Năm ngày trước, 12/2/2020, trên cả nước,
hàng vạn thanh niên lên đường gia nhập quân đội. Những người lính mới ấy liệu
có biết, có được nghe đến câu chuyện anh hùng của những đồng đội, cũng trẻ
trung như mình, cũng vào những ngày sau Tết nguyên đán này, 41 năm trước đã chiến
đấu giữ gìn biên cương, sơ tán dân, cứu dân, bỏ mình sau khi bắn những viên đạn
cuối cùng.
Đúng ngày này, 17/2, 41 năm trước.
Ngày 17.02.1979, Trung Quốc xâm lược Việt
Nam trên toàn tuyến biên giới, đốt sạch, phá hết mọi thứ trên đất Việt Nam, giết
hại dã man dân thường. Đây là cuộc xâm lược thứ 17 của Trung Quốc trong lịch sử
2000 năm của nước ta, mỗi lần đều bị quân dân ta đánh đuổi để bảo vệ Tổ Quốc
ta.
Có một bút ký mà năm nào tôi cũng đọc lại,
“Hoa đào biên viễn”, nhà báo Đào Tuấn đã viết cách đây 6 năm, trong chuyến
đi thăm lại chiến trường khốc liệt dọc các tỉnh biên giới phía Bắc. Bút ký dài,
xin trích đoạn cuối.
“... Dấu tích chiến tranh còn lại giờ phải
chăng chỉ là lau lách, rác rến, sự hoang tàn và lãng quên?
Tấm bia “thảm sát Tổng Chúp” (Cao Bằng)
giờ vẫn còn sau 35 năm, dù chiếc giếng cạn, nơi năm xưa chứa đầy xác phụ nữ, trẻ
em bị hành quyết bằng rìu bổ củi giờ đã lấp đầy cây lá. Để vào thăm, người ta
phải trèo tường, nhảy suối, chui rào và chui qua một khu vườn có chủ.
.....
.....
Ở Lào Cai, có tấm bia trấn ải đã được dựng
lên (vào 2014). Ngay bên tay phải đồn biên phòng tiền tiêu Pha Long, Mường
Khương, Lào Cai. Tấm bia có những dòng chữ mới, được in trên đá:
Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định.
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định.
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ.
Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh dịch: Nguyên Thần
được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời.
Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm (điều đó). (Có) rồng
phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây.
Tấm bia trấn ải này nằm đối diện đài tưởng
niệm các anh hùng liệt sĩ ghi từng hàng, từng hàng tên tuổi của 37 liệt sĩ đã
hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc được khắc chìm trong đá xám.
Và trong đá núi, vẫn nghe âm vang lời
vĩnh biệt nhói trời Pha Long...
Năm ấy, tháng 3/1979, những chiến sĩ công
an vũ trang còn trẻ măng đã đánh đến viên đạn cuối cùng. Và sau viên đạn cuối
cùng đó, một người lính Pha Long đã gửi bức điện về hậu phương.
Bức điện vỏn vẹn có vài chữ:
"Chúng tôi hết đạn. Vĩnh biệt !"
Lời chào cuối nhắc nhớ những câu thơ của
Vương Trọng:
Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng
Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long
Đến lúc này tôi mới hiểu ra
Vì sao đường Biên giới bản đồ
Của Tổ quốc được tô màu đỏ!
Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long
Đến lúc này tôi mới hiểu ra
Vì sao đường Biên giới bản đồ
Của Tổ quốc được tô màu đỏ!
Và không hiểu sao, năm đó, chỉ duy nhất một,
trong số gần bảy chục gốc đào ở Pha Long đơm hoa.
Bia trấn ải bây giờ đang là những ngôi mộ
liệt sĩ la liệt khắp dải biên cương, những anh hùng giữ nước mà thế hệ lính mới
hiện nay và tất cả người trẻ Việt Nam cần được biết trong cảm xúc thiêng liêng, tự
hào khi nhắc đến hai chữ “Tổ Quốc”.
Một câu hỏi: Có bao nhiêu cuốn sách về cuộc
chiến vệ quốc 41 năm trước, về những người anh hùng năm ấy được in, để đặt cạnh
những cuốn sách đồ sộ ca tụng Đặng Tiểu Bình, kẻ ra lệnh cho quân Trung Quốc
xâm lược Việt Nam, đang bán đầy các hiệu sách?
VŨ KIM HẠNH 17.02.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.