THỦY ĐIỆN LUANG PRABANG, THÊM MỘT THẢM HOẠ
MÔI SINH CHO ĐBSCL VIỆT NAM VÀ LƯU VỰC
Gửi 20 triệu cư
dân ĐBSCL
Gửi Nhóm Bạn Cửu
Long
NGÔ THẾ VINH
Chỉ còn hơn ba tháng nữa là hết
hạn tiến trình Tham khảo Trước [10/
2019 –4/ 2020] cho dự án Luang Prabang. Nếu không có hành động tức thời và
chuyển biến quyết liệt từ phía Việt Nam, lễ
động thổ - ground breaking khởi công xây con đập Luang Prabang sẽ diễn ra
vào tháng 4/2020. Đó sẽ là một ngày tang tóc cho toàn thể 20 triệu cư dân 13
tỉnh Miền Tây, mà vòng khăn tang đó lại do chính Nhà Nước Việt Nam tự quấn lên
đầu người dân mình.
Với một Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang bị
tổn thương như hiện nay, chúng tôi nhận định và cả với niềm xác tín rằng: dự án
đập Luang Prabang do Việt Nam là chủ đầu tư, không những không có lợi lộc gì
cho dân cho nước mà hoàn toàn có hại, khiến cho cả một vùng châu thổ là ĐBSCL
ngày càng bị tổn thương trầm trọng hơn.
Bài viết này gửi tới 92 vị Đại
biểu Quốc hội của 13 tỉnh Miền Tây, mà chúng tôi kỳ vọng quý vị như một toán
đặc nhiệm – task force, trong quyền hạn có thể phản ứng nhanh, tạo bước đột phá, tránh được
một sai lầm chiến lược trong lưu vực sông Mekong và cả cứu nguy ĐBSCL – vùng mà
các vị đang đại diện.VIỆT NAM: MỘT SỰ VẮNG MẶT RẤT KHÓ HIỂU
Bản tin tiếng Anh cuối năm trên RFA ngày 30/12/2019, chính phủ Lào cho biết Đập Luang Prabang có thể sẽ khởi công 2020 sớm hơn dự kiến.
Hình 1_ Những
chiếc ghe buông neo trên bờ sông Mekong gần nơi xây đập thuỷ điện Luang Prabang bắc Lào [nguồn: RFA].
Bản tin viết: “Luang Prabang có thể
được khởi công xây trước kế hoạch, sau con đập Xayaburi đã vận hành và đập Don
Sahong đang chạy thử, và sẽ là con đập thuỷ điện dòng chính thứ ba trên sông
Mekong của Lào.
Do được hỗ
trợ của chính phủ Thái nên dự án Luang Prabang có thể có bước nhảy vọt –
leapfrogging trước hai con đập Pak Beng và Pak Lay cho dù 2 dự án này đã hoàn
tất các giai đoạn Tham khảo Trước – prior consultation phases.
Một quan chức Bộ Năng lượng và Mỏ
của Lào đã nói với Đài Truyền Hình Số 3 của Thái Lan rằng chính phủ Lào tin
tưởng vào dự án. Chansaveng Boungnong, tổng giám đốc Phân bộ Chính sách Năng
lượng và Kế hoạch của Lào đã phát biểu: “Chính phủ Lào tin tưởng rằng công ty xây
đập Luang Prabang sẽ đưa ra một thiết kế tốt.” [Ghi chú của người viết: vẫn là công
ty CH. Karnchang Thái Lan đã xây con đập Xayaburi].
Chansaveng còn nói thêm: “Dự án được
tiến hành giống như đập Xayaburi, Luang Prabang có thể được xây trước 2 con đập
Pak Beng và Pak Lay.”
