mardi 14 avril 2020

Vũ Thư Hiên - Ông Bát Sách



Có một thời, mà không phải, còn nhiều thời tiếp theo nó, cái sự thích ở vài người được tôn thành quốc sách, thành giáo lý. Vài người là nói chung chung, chứ có khi chỉ một, hoặc hai thôi, nhiều lắm là ba, nhưng vài người ấy lại ngồi chót vót trên đỉnh cao quyền lực, mới khổ.

Kẻ không thích cái mà chúng và lũ hậu duệ a dua thích theo liền bị đóng nóng lên trán hai chữ “phản động” bằng thứ mực vô hình không thể tẩy xóa. Tên “phản động” lập tức được đưa tới những nơi không ai muốn đến, nhẹ nhất là bắt làm những việc không tên nào muốn làm.

Thế nhưng xét cho cùng thì cuộc đối đầu giữa cái thích và không thích nọ là sự xung đột giả vờ. Cái thích được trưng lên để che lấp cái khác, cái thể chế cai trị, chứ không phải chính nó. Cái không thích về thực chất cũng không có mục đích chống lại cái lý thuyết được dùng làm màn che cái sự cai trị ấy.

Người đứng ngoài cuộc cãi vã gọi cái lũ không biết thích đúng lúc và đúng chỗ là lũ gàn. Một tên trong lũ gàn tôn một tên gàn có hạng lên bậc trưởng thượng, gọi là “ông bát sách”.

Tên gàn nọ là Vũ Huy Cương. Còn kẻ được Cương tôn thành “ông bát sách” là Mạc Lân.

Vũ Huy Cương từng đi tù trong cái gọi là vụ án "nhóm xét lại chống Đảng", ra tù rồi thì chết bất đắc kỳ tử, là một anh chàng tếu táo, rất khoái đặt biệt hiệu cho bạn mình.

- Tại sao cậu lại gọi Mạc Lân là “ông bát sách” – tôi hỏi.
- Thế ông không biết “gàn bát sách” là gì à? - Cương trả lời – “Gàn bát sách” là cách nói dân dã chỉ sự siêu gàn, là cái đứng trên tất tần tật mọi loại gàn. Có phải thế không ạ?

“Có phải thế không ạ?” là câu cửa miệng nghe rất ngoan của Vũ Huy Cương, bất kể nói với ai. Nghe nói câu này từng làm cho mấy viên cán bộ hỏi cung tên tù gân Vũ Huy Cương lên máu.

Tôi im. Vũ Huy Cương xem ra có lý. Mạc Lân gàn thật. Và hơi nhiều.

Xem hình trong lá bài tổ tôm thì con bát sách là đàn bà, Mạc Lân là đàn ông. Ắt hẳn, theo cách nhìn của Cương, Mạc Lân phải là gàn đặc biệt trong lũ gàn.

Mà Mạc Lân là ai ? Vào cái thời những chàng trai hừng hực “cầm gươm ôm súng xông tới” thì anh chàng tót ngay lên tàu hỏa đi Nam để choảng nhau với quân đế quốc sài lang. Bây giờ có nhiều người nói đánh Pháp làm gì, cứ để nó ở với ta có phải hơn không. Nếu nói thế là gàn thì những người gàn như chàng vào thời ấy nhiều vô số kế. Chuyện chàng đi thế nào, đánh đấm ra sao, chàng không nói. Từ chiến trường trở vềchàng đi cà nhắc. Cái chân què là kết quả một trận chiến trên cầu chữ Y, Sài Gòn.

Tên cúng cơm của Mạc Lân là Lê Văn Lân, con trai trưởng nhà văn Lê Văn Trương lừng lẫy một thời. Tôi thích nhất truyện Người Anh Cả trong rất nhiều truyện ngắn truyện dài của Lê Văn Trương. Mạc Lân theo nghiệp viết lách của cụ thân sinh là tất yếu. Cái sự truyền nối ấy có nhiều, trong mọi gia đình.

