“Có rất nhiều người nhận gạo chuyên nghiệp. Một ngày
nhận đến mười mấy lần. Nếu một, hai lần thì tôi không nói nhưng nhận quá nhiều
lại còn có đường dây, tổ chức. Họ chuẩn bị cả quần áo để thay, đi một nhóm từ
4-5 người lần lượt vào lấy. Khoảng 5-10 phút sau, họ quay lại với quần áo
khác”.
Câu chuyện ứng xử
thiếu nhân văn với cậu (cô) bé áo đen tại cây ATM gạo mấy ngày trước thiết nghĩ
không có gì để bào chữa. Nhưng lời trần tình trên báo Thanh Niên sáng nay của
anh Hoàng Tuấn Anh- người làm ra ATM gạo đầu tiên đáng để suy ngẫm về một thực
tế buồn.
Quán cơm Nụ Cười
do đặc thù là ăn tại chỗ, không được mang về (trừ một số trường hợp đặc biệt
như quá nghèo khổ, già yếu, bệnh tật mà quán đã xác minh) nên ít xảy ra trục
lợi.
Tuy nhiên trong
đợt dịch này, các quán Nụ Cười không bán mà tặng cơm mang về 1-2 suất/người
(phần lớn là hai suất), tiêu cực lập tức diễn ra. Đúng y như những gì ông chủ
ATM gạo nói: “họ rất chuyên nghiệp, đi
từng nhóm, và lấy liên tục...”.
Những kẻ này đông
và lộng hành đến nỗi trong một đợt phụ quán tặng cơm, một cán bộ UBND P.13, Tân
Bình đã bất bình: “Trời ơi, tôi thấy họ
lấy mười mấy hộp rồi đứng bán lại kìa”.
Những đợt quán
tặng quà người nghèo, những kẻ này kéo đến càng đông hơn, quay đi quay lại lấy liên
tục rồi thản nhiên tụ tập lại chia chác và...bán lại cho những người nghèo khổ
khác ngay cách quán chỉ vài bước chân. Chúng tôi biết chứ, nhưng làm sao bây
giờ?
Trong mùa dịch,
ai đến nhận cơm chúng tôi đều thường xịt nước sát khuẩn vào tay. Dù mỗi quán
nấu hơn 900 suất/ngày, và hầu như mỗi người chúng tôi đều tặng 1-2 phần cơm (2
phần là chủ yếu), nhưng vẫn có rất nhiều người quay đi quay lại lấy 4-5 lần,
dẫn đến tình trạng chưa đến 11 giờ trưa, rất nhiều người nghèo khác đến mà cơm
đã hết.
Để hạn chế tình
trạng này, mới hôm rồi cô nhân viên của quán nảy ra “sáng kiến” pha màu vào
nước sát khuẩn (màu này đến chiều sẽ phai). Vậy đó, mà đã có cư dân mạng “nâng
quan điểm” phê phán nặng nề và gọi đó là “dấu ấn ô nhục”.
Đương nhiên việc
làm này không phải là chủ trương của quán và khi biết được chúng tôi đã yêu cầu
ngưng lập tức. Nhưng nếu mỗi ngày bạn đều phải nghe những tiếng thở dài buồn
thiu, nhìn những con người thất vọng quay đi vì hết cơm bạn sẽ làm gì?
Sẽ có bạn cho
rằng “cũng vài hộp cơm, tí quà chứ mấy làm gì mà nghiêm trọng vậy”, và “Họ cũng
là những người nghèo, vất vả...” Điều này có thể bỏ qua NẾU số lượng cơm, quà
nhiều hơn số người nghèo cần nó.
Đáng buồn, thực
tế ngược lại hoàn toàn. Quà dù nhiều Mạnh Thường Quân đóng góp nhưng vẫn như
muối bỏ bể. Cơm một quán nấu tối đa chỉ được 1.000 suất/ngày. 9h30 tặng cơm,
nhưng khoảng 7h30, 8h người nghèo đã xếp hàng chờ (ảnh). Và gần 1.000 suất cơm
thường hết veo trong chưa đầy 1 tiếng.
Mỗi ngày, có nhìn
hàng người dài thườn thượt xếp hàng chờ nhận cơm, có chứng kiến những người mà
đến 2.000 đồng lận lưng cũng không có mới thấy giận những kẻ kiếm chác trên nỗi
khốn khó của đồng loại như thế nào.
Họ không đơn giản
là giành với người nghèo những hộp cơm, túi quà, bao gạo mà họ đã thật sự “giết”
những người nghèo. Họ gây sự nghi kỵ, ngờ vực. Họ cướp từ những người có lòng
tốt một thứ rất quý giá nhưng đôi khi cũng rất mong manh: NIỀM TIN.
NGUYỄN TẬP
24.04.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.