Đài BBC tiếng Thái cũng tường thuật
rằng Chansaveng đã tham dự một cuộc họp về tiến trình Tham khảo Trước trong
cùng ngày ở tỉnh Nakkon Phanom Thái Lan. Cũng trong cuộc họp này, Chansaveng
phát biểu tương tự: “Dự án Luang Prabang này có thể được khởi công trước 2 con
đập Pak Beng và Pak Lay vì được chính phủ Thái hỗ trợ.” [sic]
RFA đã không thể kiểm chứng với
chính phủ Bangkok về phát biểu của Chansaveng. Do dự án được sự đồng hỗ trợ -
project’s joint support, nên Lào hiện đang thương thảo với chính phủ Thái và
các công ty Thái Lan về việc mua điện của Lào và khi được ký kết công trình xây
đập Luang Prabang sẽ được khởi công tiến hành sớm. (1)
Nhận xét
của người viết: đọc qua suốt bản tin, cho dù công
ty quốc doanh PetroVietnam PV Power là chủ đầu tư chính nhưng chỉ thấy 2 đối tác
Thái Lan và Lào cùng nhau thương thảo để tiến hành mau chóng dự án Luang
Prabang và riêng Việt Nam thì hoàn toàn không được nhắc tới – một vắng bóng
phải nói rất khó hiểu. Không lẽ, Việt Nam góp 38 % vốn vào dự án 2.7 tỷ USD với
Lào, từ những đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của người dân, chỉ để đổ vào một
canh bạc “được mất” cho 2 tay chơi là Lào – Thái trong khi chủ đầu tư PetroVietnam thì chỉ có vai trò đứng
ngoài quan sát.
LUẬN CỨ BÊNH VỰC PETROVIETNAM VỚI LUANG PRABANG
Không phải chỉ có công ty quốc
doanh PetroVietnam Power Corporation, mà phải kể cả một đám cố vấn khoa bảng,
nếu không bị mua chuộc thì cũng do không có tầm nhìn chiến lược. Như một điệp
khúc – và cũng là một nguỵ tín / mauvaise
foi, khi họ luôn luôn nói rằng:
Lào là quốc gia nghèo nhất Đông
Nam Á; xây con đập Luang Prabang và các con đập dòng chính trên sông Mekong là
quyền của Lào. Không ngăn cản được Lào thì Việt Nam phải chủ động đầu tư xây
đập Luang Prabang thay vì nếu để cho Trung Quốc nhảy ngay vào, sẽ bất lợi hơn
nhiều.
Khi PetroVietnam là chủ đầu tư
chính, cũng giả định rằng Việt Nam sẽ chủ động được phần thiết kế và quy chế
vận hành, [sic] kể cả khả năng mua điện của Lào thay vì tiếp tục tẩy chay – boycott để rồi cuối cùng chỉ có Trung
Quốc hoàn toàn thao túng chiến lược thuỷ điện của Lào.
Hình 2_ Mekong cập nhật 2020: Trung Quốc
đã hoàn tất 11 con đập dòng chính trên sông Lancang-Mekong thượng nguồn. Lào đã
hoàn tất 2 con đập dòng chính Xayaburi và Don Sahong. Dự án Luang Prabang 1410
MW lớn nhất sẽ là con đập thứ 3 trong chuỗi 9 con đập dòng chính của
Lào và điều rất nghịch lý là do PetroVietnam Power Co. là chủ đầu tư và nằm trong vùng động đất bắc
Lào. Xayaburi, đã bắt đầu vận hành từ ngày 29.10.2019 trên
một khúc sông đang thiếu nước và cạn kiệt. [nguồn: Michael Buckley, Ngô Thế Vinh cập nhật
2020].
LUẬN CỨ HỦY BỎ ĐẦU TƯ DỰ ÁN LUANG PRABANG
Thứ nhất, bảo rằng Lào là quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á, nay không
còn đúng nữa. Từ 2017, lợi tức bình quân đầu người Lào theo thống kê của IMF
& WB [3/2019] nay đã cao hơn 3 bậc so với Việt Nam. (6)
Thứ hai, theo Thoả ước
Mekong 1995, thực sự Lào không có toàn quyền đơn phương quyết định xây các con
đập dòng chính trên sông Mekong. Bởi vì, với các điều khoản trong Thoả
ước 1995, tuy các quốc gia
thành viên không còn quyền phủ quyết nhưng Lào vẫn phải tuân thủ tiến trình PNPCA ba giai
đoạn: (1) Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, (2) Tham vấn
trước / Prior Consultation, (3) Chuẩn thuận / Agreement đã
cùng ký kết, để bảo vệ con sông Mekong như một mạch sống cho toàn lưu
vực.
Thứ ba, Việt Nam chứng tỏ không thực sự có quyết tâm muốn ngăn cản
các con đập dòng chính trên sông Mekong của Lào, cho dù đã biết là rất có hại
cho ĐBSCL, bởi vì rất sớm cách đây 13 năm từ 2007, nhà nước Việt Nam đã cho
phép công ty quốc doanh PetroVietnam ký Biên bản Ghi nhớ – MoU / Memorandum of
Understanding với chính phủ Lào nhận làm chủ đầu tư cho dự án Luang Prabang.