Trong một trận chiến nào đó trong rất nhiều trận mà Mạc Lân có mặt, Lân không kể, nhưng người khác kể, rằng khi ôm người đồng đội hấp hối tên Mạc trong vòng tay, Lân bảo: “Mày sẽ không chết, Mạc ạ. Mày sẽ sống cùng tao”.

Mạc sống mãi với Lân để Lân trở thành Mạc Lân.

Cao lớn, xương xẩu, hùng hổ, Mạc Lân lại là bạn chí cốt của Dương Tường lẻo khoẻo hiền lành. Hai chàng chơi với nhau thân thiết hơn bất cứ cặp bạn nào trong lũ gàn.

Còn hơn thế, Mạc Lân và Dương Tường là hai tên nằm ở hàng đầu trong sổ đen, bắt đầu từ đám tang Dương Bạch Mai, người cộng sản bướng bỉnh đứng về phía dân đen bất đồng với những người cộng sản cầm quyền. Lũ gàn chung nhau một vòng hoa to nhất trong những vòng hoa viếng, đi ngay sau linh cữu trong dòng người đưa tiễn.

Nằm trong “Xà lim 1”, tục gọi “Xà lim Án chém”, tôi chắc hai ông bạn mình cũng đang nằm còng queo đâu đó trong một xà lim khác.

Hóa không phải.

Viên cục phó Cục chấp pháp gày còm trong áo vét dạ đen đã sờn hai cổ tay phụ trách việc tra hỏi tôi, giọng khoái trá cho tôi biết:

- Bè bạn anh ùn ùn kéo tới nhận tội, khai hớt về anh rùi. Anh có chối cũng vô ích. Cả hai thèng Mạc Lân, Dương Tường cũng vừa tới, khóc sướt mướt xin khai về anh. Khai xong, tui cho chúng hắn về. Với những kẻ biết miềng sai trái, tự nguyện khai báo, đảng bắt chúng mần chi.

Tôi bật cười. Tôi nhìn anh ta như nhìn một chú nhóc. Anh ta trợn mắt – có gì trong câu nói mà tôi thấy thú vị đến thế.

- Tao có đến thật – Mạc Lân cười toác - Nó nói không sai đâu. Tao có đến, nhưng chỉ để nói: Tôi, Mạc Lân đây, các anh có bắt thì bắt đi!

Mà anh cũng chẳng đến ngay khi tôi vào tù. Mấy hôm sau anh mới đến Bộ Nội vụ - ra khỏi nhà anh bị thương vì một cành cây to bất ngờ rơi xuống làm cái chân què thêm què, phải vào bệnh viện. Mà anh thì đang nóng lòng chờ bị bắt. Người ta lại không đến, mới kỳ. Rất có thể khi anh ra viện thì người ta đã khép lại danh sách bắt bớ. Mạc Lân không rơi vào tù là sự lạ. Chỉ có thể giải thích là tại cái số.

Về Dương Tường thì người nhà nước có lý:

- Cho thèng ni vô tù để hắn mần thơ à?

Trong chuyện này viên chấp pháp đúng.

Dương Tường, không hề, và chẳng bao giờ, dính líu với chính trị. Anh mắc bệnh làm thơ. Anh nhìn những cái chúng tôi không thấy, thí dụ như cái thành phố thơ mộng của chúng tôi khi chiến tranh vừa ập đến lập tức biến thành “cái âm hộ lở loét”. Mặc cho chúng tôi cười diễu, anh cứ làm cái thơ kiểu ngang cành bứa ấy cho tới khi được độc giả yêu thơ anh tôn anh lên hàng thi bá.

Tôi nằm tù lâu, không mảy may biết ở bên ngoài những bức tường kiên cố với vọng gác ba bề bốn bên có chuyện gì xảy ra.

