samedi 18 janvier 2020

Ngô Nhân Dụng - Nước Tàu từng cấm vận nước khác




Nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua gặp khó khăn vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong hình, một gian hàng bán lạp xưởng tại một chợ ở Bắc Kinh hôm 15 Tháng Giêng, 2020. (Hình: Nicolas Asfouri/AFP via Getty Images)

(Người Việt 17/01/2020) Trong thỏa hiệp “hưu chiến” với Mỹ vừa ký, Trung Cộng đã hứa sẽ làm thêm luật lệ mới để không cho các công ty của họ ép buộc các công ty Mỹ phải cho biết các kỹ thuật tân tiến, gọi là sản phẩm tri thức vì do những công trình nghiên cứu bằng đầu óc mới có.

Không biết Trung Cộng có giữ lời hứa hay không; và các công ty Mỹ có dám kiện cáo nếu họ bị ép buộc hay không! Nếu kiện, rồi sau đó bị làm khó dễ, bị chèn ép trong các lãnh vực khác thì có đáng kiện hay không?

Nước Tàu còn chậm tiến hơn các nước khác vì chưa có những “sản phẩm tri thức” mà những nước Âu Mỹ đã tốn hàng tỉ đô la và nhiều thập niên mới có. Muốn đuổi kịp người ta mà không tốn kém, một cách giản dị nhất là “ăn cắp.” Nhiều sinh viên và giáo sư Trung Quốc đã bị truy tố, trục xuất vì bị bắt quả tang đang ăn cắp các kỹ thuật mới của Mỹ và Âu Châu!

Nhưng chính phủ Mỹ không thể bắt buộc các công ty Mỹ không được chia sẻ các sản phẩm tri thức của họ với nước khác. Đó là chuyện làm ăn, tự do, thuận mua, vừa bán!

Chính phủ Mỹ cũng không “cấm vận kinh tế” với Trung Quốc, sau khi tái lập bang giao. Gần đây họ chỉ cấm bán một số hàng vì lý do an ninh, và đánh thuế nhập cảng cao hơn để được công bằng.

Cấm vận là một đòn kinh tế các nước tư bản đã dùng để ngăn ngừa Cộng Sản lan tràn. Vì thế kinh tế Liên Xô đã sụp đổ và Trung Cộng phải chấp nhận tư bản hóa.

Nhưng trong lịch sử chính các “Con Trời” ở bên Tàu đã từng dùng món võ kinh tế này, cấm vận các nước khác, trong đó có Việt Nam!

Việt Nam Sử Lược viết, vào đời nhà Hán, khi nước ta còn nằm trong nước Nam Việt của Triệu Đà, “Năm Mậu Ngọ (183 trước Tây Lịch)… Lữ Hậu… cấm không cho người Hán buôn bán những đồ vàng, đồ sắt và những đồ điền khí với người Nam Việt.” Lý do là Triệu Đà xưng Triệu Vũ Đế, coi mình cũng là “đế,” ngang hàng với Huệ Đế nhà Hán.

Thời đó, miền Bắc Trung Quốc phát triển hơn các nước phía Nam về khai mỏ và luyện kim. Cấm bán đồ bằng kim loại cho Nam Việt sẽ khiến quân sĩ thiếu vũ khí; không bán cày, cuốc, sẽ làm nông nghiệp nước Nam Việt yếu hơn. Cho nên Triệu Đà chịu thua, chấp nhận chỉ xưng Triệu Vũ Vương, sau khi sứ giả nhà Hán dọa sẽ bắt giết thân thích và đào mồ mả tổ tiên của ông ta ở Chân Định, thuộc nước Tàu.