Thứ
tư, bảo rằng khi là chủ đầu tư dự án Luang Prabang, Việt Nam sẽ chủ động
được phần thiết kế, có thể tham gia ngay từ
đầu vào quá trình lựa chọn phương án thiết kế, thi công. Luận cứ này là một cái bẫy, trong thực tế, PetroVietnam
tuy đầu tư nhiều nhất nhưng chỉ với 38% sở hữu, với thiểu số ấy Petro Việt Nam
Power Co. không thể có toàn quyền để quyết định phần thiết kế. Cần mở thêm một
dấu ngoặc, là vẫn với công ty CH. Karnchang của Thái Lan, nhà thầu xây con đập
Xayaburi và bấy lâu đã chứng tỏ là không có một hồ sơ theo dõi tốt – no good track record.
Thứ năm, bảo rằng khi đập Luang Prabang xây xong, Việt Nam sẽ có
quyền chủ động trong quy chế vận hành công
trình trên cơ sở điều tiết đa mục tiêu, góp
phần giảm thiểu được tác động của không chỉ công trình thủy điện này mà còn của
tổ hợp các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.[sic] Nhưng bằng phương cách nào khi mà vị trí đập Luang Prabang nằm dưới
đập Cảnh Hồng của Trung Quốc và phía trên đập Xayaburi, với một khoảng cách xa
ĐBSCL hơn 1,500 km (Google maps), lại bị ngăn bởi những con đập hạ lưu khác, khả
năng điều hợp và tạo ảnh hưởng tích cực trên dòng chảy xuống tới ĐBSCL là không
đáng kể.
Thứ sáu, bảo rằng Trung Quốc sẽ thay thế ngay nếu Việt Nam rút khỏi
dự án Luang Prabang. Khả năng đó rất thấp khi mà Trung Quốc dẫn đầu thế giới về
công nghệ điện mặt trời, họ đã và đang mạnh mẽ chuyển hướng sang điện mặt trời
và thuỷ điện nay không còn là một đầu tư hấp dẫn. Cũng cần ghi nhận thêm là với
2 dự án Pak Beng và Pak Lay đều do Sinohydro của Trung Quốc đấu thầu, cho dù đã
hoàn tất tiến trình Tham khảo Trước
nhưng Trung Quốc không mặn mà với cả 2 dự án này, và chỉ dự tính bắt đầu xây
đập Pak Lay vào năm 2022. (4)
Thứ bảy, các dự án thuỷ điện mới không còn hấp dẫn giới đầu tư và
các ngân hàng cho vay, vì chi phí ngày càng tăng, thu nhập giảm, chưa kể những
hệ quả huỷ hoại trên hệ sinh thái với thiệt hại về kinh tế và xã hội mà cư dân
lưu vực phải gánh chịu. Thuỷ điện nay không còn là nguồn năng lượng rẻ so với
điện mặt trời. Chuyển sang nguồn năng lượng sạch từ mặt trời và gió đang là một
khuynh hướng toàn cầu – global trend.
Ngay cả với Trung Quốc được mệnh danh là “vua thuỷ điện” trong mấy thập niên
trước, thì nay cũng đang chuyển hướng mạnh mẽ sang nguồn năng lượng sạch tái
tạo từ mặt trời gần như vô tận. Trung
Quốc hiện đang dẫn đầu trong công nghệ sản xuất các tấm pin điện mặt trời / solar panel với giá thành rẻ nhất bán
ra khắp thế giới.