Mạc Lân hóa ra chỉ bị lườm. Lườm là cách nói của chúng tôi chỉ những người không bị trấn áp thẳng tay. Anh chỉ bị mất việc, mất cách nào tôi không biết. Ra tù rồi, nghe anh em giải thích mới biết cơ quan chịu không nổi anh chàng ba gai, bèn cho về hưu non ở tuổi 41.

Hết làm cán bộ, lương hưu còi cọc, Mạc Lân kiếm thêm bằng nghề viết thuê. Viết thuê có cái hay của nó – phải vận dụng thói quen, cả trí tưởng tượng nữa, để tạo ra một cuốn sách. « May mà có thằng thuê – Mạc Lân giải thích - Chứ không thì chẳng biết xoay xở thế nào để sống. Bất đắc dĩ lắm thì phải làm cái việc mạt hạng ấy. Không làm thì biết làm cái gì. Văn chương hóa ra là một cái nghề, mày ạ. Nó không phải chỉ là sáng tác. Nó còn là cái cần câu cơm ».

- Tao hiểu. Tao cũng từng làm. Thằng Cương cũng thế.
- Thế thì mày biết đấy: bịa cái gì chứ bịa cái kiểu ấy vất vả lắm. Viết theo yêu cầu của khách nhất nhất phải toàn người tốt, việc tốt, theo chuẩn mực thời thượng. Phải ra sức gô cổ lũ nhân vật bịa đặt vào khuôn mẫu khách muốn.

Người thuê viết không phải cơ quan nhà nước. Người thuê là người cần cái danh. Họ nghe tiếng, biết Mạc Lân là người thế nào. Không phải anh đang trong cơn bĩ cực thì không thể thuê. Trả lại niềm tin của họ, anh không bao giờ tiết lộ những cuốn sách ấy.

- Chúng nó trả có khá không? – tôi hỏi.
- Không. Bèo lắm. Chúng nó đâu có phải mấy thằng kễnh được lâu la in sách, in thơ. Chúng nó cũng là cán bộ, cũng nghèo, tuy không đến nỗi mạt rệp, nhưng cũng phải chắt bóp, hy vọng rồi có được cái tiếng, trên biết đến, sẽ được đề bạt, được tăng lương.

Đang lúc Mạc Lân không có khách thuê viết thì vợ tôi, kỹ sư xây dựng, kiếm được cho anh chân gác nhà ở một chung cư mới xây dựng.

- Đó là thời gian tao sống sướng nhất đấy, mày ạ – Mạc Lân mơ màng – Mơ cũng chả thấy.

Khi Mạc Lân mơ màng, đôi mắt sáng quắc của anh mờ đi, hiền dịu hẳn.

- Chỗ ở rộng rãi nhá, điện nước tha hồ nhá, cứ nằm dài mà đọc, sách không thiếu, ông bạn làm thư viện cho mượn không bắt phải trả đúng hạn. Người ta phân nhà không có chuyện ào ào như phát chẩn đâu. Họ phải còn họp hành, thảo luận chán chê mê mỏi rồi mới quyết cho thằng A hay thằng B căn hộ A ở khu B, có khi cả tuần tao mới xách chùm chìa khóa đi bàn giao một lần.

- Bàn giao thế nào? Chỉ mình mày hay còn ai nữa?
- Mình tao thôi. Công việc là dẫn đứa nhận nhà đi xem căn hộ được nhận, bật mọi công-tắc cho nó thấy điện có, đèn cháy sáng, vòi nước chảy xoè xoè, toa-lét giật phát là thông, cửa rả chắc chắn, ổ khoá ngon lành, trơn tru, không hóc…

Vợ tôi kể:

- Được tin có việc làm, anh ấy vui lắm, như chưa bao giờ vui thế. Y như trẻ con ấy.
- Một hôm, có khách nhận nhà – Mạc Lân kể - Tưởng ai, hóa ra thằng Việt Phương. Nó với tao có thời cùng đơn vị. Tao dẫn nó đi nhận. Tao bảo nó: “Sau vụ Cửa Mở” mày vẫn thuộc về giai cấp “hai lỗ đít” à? May thật.