Nhưng Tập Cận Bình bây giờ có thể noi gương họ Triệu. Cứ hứa đại đi, còn thi hành hay không là chuyện khác! Trong ngôi mộ của Triệu Văn Vương, cháu nội Triệu Đà, mới được khám phá và khai quật đầu thập niên 1980, người ta thấy con ấn viết “Văn Đế Hành Tỉ!” Tức là họ Triệu vẫn tự xưng là Đế. Tôi đã đến thăm ngôi mộ đó ba lần, nay là một viện bảo tàng ở Quảng Châu. Điều đặc biệt là trong cả ngôi mộ không thấy chữ Hán, ngoài con dấu “hành tỉ,” cho thấy dân Nam Việt chưa dùng chữ Hán.

Sau khi Triệu Đà chịu bỏ đế hiệu, lệnh cấm vận được bãi bỏ! Nhưng một vụ cấm vận khác các hoàng đế Trung Hoa áp dụng trên các nước Trung Á thì được kéo dài cả ngàn năm. Từ đời Hán, hai thế kỷ trước Tây Lịch, họ đã cấm bán trứng con tằm và cây dâu cho tất cả các nước, để chiếm độc quyền sản xuất lụa!

Con Đường Tơ Lụa bắt đầu Tràng An, Xian bây giờ, đi tới Đôn Hoàng thì tách làm hai nhánh, lên Bắc, xuống Nam, rồi gặp nhau tại một điểm gần nước Tajikistan, thành phố Kashgar, gọi theo tiếng Uyghur, người Trung Hoa đặt tên là Khách Thập (喀什). Các nhà buôn mua hàng từ Trung Quốc, như đồ sứ, ngọc châu và đá quý, lụa, đem bán sang vùng Trung Đông rồi đưa qua tới Âu Châu. Trên con đường đó, các luồng gió tư tưởng từ phương Tây cũng được truyền tới Trung Quốc, như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo (Nestorians, Cảnh Giáo) và Hồi Giáo.

Lụa là món hàng “nóng” nhất nên con đường mang tên Lụa. Thương gia trong các nước vùng Trung Á đã chuyền tay nhau, mua lụa từ nước Tàu đưa qua phương Tây. Ít nhất từ thế kỷ thứ tư trước Tây Lịch, thời Đại Đế Alexander kéo quân tới Ấn Độ và Trung Á, người Hy Lạp và La Mã đã mua lụa nhập cảng từ Trung Quốc.

Lụa dệt bằng tơ tằm, do con tằm nhả ra để kết thành cái kén chung quanh thân mình. Ở trong đó con tằm, một thứ sâu, đã dần dần biến hình thành “nhộng” và con nhộng mọc cánh biến thành con “ngài.” Đến lúc con ngài sẽ cắn, xé cái kén để chui ra, rồi đẻ ra trứng. Một con ngài có thể sinh sản hàng chục ngàn cái trứng, trứng sẽ nở ra thế hệ tằm mới. Thức ăn loài tằm thích nhất là lá dâu; ăn lá dâu tằm sẽ lớn rất mau. Đó cũng là một “khám phá” giúp người Tàu có thể sản xuất rất nhiều thế hệ tằm để nhả tơ.

Ba ngàn năm trước, người Trung Hoa cũng “khám phá” ra rằng, nếu đem luộc những cái kén thì có thể rút lấy các sợi tơ tằm, rồi dùng tơ dệt thành lụa! Họ độc quyền sản xuất một món hàng xa xỉ trong thương mại quốc tế trong hai ngàn năm.

Cho nên các hoàng đế Trung Hoa đã cấm không được bán tằm, trứng tằm, cây dâu hoặc hạt cây dâu ra nước ngoài. Họ không muốn nước khác biết bí mật của nghề sản xuất lụa. Có thể coi “bí mật” đó là một thứ “sản phẩm tri thức!”

Trong suốt lịch sử nước ta, nhiều vị sứ giả Việt Nam khi sang Tàu đã tìm cách học những nghề mà người Việt chưa biết; hoặc bí mật đem về hạt giống các nông sản chúng ta chưa có. Sứ giả nhiều nước khác cũng thi thố hành động “ăn cắp” này, có thể mất mạng, chỉ vì lòng yêu nước!