Thứ tám, Lào với các hồ chứa thuỷ điện sẵn có như hồ đập Nam Ngum,
Cambodia với Biển Hồ thiên nhiên, theo ước tính của KS Phạm Phan Long / Việt
Ecology Foundation, thì các dự án điện
mặt trời nổi / floating solar trên các hồ chứa sẽ là giải pháp rất khả thi
để thay thế những dự án thuỷ điện dòng chính như Pak Beng, Pak Lay, Luang
Prabang của Lào, hay cho các dự án Sambor, Stung Treng của Cambodia. Chuyển
hướng sang năng lượng mặt trời, theo Viện Nghiên cứu Natural Heritage Institute là giải pháp tránh cho dòng sông Mekong
bị thêm nghẽn mạch, cũng là bảo vệ một hệ sinh thái lành mạnh cho toàn lưu vực
sông Mekong. (3)
Thứ chín, lấy “bóng ma Trung
Quốc” ra hù doạ, đánh lạc hước dư luận chỉ để biện minh cho một quyết định
vô cùng sai trái và là một hình thức nguỵ biện nguy hiểm. Qua trận hạn hán thế
kỷ năm 2016, trước mắt 2020 sẽ là một trận hạn hán và ngập mặn khốc liệt hơn, cộng thêm nạn đất lún và sạt
lở mất đất… Trước một ĐBSCL ngày càng bị tổn thương nghiêm trọng và Việt Nam
chưa tìm ra được một chiến lược hữu hiệu để đối phó – thì hiển nhiên, con đập
Luang Prabang sẽ như một phát súng thi ân
– coup de grâce, do chính Nhà Nước Việt Nam bắn vào đầu nhân dân mình.
Thứ mười, trước con mắt thế giới, khi Nhà nước Việt Nam cho phép công
ty quốc doanh PetroVietnam Power Co. làm chủ đầu tư đập Luang Prabang là hoàn
toàn sai trái về nguyên tắc, mâu thuẫn về đường lối chính sách, nếu không muốn
nói là cả một sai lầm về chiến lược vì đi ngược với quyền lợi lâu dài của 70
triệu cư dân sống trong lưu vực sông Mekong, trong đó có sự sống còn của hơn 10
triệu dân Khmer sống quanh Biển Hồ và cả 20 triệu cư dân Việt Nam đang phải
sống vật vã trong những điều kiện nghiệt ngã nơi ĐBSCL không có ngày mai.
Thứ mười một, Bắc Lào là vùng động đất, bằng chứng là trận động đất
6.1 xảy ra ngày 21/11/2019 nơi tỉnh Xayaburi với rung chấn lan xa tới Hà Nội. Dự
án đập Luang Prabang nằm ngay trên vùng động đất đang hoạt động. Động đất có
thể gây vỡ đập; không chỉ với con đập Luang Prabang mà còn có nguy cơ một “thảm hoạ vỡ đập dây chuyền”. Trong bất
cứ tình huống nào thì Việt Nam sẽ bị thua thiệt nhất vì là quốc gia cuối nguồn.
(7)
Thứ mười hai, xây con đập Luang Prabang, Việt Nam phải gánh một
trách nhiệm phá huỷ đi cả một vùng sinh thái với cảnh trí núi non sông ngòi
tuyệt đẹp như giết chết “con gà đẻ trứng
vàng” trong kỹ nghệ du lịch đang là sức bật kinh tế của Lào, trong đó có cố
đô Luang Prabang với cả một chiều dầy lịch sử và đã được UNESCO công nhận là
Khu Di Sản Thế giới cần phải được bảo tồn.
THƯ GỬI 92 ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI 13 TỈNH MIỀN TÂY: (8)
(1) An
Giang: 1/ Hồ Thanh Bình, 2/ Nguyễn Mai Bộ, 3/
Chau Chắc, 4/ Nguyễn Văn Giàu, 5/ Nguyễn Lân Hiếu, 6/
Nguyễn Sĩ Lâm, 7/
Đôn Tuấn Phong, 8/
Phan Huỳnh Sơn, 9/ Mai Thị Ánh Tuyết, 10/
Võ Thị Ánh Xuân.
(2) Bạc
Liêu: 11/ Tạ Văn Hạ, 12/ Lê Minh Khải, 13/ Lại Xuân Môn, 14/ Trần Thị Hoa Ry, 15/ Nguyễn Huy Thái, 16/ Lê Tấn Tới.
(3) Bến
Tre: 17/ Trần Thị Thanh Lam, 18/ Lưu Bình Nhưỡng, 19/ Đặng Thuần Phong, 20/ Nguyễn Việt Thắng, 21/ Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, 22/ Cao Văn Trọng, 23/ Trần Dương Tuấn.
(4) Cà
Mau: 24/
Dương Thanh Bình, 25/ Bùi Ngọc Chương, 26/ Thái Trường Giang, 27/ Nguyễn Quốc Hận, 28/ Trương Minh Hoàng, 29/ Trương Thị Yến Linh,
30/ Lê Thanh Vân.
