Phải dành một ngày quên đi chuyện Covid-19
để tưởng nhớ đến một người rất quan trọng: Hòa thượng Thích Quảng Độ (*). Thầy
mới qua đời ở chùa Từ Hiếu (Sài Gòn) hôm thứ Bảy 22/2/2020, thọ 93 tuổi. Vậy là
thêm một học giả lừng danh của thế hệ vàng Phật Giáo Việt Nam đã về bên kia thế
giới. Cuộc đời và sự nghiệp Phật học của Thầy Quảng Độ có thể gói gọn trong hai
chữ: cống hiến và đấu tranh. Cống hiến trong vai trò một bậc chân tu, và đấu
tranh bất bạo động trong vai trò của một trí thức dấn thân.
Hai hòa thuợng nổi danh cùng thời về cõi
vĩnh hằng, nhưng phản ứng của báo chí (và Nhà nước) thì rất khác. Năm ngoái,
khi Hòa thượng Thích Trí Quang qua đời, báo chí Nhà nước đồng loạt đưa tin, kèm
theo những bài viết phân ưu đặc sắc. Năm nay, khi Hòa thượng Thích Quảng Độ
viên tịch, chẳng có báo chí Nhà nước nào đưa tin! Thật ra, báo Tuổi Trẻ có đưa
tin, thế nhưng chẳng hiểu vì sao mà bản tin và bài viết đã bị rút khỏi mạng trực
tuyến. Thái độ ứng xử của báo chí (hay đúng hơn là của Nhà nước) làm cho người
quan sát phải tự hỏi: tại sao. Lý do sâu xa có lẽ liên quan đến cuộc đời và sự
nghiệp của hai vị hòa thượng rất ư khác nhau.
Có lẽ nói không ngoa rằng Hòa thượng Trí
Quang có nhiều hoạt động được nhà cầm quyền đương thời có cảm tình, có khi cả
ưu ái. Nhưng Hòa thượng Quảng Độ thì hình như không được nhà cầm quyền có cảm
tình. Mỗi người một cách và đóng góp. Tôi thì nghĩ cuộc đời và sự nghiệp của Thầy
có thể tóm lược trong hai chữ: cống hiến và đấu tranh. Cống hiến cho Phật học
như là một học giả và đấu tranh cho sự độc lập của Phật giáo như là một trí thức
dấn thân.
Đóng góp cho Phật học
Một hôm, chừng 10 năm trước, tôi lang
thang ở khu bán sách cũ trên đường Cộng Hòa cũ thì 'gặp' Hòa thượng Thích Quảng
Độ. Tôi miên man đọc cuốn sách 'Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận', lật lại
trang đầu thì thấy tên dịch giả 'Thích Quảng Độ'! Và, nhà xuất bản Lá Bối.
Tôi thầm thán phục Thầy. Hồi nào đến giờ tôi chỉ biết Thầy là người đấu tranh
cho Phật giáo, chớ chưa biết ông còn là một học giả. Thấy tôi có vẻ say sưa với
cuốn sách, chị chủ tiệm sách nhìn tôi với ánh mắt thân thiện và hỏi 'Anh mua
cuốn đó hông, tui bớt giá cho. Sách loại này giờ hiếm lắm.' Mà, hiếm thật,
vì sách xuất bản từ trước 1975 thì hoặc là đã bị thiêu đốt hoặc cấm lưu truyền
hoặc in lại nhỏ giọt. Dĩ nhiên là tôi mua sách và trả y giá. Chẳng những mua cuốn
đó, tôi còn 'tậu' luôn cuốn 'Truyện cổ Phật giáo' và 'Dưới mái chùa
hoang' cũng qua biên giải của Thầy Quảng Độ. Thế là cái tên của thầy trở
thành 'radar' ngưỡng mộ của tôi.
Trước 1975, Thầy Quảng Độ nổi tiếng là một
hòa thượng - học giả. Thầy từng được bầu làm Tổng thư ký Viện Hóa Đạo (của Giáo
hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt) vào năm 1965. Thầy cũng từng là giảng viên
môn Triết học Đông Phương và Tư tưởng Phật Giáo ở Đại học Vạn Hạnh (nay không còn
nữa). Thời đó, Đại học Vạn Hạnh, đại học tư thục đầu tiên của miền Nam, quy tụ
nhiều học giả nổi tiếng (ngoài Thầy Quảng Độ) còn có những người như Thích Nhất
Hạnh, Thích Minh Châu, Lê Mạnh Thát (Thích Trí Siêu), Thích Nữ Trí Hải, Hồ Hữu
Tường, và Đoàn Viết Hoạt. Tuy tồn tại chỉ trên dưới 10 năm (1964 - 1975), nhưng
Đại học Vạn Hạnh đã có những đóng góp quan trọng cho văn hóa - giáo dục miền
Nam. Ban Tu Thư của Đại học Vạn Hạnh đã có công biên dịch nhiều sách quan trọng
về Phật Giáo, trong đó có những tác phẩm của Thầy Quảng Độ.
