nam công
bố hồi tháng 11/2019 đã mở ra cơ hội tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ. Văn
bản tái khẳng định chính sách « ba không » của Hà Nội - không tham gia liên minh quân sự nào, không cho nước
ngoài đặt căn cứ quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia. Tuy
nhiên cũng ghi chú là « tùy thuộc vào
hoàn cảnh và điều kiện cụ thể », Việt Nam có thể cân nhắc việc phát
triển các mối quan hệ quân sự và quốc phòng cần thiết với các nước khác.
Câu này cho thấy rõ là Hà Nội có khả năng nhờ Washington
hỗ trợ, nếu thái độ của Bắc Kinh trên Biển Đông không được cải thiện. Việt Nam
có thể trông cậy vào động lực đáng ngạc nhiên trong quan hệ với Washington
trong những năm gần đây, được nhấn mạnh vào ngày 11/03 khi tàu sân bay USS
Theodore Roosevelt ghé cảng Đà Nẵng. Đây là lần thứ hai một hàng không mẫu hạm
Mỹ đến thăm Việt Nam.
Cho dù hành động như thế nào đi nữa, tin tốt
lành là Việt Nam có nhiều chọn lựa hợp lý để đấu tranh mạnh mẽ hơn với Trung
Quốc trên Biển Đông. Hà Nội chỉ cần xác định xem mình có thể sẵn sàng đi xa đến
mức nào mà thôi.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.