(5) Cần
Thơ: 31/ Trần Thanh Mẫn, 32/ Nguyễn
Thị Kim Ngân UVBCT, 33/
Trần Thị Vĩnh Nghi [TP
Cần Thơ], 34/ Nguyễn Thanh Phương, 35/ Nguyễn Văn Quyên, 36/ Trần Quốc Trung, 37/
Nguyễn Thanh Xuân [TP Cần Thơ].
(6) Đồng
Tháp: 38/ Ngô Hồng Chiêu, 39/ Trần Văn
Cường, 40/ Nguyễn Thị Mai Hoa, 41/ Phạm
Văn Hoà, 42/ Lê Minh Hoan, 43/ Trần Trí Quang, 44/ Lê Vĩnh Tân, 45/ Huỳnh
Minh Tuấn.
(7) Hậu
Giang: 46/ Phạm Hồng Phong, 47/ Phạm Thành Tâm, 48/ Huỳnh Thanh Tạo, 49/ Nguyễn Thanh Thuỷ, 50/ Đặng Thế Vinh.
(8) Kiên
Giang: 51/ Nguyễn Thị Kim Bé, 52/ Châu Quỳnh Giao, 53/ Bùi Đặng Dũng, 54/ Lê Thành Long, 55/ Nguyễn Văn Luật, 56/ Nguyễn Thanh Nghị, 57/ Hồ Văn Thái, 58/ Huệ Tín.
(9) Long
An: 59/ Nguyễn Tuấn Anh, 60/
Trương Hoà Bình UVBCT, 61/ Phan Thị Mỹ Dung, 62/ Lê Công Đỉnh, 63/ Trương Phi Hùng, 64/ Hoàng Văn
Liên, 65/ Trương Văn Nọ, 66/ Đặng Hoàng Tuấn.
(10)
Sóc Trăng: 67/ Hồ Thị Cẩm Đào, 68/ Thượng Toạ Lý Minh Đức, 69/ Nguyễn Đức Kiên, 70/ Nguyễn Văn Thế, 71/ Hoàng Thanh Tùng, 72/
Tô Ái Vang.
(11)
Tiền Giang: 73/ Võ Văn Bình, 74/ Nguyễn Thanh Hải, 75/ Nguyễn Hoàng Mai, 76/ Nguyễn Trọng Nghĩa, 77/ Nguyễn
Minh Sơn, 78/ Tạ Minh Tâm, 79/ Lê Quang Trí, 80/ Nguyễn Kim Tuyến.
(12)
Trà Vinh: 81/
Thạch Phước Bình, 82/ Ngô Chí Cường, 83/ Tăng Thị Ngọc Mai, 84/ Hứa Văn Nghĩa, 85/ Nguyễn Thiện Nhân UVBCT, 86/ Trần Thị
Huyền Trân.
(13)
Vĩnh Long: 87/
Lưu Thành Công, 88/ Trần Văn Rón, 89/ Phạm Tất Thắng,
90/ Nguyễn Thị Quyên Thanh, 91/ Đặng Thị Ngọc Thịnh, 92/ Nguyễn Thị Minh Trang.
Cần phải làm gì? Cần một phiên
họp khoáng đại – plenary session của
Quốc hội với ban lãnh đạo PetroVietnam Power Co. ra điều trần: mọi lý lẽ Pros
& Cons của Dự án thuỷ điện Luang Prabang sẽ được nêu ra và thảo luận. Và chính
Quốc Hội sẽ có khuyến cáo PetroVietnam Power Co. về quyết định đầu tư 38% bằng
tiền thuế của người dân trong dự án 2.7 tỷ USD với Lào.
Hình 4_ :
ĐBSCL 13 Tỉnh Miền Tây, sau 2 con đập dòng chính của Lào: Xayaburi và Don
Sahong; Luang Prabang sẽ là con đập thứ ba lớn nhất của Lào do công ty quốc
doanh PetroVietnam là chủ đầu tư. Cũng để thấy rằng một Việt Nam không chỉ đang
là nạn nhân nhưng cũng là một tòng phạm trong cái chết của Đồng Bằng Sông Cửu
Long. Phải: Tranh của hoạ sĩ biếm hoạ Babui.