Có thể xếp Hòa thượng Thích Quảng Độ
trong nhóm các học giả Phật Giáo trong thời 'vàng son' như Thích Minh Châu,
Thích Huyền Quang, Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ. Đó là một thế hệ học giả có thực
học và thực tài, uyên bác, và đã để lại những công trình học thuật có giá trị
cho tới ngày nay. Một trong những tác phẩm Thầy Quảng Độ để lại cho đời là bộ
sách "Phật Quang Đại Từ điển" gồm 9 tập với hàng vạn trang
sách, được xuất bản năm 2014.
Bộ sách "Phật Quang Đại Từ điển"
có một lịch sử ly kỳ, vì được viết trong nhà tù, nhưng biên soạn lại sau khi ra
tù. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của RFA, Thầy Quảng Độ tiết lộ rằng năm
1995 trước khi vào tù, Thầy có yêu cầu quản giáo cho thầy tiếp tục soạn bộ Phật
Quang từ điển trong nhà tù Ba Sao (ngoài Bắc). Nhưng thay vì đem bộ từ điển
vào tù để dịch, quản giáo chỉ cho Thầy ... giấy trắng. Thầy kể:
"Giấy mỗi lần họ phát cho mình một tập,
họ đánh số vào đó mỗi một tập 80 trang. Thế rồi họ phát cho một cây bút. Thế rồi
họ đề ngoài cái trang bìa ngoài cùng là ông cán bộ nào mà trực nhật ngày đó. Thế
hết tập đó thì mình mới trả để họ giao tập mới, Bút cũng thế, viết hết mực thì
phải trả quản bút hết mực cho họ, họ mới cho bút mới. Đấy, họ kiểm soát như thế
đấy.Kiểm soát thế cũng tốt bởi vì tôi có công việc làm."
Trong điều kiện nhà tù như vậy mà Thầy
cho ra một bộ từ điển cả cả chục ngàn trang! Sức làm việc và trí tuệ thuộc hạng
siêu. Đến ngày 2/9/1998, Thầy được trả tự do, nhưng bộ từ điển Thầy biên dịch
thì ban quản giáo nhà tù giữ lại; họ yêu cầu Thầy phải làm đơn xin, nhưng Thầy
nói không, vì cho rằng thật vô lý khi mình đi xin cái của mình! Thế rồi, sau
khi ra tù, Thầy soạn lại bộ từ điển. Thầy thuật lại rằng:
"Tôi về tôi bỏ ra hai năm trời tôi
làm lại, tôi không xin ai hết. Xin nó phải hợp lý cơ. Như mình đói mình đi xin
ăn, người ta cho, mình cảm ơn. Còn ở đây là của mình mà họ giữ chứ mình có gửi
đâu!"
Tính chung, Thầy Quảng Độ đã biên dịch 13
bộ/quyển sách về Phật Giáo. Ngoài ra, Thầy còn để lại hai tập thơ viết trong tù
và lưu đày.
Đấu tranh cho Phật giáo
Sau 1975, một số học giả / tu sĩ Phật
Giáo lừng danh đều có chung số phận: đi tù. Họ đi tù vì đấu tranh cho một hệ Phật
Giáo độc lập với Nhà nước. Trước năm 1975, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt
(GHPGVNTN) là tổ chức hoằng pháp có uy tín vì qui tụ những học giả nổi tiếng và
có những hoạt động tôn giáo - xã hội tích cực (như Đại học Vạn Hạnh và các
trung tâm giáo dục, đoàn thể xã hội). Sau 1985, nhà cầm quyền muốn GHPGVNTN phải
nhập với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (không có chữ 'thống nhứt') dưới sự quản
lý của Nhà nước. Nhưng các thầy trong GHPGVNTN không chấp nhận chủ trương đó. Họ
phải trả giá tù đày cho sự phản kháng đó.
Thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu từng bị bắt
và tuyên án tử hình vào năm 1984. Nhưng sau khi được chánh phủ một số quốc gia
Âu Mỹ can thiệp, hai thầy được trả tự do ngày 31/8/1998 (sau 14 năm bị giam
trong nhà tù). Cá nhân tôi dù chưa một lần hạnh ngộ, nhưng rất ngưỡng mộ hai thầy
vì kiến văn cũng như Phật học, và càng kính trọng hơn về nhân cách bình thản
trước bản án tử hình.
