vendredi 17 janvier 2020

Dương Quốc Chính - Có nên chửi tổng thống Mỹ ?


Gần đây có phong trào một số anh em dân chủ người Việt (sống ở Việt Nam) chửi tổng thống Mỹ rất ác liệt. Đương nhiên có một số anh em khác, Việt kiều Mỹ, cũng chửi, có thể hai nhóm hợp tác với nhau để đồng thanh.

Mình thấy về quyền tự do ngôn luận, thì là bình thường, thích thì chửi thôi, cứ có lý do là được. Nhưng để làm gì?

Với Việt kiều Mỹ, họ có nhiều lý do để chửi hơn, họ có quyền đó và việc chửi tổng thống còn là trách nhiệm của dân Mỹ ! Đó là để tránh tổng thống lạm quyền. Hơn nữa, việc họ chửi tổng thống hay vận động người khác chửi tổng thống sẽ có ý nghĩa và kết quả nhất định. Bởi vì họ được bầu tổng thống (đại cử tri) và quốc hội. Tiếng nói của họ có giá trị nhất định và vì quyền lợi của họ gắn chặt với việc đảng nào, tổng thống nào nắm quyền ở Mỹ.

Còn ở Việt Nam, anh em bò đỏ, dư luận viên chửi tổng thống Mỹ là chuyện quá thường. "Ngu xuẩn nhất nhì, là tổng thống Mỹ" là câu của cậu bé Trần Đăng Khoa chửi tổng thống Mỹ từ 197x. Bởi vì Mỹ là thế lực thù địch mà.

Nhưng anh em dân chủ ở Việt Nam cũng chửi tổng thống Mỹ, để làm gì? Xin thưa là vô ích. Bởi vì anh em chửi chả có ảnh hưởng gì đến lông chân của tổng thống Mỹ, vì anh em có được bầu cử tổng thống Mỹ đâu? Thậm chí, việc đó lại còn có hại cho phong trào dân chủ.

Quan điểm của mình là tổng thống Mỹ nào thì cũng không nên chửi. Chỉ nên lựa theo ông ta mà tận dụng sự giúp đỡ, ủng hộ, tức là gió chiều nào thì che chiều ấy, nhạc nào cũng nhảy. Bạn nghĩ sao khi hàng ngày bạn leo lẻo chửi tổng thống Mỹ, rồi đến khi bạn bị bắt bớ bạn lại kêu gào xin sứ quán Mỹ can thiệp! Có kỳ cục quá không?

Mỹ có mấy nước đồng minh rất khôn ngoan, là Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Israel. Với tổng thống Mỹ nào, thuộc đảng nào, thì họ vẫn là đồng minh tốt, nên luôn được ủng hộ từ chính phủ Mỹ.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm đang bị luận tội, nhưng chắc không thành công. Một số anh em dân chủ Việt Nam hỉ hả, nhưng để làm gì?

Trong một động thái có liên quan khác, đại sứ quán Mỹ vừa liên hệ với một người hoạt động, đưa tin về Đồng Tâm, khi anh này bị công an làm khó.

Tương tự vậy, hôm qua, EU đã đề nghị gặp Bộ Công an vì quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Đồng Tâm. Được biết, hiện nay hiệp định thương mại EVFTA đang chuẩn bị được Quốc hội hai bên phê chuẩn .Tức là Việt Nam đã thò được một chân vào cánh cửa về thương mại của EU, chuẩn bị bước nốt chân còn lại, sau nỗ lực rất lớn của Bộ Công thương và Ngoại giao. Nhưng sự kiện Đồng Tâm lại xảy ra đúng thời điểm nhạy cảm này.

Chính phủ Việt Nam rất kỳ vọng vào hiệp định thương mại này, coi đây là cái phao cứu sinh khi Việt Nam bị tuột khỏi một hiệp định khác tương tự với Mỹ (bị hủy bỏ do tổng thống Trump chống toàn cầu hóa). Có lẽ đây là nguyên nhân sâu xa khiến một nhóm đấu tranh ở Việt Nam căm ghét Trump, vì nếu hiệp định đó được ký thì họ hy vọng sẽ có thúc đẩy nhân quyền từ phía Mỹ dưới sức ép của hiệp định.

Nhưng có một động thái khác đáng chú ý, đó là nhà hoạt động Trần Thị Nga đã được Việt Nam thả tự do và trục xuất sang Mỹ đúng vào ngày 10/1, sau nỗ lực đấu tranh của phía...Mỹ ! Sứ quán Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh hành động này của phía Việt Nam vào ngày 14/1.

Xâu chuỗi lại, thông điệp của những động thái trên là gì?

Đó là Bộ Công an đang rất lo ngại về vấn đề nhân quyền trong vụ Đồng Tâm. Vì thế, ngày 10/1, đúng ngày khởi tố vụ án Đồng Tâm, họ đã phóng thích và trục xuất Trần Thị Nga (tin này chìm nghỉm vì vụ Đồng Tâm), để lấy điểm về nhân quyền! Nhưng có lẽ hành động đó không đủ khỏa lấp được khủng hoảng truyền thông vụ Đồng Tâm. Tuy sứ quán Mỹ đã "lấy làm cảm kích" vào ngày 14/1, nhưng hôm nay họ tiếp tục tỏ ra tiếp tục quan ngại về vụ Đồng Tâm và chắc chắn sẽ can thiệp sâu hơn vào những ngày tới.

Nhưng hiện tại, tiếng nói của Mỹ không mạnh bằng EU về vấn đề nhân quyền. Đó là do EU nắm cửa trên về hiệp định thương mại EVFTA, mà hiệp định này có điều khoản về nhân quyền như một sự ràng buộc. Nếu vấn đề này không được cải thiện, như đánh giá của Tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc, thì nó đứng trước nguy cơ không được phía EU phê chuẩn. 

Đây là vấn đề rất nghiêm trọng với Việt Nam, vì chính phủ Việt Nam kỳ vọng quá nhiều vào hiệp định thương mại này. Điều đó đẩy Bộ Công an vào thế rất căng thẳng, có lẽ nặng hơn vụ Trịnh Xuân Thanh đùng đùng về đầu thú, khiến nước Đức nổi khùng!

Một động thái tiếp theo đáp lại những quan ngại, đó chính là việc VTV (có lẽ) đã được lệnh ngừng tuyên truyền về Đồng Tâm lên sóng thời sự, sau mấy ngày liên tục. Mình hóng thời sự 19h ngày hôm nay mà không thấy!

Được biết, một số nhà hoạt động dân chủ có liên quan đến vụ Đồng Tâm tuyên bố sẵn sàng...bị bắt! Nhưng với những phân tích trên, có lẽ không ai được thỏa mãn cả! Mình tin lãnh đạo Bộ Công an thừa hiểu điều đó có hệ lụy gì.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Rất khó đoán định, nhưng EVFTA có thể bị đình hoãn để chờ kết quả vụ xử nhóm Đồng Thuận. Nếu mức án quá nặng, thì rủi ro sẽ cao cho việc phê chuẩn hiệp định, nhưng án nhẹ thì lại sợ dân nhờn! Biết đâu, một vài nhân vật đấu tranh khác lại được thả, như một nỗ lực "sửa sai". Ví dụ như Trần Huỳnh Duy Thức hay Phạm Chí Dũng?

Tóm lại, anh em dân chủ cần thấy là, đôi khi vận mệnh các bạn lại được dùng để mặc cả bởi các cường quốc và chính quyền. Chính quyền không e ngại các bạn bằng e ngại sự can thiệp quốc tế.

Vậy tại sao các bạn lại chửi tổng thống Mỹ?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.