Ý kiến của người viết,
Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện đang chịu rất nhiều tổn thương do các nguyên nhân:
từ chuỗi đập thượng nguồn, do biến đổi khí hậu, và cả những kế hoạch phát triển
không bền vững. Nay nếu có thêm con đập dòng chính Luang Prabang lớn nhất trên
lãnh thổ Lào lại do PetroVietnam Power Co. là chủ đầu tư, con đập ấy sẽ có tác
dụng huỷ hoại mau chóng hơn cả một hệ sinh thái ĐBSCL vốn đã mong manh, với cái
giá kinh tế và xã hội rất cao mà 20 triệu dân 13 tỉnh Miền Tây – mà quý vị Đại
biểu Quốc hội là đại diện – họ sẽ phải gánh trả, với ảnh hưởng trực tiếp trên
trên luống cày, trên từng ngụm nước uống, và cả trên chén cơm tô cá của họ.
Việt Nam cần hủy
ngay đầu tư dự
án Luang Prabang và với tất cả quyền lực mềm – soft power: về chính trị, ngoại giao, kinh tế… [cũng cần mở thêm một dấu ngoặc:
ảnh hưởng của đảng Cộng sản Việt Nam trên đảng Cộng sản Lào có một sức đối
trọng rất đáng kể]. Việt Nam cần mạnh mẽ vận động
ngưng ngay tất cả các con đập dòng chính trên sông Mekong của Lào, đó là một thách đố cũng là cơ hội có tính
cách lịch sử, là tiếng nói của lương tri và là điều mà quý vị và cả Quốc Hội cần làm ngay và phải làm.
Với giải pháp Năng Lượng Tái Tạo, từ mặt trời và gió có khả năng từng bước thay thế thủy điện, thì PetroVietnam
Power Co. có thể chuyển hướng đầu tư từ thuỷ điện sang năng lượng mặt trời, đó
không những là “thuận thiên” – nói theo
ngôn từ của TT Nguyễn Xuân Phúc, mà là đi đúng theo bước tiến của thời đại với
cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà.”
Với một định chế chính
trị như hiện nay, thì sẽ không phải là Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam,
mà phải là quyết tâm trước nhất từ quý vị lên tới
Bộ Chính Trị Hà Nội và Chính phủ, không
phải chỉ để cứu ĐBSCL mà là với tầm nhìn chiến lược vùng, buộc MRC thể hiện
nghĩa vụ quốc tế đúng theo tinh thần Thoả
ước Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông
Mekong 1995 và bảo vệ con sông Mekong như mạch sống cho 70
triệu cư dân trong toàn lưu vực, và cả bảo vệ an ninh lương thực cho Việt Nam
và thế giới.
NGÔ THẾ VINH
Carlsbad Desalination Plant,
California, January 14, 2020
gần nơi xây
đập Luang Prabang. [nguồn: tư liệu Ntv]
THAM KHẢO:
1/ Laos’ Luang Prabang Dam Could Begin Construction in 2020, Ahead of Schedule, RFA 2019-12-30, https://www.rfa.org/english/news/laos/dam-thailand-12302019141418.html
2/ Did Vietnam Just Doom the Mekong? By Tom Fawthrop, Nov 26, 2019, https://thediplomat.com/2019/11/did-vietnam-just-doom-the-mekong/
3/ Can Nam Ngum solar replace Mekong hydro in Laos? Pham Phan Long P.E, Nov 1, 2019 http://vietecology.org/Article/Article/1343
4/ Vietnam Utility Dares Mekong Devastation. David Brown, AsiaSentinel Dec 22, 2019 https://www.asiasentinel.com/society/vietnam-utility-mekong-devastation/
5/ Với Dự án Luang Prabang từ 2007 Việt Nam đã quy hàng chiến lược thuỷ điện của Lào. Ngô Thế Vinh. Oct 10, 2019 http://vietecology.org/Article/Article/1341
6/ Lào lấn tới với thuỷ điện Luang Prabang và ứng phó cho Việt Nam. RFA phỏng vấn Bs Ngô Thế Vinh. Nov 11, 2019, http://vietecology.org/Article/Article/1345
7/ Thuỷ Điện Luang Prabang Trên Vùng Động Đất
Bắc Lào. Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Foundation, 25.11.2019
8/ Danh sách 494 Đại biểu Quốc hội Khoá XIV Nhiệm kỳ 2016-2021. TTXVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.