Thầy Quảng Độ cũng đi tù, thậm chí còn bị
tù đày dài hơn các học giả khác. Năm 1977, Thầy
bị bắt giam vì không chấp nhận sự kiểm soát của Nhà nước đối với giáo sự
Phật giáo. Năm 1982 Thầy và mẹ bị đày về Thái Bình, mãi đến 1992 Thầy vào Nam.
Vào Nam, năm 1995, Thầy Quảng Độ lại bị bắt và tuyên án phạt 5 năm tù giam và 5
năm quản chế tại gia, nhưng đến năm 1998 thì được đặc xá. Theo RFA, một trong
những điều kiện Thầy Quảng Độ được đặc xá là Thầy phải đi Mỹ, nhưng Thầy nhứt định
không đi. Năm 2018 Thầy lại bị buộc phải về Thái Bình, nhưng trong cùng năm Thầy
lại quay về Sài Gòn và trú ngụ tại chùa Từ Hiếu cho đến ngày qua đời. Có thể
nói cuộc đời của Thầy Quảng Độ sau 1975 là rất ư 'sóng gió' trong việc đòi sự độc
lập cho Phật Giáo Việt Nam.
Phật giáo thế hệ 'vàng' và Phật giáo ngày
nay
Thầy Quảng Độ là thuộc thế hệ vàng của Phật
giáo Việt Nam. Thế hệ đó góp phần định hình một nền văn hóa Phật giáo ở miền
Nam, và dấn thân vì đạo và đời. Tất cả họ đều là những bậc chân tu và trí thức.
Thế hệ đó giờ càng ít hơn, vì đã có quá nhiều người qua đời hay đang ở tuổi
'xưa nay hiếm', và khó có người thay thế. Ngày nay, nhiều khi người ta không
phân biệt được ai là tu sĩ và ai là cán bộ. Lại còn có sự lẫn lộn (hay áp đặt)
thần tượng thành Phật. Ngày nay, nhiều tu sĩ có bằng tiến sĩ và những chức danh
rộn ràng, nhưng đóng góp của họ cho đạo pháp và Phật học thì lại là một câu hỏi
lớn.
Sự ra đi của Thầy Quảng Độ có lẽ chẳng
làm cho nhà cầm quyền bận tâm, nhưng những Phật tử chân chánh phải suy nghĩ.
Suy nghĩ về tương lai của Phật giáo Việt Nam. Nếu nhìn vào những ngôi chùa hoành
tráng và những lễ hội được các quan chức viếng thăm, người ta có thể nghĩ rằng
Phật giáo Việt Nam đang phát triển tốt. Có lẽ bề mặt là vậy, nhưng nó che đậy
những thoái hóa đằng sau. Thời buổi mà đồng tiền và chánh trị thống trị, nhiều
tu sĩ đã bị tha hóa về đạo đức, tranh giành quyền lực, và quên đi sứ mệnh của
Phật giáo: giác ngộ và diệt khổ cho chúng sanh. Có người cho là thời ‘mạt
pháp’, cũng không quá xa với thực tế.
Phật giáo Việt Nam khởi đầu từ miền Bắc
nhưng cũng suy thoái từ miền Bắc. Có thể nói sự suy thoái bắt đầu từ 1945 trở
đi, và đặc biệt là sau Cải cách ruộng đất. Ngày nay, Phật giáo có khi như là một
hệ thống doanh nghiệp có mô hình tổ chức như một ... đảng. Năm nào tôi cũng có
dịp ra Hà Nội và lưu trú gần trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đường
Quán Sứ. Đi ngang đó thấy những chiếc xe sang trọng và xa xỉ (trong nước gọi là
'siêu xe') mang biển màu xanh, là biết ngay có sự nhập nhằng giữa thế quyền và
Phật pháp. Rồi vô số những bản tin về các vị tu sĩ và hành xử của họ chỉ làm
cho Phật tử ngao ngán và tự hỏi có phải thời mạt pháp đã đến. Rất có thể. Rất cần
một thế hệ như thế hệ của Thầy Quảng Độ thì may ra mới khôi phục được Phật giáo
Việt Nam.
Thầy Quảng Độ đã tạ thế (hay 'chuyển nghiệp')
sau hơn 90 năm ở trọ cõi trần. Trong thời gian 90 năm đó, dù với những sóng gió
và dao động lịch sử, Thầy vẫn cống hiến cho cả đời và đạo pháp đúng với vai trò
của một bậc chân tu và một trí thức dấn thân.
NGUYỄN VĂN TUẤN 24.02.2020
(*) Theo tiểu sử, Thầy sinh ngày
27/11/1928 ở xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tên khai sanh là Đặng
Phúc Tuệ. Chẳng biết thầy vào Nam năm nào, nhưng sự nghiệp Phật pháp của Thầy lừng
danh ở miền Nam.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.