Vụ “ăn cắp” lớn nhất có lẽ là ăn cắp trứng tằm và hạt giống cây dâu, phá vỡ độc quyền chế tạo lụa của các chú Con Trời!

Câu chuyện này được thuật lại trong “Đại Đường Tây Vực Ký” của Huyền Trang, vị sư đã đi từ Tràng An qua tới Ấn Độ, rồi trở về đem theo các bản kinh Phật để dịch sang chữ Hán. Chuyến đi, về của Huyền Trang kéo dài 17 năm, vào thế kỷ thứ 7. Nhiều bản dịch của Huyền Trang bây giờ vẫn còn được người Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, và Hàn Quốc tụng đọc, như bài Bát Nhã Tâm Kinh. Huyền Trang đi qua Khotan, trên đường Tơ Lụa phía Nam, khác với lộ trình chuyến đi mạn Bắc để qua Ấn Độ.

Huyền Trang thuật chuyện vụ “ăn cắp dâu và tằm” ngài nghe kể trên đường đi, mà các sử gia sau này cũng công nhận là đáng tin. Theo “Tây Vực Ký” thì người dân một vương quốc ở vùng Khotan, đã biết tơ lụa là do một giống sâu, con tằm, nhả ra, và loài sâu này ăn lá dâu. Nhưng vị hoàng đế “Đông Quốc,” tức nhà Hán, đã cấm không được mang hai thứ của báu ra khỏi biên giới.

Vương quốc Khotan nằm ở đoạn giữa con đường tơ lụa phía Nam, chỉ cách Ngọc Môn Quan hơn 1,000 km. Họ muốn sản xuất lụa, một món hàng đắt giá, nhưng không có tằm và cây dâu! Muốn mua tằm và cây dâu thì bị cấm vận! Tất nhiên, đã có nhiều người tìm cách lén đem trứng tằm và hạt giống cây dâu ra khỏi nước Tàu, nhưng chưa ai toàn mạng!

Một vị vua nước Khotan đã nghĩ ra diệu kế: Cưới vợ!

Ông vua này xin hoàng đế “Đông Quốc” gả cho một công chúa, để phong hoàng hậu, và được chấp thuận. Vị sứ giả đi đón cô dâu có nhiệm vụ ăn cắp trứng tằm và hạt cây dâu.

Ông ta dùng chiến tranh tâm lý. Ông ca ngợi tấm áo lụa của cô công chúa, rồi than rằng mai mốt cô sẽ không còn áo lụa mà mặc nữa. Vì ở nước ông không có tằm, không có cây dâu.

Sau cùng, ông bày mưu cho cô công chúa hãy đem hạt giống cây dâu và trứng tằm theo, giấu ngay trong bộ tóc dầy và đẹp của cô. Khi qua cửa ải, không ai dám bắt phá bộ tóc chải chuốt tuyệt đẹp của công chúa để khám xét.

Khi lên ngôi hoàng hậu, cô công chúa Tàu được nhà vua cấp cho một cung điện chỉ để nuôi tằm và trồng dâu. Thế là dân Khotan có nghề sản xuất lụa! Huyền Trang kể rằng ngài đã trông thấy tận mắt những gốc cây dâu già cỗi, là con cháu của những cây dâu mà bà hoàng hậu đã trồng!

Huyền Trang đã phải dừng chân ở Khotan bảy tháng, trước khi trở về nước, đợi lệnh của Đường Thái Tông ân xá cho tội “xuất cảnh bất hợp pháp.” Có lẽ nhờ ở lâu thế nên ngài được nghe nhiều chuyện đời xưa! Bây giờ, trải qua bao triều đại, vương quốc này đã bị nhập vào nước Tàu, thành phố Khotan vẫn còn, nằm trong tỉnh Tân Cương.

Vị sứ giả nước Khotan chắc đã được trọng dãi, ít nhất được phép mang về một cô vợ Tàu! Không biết ông Tập Cận Bình thưởng cho các sinh viên và giáo sư đi ăn cắp các sản phẩm trí tuệ những món gì!

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.