Giai cấp “hai lỗ đít” là chỉ những người được “phân” hai căn hộ thông nhau, có hai hố xí.

Viên thư ký cho thủ tướng kiêm nhà thơ đỏ mặt, cười khì.

Một vụ trưởng quen đến nhận nhà, cũng là bạn cũ, cũng thuộc giai cấp “hai lỗ đít”, anh ân cần dặn:

- Mày là có tu-bin, tao biết. Nhớ dặn tài xế nhé: chạy vào khu này phải có ý một chút. Giai cấp cơ sở không thích được “phân” bụi đâu – ho lao nhiều lắm đấy. Tao đi bán máu ở Bạch Mai gặp họ cả lũ.

Tất nhiên, với những người khác anh lầm lì bàn giao, đúng tư cách người gác nhà.

Mạc Lân cũng có những người bạn làm quan “nhưng mà tốt”. Mặc cho Mạc Lân đay nghiến diễu cợt mình, một phó chủ tịch thành phố Hà Nội, thấy bạn mình khi ở nhờ, khi ở thuê, chỗ nào cũng là chui rúc, đã vượt mọi quy định, mọi nguyên tắc, chạy cho Mạc Lân một căn hộ ở Cầu Giấy.

Thời gian qua lâu rồi, có nói tên anh bạn phó chủ tịch thành phố ấy chẳng chết ai, nên tôi ghi tên anh ở đây - Ngô Quốc Hạnh. Cùng trang lứa với Mạc Lân, Hạnh có thể cũng không còn, đoạn ghi này là để cho con cháu Hạnh biết mà tự hào về cha, về ông mình.

Ra tù rồi, tôi lăn lộn làm mọi việc không bao giờ nghĩ tới để kiếm ăn. Vào Sài Gòn sau Mạc Lân hai mươi lăm năm, tôi thấy ở thành phố này một vùng đất khác hẳn, với những con người khác hẳn. Cuộc đời tôi lên hương từ đấy.

Một lần ra Hà Nội, tôi đến thăm Mạc Lân. Nhà Mạc Lân là một căn phòng hẹp trong mấy căn phòng nối tiếp nhau ở ngoại ô gọi là nhà, tất cả đều ọp ẹp, xiêu vẹo. Lân đi vắng. Ngồi đợi, tôi nghe mấy bà nội trợ tranh cãi ỏm tỏi về số điện được ghi trong một cái công-tơ chung.

Tôi lẳng lặng bỏ đi, vào nội thành tìm công ty điện máy mua một cái công-tơ, nhờ ông bạn ở đấy tìm anh thợ điện lo mọi thủ tục lắp nó cho căn hộ của Mạc Lân. Tay trong làm việc nhanh, bồi dưỡng không nhiều.

Thay vì một nụ cười, tôi nhận được một cái lườm khét lẹt:

- Ai bảo mày làm cái chuyện bá vơ ấy? Mày đâu có nhiều thời giờ. Tao không khiến.
Cứ như thể tôi vừa làm ra một cái tội.

Sau mới biết cái Mạc Lân kỵ nhất là sự thương hại.

- Thằng đàn ông bị người ta thương hại là thằng chết rồi.

Một chuyện nữa. Cái xe đạp cà tàng của Mạc Lân xích rão, lốp bó dây gai, bàn đạp chỉ còn là hai cái que nhọn hoắt, tôi bảo:

- Phải sắm cái khác thôi, Lân ạ. Nó tã quá rồi.

Lân trợn mắt:

- Mày lại định mua cho tao cái xe mới chứ gì? Tao đếch cần. Tao đếch thích thằng nào lo cho tao, nói cho mày biết.

Tôi luống cuống:

- Tao có thương đếch gì mày đâu. Nhưng đi thế nguy hiểm lắm. Để tao gọi thằng thợ đầu xóm vào đây cho nó chỉnh lại mấy thứ xộc xệch… Tao là tay thợ, tao sẽ chỉ cho nó sửa đến nơi đến chốn.

Lân gãi đầu:

- Dưng mà tao có việc phải đi bây giờ.
- Lấy xe tao mà đi.
- Thế thì được.

Tôi dẫn anh thợ vào, sẵn đồ nghề, lại sẵn vật liệu, anh ta bắt tay thay mới cả loạt thứ hư hỏng. Khi Mạc Lân trở về, thấy xe mình chỉ còn cái khung là như trước, lắc đầu:

- Mày là thằng quái. Đồ lừa đảo.

Tôi thở phào. Tôi sợ cái tính khí kỳ quái của Mạc Lân. Thế là gàn chứ còn gì nữa. Nhưng may cho tôi, Mạc Lân lần này không nổi giận. Những chuyện tương tự chẳng xảy ra với mình tôi.

Ngày Mạc Lân đi khỏi thế gian, tôi không có mặt.

Ở bên kia trái đất, tôi âm thầm chùi nước mắt khóc bạn, một mình.

Dương Tường đã thay mặt chúng tôi, những thằng bạn của con người gàn dở đáng yêu, đọc lời tiễn biệt:

“..Người vừa nằm xuống đây đã uống ly đời của mình đến tận cặn, nói cách khác, đã sống hết, sống trọn phần sống của mình, cái phần sống nhiều cay đắng khổ đau hơn vui sướng ngọt bùi, nhiều bất hạnh hơn may mắn, sống kiệt cùng phần sống ấy không ăn gian ngay lấy một ngày. Anh chỉ muốn được gọi đơn giản là một người tử tế, như anh trối trăng lại với chúng tôi cách đây vài ngày, trước khi chìm vào hôn mê.

...Và giờ đây, con người tử tế ấy, Lê Văn Lân tức Mạc Lân, tự vệ thành Hoàng Diệu năm 1945, một trong những chiến sĩ Nam Tiến đầu tiên năm 1946, phóng viên mặt trận của Đại Đoàn 304 trong Kháng chiến chống Pháp đã ra đi.

Không hiển vinh, không hào quang rực rõ, giản dị chừng nấy thôi.

Hôm nay, đưa tiễn Mạc Lân, chúng tôi đồng thời cũng đưa tiễn tuổi trẻ của mình, cái tuổi trẻ của một thế hệ đã từng sống những ngày gấp ruổi không kịp lấy hơi suốt những chặng đường của Cách Mạng Tháng Tám và hai cuộc chiến tranh, một thế hệ mà, mặc dù đôi lần lỡ bước, vẫn không hề nuối tiếc và, nếu như được sống lại những thời gian qua, ắt cũng vẫn sống đúng lòng mình nguyên vẹn như xưa…

Trước linh cữu Mạc Lân hôm nay, được phép thay mặt bạn bè , tôi chỉ nói lời tạm biệt .

... tất cả cũng sẽ gặp lại nhau ở cõi Bên – Kia, nơi ấy chắc không còn bon chen, tị hiềm và thù hận, mà chỉ có cực lạc và tình yêu.

Thế nên, hãy nhẹ bước thanh thản mà đi, Mạc Lân ơi! "

Chợt nhớ một câu triết lý của bạn mình:

- Tiếng Việt của ta hay đáo để. Người ta hay nói “ước mơ” là có lý lắm. Chúng ta thường ước, để rồi thấy cái ước ấy chỉ là mơ thôi.

Đã có một thời như thế. Ghi lại cho khỏi quên.

Mạc Lân ra đi tính đến hôm nay, 14.4.2020, là vừa tròn mười bốn năm.

Vâng, mười bốn năm đã trôi qua.

Như một cái lá rơi vèo.

VŨTHƯ HIÊN 13.4.2020

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.